Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

MƯA SÀI GÒN CÓ BUỒN KHÔNG EM?



 BM

Thành phố Seattle của bang Washington Hoa Kỳ. Lúc nào ông trời Seattle cũng mưa được. Không mưa sáng, thì mưa chiều, không mưa chiều thì mưa tối. Vào mùa Hạ thì thỉnh thoảng mới có một hôm nắng nguyên ngày. Tối hôm trước đi ngủ, bầu trời đêm cao thăm thẳm, trong veo, không một gợn mây, thế mà nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng ai gõ nhẹ trên mái gỗ, lắng nghe một lúc biết là trời bắt đầu mưa.


Tôi nằm im lặng nghe mưa. 


Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới, tôi được lớn lên giữa miền Nam mưa nắng hai mùa, giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang, và một mùa mưa kéo dài 6 tháng, mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại. Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng, hay thức dậy để tiếp tục những yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ.  


BM

Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá chiều nay. Ở cơn mưa trung bình, tiếng rơi lộp bộp trên những tầu lá chuối, một âm thanh đều đều như âm nhịp đệm của nhạc, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, mê lúc nào không biết.


Tôi nhớ những lần đi học về, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi 16, 17 ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay. 


BM

Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa, hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao cơn mưa đừng tạnh, và con đường đừng hết.


Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, mực nước trời trút xuống rộng lượng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một dòng sông ngọt ngào, ngắn hạn! 


Bây giờ vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường găp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm lá sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc. Sáng nay ra phố gội đầu/ Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa. Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, cũng thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle tôi thấy quý báu sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ, và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn ở bất cứ nơi nào.


BM

Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chảy xuống như những dòng lệ màu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến một bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: Một chiếc phà chở áo quan từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc áo quan ướt sũng một lá quốc kỳ  lệch trông như một chiếc chăn vàng ố cũ rách, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên áo quan, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Màu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc áo quan phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên mặt lạnh, xanh tái như màu áo trận, chiếc phà cũ kỹ bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam màu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.


BM

Ngày tôi đến trại Pendleton cũng vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già cũng đều được phát cho một chiếc áo lính cùng một cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt. 


Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc áo quan vì sợ người chết bị đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục điều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó. 


Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn, hay mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế! Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây dản dị hóa đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này. 


BM

Mưa ở Seattle làm cho những dãy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, những cây tùng cây bách giữ mãi một màu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một dải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.


Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. 


BM

Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc áo quan của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tị nạn Việt Nam, nó khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam màu khác nhau?


BM

Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!


Trần Mộng Tú

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

HỘI NGỘ 56 NĂM KHÓA 3 HỌC VIỆN CẢNH SÁT QUỐC GIA VIỆT NAM CỘNG HÒA


  
605
 

SAN JOSE,California( SÓNG THẦN ONLINE)

Tối Chủ Nhật ngày 18 tháng 8 năm 2024 vừa qua, gần hai trăm quan khách  đã  đến  tham dự Tiệc Hội Ngộ 56 Năm Khóa 3 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH được tổ chức trang trọng tại nhà hàng Dynasty Seafood Restaurant tọa lạc tại số 1001 Story Rd. Thành phố San Jose, Bắc California.

Được biết buổi hội ngộ được diễn ra trong ba ngày liên tiếp, thứ sáu ngày 16 tháng 8 năm 2024 là Tiền Hội Ngộ  trong khu thương xá Việt Nam Town, thứ bảy ngày 17 tháng 8 năm 2024 là ngày đi Tour du lịch ở Santa Cruz và biển Half Moon Bay,chủ  nhật ngày 18 tháng 8 năm 2024 Tiệc Hội Ngộ khu thương xá Grand Century Mall là ngày cuối cùng của ba ngày Hội Ngộ.


       Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp các cựu Sinh viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia  trong ngày Hội Ngộ
                                      Niên trưởng Thái Văn Hòa & Niên trưởng Tăng Thành Lập
 

                    K3 Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH
 

MC Nguyễn Ngọc Tuấn đến từ San Diego
 


Bên nhau phút giây Hội Ngộ

Thung Lũng Hoa Vàng đang vào hè rực rỡ, Silicon Valley quả thật là vùng đất ấm tình người với lòng hiếu khách nên buổi hội ngộ đã được Ban Tổ Chức chăm lo chu đáo việc đưa đón phi trường từ lúc tới cho đến lúc rời khỏi San Jose và từ khách sạn đến các địa điểm tụ họp cho từng quan khách phương xa từ nhiều tiểu bang trên toàn quốc Hoa Kỳ.





                                                                       Ký giả Sóng Thần đến Event

Đến từ nơi xa nhất có lẽ là cô Đàm Thu Phương đại diện gia đình đến từ quốc gia Canada, Trưởng nữ của cố Viện Trưởng Đại Tá Đàm Trung Mộc.

Là một cây bút chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng và Tường Thuật Event nên Ký giả Sóng Thần đã có mặt tại Event buổi hội ngộ trước giờ khai mạc sớm một tiếng đồng hồ.


Chúng tôi ghi nhận sự có mặt tham dự của  cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Phan Quang Nghiệp, cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Phạm Hữu Khương,chiến hữu Thái Văn Hòa và phu nhân, chiến hữu Tăng Thành Lập và phu nhân, chiến hữu Nguyễn Duy Tiếp và phu nhân, chiến hữu Hoàng Đình Nghị và phu nhân, Kỹ sư Nguyễn Văn Khôi,niên trưởng Trần Bửu Giao khóa 2 và phu nhân, niên trưởng Nguyễn Ngọc Thụy và phu nhân,niên trưởng  Nguyễn Hinh và phu nhân. Chiến hữu Cao Hoàng Vân và phu nhân,chiến hữu Hà Đình Huy Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Bắc Cali, chiến hữu Dư Quang Nê và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Văn Hiếu Khóa 8, chiến hữu Lạc Nhơn Thu khóa 8,chiến hữu Lê Văn Thụy,chị  Nguyễn Tấn Lực, chị Nguyễn Thị Nguyệt quả phụ của Khóa 3 Nguyễn Văn Sáu, Chị Dương quả phụ của chiến hữu Nguyễn Văn Dương, ca sĩ Tường Vân… là những quan khách hiện đang sinh sống tại miền Bắc California.

Còn lại là  sự tham gia góp mặt của đông đảo các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 3 cũng như nhiều quan khách đến từ các thành phố Houston, Dallas thuộc tiểu bang Texas, Orange County, San Diego thuộc miền Nam California. Hội Trưởng Hội Cảnh Sát Quốc Gia Bùi Thành Tốt và phu nhân đến từ thành phố Atlanta tiểu bang Georgia.Chiến hữu Bùi Thành Tốt cũng chính là người bạn  tù cải tạo ở chung trại với chiến hữu Hà Đình Huy Hội Trưởng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Bắc California.

Có chứng kiến phút giây gặp lại nhau tay bắt mặt mừng,những cái ôm thật chặt thắm thiết tình anh em, nghĩa bạn bè khi gặp lại nhau của các anh, những người hùng của một thời đi chẻ đôi sông núi, mang nhiệt huyết tuổi trẻ để bảo vệ an cư tư nguy cho đồng bào rồi bị giam cầm đối xử nghiệt ngã qua các trại tù cải tạo của Cộng sản, trải qua những  thăng trầm của mệnh nước nổi trôi, người viết mới thấy tình huynh đệ của các anh rất cao quý và ô kìa hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi mà sao tình bạn ấy vẫn đẹp chẳng bao giờ phai nhạt.



             Chiến hữu Bùi Thành Tốt đến từ Atlanta gặp lại người bạn tù cải tạo Chiến hữu Hà Đình Huy

Các anh ríu rít chụp chung hình với nhau thật vui như chưa từng có phút giây nào vui như đêm nay vậy.Thấy không khí vui rộn ràng quá nên Ký giả Sóng Thần cũng ké được một tấm ảnh chung với chiến hữu Hà Đình Huy, chiến hữu Thái Văn Hòa và phu nhân. Cũng không quên cảm ơn nhiếp ảnh gia, chiến hữu Hoàng Cao Vân đã chụp tấm ảnh này.


Ký giả Sóng Thần hân hạnh chụp hình chung với Chiến hữu Hà Đình Huy- Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh sát Quốc gia và phu nhân Tammy.
 

                Các niên trưởng Nguyễn Hoàng Nghĩa, Nguyễn Thanh Giàu,Tăng Thành Lập & Nguyễn Duy Tiếp

Chiến hữu Lê Đạm và phu nhân, chiến hữu Lê Văn Bon và phu nhân cùng con gái.Chiến hữu Phạm Ngọc Sơn và phu nhân,chiến hữu Tạ Thành Lăng và phu nhân,chiến hữu Lý Văn Ngữ và phu nhân, chiến hữu Trần Văn Ty và phu nhân,chiến hữu Phan Hiếu Lợi và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Thanh Long và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Xuân Việt và phu nhân, chiến hữu Lê Mạnh Hùng và phu nhân,chiến hữu Phan Công Gạt và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Ngọc Hà và phu nhân, chiến hữu Nguyễn Ngọc Tuấn và phu nhân,chiến hữu Hà Xuân Thiết và phu nhân,chiến hữu Phan Hiếu Lợi và phu nhân,chiến hữu Thôi Hùng Minh và phu nhân,chiến hữu Đoàn Phước và phu nhân,chiến hữu Nguyễn Văn Diệp và phu nhân…

Chiến hữu Huỳnh Thanh Nhơn chiến hữu 17 năm tù cải tạo đến từ Fresno.Một số quan khách đến từ thành phố Boston tiểu bang Massachusetts, chiến hữu Tô Thất Anh và phu nhân Lệ Ngọc trưởng ban văn nghệ đến từ Orange County,Chiến hữu Lý Ký Hoàng đến từ tiểu bang Virginia,chiến hữu Nguyễn Thanh Giàu,chiến hữu Nguyễn Ngọc Đa và phu nhân…

Sau nghi lễ chào kính Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Quốc Kỳ Hoa Kỳ và phút mặc niệm trang nghiêm đầy xúc động thì tất cả các quan khách tham dự cùng nhau thắp  nến và có dịp chứng kiến nghi thức dâng hương tưởng niệm rất đặc biệt tưởng nhớ Cựu Đại  Tá  Đàm Trung Mộc,quý cố giảng sư Cán Bộ Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia cùng  120 các cựu Sinh viên Sĩ Quan khóa 3 đã quá vãng.

Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia cựu sinh viên khóa 3 thành viên trong ban tổ chức đã xúc động nghẹn ngào điều hợp chương trình tưởng niệm.

Tiếng đàn bầu với cung điệu buồn vang lên hòa quyện cùng  giọng ngâm với lời thơ tiếc thương sao nghe da diết, nghẹn đắng tâm tư, dẫu không phải là một cây bút đa sầu đa cảm nhưng phút giây này đã làm cho người viết cũng như tất cả quan khách tham dự không kìm nén được nhiều cung bậc cảm xúc rất ư emotional, có người đã rưng rưng ngấn lệ…

”Hôm nay chúng tôi nhớ các anh, nửa thế kỷ trôi qua chúng ta ai còn ai mất trên quê hương hay lưu lạc xứ người.Ở vùng trời miên viễn xa xôi  nên  các anh đã vắng mặt trong ngày hội ngộ bên bạn hữu.”

Chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia trải lòng:” Hôm nay tuy được vui vầy hội ngộ nhưng không ai không khỏi ngậm ngùi khi nhớ về cố viện trưởng Đàm Trung Mộc,người Thầy, cố đại tá Cảnh sát quốc gia,vị viện trưởng uyên bác thâm thúy, cố đại tá Lê Xuân Thanh, cố trung tá Phạm Công Bạch, cố thiếu tá Quách Trung Chánh, cố đại úy Nguyễn Ngọc Thơ…đã hết lòng phục vụ cho ngành cảnh sát quốc gia nói chung và học viện cảnh sát quốc gia nói riêng cũng như  trong tinh thần tiếc thương các người bạn dồng khóa đã ra đi.”

Chiếc bàn thờ được đặt trang trọng giữa sân khấu với chiếc lư hương ,đèn nhang, hương hoa và linh vị cùng hai mâm trái cây,hai ngọn nến to màu đỏ thắm, những nhánh hoa huệ trắng tinh khôi, thật xúc động biết bao khi giây phút tưởng niệm thiêng liêng này, tên của từng người bạn quá cố đã được xướng lên với niềm tiếc thương vô hạn.

Cô Đàm Thu Trang đã tâm tình với quan khách về thân phụ quá cố của mình cố viện trưởng Đàm Trung Mộc,người đã ở lại khi Saigon thất thủ và chết trong chốn lao tù cộng sản,bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng gia đình cô vẫn luôn được sống trong tình thương yêu của các cựu Sinh viên Sĩ quan là những học trò cũ của cha mình dành cho gia đình cô.Đó là điều trân quý mà cô đã không quản ngại đường xá xa xôi đến Hoa Kỳ tham dự buổi Hội ngộ.

Kế tiếp là tâm tình của chị Nguyễn Thị Nguyệt quả phụ của Khóa 3 Nguyễn Văn Sáu, anh Nguyễn Văn Sáu qua đời đã 15 tháng nay nhưng chị Sáu và các con luôn sống trong tình thương yêu động viên an ủi của anh em bạn hữu của anh dành cho gia đình chị.

Đây cũng chính là một trong những điểm son đáng quý của các thành viên trong Hội Cảnh sát Quốc gia VNCH.


                                                                          Bàn Thờ Tưởng Niệm

MC Tổng quát của chương trình là Chiến hữu Khóa 3 Nguyễn Ngọc Tuấn đến từ San Diego.

Các thành viên trong Ban Tổ Chức gồm có chiến hữu Thái Văn Hòa Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, Luật sư Nguyễn Duy Tiếp, Chiến hữu Tăng Thành Lập Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Khóa 3,Kỹ sư Nguyễn Văn Khôi và Khóa 3 Hoàng Đình Nghị, Hứa Văn Quang, Lê Văn Thụy.


                                                                     Bên nhau ngày Hội Ngộ

Luật sư Nguyễn Duy Tiếp và chiến hữu  Tăng Thành Lập cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 3 đại diện Ban Tổ Chức tuyên bố khai mạc buổi Hội Ngộ với lời chào mừng quan khách và quý đồng môn.


                          Niên trưởng Tăng Thành Lập & Nguyễn Duy Tiếp  tuyên bố khai mạc buổi hội ngộ

”Năm mươi sáu năm trước đây, tại sân cờ Học Viện Cảnh Sát  Quốc Gia trong trại Lê Văn Duyệt,các trúng tuyển viên khóa 3 Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia đã tập hợp lần đầu tiên với nhau để cử hành  lễ chào cờ khai mạc khóa.

Sau buổi lễ trang trọng chúng tôi được phân chia thành  từng đội ngũ, bắt đầu một chương trình huấn luyện nội trú, 6 tháng cho thẩm sát viên, 9 tháng cho biên tập viên.

Chương trình bao gồm những đề tài chuyên môn của ngành cảnh sát và những bài học huấn luyện về quân sự.

Ban đêm chúng tôi thay phiên nhau canh gác cơ sở Học Viện.Khi biến cố  Tết Mậu Thân ập tới,chúng tôi hồi hộp lo sợ như những con chim non trong  cơn bão tố.Mặc dù hoang mang về tương lai nhưng chúng tôi cương quyết không lùi bước, chúng tôi tuân hành nghiêm chỉnh lệnh cấm trại 100 % và gia tăng canh gác Học Viện thật nghiêm ngặt.

Trong khi chung sức thi hành nhiệm vụ chung để đối phó với tình trạng nguy cấp,tình huynh đệ giữa chúng tôi dần dần trở nên thắm thiết hơn, sau khi mãn khóa, chúng tôi được bổ nhiệm tới nhiệm sở mới trên khắp  bốn vùng chiến thuật ,mặc dù bận rộn với công vụ,chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm,những khó khăn nhọc nhằn và  những vinh quang cũng như  buồn tủi của nghề nghiệp.

Sau ngày 30 tháng 4 đau buồn, một số đông các anh đã bị đưa vào trại cải tạo để bị hành hạ trả thù, một số khác may mắn  thoát ách cộng sản, lưu lạc nơi xứ người để làm lại cuộc đời.

Sau một thời gian dài trong tù, các tù nhân cải tạo đã được tha,một số các anh vượt biên,một số khác  được rời khỏi Việt Nam qua chương trình HO, cuối cùng đa số các anh đã đến định cư tại Hoa Kỳ tập trung tại California và những tiểu bang lớn khác, người tới trước giúp kẻ tới sau.

Sau khi đời sống  tạm ổn định,chúng tôi liên lạc và gặp gỡ nhau thường xuyên hơn.Những  Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia được thành lập tại các địa phương.

Sau một thời gian chúng tôi bắt đầu tổ chức họp mặt khóa để các đồng môn có dịp gặp gỡ nhau. Trước thì năm năm một lần, số người tham dự khá đông nhưng sau vì một số đồng môn đã bỏ anh em đi quá sớm nên số người còn lại vì muốn gặp nhau trước khi quá trễ,đã đồng ý tổ chức hội ngộ hai năm một lần.Kỳ Hội ngộ 56 năm được tổ chức theo tinh thần đó…”

Trong tà áo dài xanh thướt tha, màu xanh biểu tượng của màu cờ cảnh sát, các phu nhân khóa 3 đã cất cao tiếng hát trong nhạc phẩm Học Viện Cảnh sát Quốc Gia Hành Khúc,sáng tác của Giáo sư  tiến sĩ Trần An Bài và nhạc phẩm Có Những Người Anh sáng tác của nhạc sĩ Võ Đức Hảo.


Quý phu nhân với nhạc phẩm Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Hành Khúc,sáng tác của giáo sư tiến sĩ Trần An Bài. Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp

Vui nhất và thú vị  nhất là phút giây quý phu nhân  đứng trên sân khấu hát thì các  cựu Sinh viên Sĩ quan Cảnh sát quỳ gối hay ngồi bệt xuống sàn để săn ảnh vợ mình đứng hát khiến anh nhiếp ảnh gia Nê Dư phải vất vả lắm và phải chờ các anh chụp bằng phone xong rồi anh Nê Dư mới chớp ảnh nghệ thuật cho quý phu nhân được.

Hình ảnh đẹp này cho thấy tình yêu thương vợ của các anh Cảnh Lực thật đáng nể vì quý phu nhân, những người vợ hiền của các anh đã vượt ngàn chông gai, vượt ngàn sóng gió,thay chồng gánh vác gia đình, tảo tần một nắng hai sương làm ” cánh cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” đi thăm nuôi chồng qua nhiều trại tù cải tạo xa xôi, cách trở và đã nuôi con chờ ngày các anh trở về với gia đình.


Nhiếp ảnh gia Nê Dư(áo hồng) đứng ngẩn ngơ chờ các Phó Nhòm săn ảnh các phu nhân của mình bằng phone xong để anh chụp ảnh nghệ thuật
 

                               Quý phu nhân chụp ảnh lưu niệm. Ảnh do nhiếp ảnh gia Nê Dư chụp

Thức ăn ngon được mang ra phục vụ, chương trình văn nghệ hay với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng được các giọng hát cây nhà lá vườn trình diễn,chương trình rút thăm sổ số trúng thưởng với 4 giải tiền mặt mỗi giải 100 dolllars và một giải độc đắc 200 dollars, tất cả đều được các quan khách may mắn trúng giải,những câu chuyện hàn huyên tâm sự đã làm cho buổi tiệc thêm phần sinh động và đầy ắp kỷ niệm tình bạn hữu của 56 năm.

Chia tay buổi tiệc khi kim đồng hồ đã điểm 10 giờ đêm, ai cũng tiếc vì thời gian trôi qua quá nhanh và vẫn mong có ngày hội ngộ lần tới, chưa biết sẽ được tổ chức ở tiểu bang nào hay thành phố nào tuy nhiên sự chờ đợi trong đời sống này có lẽ luôn là điều diễm phúc để chúng ta có hy vọng mà nghĩ đến và để sống yêu đời hơn,đợi chờ cái  ngày có tên gọi là  sẽ đến một ngày mai.


                                                                  Ký giả Sóng Thần Vân Hằng

KÝ GIẢ VÂN HẰNG

vanhangthegioinghesi@hotmail.com

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Niềm Đau Thương Oan Trái

 

Sunday, August 25, 2024

 BM

Cách đây khoảng hơn 13 năm có một vụ án tù chung thân được ban bố cho một nữ tù nhân người Việt Nam đầu tiên duy nhất tên là Lê Thị Vân trên toàn quốc Hoa Kỳ tại tiểu bang Oklahoma, mà tác giả may mắn được mắt thấy tai nghe từ đầu câu chuyện xảy ra cho tới khi nội vụ được xét xử tại tòa án và vị Quan Tòa chủ tọa phiên tòa đã phán quyết một án phạt chung thân quá cay nghiệt cho bị cáo phải sống trong tù cho tới khi chết (Lifetime Sentence without Parole).


Trong suốt thời gian bị cáo bị giam giữ trong trại tù Oklahoma County Jail, để chờ đợi ngày ra trình diện phiên tòa xét xử và tại đây tác giả là một Tuyên Úy Trại Tù Công Chứng (Certified Prison Chaplain) tình nguyện không lãnh lương, để cố vấn pháp lý (Legal Counseling) cho các anh chị em tù nhân, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da nên đã biết rõ hết đầu đuôi câu chuyện của nữ bị cáo chung thân người Việt diễn tiến tuần tự như sau:


BM

Vào một hôm cô cháu họ của người chồng cô Lê Vân mang một em bé (baby) con của bà đến nhà cô, nhờ cô trông giữ dùm em bé buổi chiều nay, để bà phải đến trình diện nơi làm việc của bà và bà hứa sẽ quay trở lại đón cháu vài giờ sau. Nếu không bà sẽ bị người chủ sa thải vì bà đã xin nghỉ việc tạm thời hơn 1 tuần lễ nay rồi. Cô trông giữ em bé chưa đầy vài tiếng đồng hồ, thấy em bé lên cơn nóng sốt kinh niên, vội vàng chở em bé vào bệnh viện cấp cứu.


Trong khi em bé nằm trong nhà thương để được chẩn bệnh thì 1 tiếng đồng hồ sau đó, bác sĩ chữa trị cho em bé báo tin cho cô và cha mẹ của em bé biết em bé bị chấn thương nặng ở não bộ, bị dập óc và em bé đã tắt thở mấy phút qua. Cha mẹ của em bé cũng đang có mặt trong nhà thương tỏ thái độ im lặng, không dám tiết lộ cho bác sĩ khám nghiệm em bé biết là đã hơn 1 tuần lễ trước đây, em bé đã bị tai nạn bất ngờ rơi xuống đất trong nhà của họ và ngay tức khắc cha mẹ em bé đã chở em bé đến phòng mạch tư của một bác sĩ khám nghiệm và đã được bác sĩ này cấp cho thuốc uống.


image

Vì lý do này mà cha mẹ em bé phải giữ thái độ lặng thinh, vì nếu tiết lộ điều này ra thì ông bà có thể sẽ bị liên lụy đến pháp luật mai kia. Bởi vì trước sau gì bệnh viện cũng sẽ phải báo cáo vụ em bé chết vì bị chấn thương ở não bộ cho chính quyền địa phương biết nội vụ, để nơi đây sẽ mở cuộc điều tra xem ai là thủ phạm chính đầu tiên gây ra thương tích nguy hiểm làm cho em bé bị chết.


Lẽ dĩ nhiên giả thử nếu cha mẹ em bé tiết lộ ra điều này, thì chắc chắn không phải chỉ có một mình cô Lê Vân là người duy nhất bị liên quan đến vấn đề pháp lý, mà kể cả cha mẹ em bé cùng vị bác sĩ đầu tiên chẩn bệnh cho em bé uống thuốc cũng bị cơ quan chính quyền mời đến thẩm vấn.


Nhưng vì cô Lê Vân là người trông giữ trực tiếp em bé và chính cô đưa em bé vào bệnh viện cấp cứu nên cô là người đầu tiên bị tình nghi ngay là người đã có hành động bạo hành đánh đập em bé, gây chấn thương não bộ của em bé, làm cho em bé bị chết. Do đó ngay sau khi cơ quan chính quyền địa phương nhận được báo cáo của nhà thương nên cô bị tống giam ngay tức khắc. Sau này do lời tố cáo của đứa con trai cô 7 tuổi, khai trước trước tòa là cậu thấy mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà nên Công Tố Viên (District Attorney) nhân danh pháp luật đã buộc tội cô về hành động chủ mưu cố sát em bé trong phiên tòa xét xử lần đầu.


BM

https://www.oklahoman.com/story/news/crime/2013/06/13/baby-sitter-convicted-of-murder-in-death-of-2-year-old-oklahoma-city-girl/60915624007/

Nói tới đây có rất nhiều người nêu lên thắc mắc là tại sao cậu con trai của cô lại đi tố cáo mẹ ruột của mình là đã ném em bé xuống sàn nhà nhỉ? Thắc mắc này nêu lên rất hữu lý đối với nhiều người. Nhưng mẹ cậu cho biết là cậu thù ghét mẹ cậu từ lâu vì đã nhiều lần cậu yêu cầu mẹ mua cho cậu thêm nhiều games chơi khác nữa nhưng mẹ cậu từ chối, vì mẹ cậu làm việc lao động vất vả chân tay mỗi ngày, với số tiền lãnh lương tối thiểu hàng tuần, nên mẹ cậu không đủ khả năng tiền bạc để thỏa mãn sự đòi hỏi quá đáng của cậu được.


Vấn đề này cô có trình bày cho Công Tố Viên nghe, nhưng ông từ chối không chấp nhận lời khai này của cô, ví nó không có giá trị trước pháp lý, vì không có bằng chứng cụ thể (Evidence) để minh chứng cho lời nói trước mặt quan tòa tòa xử án.


Còn vấn đề bà mẹ của em bé chết là tại sao bà không dám nói sự thật cho cô Lê Vân biết là con bà đã bị té xuống đất ở nhà bà cách đây hơn 1 tuần rồi và phải đưa em bé đi bác sĩ khám nghiệm cho uống thuốc khi bà mang con đến gửi cô trông giữ? Và tại sao khi đã biết được cô phạm tội hình sự cố sát em bé con của bà mà bà vẫn giữ thái độ im lặng, không đệ đơn truy tố cô về mặt dân sự trước pháp luật, để đòi tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất vì trước pháp luật cô đã làm chết em bé con bà? 


Hai câu hỏi này chúng tôi không thể nào giải thích các chi tiết lý lẽ pháp lý ra đây được. Vì nếu giải thích ra đây thì rất dài dòng văn tự, chiếm nhiều trang giấy khuôn khổ của tờ báo, mà nhiều khi quý độc giả không có thì giờ để đọc. 


BM

Trong phiên tòa xét xử vụ án này lấn thứ nhì, qua sự kháng cáo của vị luật sư bên bị cáo là cô Lê Vân, đã chưng bằng cớ với hình ảnh rõ rệt là căn phòng của con cô nằm khuất hẳn đằng sau căn phòng mà cô đang trông giữ em bé, cộng với lời khai của con cô là lúc đó cậu đang chơi game trong máy điện toán, thì làm sao cậu có thể thấy mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà được? Rồi trong phiên tòa xử lần thứ nhì này, cậu cũng đổi lại lời khai của cậu là chỉ nghe thấy tiếng mẹ cậu ném em bé xuống sàn nhà. 


Nghe xong, Vị Quan Tòa xét xử cho rằng cậu còn quá nhỏ tuổi dễ bị xúc động (nervous) trước công chúng nên không thể tập trung tư tưởng để nhớ lại những gì cậu đã nói trước đây trong phiên xử đầu tiên, nên Quan Tòa vẫn phán quyết y án cho bị cáo như cũ. Để kết thúc câu chuyện pháp lý trên đây, người ta có thể nghĩ rằng bị cáo vì lỡ trượt tay đánh rớt em bé xuống sàn nhà, chứ không thể vì lý do gì quá bực tức khác trong lòng mà ném em bé xuống sàn nhà.


BM

Chúng tôi dám nói như thế vì trong Cộng Đồng Người Việt bé nhỏ tại Oklahoma City này, có rất nhiều người quen biết rõ cô và biết rõ cá tính hiền lành, mộc mạc, chất phát của cô. Giá phải chi cô chỉ bị lãnh bản án chung thân thôi (Only Lifetime Sentence) thì còn có ngày cô sẽ được sự khoan hồng để hưởng quyền Ân Xá (Amnesty) hay Đại Xá (Great Amnesty) để cô sẽ được tiếp tục sống tại ngoại. Đằng này cô bị lãnh bản án chung thân suốt đời ở trong tù cho đến khi chết (Lifetime Sentence Without Parole).


BM

Bản án này quá nặng nề và bất công cho cô và theo như thuyết định mệnh bên Phật Giáo cho rằng cô đã bị lãnh một nghiệp chướng oan trái mà bên Công Giáo cho rằng Chúa đã an bài cho cô phải chịu đựng sự đau khổ sống trên trần gian này.  


BM


 PT  Nguyễn Mạnh San

NGÀY HỘI HÈ TÂY NINH ĐỒNG HƯƠNG HỘI BẮC CALIFORNIA

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

GIỌNG HÁT TRẦM ẤM CỦA QUÁI KIỆT TRẦN VĂN TRẠCH

  BM

Ai cũng nghĩ đến những kiểu gây cười duyên dáng của ông, nhưng ít người nhớ đến ông xuất thân là một ca sĩ, có giọng ca trầm và đẹp, được nhạc sĩ Lê Thương yêu chuộng và viết riêng cho những bài hát thể hiện giọng ca của ông, và cả các kiểu giả thanh độc đáo lưu danh trong lịch sử sân khấu Việt Nam.


Dưới đây là một bản ghi âm cũ giọng ca của ông, trình bày một bản nhạc Pháp (nhạc gốc của Hungary), soạn lời Việt bởi Phạm Duy. Nếu nghe qua, nhiều người cũng phải ngẩn ngơ nghĩ rằng ông ắt không gặp thời. Bởi giọng ca của ông trầm ấm tựa như Sĩ Phú, và diễn cảm không kém Anh Ngọc. Đặc biệt là ông có lối hát giọng Bắc hơi Nam, tức không hoàn toàn âm Bắc mà ít nhiều pha chất Nam Bộ vào lối nhả chữ.


Điều này rất thú vị, vì dù là người Mỹ Tho, miền Nam, nhưng Trần Văn Trạch sớm nhận ra và học cách trình bày các bản tân nhạc cần lối phát âm Bắc, do từ năm 1954, các nghệ sĩ và trí thức miền Bắc phổ biến trong Nam và tạo dấu ấn riêng, khác với các lối hát bằng giọng Nam bộ trong tuồng, bài.


Nhiều khán giả vẫn yêu quý tiếng hát của Trần Văn Trạch qua bài Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Cách hát mềm mại và lối phát âm đặc biệt của ông, khiến bài hát có một sắc thái không hề lẫn với bất kỳ ca sĩ nào khác.

BM

https://www.youtube.com/watch?v=IweTG9PGJ-Y

 

Trần Văn Trạch phải tự mình sáng tác riêng những tác phẩm để phục vụ cho thể loại trình diễn độc đáo của ông, và nghiễm nhiên biến ông thành một nhạc sĩ đầy sáng tạo, với những bài hát như Chuyến xe lửa mùng 5, Cái téléphone, Anh chàng thất nghiệp, Cây viết máy, Cái đồng hồ tay, Ðừng có lo…


Trong dòng họ của quái kiệt Trần Văn Trạch, chỉ duy có giáo sư Trần Văn Khê là thành công với việc nghiên cứu học thuật, ngoài ra từ ông cố, cha, em, cô… đều là những nghệ sĩ thiên về biểu diễn. Thậm chí ông có người cô, là bà Trần Ngọc Viện (1884-1944), là người đầu tiên lập gánh hát Đồng Nữ Ban (1927), với mọi diễn viên đều là nữ, là hiện tượng đặc biệt của lịch sử cải lương ban đầu của miền Nam. Tuồng diễn lừng danh suốt một thời của Đồng Nữ Ban, có tên “Giọt lệ chung tình”, về sau trở thành câu nói dân dã quen miệng khán giả miền Nam.


Người miền Nam gốc, không ai là không nhớ Trần Văn Trạch với bài hát Xổ số Kiến thiết Quốc gia do ông sáng tác, được phát thường xuyên trên đài phát thanh Sài Gòn vào chiều thứ 3 hàng tuần suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4 năm 1975.


“Triệu phú đến nơi, năm, mười đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi.
Xổ số quốc gia, giúp đồng bào ta đó là thiên chức của người Việt Nam”.


Danh từ “đại nhạc hội”, theo ký giả Trần Văn Chi, được cho là do nghệ sĩ Trần Văn Trạch tạo ra, để mô tả cho những buổi biểu diễn tổng hợp Ca-Vũ-Nhạc-Kịch-Xiếc-Ảo thuật… vào những ngày vui đầu năm mới. Nếu xét lại, Trần Văn Trạch cũng được coi là người tạo ra truyền thống biểu diễn phục vụ cho những ngày Tết, mà sau này giới nghệ sĩ hay gọi tắt là “show Tết”.


Trần Văn Trạch cũng được coi là người đầu tiên của Việt Nam hát với nhạc playback – tức nhạc nền thu âm trước, phát trên cassette – do nhu cầu biểu diễn những bài riêng mà ông chỉ có thể tự mình chuẩn bị, cùng với những đoạn nhạc biểu diễn giả thanh do ông tự nghĩ ra.


Nghệ sĩ Trần Văn Trạch được mời thu âm nhiều, nhưng do hệ thống lưu trữ thất lạc sau chiến tranh, và một phần là bị hủy diệt bới chính sách văn hóa mới. Tuy nhiên những bản ghi âm còn sót lại, người ta còn tìm thấy được bài Nghìn Năm Vẫn Đợi Chờ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, do chính ông đàn piano. Bài hát này trở nên hiếm hoi vì ghi âm chỉ có một lần, lưu lạc, mà chính nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng thú nhận ông cũng không còn giữ được.


Trong dòng dõi nghệ sĩ của gia đình, Trần Văn Trạch được coi là nghệ sĩ “giang hồ” nhất, làm nhiều nghề, lang thang nhiều nơi để tìm cơ hội. Ông có lúc rất nổi tiếng, nhưng có lúc cũng rất vất vả. Đời ông như một cuốn phim thăng trầm đầy chuyển động, tiếc là chưa có ở nhà sản xuất điện ảnh nào nghĩ đến chuyện làm một bộ phim về ông một cách trân trọng và đúng đắn.


BM

Một trong những biến cố của đời ông, là sau 1945, khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, phong trào “xét lại” vội vã và cực đoan của Việt Minh đã dẫn đến nhiều thảm nạn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác… lúc đó vì ông Trần Văn Trạch có người vợ Pháp nên cũng bị kết tội là ‘Việt gian’. May nhờ người anh là Trần Văn Khê quen biết với Lưu Hữu Phước và cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, đứng ra bảo lãnh mới thoát nạn. Bù lại Trần Văn Trạch phải chứng minh mình là không là Việt gian bằng cách phải tham gia hoạt động văn nghệ tuyên truyền của Việt Minh. Nhưng vốn bản tính là một người tự do, đến gần cuối năm 1946, ông bỏ về Sài Gòn, mở một quán ca nhạc cùng người em gái của mình.


Năm 1977, nghệ sĩ Trần Văn Trạch sang Pháp định cư, loay hoay với nhiều nghề, thậm chí là phụ tá cho văn phòng luật sư, và rồi qua đời lặng lẽ ở Paris, hưởng thọ 70 tuổi.


Báo chí Đảng, dĩ nhiên là khác báo chí Việt Nam


BM

 

Dĩ nhiên, việc xét lại này, cần dựa trên lòng tự trọng và sự tử tế của trí thức Việt Nam có suy nghĩ tự do, không tư tưởng nô lệ đảng phái nào.

 

Theo những gì mà tư liệu của nhà nước hiện nay đưa ra, ngày 21 Tháng Sáu 1925 là ngày mà ông Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh) cho ra đời tờ Thanh Niên, một tờ báo có nội dung cho phong trào kháng Pháp. Nhưng quan trọng hơn, tờ báo này còn nhằm tạo ảnh hưởng cho khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản và phong trào cách mạng của ông Lý Thụy – một bí danh được đặt từ Trung cộng.

 

Tờ Thanh Niên, so với những bậc tiền bối của báo chí Việt ngữ, ra đời muộn hơn và thật lòng mà nói, ngoài chuyện chính trị, thì việc đóng góp mở mang nghề nghiệp không thể bì được các tờ hàng đầu như Gia Định Báo (15 Tháng Tư 1865), Nông Cổ Mín Đàm (1 Tháng Tám 1901), Nam Phong Tạp Chí (1 Tháng Bảy 1917), Nữ Giới Chung (Tháng Bảy 1918)… Về lịch sử, Thanh Niên có hình thức như truyền đơn, in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành bí mật và bất định kỳ, (200 – 300 bản/kỳ), mỗi kỳ hai trang, có lúc 4 trang, khổ giấy nhỏ 13×18).

 

BM

https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w

Nếu nói về truyền đơn, thì lúc đó ở Việt Nam xuất hiện vô số, trong phong trào kháng Pháp, đặc biệt phải nói là từ phía Việt Nam Quốc Dân Đảng. Với phương tiện và tài chánh hùng hậu nhất thời đó, cũng như con người vào giữa thập niên 20 và 30, ngoài truyền đơn kêu gọi yêu nước kháng Pháp, còn cả tin báo mỗi chi bộ tự phát hành rất rộn rịp cho việc kêu gọi gia nhập phong trào, tin chống Pháp… Để hình dung rõ hơn, vào thời điểm đó, không chỉ là tin báo, truyền đơn, Việt Nam Quốc Dân Đảng có khả năng dàn trải, đủ để mua súng đạn, và tự thành lập các nơi sản xuất bom (loại như tạc đạn ném tay) khắp tỉnh miền Bắc để xây dựng hệ thống quân chính và chiến khu.


Báo Thanh Niên, chủ yếu dựa vào sức viết của Lý Thụy là chính, được gọi là tuần báo nhưng phát hành không đều đến tay người đọc và ít gây ảnh hưởng (ảnh kèm theo), một phần cũng là tránh mật thám Pháp theo dõi. Thực tế, hai tờ báo mà đảng CSVN tạo được sự chú ý nhiều nhất là tờ Cứu Quốc (25 Tháng Một 1942) và tờ Nhân Dân (11 Tháng Ba 1951). Mọi vấn đề của các tờ báo này đều xoay quanh trục tuyên truyền chính trị của đảng CS.


Cần phải nói thêm, công lao tạo ra những sức phát triển, khuynh hướng… cho báo chí Việt Nam, không thể không kể đến nhiều tờ khởi xướng ban đầu (bao gồm có cả ý muốn phát triển dân trí và quyền chính trị). Chẳng hạn như tờ Nữ Giới Chung (Chung có nghĩa là tiếng chuông), là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng Bảy 1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Chủ bút tờ báo này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1922). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=r9vznb4Wb14

 

Từ hơn thế kỷ nay, báo chí Việt Nam vẫn có lệ tạo ra ấn bản báo xuân, bản đặc biệt khác với ấn bản thường ngày, nhưng ít ai nhớ rằng, người tạo ra khuynh hướng đó là học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), ông là người tạo ra ấn bản đặc biệt chào xuân đầu tiên của người Việt Nam, và từ đó trở thành truyền thống cho đến nay. Học giả Phạm Quỳnh chết năm 1945, mà theo nhiều nguồn sử liệu khác nhau tổng hợp, là do ông khác biệt quan điểm chính trị với những người CS. Hơn nữa, vào lúc đó có tin người Pháp quay lại và xây dựng một nhà nước độc lập, lại có thể yểm trợ Phạm Quỳnh trở thành người đứng đầu. Mãi đến năm 1956, người ta mới tìm thấy thi hài của ông, trong rừng.


Giai đoạn từ 1939 đến 1947 ở miền Bắc là một bi kịch của người Việt Nam. Rất nhiều học giả, trí thức bị chụp mũ ghép tội, giết chết, thủ tiêu… không chỉ do phía người CS gây ra, mà còn từ nhiều phe phái khác nhau, bởi xung đột về lập trường Cộng Sản – Quốc Gia – Quân Chủ.


Phóng sự đầu tiên của báo chí Việt Nam, được biết đến, là của ký giả Tam Lang. Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề “Tôi kéo xe” của nhà báo Tam Lang (tên thật là Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự của báo chí Việt Nam. Để thức tỉnh lương tâm trong xã hội về cái nghề khốn khó này, nhà báo Tam Lang đã nhập vai, tự mình làm kéo xe để lấy tư liệu một cách xác thực và sống động về nghề này.


Kể dài dòng như vậy, để nói rằng, báo chí của người Việt là một thiên sử thi, độc đáo và thú vị. Lịch sử báo chí của những người CS chỉ là mảnh ghép rất nhỏ trong ấy. Nếu như nhà nước hiện nay gọi tên 21 Tháng Sáu hàng năm là ngày báo chí cách mạng CS, hay là ngày báo chí CS, thì là điều bình thường. Nhưng nếu gọi đó là ngày báo chí chung của cả Việt Nam thì trở nên lố bịch.


Đặc biệt, gọi là ngày báo chí Việt Nam, mà chỉ nhắc tên ông Hồ Chí Minh như một nhà báo đặc biệt “vĩ đại,” mà cố ý không nhắc tên học giả Trương Vĩnh Ký thì thật nông cạn. Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) được người đương thời của ông, xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông là người yêu thương văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.


BM

Trong sách, ông Đầu chứng minh được rất nhiều tư liệu, để thấy rằng học giả Petrus Ký là một người yêu nước, chẳng hạn như ông Nguyễn Đình Đầu trần tình “Trong những lời đối đáp khi chính quyền Pháp yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, có những văn thơ chứng tỏ là Trương Vĩnh Ký rất bất mãn trong chuyện người Pháp cư xử với người Việt Nam, cho nên ông không muốn hợp tác. Tôi viết ra sau khi xin được những tài liệu mà Trương Vĩnh Ký còn chưa xuất bản mà mới chỉ là nháp.”


Sau khi nắm quyền vào năm 1945, những người CS có chủ trương tạo tin tức, hình ảnh để nói rằng những người có dính líu đến người Pháp, kể cả các đảng phái kháng Pháp khác, và đặc biệt là nếu không phải là có cảm tình, hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản đều là thành phần “tay sai,” bất chấp các dữ kiện lịch sử từ nhiều phía cho thấy không như vậy.


Lịch sử Việt Nam nói chung, bị đọa đày không nhiều thì ít, từ chủ trương này, với nhiều nạn nhân như Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh… nên ngay cả lịch sử báo chí Việt Nam, có tồn tại như thế nào, với con người nào, vẫn bị coi là vô hình hoặc vô giá trị theo quan điểm của nhà cầm quyền.


Vì vậy, ngày 21 Tháng Sáu, cũng cần có lúc, gọi lại cho đúng tên, của hệ thống truyền thông phục vụ chính trị của đảng CSVN, như đúng những gì đang diễn ra hiện nay.


Và riêng ngày 21 Tháng Sáu cũng hoàn toàn không đủ tư cách để thay mặt cho cả nền báo chí của người Việt.




Tuấn Khanh