Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THÍCH ĐƯỢC KHEN

 

 BM

Cụm từ “101 manieren om een kind te prijzen" (101 cách khen ngợi một đứa trẻ) được in trên áp phích giáo dục ở Hà Lan, với những lời khen được gợi ý như “con làm giỏi lắm” hay “tốt lắm”.


Thông điệp của người viết có vẻ vô hại, thậm chí có ích. Nhưng Eddie Brummelman, phó giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Amsterdam, coi đây là lời khen ngợi quá mức.


Và nghiên cứu của ông cho thấy rằng khen ngợi quá đà thực sự có thể khiến người ta càng tự ti hơn, ngay cả khi mục đích khen là để nâng cao sự tự tin.


Không chỉ những lời tâng bốc mới có thể gây khó chịu. Một phụ nữ Đức gạt đi lời khen của đồng nghiệp về ngoại hình của cô, hoặc một chàng trai Nhật Bản trả lời "Không, không" khi người thân nói anh ta tài năng, một số trường hợp phản ứng như vậy có thể bị coi là vô ơn.


Thật vậy, trên mạng có rất nhiều lời khuyên để bạn đón nhận những lời khen ngợi một cách tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý học cho thấy, việc hạ thấp những lời khen không nhất thiết là một điều sai trái.


Đây là tin tốt cho nhiều người cảm thấy “đứng hình” khi nhận được một lời khen, sau đó tự trách mình vì lúc đó đã phản ứng dường như không thỏa đáng.


Những lời khen ngợi rập khuôn


BM

Một lý do khiến bạn không cần phải lúc nào cũng học cách trở thành người nhận lời khen tốt hơn là vì một số lời khen vô tình mang tính xúc phạm. Khi người Mỹ da màu được nhận xét là "ăn nói lưu loát" hoặc người châu Á sinh ra ở Mỹ được khen vì khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của họ, lời khen đó bộc lộ thiên kiến của người nói: trong trường hợp này, họ ngạc nhiên khi một nhóm người thiểu số lại có thể ăn nói tốt.


Những lời khen ngợi trịch thượng dựa trên đặc điểm của một nhóm người (chẳng hạn như: "Bạn đã thể hiện khả năng lãnh đạo” khi khen một phụ nữ) có thể dẫn đến sự tức giận và mong muốn đối đầu.


Thông thường thì những lời khen tuân theo các chuẩn mực giới tính, nhưng những lời khen không phù hợp có thể tạo ra khuôn mẫu. Quấy rối tình dục có thể được ngụy trang dưới dạng khen ngợi, điều này thường đặt gánh nặng lên vai phụ nữ là phải chấp nhận hành vi quấy rối một cách lịch sự, thay vì nam giới không được quấy rối và coi phụ nữ như đồ vật.


"Các bằng chứng tâm lý cho thấy những lời khen về ngoại hình có thể khiến phụ nữ mệt mỏi."


Nhìn chung, phụ nữ nhận được nhiều lời khen hơn nam giới. Khi đàn ông được khen ngợi thì chủ yếu là dựa vào khả năng của họ, trong khi những lời khen dựa trên ngoại hình lại phổ biến hơn đối với phụ nữ. Và những lời khen này có tác dụng rõ rệt.


“Những lời khen về ngoại hình dẫn đến sự tập trung vào ngoại hình và theo dõi cơ thể,” Rotem Kahalon, trợ lý giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat-Gan, Israel, cho biết.


Nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy rằng những từ ngữ đề cập đến ngoại hình, bao gồm cả những lời khen tập trung vào cơ thể, được não xử lý nhanh chóng và chính xác hơn những từ ít liên quan đến ngoại hình, chẳng hạn như "thân thiện".


Một hậu quả tiềm tàng thực sự là lời khen làm chậm suy nghĩ của người được khen. Bà Kahalon là đồng tác giả một nghiên cứu trên các sinh viên đại học Israel, phát hiện ra rằng cả sinh viên nam và nữ khi nhận được những lời khen về ngoại hình sau đó đều làm bài kiểm tra toán kém hơn nhiều.


Mặc dù những lời khen ấy có thể mang lại cảm giác dễ chịu nhưng bà Kahalon giải thích điều này có nghĩa là việc được khen có thể tạo ra cảm giác mất tập trung và làm suy yếu hiệu suất nhận thức. “Cơ chế này là một trạng thái tinh thần suy giảm về mặt nhận thức,” chuyên gia này nói.


BM

Có những bằng chứng tâm lý khác cho thấy những lời khen dựa trên ngoại hình có thể đặc biệt khiến phụ nữ thấy mệt mỏi. Trong một nghiên cứu đối với các sinh viên Ý mô phỏng một cuộc phỏng vấn xin việc, những lời khen không phù hợp làm tăng mức độ lo âu và trầm cảm ở phụ nữ, mặc dù ở nam giới thì không. Đồng thời, phụ nữ ở nhiều nền văn hóa được kỳ vọng vừa phải khiêm tốn vừa phải thu hút, tạo ra căng thẳng về cách đáp lại những lời khen ngợi.


Nhìn chung, "những lời khen ngợi về ngoại hình càng làm tăng vai trò truyền thống của phụ nữ là những đối tượng tình dục mà ngoại hình của họ thường xuyên bị kiểm soát," theo bà Kahalon.


Mặc dù khen ngợi ngoại hình của phụ nữ có vẻ là trong sáng và thậm chí tích cực, nhưng "cũng nhằm duy trì hiện trạng giới tính, trong đó phụ nữ được đánh giá dựa trên ngoại hình của họ," bà nhận định.


Đáp lại lời khen


BM

Trong khi nghiên cứu về phản ứng với lời khen được thực hiện chủ yếu ở các xã hội "WEIRD" (viết tắt của Western - phương Tây, Educated - có giáo dục, Industrialised - công nghiệp hóa, Rich - giàu có và Democratic - dân chủ) và sinh viên ở đây có xu hướng được đại diện quá mức với tư cách là người tham gia nghiên cứu, thì các nghiên cứu đa văn hóa cho thấy rằng không có một mẫu số chung trên toàn cầu cho các phản ứng đáp lại lời khen ngợi.


Có một điều, ở một số xã hội, những lời khen ngợi không được nhìn nhận một cách tích cực. Ví dụ, những lời khen ngợi có thể bị coi là mang tính đe dọa trong những cộng đồng có niềm tin mạnh mẽ vào sự đố kỵ và phép thuật phù thủy.


Ngay cả trong những xã hội mà phần lớn những lời khen được coi là tích cực, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận các mức độ chấp nhận khác nhau (thường được biểu hiện đơn giản bằng cách nói "cảm ơn"). Một nghiên cứu đối với những người nói tiếng Anh ở Nigeria cho thấy 94% lời khen về họ đã được chấp nhận, so với 88% trong một nghiên cứu đối với người Nam Phi, 66% trong một nghiên cứu với người Mỹ và 61% trong một nghiên cứu với người New Zealand.


BM

Nhưng có rất nhiều cách để đáp lại lời khen ngoài việc chấp nhận hay từ chối đơn giản. Một phân tích những cuộc đối thoại của người Đức cho thấy rằng mặc dù phần lớn những người tham gia nghiên cứu đều chấp nhận những lời khen ngợi nhưng họ có xu hướng không đáp lại bằng cách nói "cảm ơn".


Thay vào đó, đôi khi họ nhận xét về chính lời khen đó, chẳng hạn như bằng cách trả lời "tốt quá" khi được nói "tối nay ở chỗ bạn thích quá". (Đây có thể là một phần của văn hóa lịch sự của người Đức, nơi những lời khen ngợi ít được sử dụng thường xuyên nhưng lại trung thực hơn so với, chẳng hạn như, ở Mỹ.)


Nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự xung đột nội tâm khi ai đó được khen ngợi, giữa việc muốn cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ bằng cách đồng tình, nhưng cũng thấy phải tránh tự ca ngợi bản thân. Xung đột này có thể đặc biệt mạnh mẽ trong một số bối cảnh nhất định.


Tại Nhật Bản, nơi thường có áp lực từ chối khen ngợi, 45% lời khen trong một nghiên cứu đã dẫn đến phản ứng tiêu cực. Nhưng những người nói tiếng Nhật có nhiều cách khác nhau để thừa nhận một lời khen mà không tán thành hay từ chối thẳng thừng, chẳng hạn như gật đầu liên tục hoặc gợi ý một cách hài hước rằng việc được khen đó thực sự là không tốt.


Đối với một người lớn lên trong một nền văn hóa mà thái độ phản hồi có xu hướng tập trung vào cách cải thiện hơn là những gì họ đang làm tốt, đôi khi họ có thể không thoải mái khi nhận được lời khen. Florrie Fei-Yin Ng, giáo sư khoa tâm lý giáo dục tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết trẻ em Trung cộng “được huấn luyện để tập trung vào những khuyết điểm của mình và không khoe khoang về thành tích bản thân”.


“Từ góc độ này, không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ em Trung cộng có thể cảm thấy khó chịu khi nhận được lời khen ngợi,” bà nói.


BM

Trong khi quá trình phương Tây hóa văn hóa Trung cộng đang diễn ra, đồng nghĩa với việc việc chấp nhận lời khen ngợi ngày càng tăng ở nước này (và ở các quốc gia khác, bao gồm cả Iran), giáo sư Ng nói rằng trẻ em Trung cộng vẫn đang quan sát cách người lớn phản ứng với lời khen và học theo.


Ví dụ, trẻ con có thể thấy rằng khi người thân khen ngợi các em trước mặt cha mẹ, cha mẹ các em sẽ khước từ hoặc làm nhẹ lời khen ngợi đó, bà nói.


Tất nhiên, cách nuôi dạy con cái này vốn chưa chắc đã tốt hơn kiểu khác. Việc liên tục khen ngợi trẻ mà không quan tâm đến việc trẻ thực sự thể hiện như thế nào có thể trở nên sáo rỗng và không hiệu quả.


Nhưng không khen cũng có thể gây tổn hại cho việc điều chỉnh cảm xúc.


“Một hành vi có tác động đến những kết quả tích cực ở trẻ hay không còn phụ thuộc vào mức độ mà hành vi đó được xã hội chấp nhận trong thế giới của đứa trẻ đó,” bà Ng nói.


Đối với một số người lớn cũng vậy, những lời chỉ trích có thể mang lại nhiều khích lệ hơn là khen ngợi. Ví dụ, các chuyên gia có xu hướng được tạo động lực từ những phản hồi tiêu cực hơn những người mới vào nghề.


Khi lời khen không hữu ích


BM

Tất nhiên, cũng có những yếu tố tính cách ảnh hưởng đến cách một người phản ứng với những lời khen. Khen ngợi có thể khiến những người tự ti lo lắng, bởi vì những lời khen khác với quan điểm của họ về bản thân và khiến họ hiểu lầm. Nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực cũng cao ở những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.


Nhưng ngay cả đối với những người bình thường, một lời khen bất ngờ cũng có thể gây bất ổn.


“Về bản chất, khen ngợi là một sự đánh giá,” phó giáo sư Brummelman nói. Ngay cả khi điều đó là tích cực, "không phải lúc nào mọi người cũng thích được đánh giá... điều đó khiến bạn mất tập trung, khiến bạn quan tâm hơn đến những gì người khác nghĩ về mình".


Ngoài việc đột nhiên gây ra cảm giác không mong muốn rằng bạn đang bị phán xét, lời khen có thể đột ngột khiến bạn nhận thức rõ hơn về sự khác biệt quyền lực. Ông Brummelman cho rằng suy cho cùng "việc giáo viên khen ngợi học sinh là điều rất bình thường, nhưng việc học sinh khen ngợi giáo viên lại không phổ biến lắm. Tôi nghĩ bạn cũng thấy điều tương tự ở công sở."


Nghiên cứu của ông Brummelman với trẻ em cho thấy rằng trẻ em có thể rất nhạy cảm với cách các em được khen ngợi. Ví dụ, những lời khen ngợi quá mức từ giáo viên có thể cho thấy họ đặt kỳ vọng thấp vào một số học sinh nhất định, chẳng hạn như những học sinh có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp, và đang khen ngợi một cách quá đà để bù đắp cho các em. “Sau đó, học sinh hiểu những lời khen ngợi quá mức là bằng chứng cho thấy các em không thông minh lắm,” ông Brummelman cho biết.


Trong một nghiên cứu về trẻ em học hát ở Hà Lan, phó giáo sư Brummelman và các đồng nghiệp cũng phát hiện ra rằng những lời khen ngợi không đúng chừng mực khiến những đứa trẻ lo âu về xã hội đỏ mặt. “Đỏ mặt thực sự là một dấu hiệu cho thấy người khác có thể đánh giá bạn một cách tiêu cực,” ông giải thích. "Chúng ta thường đỏ mặt khi là trung tâm của sự chú ý." Trong trường hợp này, khi lo âu xã hội là một yếu tố khiến trẻ khó chịu thì một yếu tố khác là mức độ khen ngợi. Nói với trẻ hãy chấp nhận một lời khen quá mức mà không đỏ mặt sẽ không giúp ích.


BM

Trẻ em thể hiện nhận thức về các sắc thái của lời khen ngay từ khi còn rất nhỏ. “Trẻ mầm non, khi thấy giáo viên khen ngợi quá nhiều… bất kể các em làm có tốt không, các em bắt đầu ít tin tưởng vào lời khen của giáo viên hơn”, theo Brummelmam.


Nói cách khác, giá trị của lời khen sẽ giảm đi nếu được sử dụng bừa bãi.


Trên thực tế, lời khen quá mức có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.


"Cha mẹ thường khen ngợi những đứa trẻ tự ti. Và đó là vì họ nghĩ những đứa trẻ này cần được khen ngợi để các em cảm thấy tốt hơn về bản thân. Nhưng điều đó không đúng”, chuyên gia này nói.


Nghiên cứu của ông và đồng nghiệp cho thấy rằng khi những đứa trẻ tự ti nhận được nhiều lời khen ngợi quá mức, sự tự ti của các em thực sự lớn hơn theo thời gian. Lời khen ngợi quá mức đặt ra những kỳ vọng không thể đo lường được, đồng thời báo hiệu cho trẻ biết rằng giá trị bản thân của các em nên gắn liền với những lời khen ngợi bên ngoài.


Ông Brummelman ủng hộ việc phá vỡ vòng luẩn quẩn bằng cách khen ngợi sáng suốt hơn và phù hợp hơn. Mặc dù đôi khi phụ huynh khen ngợi để thể hiện sự quan tâm nhưng vẫn có nhiều cách khác để làm điều đó.


Ví dụ, thay vì khen ngợi một cách tự động và nhiệt tình khi trẻ vẽ tranh, cha mẹ có thể chỉ cần ngồi xuống và nói về bức tranh, bày tỏ sự quan tâm.


Ông Brummelman tin rằng: “Bọn trẻ khao khát sự ấm áp và tình cảm hơn là khao khát những đánh giá tích cực của bạn”. Nhìn chung, “tôi nghĩ chúng ta thực sự đã đánh giá quá cao mức độ mọi người thích được khen ngợi,” ông nói.


Giảm bớt áp lực


BM

Cho nên, mặc dù điều quan trọng là không coi những người đưa ra lời khen là xấu xa, họ khen người khác với ý định làm cho người khác cảm thấy dễ chịu, thì cần xử lý lời nói cẩn thận hơn.


Đồng thời, người nhận lời khen có thể thấy thoải mái hơn nếu họ không luôn có đủ năng lượng để chấp nhận lời khen một cách duyên dáng. Điều này có thể liên quan đến đặc điểm tính cách hoặc yếu tố văn hóa không dễ (hoặc không cần thiết) để thay đổi. Hoặc một lời khen có thể chỉ đơn giản là tiết lộ về mục tiêu của người khen hơn là nhu cầu của người được khen.


“Có rất nhiều lý do khác nhau khiến lời khen có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ,” ông Brummelman kết luận. “Tôi chắc chắn tin rằng trách nhiệm của một người không phải là học cách đón nhận một lời khen. Nhưng điều có thể hữu ích là bạn chỉ cần thực hành cách phản ứng tiêu chuẩn mà bạn đưa ra và không quan tâm quá nhiều nếu điều đó khiến bạn cảm thấy khó chịu.”




Christine Ro


Tiết lộ thực sự chấn độnq từ cựu Nữ nghị sĩ của đảnq Dân Chủ

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

MƯA SÀI GÒN CÓ BUỒN KHÔNG EM?



 BM

Thành phố Seattle của bang Washington Hoa Kỳ. Lúc nào ông trời Seattle cũng mưa được. Không mưa sáng, thì mưa chiều, không mưa chiều thì mưa tối. Vào mùa Hạ thì thỉnh thoảng mới có một hôm nắng nguyên ngày. Tối hôm trước đi ngủ, bầu trời đêm cao thăm thẳm, trong veo, không một gợn mây, thế mà nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng ai gõ nhẹ trên mái gỗ, lắng nghe một lúc biết là trời bắt đầu mưa.


Tôi nằm im lặng nghe mưa. 


Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới, tôi được lớn lên giữa miền Nam mưa nắng hai mùa, giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang, và một mùa mưa kéo dài 6 tháng, mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại. Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng, hay thức dậy để tiếp tục những yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ.  


BM

Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá chiều nay. Ở cơn mưa trung bình, tiếng rơi lộp bộp trên những tầu lá chuối, một âm thanh đều đều như âm nhịp đệm của nhạc, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, mê lúc nào không biết.


Tôi nhớ những lần đi học về, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi 16, 17 ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay. 


BM

Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa, hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao cơn mưa đừng tạnh, và con đường đừng hết.


Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, mực nước trời trút xuống rộng lượng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một dòng sông ngọt ngào, ngắn hạn! 


Bây giờ vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường găp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm lá sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc. Sáng nay ra phố gội đầu/ Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa. Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, cũng thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle tôi thấy quý báu sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ, và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn ở bất cứ nơi nào.


BM

Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chảy xuống như những dòng lệ màu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến một bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: Một chiếc phà chở áo quan từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc áo quan ướt sũng một lá quốc kỳ  lệch trông như một chiếc chăn vàng ố cũ rách, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên áo quan, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Màu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc áo quan phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên mặt lạnh, xanh tái như màu áo trận, chiếc phà cũ kỹ bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam màu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.


BM

Ngày tôi đến trại Pendleton cũng vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già cũng đều được phát cho một chiếc áo lính cùng một cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt. 


Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc áo quan vì sợ người chết bị đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục điều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó. 


Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn, hay mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế! Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây dản dị hóa đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này. 


BM

Mưa ở Seattle làm cho những dãy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, những cây tùng cây bách giữ mãi một màu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một dải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.


Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. 


BM

Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc áo quan của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tị nạn Việt Nam, nó khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam màu khác nhau?


BM

Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!


Trần Mộng Tú

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

HỘI NGỘ 56 NĂM KHÓA 3 HỌC VIỆN CẢNH SÁT QUỐC GIA VIỆT NAM CỘNG HÒA


  
605
 

SAN JOSE,California( SÓNG THẦN ONLINE)

Tối Chủ Nhật ngày 18 tháng 8 năm 2024 vừa qua, gần hai trăm quan khách  đã  đến  tham dự Tiệc Hội Ngộ 56 Năm Khóa 3 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH được tổ chức trang trọng tại nhà hàng Dynasty Seafood Restaurant tọa lạc tại số 1001 Story Rd. Thành phố San Jose, Bắc California.

Được biết buổi hội ngộ được diễn ra trong ba ngày liên tiếp, thứ sáu ngày 16 tháng 8 năm 2024 là Tiền Hội Ngộ  trong khu thương xá Việt Nam Town, thứ bảy ngày 17 tháng 8 năm 2024 là ngày đi Tour du lịch ở Santa Cruz và biển Half Moon Bay,chủ  nhật ngày 18 tháng 8 năm 2024 Tiệc Hội Ngộ khu thương xá Grand Century Mall là ngày cuối cùng của ba ngày Hội Ngộ.


       Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp các cựu Sinh viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia  trong ngày Hội Ngộ
                                      Niên trưởng Thái Văn Hòa & Niên trưởng Tăng Thành Lập
 

                    K3 Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH
 

MC Nguyễn Ngọc Tuấn đến từ San Diego
 


Bên nhau phút giây Hội Ngộ

Thung Lũng Hoa Vàng đang vào hè rực rỡ, Silicon Valley quả thật là vùng đất ấm tình người với lòng hiếu khách nên buổi hội ngộ đã được Ban Tổ Chức chăm lo chu đáo việc đưa đón phi trường từ lúc tới cho đến lúc rời khỏi San Jose và từ khách sạn đến các địa điểm tụ họp cho từng quan khách phương xa từ nhiều tiểu bang trên toàn quốc Hoa Kỳ.





                                                                       Ký giả Sóng Thần đến Event

Đến từ nơi xa nhất có lẽ là cô Đàm Thu Phương đại diện gia đình đến từ quốc gia Canada, Trưởng nữ của cố Viện Trưởng Đại Tá Đàm Trung Mộc.

Là một cây bút chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng và Tường Thuật Event nên Ký giả Sóng Thần đã có mặt tại Event buổi hội ngộ trước giờ khai mạc sớm một tiếng đồng hồ.


Chúng tôi ghi nhận sự có mặt tham dự của  cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Phan Quang Nghiệp, cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Phạm Hữu Khương,chiến hữu Thái Văn Hòa và phu nhân, chiến hữu Tăng Thành Lập và phu nhân, chiến hữu Nguyễn Duy Tiếp và phu nhân, chiến hữu Hoàng Đình Nghị và phu nhân, Kỹ sư Nguyễn Văn Khôi,niên trưởng Trần Bửu Giao khóa 2 và phu nhân, niên trưởng Nguyễn Ngọc Thụy và phu nhân,niên trưởng  Nguyễn Hinh và phu nhân. Chiến hữu Cao Hoàng Vân và phu nhân,chiến hữu Hà Đình Huy Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Bắc Cali, chiến hữu Dư Quang Nê và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Văn Hiếu Khóa 8, chiến hữu Lạc Nhơn Thu khóa 8,chiến hữu Lê Văn Thụy,chị  Nguyễn Tấn Lực, chị Nguyễn Thị Nguyệt quả phụ của Khóa 3 Nguyễn Văn Sáu, Chị Dương quả phụ của chiến hữu Nguyễn Văn Dương, ca sĩ Tường Vân… là những quan khách hiện đang sinh sống tại miền Bắc California.

Còn lại là  sự tham gia góp mặt của đông đảo các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 3 cũng như nhiều quan khách đến từ các thành phố Houston, Dallas thuộc tiểu bang Texas, Orange County, San Diego thuộc miền Nam California. Hội Trưởng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Bùi Thành Tốt và phu nhân đến từ thành phố Atlanta tiểu bang Georgia.Chiến hữu Bùi Thành Tốt cũng chính là người bạn  tù cải tạo ở chung trại với chiến hữu Hà Đình Huy Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Bắc California.

Có chứng kiến phút giây gặp lại nhau tay bắt mặt mừng,những cái ôm thật chặt thắm thiết tình anh em, nghĩa bạn bè khi gặp lại nhau của các anh, những người hùng của một thời đi chẻ đôi sông núi, mang nhiệt huyết tuổi trẻ để bảo vệ an cư tư nguy cho đồng bào rồi bị giam cầm đối xử nghiệt ngã qua các trại tù cải tạo của Cộng sản, trải qua những  thăng trầm của mệnh nước nổi trôi, người viết mới thấy tình huynh đệ của các anh rất cao quý và ô kìa hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi mà sao tình bạn ấy vẫn đẹp chẳng bao giờ phai nhạt.



             Chiến hữu Bùi Thành Tốt đến từ Atlanta gặp lại người bạn tù cải tạo Chiến hữu Hà Đình Huy

Các anh ríu rít chụp chung hình với nhau thật vui như chưa từng có phút giây nào vui như đêm nay vậy.Thấy không khí vui rộn ràng quá nên Ký giả Sóng Thần cũng ké được một tấm ảnh chung với chiến hữu Hà Đình Huy, chiến hữu Thái Văn Hòa và phu nhân. Cũng không quên cảm ơn nhiếp ảnh gia, chiến hữu Hoàng Cao Vân đã chụp tấm ảnh này.


Ký giả Sóng Thần hân hạnh chụp hình chung với Chiến hữu Hà Đình Huy- Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh sát Quốc gia và phu nhân Tammy.
 

                Các niên trưởng Nguyễn Hoàng Nghĩa, Nguyễn Thanh Giàu,Tăng Thành Lập & Nguyễn Duy Tiếp

Chiến hữu Lê Đạm và phu nhân, chiến hữu Lê Văn Bon và phu nhân cùng con gái.Chiến hữu Phạm Ngọc Sơn và phu nhân,chiến hữu Tạ Thành Lăng và phu nhân,chiến hữu Lý Văn Ngữ và phu nhân, chiến hữu Trần Văn Ty và phu nhân,chiến hữu Phan Hiếu Lợi và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Thanh Long và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Xuân Việt và phu nhân, chiến hữu Lê Mạnh Hùng và phu nhân,chiến hữu Phan Công Gạt và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Ngọc Hà và phu nhân, chiến hữu Nguyễn Ngọc Tuấn và phu nhân,chiến hữu Hà Xuân Thiết và phu nhân,chiến hữu Phan Hiếu Lợi và phu nhân,chiến hữu Thôi Hùng Minh và phu nhân,chiến hữu Đoàn Phước và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Văn Diệp và phu nhân…

Chiến hữu Huỳnh Thanh Nhơn chiến hữu 17 năm tù cải tạo đến từ Fresno.Một số quan khách đến từ thành phố Boston tiểu bang Massachusetts, chiến hữu Tô Thất Anh và phu nhân Lệ Ngọc trưởng ban văn nghệ đến từ Orange County,Chiến hữu Lý Ký Hoàng đến từ tiểu bang Virginia,chiến hữu Nguyễn Thanh Giàu,chiến hữu Nguyễn Ngọc Đa và phu nhân…

Sau nghi lễ chào kính Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Quốc Kỳ Hoa Kỳ và phút mặc niệm trang nghiêm đầy xúc động thì tất cả các quan khách tham dự cùng nhau thắp  nến và có dịp chứng kiến nghi thức dâng hương tưởng niệm rất đặc biệt tưởng nhớ Cựu Đại  Tá  Đàm Trung Mộc,quý cố giảng sư Cán Bộ Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia cùng  120 các cựu Sinh viên Sĩ Quan khóa 3 đã quá vãng.

Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia cựu sinh viên khóa 3 thành viên trong ban tổ chức đã xúc động nghẹn ngào điều hợp chương trình tưởng niệm.

Tiếng đàn bầu với cung điệu buồn vang lên hòa quyện cùng  giọng ngâm với lời thơ tiếc thương sao nghe da diết, nghẹn đắng tâm tư, dẫu không phải là một cây bút đa sầu đa cảm nhưng phút giây này đã làm cho người viết cũng như tất cả quan khách tham dự không kìm nén được nhiều cung bậc cảm xúc rất ư emotional, có người đã rưng rưng ngấn lệ…

”Hôm nay chúng tôi nhớ các anh, nửa thế kỷ trôi qua chúng ta ai còn ai mất trên quê hương hay lưu lạc xứ người.Ở vùng trời miên viễn xa xôi  nên  các anh đã vắng mặt trong ngày hội ngộ bên bạn hữu.”

Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia trải lòng:” Hôm nay tuy được vui vầy hội ngộ nhưng không ai không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về cố viện trưởng Đàm Trung Mộc,người Thầy, cố đại tá Cảnh sát quốc gia,vị viện trưởng uyên bác thâm thúy, cố đại tá Lê Xuân Thanh, cố trung tá Phạm Công Bạch, cố thiếu tá Quách Trung Chánh, cố đại úy Nguyễn Ngọc Thơ…đã hết lòng phục vụ cho ngành cảnh sát quốc gia nói chung và học viện cảnh sát quốc gia nói riêng cũng như  trong tinh thần tiếc thương các người bạn dồng khóa đã ra đi.”

Chiếc bàn thờ được đặt trang trọng giữa sân khấu với chiếc lư hương ,đèn nhang, hương hoa và linh vị cùng hai mâm trái cây,hai ngọn nến to màu đỏ thắm, những nhánh hoa huệ trắng tinh khôi, thật xúc động biết bao khi giây phút tưởng niệm thiêng liêng này, tên của từng người bạn quá cố đã được xướng lên với niềm tiếc thương vô hạn.

Cô Đàm Thu Trang đã tâm tình với quan khách về thân phụ quá cố của mình cố viện trưởng Đàm Trung Mộc,người đã ở lại khi Saigon thất thủ và chết trong chốn lao tù cộng sản,bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng gia đình cô vẫn luôn được sống trong tình thương yêu của các cựu Sinh viên Sĩ quan là những học trò cũ của cha mình dành cho gia đình cô.Đó là điều trân quý mà cô đã không quản ngại đường xá xa xôi đến Hoa Kỳ tham dự buổi Hội ngộ.

Kế tiếp là tâm tình của chị Nguyễn Thị Nguyệt quả phụ của Khóa 3 Nguyễn Văn Sáu, anh Nguyễn Văn Sáu qua đời đã 15 tháng nay nhưng chị Sáu và các con luôn sống trong tình thương yêu động viên an ủi của anh em bạn hữu của anh dành cho gia đình chị.

Đây cũng chính là một trong những điểm son đáng quý của các thành viên trong Hội Cảnh sát Quốc gia VNCH.


                                                                          Bàn Thờ Tưởng Niệm

MC Tổng quát của chương trình là Chiến hữu Khóa 3 Nguyễn Ngọc Tuấn đến từ San Diego.

Các thành viên trong Ban Tổ Chức gồm có chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, Luật sư Nguyễn Duy Tiếp, Chiến hữu Tăng Thành Lập Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Khóa 3,Kỹ sư Nguyễn Văn Khôi và Khóa 3 Hoàng Đình Nghị, Hứa Văn Quang, Lê Văn Thụy.


                                                                     Bên nhau ngày Hội Ngộ

Luật sư Nguyễn Duy Tiếp và chiến hữu  Tăng Thành Lập cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 3 đại diện Ban Tổ Chức tuyên bố khai mạc buổi Hội Ngộ với lời chào mừng quan khách và quý đồng môn.


                          Niên trưởng Tăng Thành Lập & Nguyễn Duy Tiếp  tuyên bố khai mạc buổi hội ngộ

”Năm mươi sáu năm trước đây, tại sân cờ Học Viện Cảnh Sát  Quốc Gia trong trại Lê Văn Duyệt,các trúng tuyển viên khóa 3 Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia đã tập hợp lần đầu tiên với nhau để cử hành  lễ chào cờ khai mạc khóa.

Sau buổi lễ trang trọng chúng tôi được phân chia thành  từng đội ngũ, bắt đầu một chương trình huấn luyện nội trú, 6 tháng cho thẩm sát viên, 9 tháng cho biên tập viên.

Chương trình bao gồm những đề tài chuyên môn của ngành cảnh sát và những bài học huấn luyện về quân sự.

Ban đêm chúng tôi thay phiên nhau canh gác cơ sở Học Viện.Khi biến cố  Tết Mậu Thân ập tới,chúng tôi hồi hộp lo sợ như những con chim non trong  cơn bão tố.Mặc dù hoang mang về tương lai nhưng chúng tôi cương quyết không lùi bước, chúng tôi tuân hành nghiêm chỉnh lệnh cấm trại 100 % và gia tăng canh gác Học Viện thật nghiêm ngặt.

Trong khi chung sức thi hành nhiệm vụ chung để đối phó với tình trạng nguy cấp,tình huynh đệ giữa chúng tôi dần dần trở nên thắm thiết hơn, sau khi mãn khóa, chúng tôi được bổ nhiệm tới nhiệm sở mới trên khắp  bốn vùng chiến thuật ,mặc dù bận rộn với công vụ,chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm,những khó khăn nhọc nhằn và  những vinh quang cũng như  buồn tủi của nghề nghiệp.

Sau ngày 30 tháng 4 đau buồn, một số đông các anh đã bị đưa vào trại cải tạo để bị hành hạ trả thù, một số khác may mắn  thoát ách cộng sản, lưu lạc nơi xứ người để làm lại cuộc đời.

Sau một thời gian dài trong tù, các tù nhân cải tạo đã được tha,một số các anh vượt biên,một số khác  được rời khỏi Việt Nam qua chương trình HO, cuối cùng đa số các anh đã đến định cư tại Hoa Kỳ tập trung tại California và những tiểu bang lớn khác, người tới trước giúp kẻ tới sau.

Sau khi đời sống  tạm ổn định,chúng tôi liên lạc và gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.Những  Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia được thành lập tại các địa phương.

Sau một thời gian chúng tôi bắt đầu tổ chức họp mặt khóa để các đồng môn có dịp gặp gỡ nhau. Trước thì năm năm một lần, số người tham dự khá đông nhưng sau vì một số đồng môn đã bỏ anh em đi quá sớm nên số người còn lại vì muốn gặp nhau trước khi quá trễ,đã đồng ý tổ chức hội ngộ hai năm một lần.Kỳ Hội ngộ 56 năm được tổ chức theo tinh thần đó…”

Trong tà áo dài xanh thướt tha, màu xanh biểu tượng của màu cờ cảnh sát, các phu nhân khóa 3 đã cất cao tiếng hát trong nhạc phẩm Học Viện Cảnh sát Quốc Gia Hành Khúc,sáng tác của Giáo sư  tiến sĩ Trần An Bài và nhạc phẩm Có Những Người Anh sáng tác của nhạc sĩ Võ Đức Hảo.


Quý phu nhân với nhạc phẩm Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Hành Khúc,sáng tác của giáo sư tiến sĩ Trần An Bài. Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp

Vui nhất và thú vị  nhất là phút giây quý phu nhân  đứng trên sân khấu hát thì các  cựu Sinh viên Sĩ quan Cảnh sát quỳ gối hay ngồi bệt xuống sàn để săn ảnh vợ mình đứng hát khiến anh nhiếp ảnh gia Nê Dư phải vất vả lắm và phải chờ các anh chụp bằng phone xong rồi anh Nê Dư mới chớp ảnh nghệ thuật cho quý phu nhân được.

Hình ảnh đẹp này cho thấy tình yêu thương vợ của các anh Cảnh Lực thật đáng nể vì quý phu nhân, những người vợ hiền của các anh đã vượt ngàn chông gai, vượt ngàn sóng gió,thay chồng gánh vác gia đình, tảo tần một nắng hai sương làm ” cánh cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” đi thăm nuôi chồng qua nhiều trại tù cải tạo xa xôi, cách trở và đã nuôi con chờ ngày các anh trở về với gia đình.


Nhiếp ảnh gia Nê Dư(áo hồng) đứng ngẩn ngơ chờ các Phó Nhòm săn ảnh các phu nhân của mình bằng phone xong để anh chụp ảnh nghệ thuật
 

                               Quý phu nhân chụp ảnh lưu niệm. Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp

Thức ăn ngon được mang ra phục vụ, chương trình văn nghệ hay với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng được các giọng hát cây nhà lá vườn trình diễn,chương trình rút thăm sổ số trúng thưởng với 4 giải tiền mặt mỗi giải 100 dolllars và một giải độc đắc 200 dollars, tất cả đều được các quan khách may mắn trúng giải,những câu chuyện hàn huyên tâm sự đã làm cho buổi tiệc thêm phần sinh động và đầy ắp kỷ niệm tình bạn hữu của 56 năm.

Chia tay buổi tiệc khi kim đồng hồ đã điểm 10 giờ đêm, ai cũng tiếc vì thời gian trôi qua quá nhanh và vẫn mong có ngày hội ngộ lần tới, chưa biết sẽ được tổ chức ở tiểu bang nào hay thành phố nào tuy nhiên sự chờ đợi trong đời sống này có lẽ luôn là điều diễm phúc để chúng ta có hy vọng mà nghĩ đến và để sống yêu đời hơn,đợi chờ cái  ngày có tên gọi là  sẽ đến một ngày mai.


                                                                  Ký giả Sóng Thần Vân Hằng

KÝ GIẢ VÂN HẰNG

vanhangthegioinghesi@hotmail.com