Duy Văn - Hà Đình Huy
Sau bài viết của nhà văn Nguyễn Thụy Long “ Vĩnh Biệt Ôâng Khai Trí” . Nhiều văn nghệ sĩ cũng như giới cầm bút trong và ngoài nước đã có những bài viết cảm nghĩ về cuộc đời của bác Khai Trí.Trong số người nói lên những cảm nghĩ đó, có người hiện đang là những viên chức thuộc ngành văn hóa của chế độ hiện tại.

Việc bác Khai Trí mất để lại cho giới cầm bút và những nhà làm văn học miền Nam nói riêng và cả nước nói chung một sự thương tiếc vô bờ. Nhiều viên chức văn hóa của chế độ hiện tại hiểu chuyện về tấm gương cao cả của bác một đời chỉ vì sách cho văn hóa dân tộc đã đến chia buồn cùng tang quyến và đã ghi vào sổ tang lưu niệm. Cũng có người bày tỏ tình cảm của mình qua các diễn đàn hoặc trên các mặt báo. Với cảm nghĩ riêng tư nhiều người đã phê bình thẳng thắn chế độ hiện tại về việc tịch thu nhà sách của bác Khai Trí với những giọng châm biếm chua chát : “Chỉ có bán sách mà bị tịch thu gia sản, đi cải tạo .30 năm rồi mà vẫn chưa chịu trả lại cho người ta. Chuyện nhỏ như vậy không làm được thì kêu xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải để làm gì.” (H4H) “ Nghe tin ông chủ Khai Trí mất. Buồn! Còn nhớ ( nếu trí óc voi còn tí ti!) Năm 1963, sau ngày “ cách mạng” 1-11-1963, nhà sách của ông bị đốt! Và sau ngày đổi đời 30-4 – 75 nhà sách của ông lại thêm một lần được …đốt! Chữ nghĩa bị đốt hai lần ! Chả trách bây giờ thiên hạ dùng chữ …..nghe tủi quá! “ Văn” với “ hóa” !! Chả trách…..văn thì ….ngọng! Hóa thì …..chỉ có “ ra …tro”! Đúng là….hát ra trò!!! Voi xin vái lạy hai chữ “ cách mạng” dù “ cách mạng” thời xưa hay thời nay cũng đều là ……” cách cái …..mạng” !!! hm…(Alien) . “ Xin được nghiêng mình kính tiễn ông Khai Trí. Cảm ơn Sàigòn đã cho tôi những khoảng thời đẹp . Sàigòn một quãng đời ấu thơ, lúc tôi còn được nuôi dưỡng bằng những cái hay, cái đẹp với những quyển sách hay trong nhà sách Khai Trí” .
“ Nói đến nhà sách Khai Trí là nhắc nhớ đến một thời đi học , một thời lang thang phố thị , để gió nghịch tà áo dài, để nắng đùa lên mái tóc, thả bộ từ chợ Bến Thành đến nhà sách.
Đến nhà sách, đôi khi không để làm gì, chỉ ngó những quyển sách được sắp xếp trên kệ ngăn nắp, nhìn những bìa sách vừa khô mảng mực, được ngửi mùi giấy mới. Đã đủ vui.
Học trò để dành tiền mua sách đọc. Sách đây được kể từ những quyển truyện tình cảm nhẹ nhàng Duyên Anh, Đinh Tuyến Luyện, Từ Kế Tường, dần dần lên sách dịch, giỏi hơn chút nữa lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam. Đọc dần sang triết hiện sinh, triết đông triết tây, có những quyển nghe các anh nói cũng mua về làm dáng cho oai, chẳng hiểu gì cả. Phạm Công Thiện, Dương Nghiễm Mậu một ông viết trên trời một ông viết dưới đất. Cũng đọc.
Thay vì ăn bò bía, đậu đỏ bánh lọt, tiền vào nhà sách khai trí. Đến bây giờ nghĩ lại,mới biết hy sinh bò bía đậu đỏ bánh lọt cũng có cái lý của nó. Có những điều đã đọc lâu quá nên quên, nhớ nhập nhằng đọan này vào khúc nọ, nhưng ý tình đã thấm vào máu nên chẳng mất đi đâu.
Nghe nhắc đến Sàigòn , nghe nhắc đến Tài Nam , Kim Châu, Cháo cá chợ cũ , mường tượng những hình ảnh xưa cũ , màu tường vàng nhạt, cổng rêu phong bám, con đường vòm lá me xanh. Nhớ đến nụ cười xưa cũ, nụ cười lịch sự cúi chào, áo sơ mi trắng , quần tây xanh dương.
Nghe tin Sàigòn bây giờ, tiến bộ vượt bực, vũ trường nhiều hơn trường học , tuổi trẻ đốt cháy tuổi xuân, chợt nhớ Sàigòn xưa cũng xóm nhà ổ chuột, cũng nhà nghèo thiếu ăn, cũng gái giang hồ nhạt phấn, nhưng chắc một điều, nhà ổ chuột , nhà nghèo thiếu ăn, gái giang hồ nhạt phấn cũng có thể tìm vào nhà sách Khai Trí . Ngoi lên. ( Ngô Đồng)

Chúng tôi, những người hậu sinh nhưng hiểu nỗi tâm trạng của bác . Chúng tôi thành thật cầu nguyện cho linh hồn bác được an lạc nơi cõi vĩnh hằng và hy vọng những năm tới đây, những tài sản của người dân bị nhà nước cộng sản tịch thu trái phép sẽ được trả lại cho một cách công bằng cho người dân . Và nhà sách Khai Trí là một trong những tài sản sẽ trả lại cho người thân của bác một cách đoàng hòang trong hệ thống luật định mới.
Duy Văn - Hà Đình Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét