Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024
Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024
Chào đón USA Olympian Jacklyn Lưu trở về tiểu bang nhà California từ Thế Vận Hội Summer Olympic 2024
MILPITAS,California (SÓNG THẦN ONLINE)
Tối chủ nhật ngày 6 tháng 10 năm 2024 vừa qua tại nhà hàng Maji Palace tọa lạc tại số 90 South Abel Street thuộc thành phố Milpitas tiểu bang California, gần 200 quan khách đã đến tham dự Tiệc Home Sweet Home chào mừng USA Olympian Jacklyn Lưu trở về tiểu bang nhà từ Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 được diễn ra tại Paris Pháp Quốc.
- Ký giả Vân Hằng- USA Olympian Jacklyn Lưu bên cạnh thân phụ và thân mẫu.
Ký giả Sóng Thần rất vinh dự được là một trong những khách mời đến tham dự Tiệc để đại diện báo Sóng Thần Online chúc mừng Vận động viên Jacklyn Lưu,thành viên trong đội bơi nghệ thuật, người đã giúp đồng đội mang chiến thắng vẻ vang về cho đội tuyển Mỹ với chiếc huy chương bạc đoạt được từ Thế Vận Hội Paris Mùa Hè 2024
Vậy là sau 20 năm đội tuyển Mỹ lại được đứng trên bục vinh dự nhận giải, đội tuyển Trung Quốc đoạt huy chương vàng, đội tuyển Mỹ đoạt huy chương bạc và đội tuyển Tây Ban Nha đoạt huy chương đồng.
Con đường dẫn đến sự thành công của Jacklyn Lưu ở Thế Vận Hội Summer Olympic 2024 có thể nói là cả một quá trình dài kiên trì tập luyện, lắm chông gai và nhiều gian nan thử thách…
Vâng, có những niềm vui pha lẫn cả những giọt nước mắt của một cô bé thiếu nhi yêu thích bơi lội và làm quen với bể bơi từ năm em 10 tuổi mà theo lời kể của ca sĩ Lệ Hà thân mẫu của Jacklyn Lưu, lịch học của em luôn dày đặc, giờ giấc thì khít khao khiến người mẹ có ba đứa con thơ như chị phải hy sinh rất nhiều thời gian để đưa đón con theo đúng lịch trình học và tập luyện với các Huấn luyện viên của Jacklyn.
Song song với việc học năng khiếu để bộc lộ tài năng, Jacklyn Lưu còn là một sinh viên đại học của trường đại học danh tiếng Stanford University bang California với nhiều hoài bão lớn là được theo học ngành Y Khoa và trở thành một bác sĩ tương lai.
Jacklyn Lưu hiện đã tốt nghiệp bằng cử nhân Bachelor in Psychology và bằng Masters in Biomedical Informatics tại đại học Stanford.
Em sanh vào ngày 30 tháng 4 năm 1999 tại California và là con gái út trong một gia đình có ba anh em. Em có hai người anh trai.
Thị Trưởng thành phố Mipitas, bà Carmen Montano cũng đã đến chúc mừng và trao bằng tưởng lục cho Vận động viên Jacklyn Lưu tại buổi tiệc.
Thị Trưởng Milpitas cho biết thành phố Milipitas sẽ tổ chức một buổi lễ tuyên dương Jacklyn Lưu một công dân đã đóng góp tài năng và làm vẻ vang thành phố tại Milpitas City Hall trong thời gian tới.
Tại sảnh đón quan khách tham dự Tiệc của mình, Jacklyn Lưu luôn tươi cười rạng rỡ và bày tỏ sự thân thiện,hiếu khách, em luôn vui vẻ chụp hình lưu niệm với từng quan khách tham dự một cách hồn nhiên, đáng yêu và ngoan ngoãn lễ phép trong từng cử chỉ, nói chuyện rất nhỏ nhẹ…
Dáng mảnh mai hao gầy của Jacklyn Lưu ríu ra ríu rít chào đón quan khách đã là tâm điểm thu hút sự yêu mến dành cho em ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ.
Cả khán phòng theo dõi đoạn Clip chiếu hình ảnh Jacklyn Lưu tại Paris trong những ngày thi đấu ở Thế Vận Hội cùng đội bơi nghệ thuật của đội tuyển Mỹ,ai ai cũng thầm thán phục sức khỏe dẻo dai của em,trong nhạc phẩm Moonwalk của Michael Jackson,từng động tác đòi hỏi các vận động viên biểu cảm đa dạng, toát lên thần thái của bài thi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa vũ đạo và nhạc nền.
Nhân dịp này rất nhiều những gương mặt thân quen cũng như các Huấn luyện viên của Jacklyn cũng có mặt trong buổi tiệc khiến Jacklyn Lưu đã xúc động rưng rưng ngấn lệ khi phát biểu cảm nghĩ của mình.
Em luôn dành sự biết ơn sâu sắc đến những người Thầy cũng như công nuôi dạy, chăm sóc của Ba Mẹ và đặc biệt là sự hỗ trợ tinh thần của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc Cali.
Thức ăn ngon được mang ra, rượu ngon được quan khách nâng ly và một chương trình văn nghệ vui tươi sống động với nhiều nhạc phẩm hay, ý nghĩa như One Moment In Time của tác giả Albert Louis Hammond,Stand by Me sáng tác của Ben E.King… do ca sĩ Anh Quân, ca nhạc sĩ Sỹ Đan trình bày đã làm sống động sân khấu. Bên cạnh đó còn nhiều tiếng hát hay khác cũng góp giọng cho chương trình văn nghệ thêm phong phú.
Từng bước chân lả lướt dìu nhau ra sàn nhảy, từng câu chuyện hàn huyên rôm rả. Buổi tiệc kết thúc vào lúc 10 giờ tối. Thời tiết hôm chủ nhật với đầy sức nóng. Nhưng sức nóng của thời tiết không làm quản ngại sức hút của quan khách tham dự đến để chào đón một ngôi sao nhỏ trở về tiểu bang nhà trong tình thân ấm áp dành cho vận động viên Thế Vận Hội Summer Olympic 2024 Jacklyn Lưu.
KÝ GIẢ VÂN HẰNG
vanhangthegioinghesi@hotmail.com
Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024
Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024
Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024
CUỘC TRANH LUẬN ỨNG CỬ VIÊN PHÓ TỔNG THỐNG MỸ
Trong hơn 90 phút tranh luận trực tiếp trên sân khấu của đài CBS News ở New York, hai ứng viên phó tổng thống dành thời gian để công kích ông Trump và bà Harris, người đồng hành của đối phương thay vì nhắm vào nhau.
Ông Walz, người được bà Harris chọn làm phó tướng, đã có một khởi đầu khó khăn nhưng sau đó đã thể hiện tốt khi nói về vấn đề phá thai và cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận có phần ôn hòa, tập trung vào chính sách, với ít đòn công kích chính trị, có lẽ mang lại lợi thế cho JD Vance - phó tướng của ông Trump và là một diễn giả lão luyện trước công chúng.
Nếu ông Vance được ông Trump chọn vì mang lại chiều sâu tư tưởng cho chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ứng viên Đảng Cộng hòa, thì trong cuộc tranh luận hôm 2/10, ông cũng đã thể hiện một bộ mặt lịch sự và khiêm tốn cho điều đó.
“Những người này thường đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng nếu Donald Trump trở thành tổng thống, sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp xảy ra,” ông JD Vance phát biểu. “Nhưng thực tế là, Donald Trump đã từng là tổng thống. Khi đó, lạm phát thấp. Lương thực lĩnh cao hơn.”
Có những lúc ứng cử viên Đảng Cộng hòa tỏ ra khó chịu vì những gì ông cho là kiểm chứng thông tin không công bằng từ hai người điều phối của đài CBS, và tại một thời điểm, micro của cả hai ứng cử viên đều bị tắt tạm thời.
Nhưng phần lớn thời gian, các cuộc tranh luận trên sân khấu đều diễn ra một cách ôn hòa.
Và có một vài khoảnh khắc, hai phó tướng đã nhất trí về các vấn đề - và đã nói ra điều đó.
“Có rất nhiều điểm chung ở đây,” ông Walz nói vào cuối buổi tranh luận.
Khi ông Walz nói về việc cậu con trai 17 tuổi của ông từng chứng kiến một vụ xả súng tại một trung tâm cộng đồng, ông Vance tỏ ra thực sự lo lắng.
“Tôi rất tiếc về điều đó và tôi hy vọng cậu ấy ổn,” ông nói. “Lạy Chúa, thật kinh khủng.”
Thân thiện - nhưng có vài xung đột
Những bất đồng gay gắt nhất diễn ra vào cuối cuộc tranh luận, liên quan đến việc ông Trump lặp đi lặp lại tuyên bố sai sự thật rằng ông đã bị đối thủ “đánh cắp” chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thua cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất không, ông Vance đã né tránh câu hỏi và chỉ trích điều mà ông gọi là sự kiểm duyệt của bà Kamala Harris.
Đối thủ Tim Walz nhanh chóng chỉ ra rằng đó là một "câu trả lời không thỏa đáng".
"Việc phủ nhận những gì đã xảy ra vào ngày 6/1/2021, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ hoặc bất kỳ ai cố gắng đảo ngược một cuộc bầu cử, điều này phải chấm dứt," ông Walz nói. "Điều đó đang làm đất nước chúng ta tan rã."
Ông Walz tiếp tục nói rằng lý do duy nhất khiến Mike Pence, cựu phó tổng thống của ông Trump, không có mặt trên sân khấu lần này là vì ông Pence đã chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.
Ông Vance không trả lời câu hỏi đó, nhấn mạnh rằng mặc dù ông có vẻ thân thiện và dễ chịu, nhưng ông sẽ không tách rời khỏi quan điểm của ông Trump.
Hai phong cách khác nhau
Hai phó tướng JD Vance và Tim Walz bước vào cuộc tranh luận này với những kỹ năng khác nhau. Ông Vance đã có kinh nghiệm tranh luận với các phóng viên trên truyền hình trong những cuộc trao đổi căng thẳng. Trong khi đó, ông Walz lại khá thoải mái, sử dụng lối diễn đạt dân dã để tạo sự khác biệt với những chính trị gia bóng bẩy hơn.
Vào đầu cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đứng sau bục phát biểu trong trường quay ở thành phố New York, ông Vance có vẻ thoải mái hơn nhiều. Câu trả lời của ông trôi chảy và luôn đúng trọng tâm, liên tục nhắc nhở khán giả rằng với tất cả những lời hứa của Phó Tổng thống Kamala Harris, Đảng Dân chủ đã nắm giữ Nhà Trắng trong ba năm rưỡi qua.
"Nếu Kamala Harris có những kế hoạch tuyệt vời như vậy về cách giải quyết các vấn đề của tầng lớp trung lưu, thì bà ấy nên thực hiện ngay bây giờ," ông nói.
Về phần mình, ông Tim Walz có vẻ ngập ngừng và không chắc chắn trong phần mở đầu, khi đề cập đến cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10 và liệu các ứng cử viên có ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran hay không. Thống đốc bang Minnesota hiếm khi nói về chính sách đối ngoại, và sự khó chịu của ông về vấn đề này được thể hiện rõ ràng.
Ứng viên của Đảng Dân chủ đã dần ổn định hơn khi cuộc tranh luận tiếp diễn, và trong các cuộc trao đổi với ông Vance về chủ đề nhập cư - một lĩnh vực là thế mạnh của Đảng Cộng hòa - cả hai đều đưa ra những thông điệp sắc nét.
Ông Vance đã bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã khuếch đại những tuyên bố sai sự thật về việc người nhập cư Haiti ăn trộm và ăn thịt thú cưng ở bang Ohio.
"Những người mà tôi lo lắng nhất ở Springfield, Ohio là những công dân Mỹ có cuộc sống đã bị các chính sách biên giới của Kamala Harris hủy hoại," ông nói.
Ông JD Vance cho biết tình trạng nhập cư không có giấy tờ gây ra gánh nặng cho các nguồn lực của thành phố, đẩy giá cả lên cao và đẩy tiền lương xuống thấp.
Trong khi đó, ông Tim Walz chỉ ra sự phản đối của ông Trump đối với luật nhập cư lưỡng đảng được đề xuất vào đầu năm nay.
“Tôi tin rằng Thượng nghị sĩ Vance muốn giải quyết vấn đề này, nhưng khi đứng về phía Donald Trump và không cùng nhau tìm ra giải pháp, vấn đề này sẽ trở thành chủ đề bàn tán, và khi trở thành chủ đề bàn tán như thế này, chúng ta sẽ biến những người khác thành kẻ xấu và mất nhân tính.”
Khi chủ đề chuyển sang quyền phá thai – một lĩnh vực mà theo các cuộc thăm dò là thế mạnh của Đảng Dân chủ – thì ông Vance là người phải phòng thủ, thừa nhận rằng Đảng Cộng hòa phải làm nhiều hơn nữa để giành được lòng tin của cử tri Mỹ.
"Tôi muốn chúng ta, với tư cách là một Đảng Cộng hòa, trở thành đảng ủng hộ gia đình theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này,” ông nói. "Tôi muốn chúng ta tạo điều kiện giúp các bà mẹ đủ khả năng sinh con dễ dàng hơn. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm trong lĩnh vực chính sách công chỉ để mang đến cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn."
Ông Walz phản bác bằng cách nói rằng quan điểm của Đảng Dân chủ về quyền phá thai rất đơn giản: "Chúng tôi ủng hộ phụ nữ. Chúng tôi ủng hộ quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng bạn."
Nếu ông Walz có phần nhấn mạnh hơn về vấn đề phá thai, ông đã không đẩy mạnh công kích khi chủ đề chuyển sang kiểm soát súng.
Sau khi ông Vance nói rằng điều quan trọng là phải tăng cường an ninh trong trường học, làm cho cửa ra vào và cửa sổ "chắc chắn hơn", ông Walz đã nói về việc kiểm tra lý lịch thay vì ủng hộ các yêu cầu của Đảng Dân chủ về việc cấm vũ khí tấn công và các hạn chế khác đối với súng.
Trong tư cách là một nghị sĩ, ông Walz đã thường xuyên bỏ phiếu ủng hộ quyền sở hữu súng và phản đối nhiều biện pháp kiểm soát súng, giành được lời khen ngợi của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).
Trong cuộc tranh luận, ông Walz cho biết quan điểm của ông về kiểm soát súng đã thay đổi sau vụ xả súng tại trường học Sandy Hook năm 2012, nhưng một số đảng viên Dân chủ có thể thất vọng vì ông không gây sức ép nhiều hơn với ông Vance.
Tranh luận phó tổng thống có ảnh hưởng đến cuộc đua tổng thống không?
Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy các cuộc tranh luận phó tổng thống không thực sự quan trọng.
Năm 1988, ứng viên Đảng Dân chủ Lloyd Bentsen đã đánh bại ứng viên Đảng Cộng hòa Dan Quayle. Vài tháng sau, ông Quayle tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo.
Có thể cuộc tranh luận này cũng không có ý nghĩa nhiều đối với kết quả của cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, trừ khi có một cuộc tranh luận bất ngờ vào phút chót, thì đây sẽ là lần cuối cùng mà cả hai đảng có cơ hội tranh luận trước ngày bầu cử.
Ông Walz không làm tổn hại đến số phiếu của Đảng Dân chủ và thể hiện một số sức hấp dẫn miền Trung Tây vốn đã khiến ông trở thành lựa chọn của bà Harris.
Nhưng màn trình diễn mạnh mẽ của ông JD Vance có khả năng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Đảng Cộng hòa trong những ngày tới.
Và tác động lâu dài của cuộc tranh luận có thể là thuyết phục các thành viên trong Đảng Cộng hòa rằng thượng nghị sĩ mới 40 tuổi của bang Ohio có một tương lai trong đảng chính trị bảo thủ quốc gia, với khả năng truyền đạt rõ ràng các ưu tiên tư tưởng của họ trên các sân khấu lớn nhất.
Anthony Zurcher
Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024
Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024
VIỄN CẢNH MỘT QUỐC GIA TUVALU CHÌM HOÀN TOÀN DƯỚI BIỂN
Tuvalu, cùng 11.000 cư dân sống trên chín hòn đảo san hô rải rác ở Thái Bình Dương, đang sắp cạn thời gian.
Fukanoe Laafai, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi, đang muốn lập gia đình, nhưng lại gặp khó khăn trong việc dung hòa kế hoạch của mình với tốc độ tăng của mực nước biển.
Theo các nhà khoa học, phần lớn Tuvalu sẽ chìm dưới biển vào thời điểm con cái Laafai trưởng thành.
“Tôi nghĩ chúng tôi sắp chìm mất rồi,” Laafai nói.
Tuvalu có độ cao trung bình so với mực nước biển chỉ 2m.
Trong ba thập kỷ qua, mực nước biển ở đây tăng 15cm – gấp 1,5 lần mức tăng trung bình toàn cầu.
Cuộc sống ở Tuvalu đã bắt đầu bị ảnh hưởng: Sự xâm nhập của nước biển đã làm biến đổi nguồn nước ngầm và gây ảnh hưởng đến mùa màng, người dân Tuvalu phải sống dựa vào các bể chứa nước mưa và một khu vườn trung tâm được đắp lên cao để trồng rau.
Một hiệp ước đột phá về khí hậu và an ninh với Úc, được công bố vào năm 2023, mở ra con đường di cư sang Úc cho 280 cư dân Tuvalu mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025.
Qua chuyến đi gần đây tới Tuvalu và các cuộc phỏng vấn với hơn một chục cư dân và quan chức, Reuters nhận thấy được sự lo lắng về việc nước biển dâng cao và viễn cảnh phải bỏ xứ ra đi.
Bốn quan chức tiết lộ rằng Tuvalu đã có những bước tiến trong việc xây dựng một chiến lược ngoại giao nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho sự tồn tại lâu dài của Tuvalu như một quốc gia độc lập - ngay cả khi đất đai chìm xuống nước.
Cụ thể, Tuvalu muốn thay đổi luật biển để duy trì quyền kiểm soát một vùng biển rộng lớn và quyền đánh cá - một nguồn thu cao của Tuvalu - và đang xem xét hai cách để đạt được điều đó: một vụ kiện thử nghiệm tới Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, theo thông tin từ Reuters.
Cảm thấy thất vọng với cách phản ứng của thế giới trước tình cảnh của Tuvalu, ngay cả sau thỏa thuận đột phá với Úc, các nhà ngoại giao của Tuvalu đã thay đổi chiến thuật trong năm nay, Reuters dẫn thông tin từ hai nhà ngoại giao.
Hiện chưa có thông tin về phương thức và cách tiếp cận mới này.
Diện tích đất liền của Tuvalu vỏn vẹn chỉ 26 km vuông.
Tuy nhiên, sự phân tán của Tuvalu trên một quần đảo trải rộng khiến Tuvalu có một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có diện tích khoảng 900.000 km vuông (gần gấp 3 diện tích đất liền của Việt Nam).
Sống trong một xã hội gắn bó và mang đậm văn hóa Kitô giáo, người dân Tuvalu nói với Reuters rằng việc di dời sẽ đồng nghĩa với việc đánh mất nền văn hóa nơi đây.
“Có người sẽ phải rời đi, có người sẽ muốn ở lại,” ông Maani Maani, một nhân viên công nghệ thông tin 32 tuổi đang làm việc ở thị trấn chính Fongafale, nói.
“Đó sẽ là một quyết định khó khăn,” ông nói thêm.
“Rời bỏ một đất nước tức là rời bỏ văn hóa của nơi bạn sinh ra, và văn hóa của Tuvalu bao trùm tất cả - gia đình, chị em và anh em của bạn. Nó là tất cả.”
Hiện tại, Tuvalu đang cố gắng níu kéo thời gian.
Trong hoàn cảnh gió bão ngày càng trở nên dữ dội, đê biển và rào chắn sóng đang được xây dựng tại Funafuti, dải đất hẹp mà chỗ rộng nhất chỉ 400m.
Tuvalu đã bồi đắp được 7 ha đảo nhân tạo và đang lên kế hoạch bồi đắp thêm, với hy vọng đất nước sẽ ở trên mực thủy triều cao cho tới năm 2100.
Vào thời điểm đó, NASA dự báo mực nước biển ở Tuvalu sẽ tăng 1 mét, thậm chí 2 mét trong trường hợp xấu nhất, khiến 90% Funafuti chìm dưới nước.
Quốc gia không đất liền?
Đã đảm bảo được một lối thoát cho cư dân, các nhà ngoại giao của Tuvalu đang đấu tranh cho một tương lai pháp lý chắc chắn khi Tuvalu bị biển nuốt chửng.
Theo kế hoạch, một số cư dân của Tuvalu sẽ ở lại đây càng lâu càng tốt, đảm bảo sự hiện diện liên tục để giúp củng cố chủ quyền lâu dài của quốc gia, theo hai quan chức Tuvalu và các điều khoản của hiệp ước với Úc.
Vì đất liền là một yếu tố quan trọng khác để đạt tư cách quốc gia, Tuvalu muốn thay đổi luật biển.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến đã tổ chức một cuộc họp cấp cao bàn về mực nước biển dâng vào ngày 25/9.
Tại đó, Thủ tướng Tuvalu Feleti Teo đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên Liên Hợp Quốc cho chiến dịch tìm kiếm sự công nhận vĩnh viễn biên giới hàng hải và tư cách quốc gia của Tuvalu, Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Tuvalu.
"Tuvalu muốn thúc đẩy việc coi yếu tố mực nước biển dâng là một chương trình nghị sự độc lập và không bị lấn át bởi diễn ngôn về biến đổi khí hậu," ông Pasuna Tuaga, thư ký thường trực phụ trách đối ngoại của Tuvalu, nói với Reuters.
"Đây là một mối đe dọa hiện sinh đối với tư cách quốc gia và bản sắc của Tuvalu.”
Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc, cơ quan vào năm sau sẽ công bố một báo cáo về nước biển dâng, hồi tháng Bảy đã bày tỏ sự ủng hộ cho một "giả định mạnh mẽ" rằng chủ quyền của một quốc gia sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi đất nước bị chìm hoàn toàn, hoặc một phần, khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ủy ban này cho biết một số thành viên, không nêu đích danh, đã phản đối việc sửa đổi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và ủng hộ các phương án khác.
Các vùng biển giàu cá ngừ của Tuvalu là nơi các tàu đánh cá nước ngoài hoạt động, mang lại cho Tuvalu khoảng 30 triệu USD/năm tiền phí cấp phép. Đây là nguồn thu lớn nhất của Tuvalu.
Tuvalu cũng thu được ít nhất 10 triệu USD/năm từ việc bán tên miền .tv trên internet.
Nếu cộng đồng quốc tế công nhận các ranh giới hàng hải của Tuvalu là vĩnh viễn, đó sẽ là một sinh lộ kinh tế cho đảo quốc này, Phó Thủ tướng Panapasi Nelesone nói trong một cuộc phỏng vấn.
Tuvalu đã đề nghị các đối tác ngoại giao ký kết các tuyên bố chung ủng hộ việc bảo tồn các ranh giới hàng hải của mình. Nhưng họ nói rằng nhiều nước chưa đưa ra phản hồi chính thức.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này - miễn là chúng tôi còn sống ở đây," ông Nelesone nói.
Các nước láng giềng của Tuvalu - 18 thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - đều đã đồng hành với đảo quốc.
Họ đã tuyên bố rằng các ranh giới hàng hải trong khu vực sẽ không thay đổi.
Hiệp ước với Úc cũng nêu rằng “tư cách quốc gia và chủ quyền của Tuvalu sẽ tiếp tục".
Theo các quan chức và nhà lập pháp Tuvalu, đã có 15 chính phủ, bao gồm một số quốc gia ở châu Á và châu Âu, ký các tuyên bố chung song phương với Tuvalu, đồng thuận rằng các ranh giới của nước này sẽ không bị thay đổi bởi mực nước biển dâng.
Tuy nhiên, trong số các thực thể pháp lý nước ngoài có đội tàu đánh cá hoạt động ở Thái Bình Dương, chỉ có Đài Loan - đồng minh ngoại giao của Tuvalu, và nước láng giềng Fiji, đã ký các tuyên bố chung tương tự.
Các quan chức Tuvalu nói rằng điều này khiến họ lo lắng; họ lo ngại về việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong tương lai, kéo theo việc suy giảm nguồn thu.
Tiếp theo là gì?
Ông Simon Kofe, cựu thẩm phán và hiện là nhà lập pháp đại diện cho Funafuti, vào năm 2023 đã dẫn dắt việc thay đổi hiến pháp của Tuvalu nhằm ghi nhận tư cách quốc gia vĩnh viễn của đảo quốc này.
Hiến chương sửa đổi cũng đề cập tới tọa độ hàng hải của vùng đặc quyền kinh tế của Tuvalu.
Những biện pháp này giúp xây dựng một chuỗi tài liệu nhằm củng cố lập luận của Tuvalu trong trường hợp họ tìm kiếm một phán quyết về tác động của biến đổi khí hậu đến ranh giới hàng hải tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ông Kofe nói với Reuters.
“Càng nhiều quốc gia công nhận đề xuất pháp lý quy định tư cách quốc gia là vĩnh viễn thì sẽ càng giúp thúc đẩy hình thành luật quốc tế mới,” ông nói.
Tuvalu là đồng chủ tịch của Ủy ban các Đảo quốc Nhỏ (COSIS) về Biến đổi Khí hậu và Luật Quốc tế.
Ủy ban này được thành lập ba năm trước, với tuyên bố các khu vực hàng hải được áp dụng sẽ không bị thu hẹp trước tác động của biến đổi khí hậu.
Vào tháng Năm, COSIS đã đạt được một ý kiến tư vấn tại tòa ITLOS, trong đó nêu rằng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ biển trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là phán quyết đầu tiên của ITLOS liên quan đến khí hậu.
Ông Donald Rothwell, một chuyên gia về luật biển quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết dù đây là một chiến thắng quan trọng giúp “thúc đẩy lập trường của Tuvalu và các đảo quốc nhỏ khác bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”, nhưng vẫn không đề cập tới vấn đề ranh giới hàng hải.
Luật biển có thể thay đổi qua những ký kết hiệp ước giữa các quốc gia láng giềng, những thỏa thuận trong khu vực, và hệ thống đa phương phản ứng với các vụ kiện thử nghiệm, ông nói.
Hiệp hội Luật Quốc tế (ILA), trong một báo cáo hồi tháng Sáu về mực nước biển dâng, đã kết luận rằng một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là cách rõ ràng nhất để đảm bảo chắc chắn về ranh giới hàng hải và biến đổi khí hậu.
Tác giả của báo cáo, ông David Freestone, người cũng là cố vấn pháp lý cho COSIS, nói với Reuters rằng cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9 có ý nghĩa “quan trọng để đánh giá phản ứng khả thi” trước một đề xuất cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong khi các quan chức Tuvalu tìm kiếm sự đảm bảo từ quốc tế, cư dân đảo quốc này đang phải đối mặt với những tác động hữu hình của biến đổi khí hậu – và viễn cảnh phải tạm biệt quê hương.
“Ai cũng đang nghĩ về điều đó,” Maani nói.
Các đợt thủy triều lớn ngày càng đáng sợ, ông nói, chia sẻ thêm rằng mình thấy lo lắng điều sẽ xảy ra với những cư dân lớn tuổi của Tuvalu nếu những người trong độ tuổi lao động di cư đi mất.
Laafai lo ngại cộng đồng của cô sẽ bị phân tán, ngay khi cô đang muốn ổn định cuộc sống.
“Người Tuvalu rất quan tâm tới nhau,” cô nói.
“Ngay cả khi bạn không có gì nhiều, bạn vẫn có thể chia sẻ với bà con cô bác.”