Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

ÁM SÁT TƯ CÁCH CÁ NHÂN

 

“ÁM SÁT TƯ CÁCH CÁ NHÂN” QUA HAI CHUYỆN “16 TẤN VÀNG” VÀ “BỐN XE TIỀN MẶT”

TT Nguyễn Văn Thiệu trong diễn văn từ chức.
 
Mặc dù bản chất và mục tiêu giữa hai cuộc chiến Afghanistan và Việt Nam hoàn toàn khác nhau như người viết đã phân tích khá chi tiết trong bài “Kabul Không Phải Là Sài Gòn”, màn chót của hai bi kịch có nhiều điểm giống nhau đáng chú ý. 
 
Một trong chuyện đáng chú ý là chuyện vàng và bạc. Một TT Nguyễn Văn Thiệu mang theo “16 tấn vàng” và một TT Afghanistan Ashraf Ghani với “bốn xe và một trực thăng chở đầy bạc”. 
 
Một trong những kỹ thuật tuyên truyền bỉ ổi nhưng hữu hiệu trong chính trị là  “Ám Sát Tư Cách Cá Nhân” (Character  Assassination). 
 
“Ám Sát Tư Cách Cá Nhân” được định nghĩa trong trang Web Luật Mỹ (US Legal):  “Ám Sát Tư Cách Cá Nhân là những cuộc tấn công bằng lời nói ác ý nhằm gây tổn hại hoặc làm hoen ố danh tiếng của một người. Sau khi đã thực hiện xong, những hành vi này thường rất khó để đảo ngược hay cải chỉnh. Do đó nó được ví như một vụ ám sát mạng người theo đúng nghĩa đen. Thiệt hại có thể kéo dài suốt đời hoặc, đối với các nhân vật lịch sử và nhân vật quan trọng, trong nhiều thế kỷ sau khi họ qua đời.”
 
(Character Assassination is malicious verbal assaults designed to damage or tarnish the reputation of a person. Once done, these acts are often difficult to reverse or rectify. Therefore it is likened to a literal assassination of a human life. The damage sustained can last a lifetime or, for historical figures and important personalities, for many centuries after their death.)
 
Trường Hợp “16 Tấn Vàng”
 
Hẳn nhiên hôm nay những người biết đọc, biết viết, biết nhận ra những điểm vô lý trong một câu chuyện “16 tấn vàng” đều đồng ý việc đưa 1.234 thỏi (16 tấn) vàng một cách bí mật từ dưới hai hầm của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH ra phi trường Tân Sơn Nhất để từ đó bay sang Đài Bắc là sản phẩm Hollywood  của báo chí tả khuynh phản chiến Mỹ.  Kế hoạch dùng vàng dự trữ để mua vũ khí có thể đã được bàn nhưng cũng chỉ là bàn, không có phương án cụ thể nào hay một thỏa ước giữa VNCH và một nước ngoài nào đó. 
 
Không ít người cho rằng việc TT Nguyễn Văn Thiệu mang 16 tấn vàng đã được Phân Tích Viên CIA Frank Snepp kể lại trong tác phẩm Decent Interval, một tác phẩm không thể thiếu cho một người muốn nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Nhưng toàn văn cuốn sách nhất là 11 trang trong chương “High-Class Chauffer” (Tài Xế Hạng Sang) mô tả khi Frank Snepp lái xe đưa TT Nguyễn Văn Thiệu ra máy bay không có một chữ “vàng” nào. Tiếng kim loại va chạm nhau mà Frank Snepp tả trong sách và cũng có thể là nguồn cho “ám sát tư cách cá nhân” TT Nguyễn Văn Thiệu thật ra chỉ là tiếng va chạm giữa hai khẩu súng nhỏ của Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận để trong cặp samsonite. 
 
Một chuyến ra đi bí mật nhưng bình thường của cựu TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu và một số viên chức trên phi cơ C-118 Mỹ. 
 
Sau này TT Nguyễn Văn Thiệu nhắc lại điều ông Nguyễn Văn Hảo nói để mọi người biết nhưng trước đó tổng thống im lặng. Bởi vì ông biết có nói “không” một trăm lần thì những người nghĩ là có vẫn không tin. Họ tin BBC loan, tin AP viết “dựa theo một nguồn  tin” được thêu dệt của những kẻ thù ghét VNCH thay vì bình tĩnh tìm ra những nghịch lý của chuyến đi trong thời gian cấp bách chỉ 5 ngày trước khi Sài Gòn mất vào tay CS. 
 
Trường Hợp “Bốn Xe Và Một Trực Thăng Chở Đầy Bạc”
 
Trong mấy tuần qua, những người không biết nhiều về chính trị Afghanistan sẽ khinh bỉ cựu tổng thống của quốc gia này hết sức chỉ vì bản tin của một hãng tin Nga: “Tổng thống Afghanistan bỏ trốn với nhiều xe và trực thăng chứa đầy tiền bạc” (Afghan president fled with cars and helicopter full of cash – RIA”. 
 
RIA là chữ viết tắt theo tiếng Anh của Cơ Quan Thông Tin Nga ( Russian Information Agency) thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nga. Điều đó có nghĩa những tin do RIA phát là tin chính thức của Nga. 
 
Hầu hết các hãng tin và đài truyền hình lớn của Mỹ như Reuter, AP, ABC v.v.. và các báo lớn trên thế giới đều loan dựa theo nguồn tin RIA. Tòa đại sứ Nga tại Kabul còn lo không nhiều người tin vào RIA, đã tiếp lời bằng cách lên tiếng tố cáo tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn với bốn xe chất đầy tiền. 
 
Việc đánh phủ đầu bằng cách “ám sát tư cách cá nhân” của TT Ashraf Ghani là một trong những biện pháp cần phải thực hiện ngay.
 
Putin biết cuộc chiến Afghanistan còn lâu mới chấm dứt. Các lực lượng chống Taliban còn chiếm giữ nhiều vùng và đóng quân chỉ cách thủ đô Kabul 100 cây số. Ahmad Massoud, con trai của anh hùng dân tộc Ahmad Shah Massoud (1953-2001), tư lịnh nổi tiếng của cuộc chiến chống Liên Xô xâm lược và là người bị al-Qaida ám sát đầu tháng 9, 2001, vẫn còn hoạt động chống Taliban tại nhiều nơi trên khắp nước. Ahmad Massoud đang kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc chiến chống Taliban của nhân dân Afghanistan. 
 
Sau khi Mỹ rút, Nga và Trung Cộng là hai quốc gia có ảnh hưởng mạnh nhất trong đời sống chính trị của một nước gần 40 triệu dân vùng Trung Á này.
 
Ashraf Ghani Là Ai?
 
Ashraf Ghani sinh năm 1949 tại miền Nam Afghanistan. Theo chương trình trao đổi học sinh, Ashraf Ghani có cơ hội học tại trung học Lake Oswego, tiểu bang Oregon. Khi trở lại quê hương ông học tiếp để tốt nghiệp trung học và sau đó theo học American University at Beirut ngành Nhân Chủng Học Văn Hóa (Cultural Anthropology). 
 
Theo lời giới thiệu được lưu trữ tại Đại học Columbia, ông được học bổng học hai năm trong chương trình Master (Thạc Sĩ) của Columbia University. Sau khi vừa tốt nghiệp Master cũng là lúc gia đình ông bị Taliban bắt. Ông buộc phải ở lại học tiếp và trình luận án Tiến Sĩ Kinh Tế Nhân Chủng Học Văn Hóa tại trường này năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, Dr. Ashraf Ghani được mời dạy tại University of California Berkeley, Johns Hopkins University. Ông gia nhập World Bank năm 1991 và làm việc 11 năm cho tổ chức này tại các vùng Đông và Nam Á Châu.
 
Ashraf Ghani trở lại Afghanistan sau 24 năm để tham gia chính phủ. Bộ trưởng Tài Chánh Ashraf Ghani chủ trương minh bạch và trách nhiệm. Ông sa thải các viên chức tham nhũng. Mười một năm trong tổ chức World Bank cho ông biết minh bạch và trách nhiệm trước hết phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Dr. Ashraf Ghani là người đầu tiên trong chính phủ Afghsnistan công khai hóa tài sản riêng của mình thu nhập được sau 24 năm sống và làm việc ở nước ngoài cũng như đất đai do cha ông để lại. Ông ra lịnh phải điện toán hóa mọi thu chi của bộ và từ chối trả lương cho quân đội nếu đơn vị nào không kết toán đầy đủ nhân sự và số lượng người tuyển dụng.  
 
Trong suốt các hoạt động văn hóa và chính trị của mình, Ashraf Ghani tập trung vào hai mục đích chính đáng cho dân tộc ông: (1) xóa bỏ nạn nghèo đói tại Afghanistan, (2) xây dựng quyền công dân. Ông không thành công như ý muốn, nhưng không phải vì ông tham nhũng hay độc tài mà do nhiều yếu tố chính trị, lịch sử, văn hóa, tập quán xã hội khác.
 
Sau thời gian làm Bộ Trưởng Tài Chánh, ông từ chối tiếp tục tham chính và xin trở lại làm Viện Trưởng Viện Đại Học Kabul. Năm 2009, ông trở lại chính trường để ứng cử tổng thống. Tuy không thành công, ông được mời làm chủ tịch ủy ban chuyển giao quyền hạn từ Hoa Kỳ và NATO sang các lực lượng an ninh Afghanistan. 
 
Năm 2014, Ashraf Ghani được Foreign Policy magazine chọn  là một trong một trăm World's Top 100 Global Thinkers. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và chính trị Afghanistan.
 
Năm 2014, ông ứng cử tổng thống lần nữa và đắc cử. Ngày 15 tháng 8, 2021, TT Ashraf Ghani rời Afghanistan để “tránh đổ máu” và khỏi bị “treo cổ” nhưng hứa sẽ trở lại Afghanistan. 
 
Đọc tiểu sử và những đóng góp của TT Ashraf Ghani, một trí thức có tài sản được Exact Net worth ước lượng vào khoảng năm triệu dollar và được xếp vào hạng 100 nhà trí thức có ảnh hưởng trên thế giới để thấy với cái đầu suy nghĩ của ông ta chẳng lẽ tới giờ chót lại dại dột chở theo bốn xe chất đầy tiền bạc?
 
Tài sản trị giá năm triệu dollar của một tiến sĩ giảng dạy nhiều năm tại các đại học danh tiếng thế giới, làm việc 11 năm cho World Bank, được thừa kế nhiều ruộng đất do ông cha để lại và đầu tư trong suốt 24 năm là một gia sản hợp lý nếu không muốn nói là khiêm nhượng. 
 
Hôm 18 tháng 8 vừa qua, TT Ashraf Ghani tố cáo Nga đã “ám sát tư cách cá nhân” ông khi tung tin không căn cứ. Giấy tờ khai với hải quan qua hai nước cho thấy ông chỉ mặc một bộ đồ truyền thống, khoác chiếc áo ‘vest’ và mang đôi giày ‘sandals”. 
 
Đành rằng "con người lòng tham không đáy”, không có gì chắc chắn để bảo đảm Ashraf Ghani giàu rồi nên không muốn giàu thêm nhưng ít nhất ông cũng biết mọi hành vi của ông không thể nào tránh được tai mắt của mọi người. 
 
Lý Do Putin Muốn “Ám Sát Tư Cách Cá Nhân” Ashraf Ghani
 
Muốn biết lý do chúng ta phải xem xét mối quan hệ giữa Taliban và Nga cũng như cách đánh giá của Putin về vai trò của Ashraf Ghani trong tương lai Afghanistan. 
 
Nga nhận xét Afghanistan như là một “vùng ảnh hưởng” của ba cường quốc: Mỹ, Trung Cộng và Nga. Quốc gia này có chung biên giới với các “kho thuốc súng” Trung Cộng, Iran, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. 
 
Nga được bao bọc bởi một vòng đai an ninh gồm ba nước Trung Á là Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Ba nước này là thành viên của Tổ Chức Liên Phòng An Ninh Tập Thể (Collective Security Treaty Organization) do Nga đứng đầu, và vì thế, biên giới của Nga trong thực tế là Afghanistan như đã có từ thời Liên Xô còn tồn tại.  
 
Lãnh thổ Afghanistan có thể sớm bị biến thành bãi chiến trường trong một cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm (Proxy War) kiểu Syria mà Putin không muốn thấy. Lý do, tại Syria, Nga đóng vai “ngư ông đắc lợi” trong khi tại Afghanistan, Nga từng là “cò” và có thể sẽ là “cò”  lần nữa trong tương lai. 
 
Mọi bất ổn trầm trọng của Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến phần Á Châu của Nga. Bài học xương máu 10 năm xâm lược Afghanistan với 15,000 lính bị giết, 35,000 lính bị thương và làm nền kinh tế suy sụp như Gorbachev thừa nhận với RIA hôm 17 tháng 8, 2021 vừa qua  là một bài học cay đắng của Liên Xô. 
 
Ngày 8 tháng 7, 2021, Nga là quốc gia đầu tiên mà các đại diện phe Taliban thăm viếng và cam kết cuộc tiến quân nhanh chóng của họ sẽ không ảnh hưởng gì đến các quốc gia lân cận trong vùng Trung Á và Taliban thừa nhận rằng họ có quan hệ tốt với Nga. 
 
Khi Nga tung tin để “ám sát tư cách cá nhân” một đối thủ chính trị của Taliban cho thấy mối lo xa của Putin và cũng để lấy lòng Taliban.  Dù Ashraf Ghani đã cải chính “viên đạn” của Nga cũng đã làm ông bị tổn thương trầm trọng. 
 
Mấy tuần qua cách rút quân ra khỏi Afghanistan của TT Joe Biden làm trò cười cho thế giới và bị các chính khách cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa phê bình. Khi bị phê bình, TT Joe Biden thay vì thừa nhận sai lầm đã đổ thừa lên TT Ashraf Ghani và quân đội Afghanistan nhu nhược, không có khả năng bảo vệ đất nước. Trong khi đó,  TT Joe Biden và bộ tham mưu của ông đã làm ngược với sách vở và kinh nghiệm rút quân của thế giới cũng như của các chính phủ Mỹ trước đây.  
 
Trong số những người phê bình có Mikhail Gorbachev. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của RIA, Mikhail Gorbachev cho rằng Mỹ thất bại ngay từ đầu cuộc chiến Afghanistan. Nhận xét đó không đúng và chẳng qua là một cách gỡ gạc cho thất bại của chính mình. 
 
Mỹ không thua ở Afghanistan. Việc rút quân ra khỏi Afghanistan sau khi các mục đích chính đã hoàn thành dù tốn kém là một chọn lựa có tính chiến lược. Tuy nhiên, cách rút của TT Joe Biden đã biến những thành tựu nên được đề cao, những tốn kém cần được đánh đổi, những hy sinh cần được vinh danh thành những thất bại ê chề. 
 
Lẽ ra, TT Joe Biden nên tuần tự rút theo ưu tiên các thành phần dân sự Mỹ và các cộng tác viên người Afghanistan sau đó mới chính thức công bố thời hạn rút số quân còn lại. TT Joe Biden làm ngược với sách vở nên tạo ra một luồng sóng phản ứng tâm lý đối với mọi cấp từ lãnh đạo, quân đội đến người dân Afghanistan. 
 
Ai không sợ Taliban? Thời gian từ khi lên nắm quyền 1996, bị đánh bật ra khỏi Kabul 2001 và phục hồi, Taliban là cơn ác mộng hãi hùng của dân tộc Afghanistan vì đã gây ra vô số tội ác.  Hình phạt mà Taliban thường dùng là cắt cổ. Cách đây không lâu, tháng 5, 2021, Sohail Pardis, một thông dịch viên cho quân đội Mỹ chỉ 16 tháng bị Taliban chặn xe bắt và chặt đầu ngay giữa đường. TT Joe Biden và bộ tham mưu của ông biết rõ tội ác của Taliban nhưng vô cảm trước nỗi sợ hãi và tai họa sẽ giáng xuống đầu hàng triệu dân Afghanistan trong nay mai. 
 
Con Người Thường Rất Dễ Tin 
 
Sự dễ tin của một người phát xuất từ bốn lý do, (1) thiếu kiến thức căn bản để tự tìm hiểu các điều nghịch lý trong câu chuyện; (2) thiếu tự tin ở chính mình nên dễ bị lung lạc; (3) đầy định kiến nên tin vào những nguồn tin không chính xác nhưng lại phù hợp với tình cảm hay quan điểm riêng của mình; (4) những điều đó dẫn tới một trình độ nhận thức kém về những lãnh vực mà người đó quan tâm. 
 
Người viết không binh vực hay chống đối TT Ashraf Ghani nhưng chỉ viết ra đây mặt khác của vấn đề để các bạn trẻ đọc và qua đó sẽ có một cách nhìn sáng suốt, đa diện, khách quan và bình tĩnh khi có cơ hội đọc về những nhân vật lịch sử của cuộc chiến Việt Nam. 
 
Không riêng  cố TT Nguyễn Văn Thiệu mà cả nước Việt Nam Cộng Hòa cho đến nay vẫn còn là nạn nhân của “ám sát” loại này.
 
Thế giới con người đầy gai nhọn, gai trên đường đi và gai nhiều nhất trong lòng người. Mong các bạn trẻ học chuyện nước ngoài để bước khéo hơn trên con đường Việt Nam đã, đang và sẽ đầy gai như thế. 
 
Trần Trung Đạo

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Taliban bắt đầu săn lùng phụ nữ và trẻ em gái làm nô lệ tình dục

 


 BM

Ngay sau khi kiểm soát được Afghanistan, quân Taliban đang nhắm mục tiêu vào phụ nữ và trẻ em gái khi chúng bắt đầu săn lùng nô lệ tình dục.

 

Phụ nữ và trẻ em gái được cho là một trong số những người có nguy cơ cao nhất dưới chế độ Taliban mới _ bất chấp những nỗ lực của họ trong 20 năm qua để khẳng định và bảo vệ giá trị nhân cách của mình.

 

Vào những năm 1990, khi Taliban cai trị Afghanistan, phụ nữ của đất nước này đã bị đàn áp tàn bạo, với những cuộc tra tấn dã man, và bị hành quyết công khai. Ký ức đó vẫn chưa phai mờ trong tâm thức những bà mẹ, thì hôm nay, con gái của họ lại phải đối mặt với những chiến binh Taliban hung bạo quay trở lại.


BM


Nhiều động thái cho thấy Taliban đang trở lại những cách thức hèn hạ của họ khi bắt đầu ép buộc các cuộc hôn nhân cưỡng bức và yêu cầu lập danh sách phụ nữ và trẻ em gái tại các địa phương.

 

Các lãnh chúa Taliban coi phụ nữ và trẻ em gái chưa kết hôn hoặc góa bụa từ 12 đến 45 tuổi là “qhanimat” , “chiến lợi phẩm chiến tranh”, để chia cho các chiến binh của họ.

 

Những người Afghanistan từ các tỉnh đổ về Kabul trước khi thủ đô thất thủ, đã kể lại những câu chuyện về việc các chỉ huy Taliban yêu cầu họ hiến phụ nữ và trẻ em gái của họ trở thành “vợ” của các “chiến binh” và bị cưỡng hiếp công khai.


BM


Tờ Wall Street Journal đưa tin, người dân Afghanistan cũng kể về việc thường dân và binh lính bị bắt đã bị Taliban sát hại như thế nào.

 

Các quan chức Taliban đã phủ nhận cáo buộc họ đang thực thi chế độ nô lệ tình dục  và tuyên bố rằng những hành động như vậy là đi ngược lại các quy tắc của đạo Hồi.

 

Nhưng chẳng ai tin họ, cho dù họ có tuyên bố họ là “đầy tớ của nhân dân”, vì  việc làm của họ đi ngược lại với những gì họ tuyên bố với thế giới.

 

Tháng trước, có thông tin cho biết các quan chức Taliban đã công bố một sắc lệnh yêu cầu các nhà lãnh đạo địa phương thu thập danh sách các cô gái trẻ và góa phụ dưới 45 tuổi.


BM


Shukria Barakzai, một chính trị gia và nhà báo người Afghanistan, đã tiết lộ một số thực tế kinh hoàng trên tờ Daily Mail, chuyện cô đã nghe về Taliban khi tấn công Kabul:

 

“Taliban đã khoét mắt một người phụ nữ trước sự kinh hoàng của gia đình cô ấy; những bé gái mới 12 tuổi bị bứt khỏi vòng tay người mẹ đang khóc, để trở thành nô lệ tình dục cho các ‘chiến binh’ Taliban”. Cô nói thêm:

 

“Ở một số ngôi làng, những người được Taliban tuyển mộ đi từng nhà tìm kiếm các cô gái trẻ về làm vợ cho các ‘chiến binh’, ép họ vào cuộc sống nô lệ tình dục”.


BM


“Họ kiên quyết không để một trinh nữ nào có thể thoát khỏi nanh vuốt của họ đến mức họ kiểm tra ngăn kéo, tủ quần áo và thậm chí cả vali trong những ngôi nhà mà các bà mẹ tuyệt vọng phủ nhận họ có con gái nhỏ, để bảo đảm rằng họ đang nói sự thật.”

 

Các tay súng Taliban được cho là đã bắn chết một phụ nữ mặc “quần áo bó sát người”, và không cho phép phụ nữ đi đến một số khu vực nếu không có nam giới đi kèm.


BM


Có những báo cáo chưa được xác minh về một phụ nữ đã bị kết án ném đá đến chết ở Samangan.

 

Những hành động tàn bạo của Taliban đối với phụ nữ đã được ghi chép rõ ràng từ quá khứ. Giờ đây lịch sử tàn khốc ấy sẽ chính thức được lập lại khi những bước chân phe Taliban đã in dấu tại thủ đô Kabul.


BM

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

ĐI CHỢ THỜI PHONG TỎA

 


 BM

Sài Gòn vừa giãn cách xã hội đợt I mười lăm ngày, từ ngày 31/5 đến ngày 14/6, đợt II tiếp theo 14 ngày, đợt III tiếp theo… Lại tiếp 15 ngày bắt đầu từ ngày 9 tháng 7 với những biện pháp cứng rắn.

 

Nhà nước cấm họp chợ cóc, chợ nhà lồng rồi tới cả chợ đầu mối, dừng luôn các hàng quán bán mang đi.

 

Thoạt tiên, tại chợ cóc thường họp trong các hẻm hẹp quanh co, khu đất nhỏ…, Trên tường chỗ mọi ngày là hàng bún, hàng rau… đều dán mảnh giấy ghi số điện thoại. Mọi người cứ theo đó mà gọi đặt nửa ký bún gạo, hai ký mồng tơi… chị chủ sẽ chạy xe máy giao hàng đến tận nhà.


Ngoài chợ vẫn còn vài hàng bán lén lút. Người bán đứng vẩn vơ thậm thụt vài mớ rau, dăm cân thịt với ánh mắt không ngưng dáo dác, canh chừng thấy bóng dáng của nhân viên kiểm tra là vội vàng vơ bao vơ túi, ném đại vào những căn nhà gần kề rồi bỏ chạy mất tăm, chút nữa từ từ quay lại. Khách cần gì, người bán sẽ chạy đi khe góc đâu đó lấy hàng. Trứng gà, trứng vịt giá gấp đôi. Rau xanh tăng gấp ba… Rau gia vị tăng gấp bốn, năm lần ngày thường.


BM


Hàng phở, bánh canh… take away tụt hẳn vào nhà, luôn miệng la lớn nhắc chừng khách đứng xa ra cách hai thước theo đúng quy định. Nhà cửa đường sá chật hẹp nên đứng cách chừng nửa mét là tốt rồi chứ chỗ đâu mà cách nhau tới hai mét. Hiện giờ kiểu bán này cũng đã chấm dứt. Hàng bún riêu đóng chặt cửa. hàng xóm quanh quanh trong khu vực kêu điện thoại dặn, chừng nửa tiếng sau, chủ quán xách mấy bịch tới: bịch bún, bịch rau, bịch nước… lén chạy tới giao rồi phóng đi thật nhanh.

 

Ở những ngôi chợ to lớn, có tên tuổi đàng hoàng, người đi chợ phải khai báo y tế và đo thân nhiệt ở cổng trước khi bước vào khu nhà lồng vắng vẻ. Phía ngoài chợ vẫn bày bán ì xèo thịt cá, rau cỏ. Khi chợ bị cấm hẳn, lác đác vài mẹt hàng nhanh chân bán chạy, nếu bị bắt phải đóng phạt bạc triệu nên một vài người đành túm mấy bọc hàng trên xe máy, móc vào tay xe, cân sẵn từng bọc nửa cân tép, ký đùi gà…, khách trả tiền cầm đi ngay chứ không có thời gian săm soi xem hàng vừa ý hay không. Bán kiểu này thường cân thiếu và chịu mắc trả công bán chạy chứ không thể trả giá. Đành chặc lưỡi có hàng mua là may rồi.


BM


Ba chợ đầu mối và 2/3 chợ nhà lồng phải đóng cửa. Nhiều gia đình nhắn người thân ở quê gửi thực phẩm lên thành phố tiếp tế. Các thùng hàng chằng chéo băng keo kín mít kìn kìn gửi lên. Chỉ có điều vì phải qua nhiều chốt kiểm soát mất nhiều thời gian nên hàng hóa, nhất là rau xanh, trái cây lên đến nơi không có bãi đậu, trước khi tới tay người nhận đã bị héo úa, dập nát. Thêm lý do khiến nông sản tăng giá chính là chi phí xét nghiệm, xăng dầu lên giá, các chốt kiểm soát dày đặc…


BM


Siêu thị chật cứng. Mới 9g sáng, ngay cổng ngoài chăng dây không nhận xe vào nữa “đề nghị khách hàng buổi chiều hãy quay lại”. Bên trong khách ngồi chờ hằng tiếng đồng hồ theo thứ tự “mười khách ra, mười khách vào”; chọn hàng xong xuôi khi tính tiền lại đứng sắp hàng thêm cả tiếng nữa… Tập trung vào siêu thị, xếp hàng vào bãi giữ xe, xếp hàng khai báo y tế, xếp hàng chờ vào siêu thị, xếp hàng trả tiền. Mất cả buổi chồn chân mỏi gối và thật may mắn bõ công khi vào tới nơi trên kệ còn hàng!

 

Các cửa hàng tiện ích, các …Mart, các …Food đều xếp hàng đằng đẵng. Những cửa hàng này nhỏ, hàng hóa không phong phú lắm nên xếp hàng độ mười người đổ lại. Thế mà cũng phải dài người hàng tiếng đồng hồ để quét QR code khai báo y tế và cứ một người đi ra người khác mới được vào. Mệt mỏi tới phiên vào thì các quầy thực phẩm tươi: thịt cá rau, sữa… đều trống rỗng sạch bách.


BM


Có nơi khai báo y tế qua tờ giấy. Có nơi quét code. Có nơi sẵn wifi, nơi không. Có người smart phone kèm mạng, người dùng điện thoại “cục gạch”. Ông trung niên đưa cái smart phone nhờ cô security cửa hàng tiện lợi quét code. Bà già không có điên thoại đứng trước cổng chợ Bến Thành đưa tờ giấy kê khai món hàng nhờ anh bảo vệ vào trong kêu chủ từng sạp lấy ra dùm “một con bồ câu, hai con gà ác, nửa ký lưỡi vịt…”

 

Mọi người xoay qua mua hàng online đang được khuyến khích. Chưa lúc nào chợ online rộn rịp như bây giờ. Đủ thượng vàng hạ cám ở đây. Cũng rau quả, thịt cá, gà vịt… được quảng cáo là “từ vườn nhà trồng, nuôi”. Cũng sườn heo, thăn lưng bò, lườn ngỗng… từ các nước Mỹ, Úc, Nga…

 

Hàng online cũng cháy hàng. Shipper chạy tới tấp. Nhà hết thức ăn cho trẻ nhỏ, vội đặt online “tới ngay” thì bốn ngày sau mới nhận hồi đáp “còn đặt hàng nữa thôi!!!”..


BM


Trước ngày phong tỏa, mọi người hối hả tích trữ thực phẩm. Một bà mua cả chục thùng mì gói. Cô nọ chất nửa xe nước ngọt, nửa xe dầu gội đầu, sữa tắm. Thiên hạ thấy trên kệ còn món gì là vét hết cái đó. Một ông trong siêu thị bước ra than: “Hết hàng rồi, đành mua mấy chai nước suối với hộp bánh quy”. Còn chị khác theo trend ra dạ cầu Ông Lãnh mua mớ củ cải héo với mấy trái bắp về nấu canh.

 

Nhà nước giả định ba tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày giãn cách xã hội “tình huống 3 xấu nhất là dịch gia tăng mạnh và mất kiểm soát, lúc đó phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn….”

 

Dân tình lại nhốn nháo tích trữ. Thực phẩm tăng khủng khiếp lại khó mua. Có siêu thị phát phiếu cho khách được vào 15 phút, 30 phút… Siêu thị khác hạn chế lượng hàng chỉ bán mỗi người 2kg rau, 2 vỉ trứng… Nơi nữa khách đứng ngoài cửa, ghi hàng cần mua vào mảnh giấy, nhân viên siêu thị sẽ mang ra. Có siêu thị phải đóng cửa giữa giờ vì hết hàng. Hàng về không kịp.


BM


Lần này, do các cửa hàng take away phải đóng cửa nên một hàng phở xổ ra trước quán bán rẻ mấy thúng húng quế, ngò gai; tiệm hủ tíu đại hạ giá chanh, ớt, rau tần ô… Thứ nào bày ra bán cũng hết cấp kỳ.

 

Bà hàng xóm có con rể làm ở chợ đầu mối mang về ít rau để trước cửa nhà cũng hết nhấp nháy. Một anh ở Hốc Môn làm y tá cho bệnh viện trong quận Năm. Có giấy thông hành đi đường mỗi ngày nên anh nhân tiện chở rau muống ruộng, rau cải vườn vào bán cho đồng nghiệp.

 

Gia đình anh nhân viên văn phỏng tạm yên tâm với tủ lạnh nhét chặt không còn chỗ thở, đồng thời cũng tránh việc phải ra ngoài mỗi ngày đi mua thức ăn. Góc bếp chất đầy gạo, nước mắm, nước tương, dầu ăn, đường, thùng mì gói, tã em bé, sữa, bột giặt… và cả nước ngọt. Rau quả gói giấy báo xếp dưới đất cho mát chắc là không thể giữ quá một tuần. Rau không thể trữ lâu. Vì thế đây là mặt hàng lúc nào nhu cầu cũng cao. Thực phẩm đắt quá lại khó mua. Rau tươi đắt gần với thịt, cá. Anh nhân viên lo xa: “Không biết hết đợt phong tỏa này có tiếp đợt khác nữa không nên thực phẩm dùng tới đâu lại mua tiếp tới đó”.


BM


Chợ búa không họp, hàng quán đóng cửa, ngại xếp hàng siêu thị, khó ra ngoài vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt…, thế mà không hiểu sao mấy bà nội trợ trong xóm không rành smartphone vẫn tìm ra được những mối mua bán thực phẩm một cách dễ dàng mau chóng. Mới sáng sớm, một thanh niên vút qua giao bốn ổ bánh mì nóng hổi cho hai gia đình. Hồi nữa một chị ghé xe tới giao hàng đặt hôm trước và thông báo hôm nay có cá tươi mới cập bến (?), mấy bà nhao nhao hỏi có cá bông lau không, cá mú, tôm đất…

 

Rạng sáng ngày đầu tiên của nửa tháng phong tỏa. Thành phố yên ả. Ở góc phố có thau xôi trên chiếc xe đạp, một xe máy chất thúng rau cải… Mua, bán gấp rút trước 7g sáng là giờ làm việc của nhân viên công quyền.

 

Tiệm tạp hóa mấy ngày đầu phong tỏa đóng cửa kín mít. Tiếp theo hé cửa hí hí, ai muốn mua gì lại gần thì thào xong rút ra xa đứng ngó lơ đợi lấy hàng với vẻ không quen biết gì nhau.


Trời chưa rạng sáng đi siêu thị, giả thực phẩm tươi đắt hơn ngày thường chút đỉnh nhưng vẫn rẻ hơn bên ngoài. Có điều mất công sắp hàng mà chưa chắc đã được vào. Vào đến nơi thì nhiều kệ trống rỗng hoặc các mặt hàng rau quả đã vơi gần hết, chỉ còn ít cà chua, khổ qua, rau cải… héo quắt. Kể cả các mặt hàng khác như sữa tươi, xúc xích, nước ngọt, dầu ăn, nước mắm… cũng cạn.

 

Dù vậy, cửa hàng vẫn còn khá nhiều loại trái cây mắc tiền như sầu riêng, kiwi, nho, táo… Ngoài ra, khách vẫn mua được thịt nhập khẩu, hải sản đông lạnh…

 

Dân chúng được trấn an hàng không thiếu, chỉ là không kịp đổ hàng vào.


BM


Giữa buổi sáng, một cửa hàng thực phẩm lớn kéo sập cửa cuốn, ngoài cửa là những thùng hàng rỗng xếp cao ngất. Một cửa hàng khác liên tục đóng cửa nguyên ngày không lý do, chỉ treo tấm bảng “Ngày mai mở cửa từ 6g đến 18g”. Không biết siêu thị hết hàng hay thiếu nhân viên vì có người bị cách ly.

 

Nông sản từ nông thôn chuyển đi các nơi qua bao nhiêu gập ghềnh. Thời gian chờ đợi xét nghiệm âm tính quá lâu, quá đắt, thời hạn có giá trị lại ngắn,. Có bác tài đang trên đường đi thì giấy xét nghiệm hết hạn, tới trạm kiểm soát, xin đi tiếp một đoạn đến trạm y tế để test nhưng không được đành phải quay đầu xe ngược lại trạm y tế vừa đi qua. Có trường hợp phải thay tài xế giữa đường dài. Hôm nay tờ thông hành đó được bỏ rồi. Xe chở gà con, thức ăn gia súc bị chăn lại vì không phải là mặt hàng thiết yếu. Về phẩn chủ xe, chi phí vận chuyển tăng cao, về phần tài xế, nhiều thủ tục rắc rối gây nản lòng.

 

Hành trình khó khăn khiến hàng tươi hư hỏng nhiều, chi phí vận chuyển tăng cao. Dân thành phố mua thực phẩm giá đắt trong lúc nhiều vùng nông thôn, nông dân phải chặt bỏ nông sản làm thức ăn gia súc hay làm phân bón. Không kể có nơi lệnh phong tỏa hạn chế nông dân ra đồng.

 

Kinh nghiệm mới đây được rút ra là tổ chức bán thực phẩm qua xe lưu động, trong bưu điện, nhà thuốc, chuỗi cửa hàng chuyên doanh hàng mẹ và bé… Bán theo combo từng bọc 5kg…


BM


Mọi người cũng không hiểu lắm tại sao cấm người chuyên nghiệp bán thực phẩm để nhân viên nhà thuốc, thường là dược tá hoặc nhân viên shop… bán thay; hoặc thay vì chợ búa được sắp xếp chặt chẽ tại đúng vị trí của nó hơn là bưu điện, cửa hàng bán đồ dùng em bé…?

 

Thành thử chợ búa buộc sẽ phải mở lại.

 

 

 

SGCN

***

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

NHỮNG LỜI TIÊN ĐOÁN VỀ VŨ TRỤ CỦA NGƯỜI mAYA KHIẾN CÁC NHÀ KHOA HỌC SỬNG SỐT

 


Nam Minh
Từ xa xưa người Maya đã sở hữu kiến thức vũ trụ đáng kinh ngạc 

Nền văn minh Maya chứa đầy sự thần bí và trí tuệ mà con người ngày nay không thể tưởng tượng nổi. Phương thức tư duy trừu tượng ở trình độ cao, tri thức thiên văn phong phú, thâm sâu cùng với hệ thống lịch pháp phức tạp, hoàn thiện, chuẩn xác của nó khiến cho các nhà khoa học ngày nay phải kinh ngạc và thán phục.

Người Maya cổ đại từng nói: “Vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, mặt trời sẽ mọc lên từ kẽ nứt đen tối trong vũ trụ”, họ gọi kẽ nứt đen tối này là “mẹ của vũ trụ”. Kẽ nứt đen tối này kỳ thực chính là lỗ đen siêu cấp nằm ở trung tâm của hệ ngân hà. Đến năm 2005, bằng các luận chứng khoa học, các nhà khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng tất cả hành tinh trong hệ ngân hà đều được sinh ra từ khu vực cao năng lượng của lỗ đen siêu cấp nằm ở trung tâm của dải ngân hà này, điều này hoàn toàn trùng khớp với cách gọi “mẹ vũ trụ” của người Maya.

Hình ảnh một hố đen siêu cấp nằm ở trung tâm hệ ngân hà

Người Maya cổ đã tính toán một cách tỉ mỉ chu kỳ lịch của họ, họ lấy ngày đông chí của tháng 12 năm 2012 là ngày mở đầu cho một thời đại tiếp theo. Vào ngày này, trái đất, mặt trời và lỗ đen trong hệ ngân hà nằm trên một trục đường thẳng, đây là một hiện tượng thiên văn hiếm thấy mà 25.800 năm mới xuất hiện một lần.

Lịch của người Maya cổ được xây dựng dựa trên quy luật vận hành các “mùa của hệ ngân hà”, họ phân chia lịch sử nhân loại từ xưa đến nay thành tổng cộng năm kỷ mặt trời. Theo ghi chép trong lịch pháp Maya: nhân loại trong thời kỳ tiền sử đã từng bị hủy diệt bốn lần, bốn kỷ mặt trời trước đây đã kết thúc vào thời kỳ tiền sử, và bắt đầu từ Kỷ mặt trời thứ năm. Trong mùa ngân hà, hệ mặt trời trong đó có trái đất của chúng ta đang đi qua một chùm tia vũ trụ phát ra từ trung tâm của hệ ngân hà. Người Maya cho rằng sau khi hệ mặt trời đi ra khỏi tia vũ trụ của hệ ngân hà, nó sẽ bước vào một chu kỳ hoàn toàn mới “đồng hóa các thiên hà”.

Lịch pháp của người Maya vô cùng thâm ảo 

Kể từ khi kính viễn vọng Hubble và các kính viễn vọng kích thước lớn khác được đưa lên vũ trụ, cùng với việc xây dựng một loạt các kính thiên văn vô tuyến, nhân loại đã và đang chứng kiến vũ trụ đang trải qua một sự thay đổi chưa từng có. Sự tăng tốc giãn nở của vũ trụ, sự bùng phát của rất nhiều các tia gammar và các siêu tân tinh, sự va chạm dữ dội và trùng tổ của rất nhiều thiên hà và nhóm thiên hà, sự “cải lão hoàn đồng” của các thiên hà cổ xưa, sự xuất sinh và diệt vong của rất nhiều hành tinh, thiên thể, đang diễn ra ở gần như mọi góc cạnh của đại khung vũ trụ.

Tháng 12 năm 2004, sao Nhân Mã trong hệ ngân hà đã xảy ra một vụ nổ mãnh liệt, trong vòng 0,1 giây nó đã giải phóng tổng số năng lượng tương đương với năng lượng mà tặt trời phóng ra trong 100.000 năm.

Vào tháng 01 năm 2005, các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự kiện lớn nhất từ trước đến nay trong nhóm thiên hà MS0735+7421. Lỗ đen ở trung tâm thiên hà này đã nuốt chửng một lượng vật chất tương đương với 300 triệu mặt trời. Vụ nổ đã tạo ra hai khoảng trống lớn với đường kính 600.000 năm ánh sáng.

Năm 2005, các nhà thiên văn học đã phát hiện một thiên hà rộng lớn mới chào đời cách trái đất khoảng gần 1 tỷ năm ánh sáng, nó to gấp 8 lần hệ ngân hà.

“Đài thiên văn” tại Chichen Itza, rất có thể từ đây các nhà thiên văn cổ đại đã theo dõi chuyển động của các ngôi sao.

Tháng 10 năm 2006, trong một thiên hà ở gần góc của hệ Ngân Hà đã diễn ra một cảnh tượng ngoạn mục “sự va chạm lớn của hai thiên hà”. Khi hai thiên hà va chạm nhau, đã có 1 tỷ hành tinh mới liên tục ra đời.

Tháng 01 năm 2007, các nhà thiên văn quan sát thấy tại lỗ đen ở trung tâm của hệ Ngân Hà đã xảy ra một vụ nổ dữ dội. Vụ nổ này sáng gấp 1.000 lần so với bất cứ vụ nổ nào mà họ quan sát được, thời gian sáng cũng kéo dài gấp 1.000 lần.

Tháng 06 năm 2010, một vụ nổ tia gamma mạnh mẽ chưa từng thấy cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng khiến cho thiết bị đo Swift của NASA bị bão hòa. Năm 2010, các nhà thiên văn phát hiện xung quanh một thiên hà cổ xưa xuất hiện những vòng tia tử ngoại rất đẹp, có cái lớn đến mức đủ bao quanh mấy hệ Ngân Hà, trong đó có rất nhiều hành tinh mới, có nghĩa là những thiên hà cổ xưa này đã được “cải lão hoàn đồng”.

Từ rất lâu người Maya đã có những dự đoán về những thiên hà “cải lão hoàn đồng”

Tháng 12 năm 2010, các nhà thiên văn phát hiện một quần thể rất lớn các thiên hà trẻ đang trải qua thời kỳ “sơ sinh”, quy mô và tốc độ sản sinh ra hành tinh mới của chúng khiến người ta kinh ngạc.
Tháng 06 năm 2011, các nhà thiên văn học phát hiện trong bốn thiên hà tử vong cách chúng ta 4.000 năm ánh sáng xuất hiện những hằng tinh và nhóm hằng tinh mới sinh, những thiên hà “tử vong” này lại bừng bừng sinh cơ.

Tháng 09 năm 2011, các nhà thiên văn học đã phát hiện bảy siêu tân tinh ở trong cùng một thiên hà mà các nhà khoa học cho là chưa từng có trong lịch sử.

Tháng 03 năm 2012, người ta đã phát hiện trong kết cấu hình đĩa của hệ ngân hà của chúng ta có 5.000 khí bào vũ trụ, dấu hiệu cho thấy sắp có hằng tinh mới ra đời.

Tháng 08 năm 2012, các nhà thiên văn học phát hiện tại thiên hà trung tâm của nhóm thiên hà Phượng Hoàng cách trái đất 5,7 tỷ năm ánh sáng đang hình thành những hành tinh mới với tốc độ 740 hành tinh mỗi năm, những kết quả quan sát trước đó cho thấy thiên hà này mỗi năm chỉ hình thành 150 hành tinh mới.

Vũ trụ đang có những thay đổi mãnh liệt, sự thay đổi đó liệu có ảnh hưởng đến Trái Đất? 

Các nhà thiên văn học cho rằng vũ trụ đang diễn ra sự thay đổi kinh thiên động địa trên một phạm vi rộng lớn, vũ trụ đang trải qua quá trình đổi mới và trùng tổ chưa từng có từ trước đến nay. Qua đó ta có thể thấy được rằng người Maya là những bậc thầy trong ngành thiên văn học. Tuy nhiên, bằng cách nào họ có thể có được những kiến thức thiên văn học phong phú và thâm sâu như vậy cho đến nay vẫn là một ẩn đố với các nhà khoa học.

Nam Minh 


Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Tấm vạt giường

 



Ảnh cùng dòng


Tiểu Tử 

Hồi đó, tôi làm mướn cho ông Cả Bảy. Mấy ngày đầu, ngày nào cũng chèo xuồng qua bên kia sông để giữ ruộng cho ổng. Hồi ổng kêu tôi làm việc cho ổng, ổng nói : 

« Hổng có gì, nhưng có mặt mầy ở bển tụi nó không dám phá lúa ! ». 

Ổng nói ‘ phá’ để tránh nói ‘ ăn cắp’ nghe…nặng lỗ tai !

Mà thiệt ! Công việc hổng có gì gọi là nặng nhọc. Tôi treo võng giữa hai cây gáo lớn cạnh bờ sông, rồi nằm tòn ten trên đó ca tới ca lui mấy câu vọng cổ, lâu lâu trèo lên cây gáo ngồi nhìn ruộng lúa minh mông kéo dài tới rừng tràm nằm phía trong xa, xa cỡ đôi ba dậm hú. Đó là chiều sâu. Còn chiều ngang là nằm dài theo con sông Cái, có con rạch No làm ranh phía trên, chỗ tôi treo cái võng, và con rạch Bù Xu làm ranh phía dưới. Từ rạch No muốn nhìn thấy rõ rạch Bù Xu phải xè bàn tay đưa lên ngang mày che bớt ánh sáng ! Nói như vậy, để thấy ruộng ông Cả Bảy lớn biết ngần nào…

Lần đầu tiên đi với ông Cả Bảy qua ruộng để ‘ nhận việc ’, thấy minh mông thiên địa như vậy, tôi hết hồn, nói :

- Trời đất ! Mút chỉ như vậy, mình con coi sao thấu !

Ông Cả Bảy cười khì khì :

- Tao chỉ cần mầy qua bển cho có mặt hằng ngày chớ đâu có biểu mầy đi đánh lộn với tụi lưu manh đâu ! Cái lũ đó hễ thấy có người canh ruộng là tụi nó rút đi chỗ khác hè !

Ngừng một chút để suy nghĩ rồi ổng nói :

- Tàm tạm vài bữa rồi tao cho đám thằng Hai Lưa ở trại hòm qua cất cho mầy cái chòi nhỏ có tháp canh cao phía trên, để có chỗ cho mầy đụt mưa đụt nắng.

Có lẽ thấy tôi còn…ngơ ngơ nên ổng nói tiếp :

- Trên tháp canh sẽ có cái ống tre lớn làm cái mõ. Hễ mầy thấy có bóng người vô ruộng thì mầy cứ gõ mõ liên hồi là nó chạy. Hiểu chưa ?

Vậy là ít lâu sau, tôi có cái chòi tranh vách lá, có chỗ để treo võng, có chỗ để nấu cơm, phía trước có cây cầu ván chồm ra sông để tắm gội…

…Qua mùa lúa đó, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :

- Tao thấy mầy tuy côi cút một thân một mình mà làm việc siêng năng nên tao thương. Tao cho mầy một miếng đất bên ruộng để mầy cất nhà rộng rộng, còn lo cưới vợ nữa chớ !

Vậy rồi mấy hôm sau, ổng dẫn nhóm chú Hai Lưa trại hòm qua ruộng của ổng, đo đạc cặm nọc để cho tôi miếng đất nằm cạnh vàm rạch No, còn chỉ chỗ cho chú Hai Lưa cất cho tôi cái nhà nền đất nóc tôn vách ván nữa ! Tôi cảm động nghẹn lời, ấp úng nói mấy tiếng cảm ơn mà cũng không tròn chữ tròn câu…Ông Cả cười cười :

- Mầy lo đốn cây làm rào dậu, trồng trỉa cho thành khoảnh đi, rồi tao kiếm cho mầy một con vợ !

Nói xong, ổng cười ha hả, khoái chí !

…Ông Cả Bảy có hai người con trai đi học bên tây rồi ở luôn ở bển. Từ ngày bà Cả nằm xuống, ổng vẫn sống cu ky một mình trong cái nhà sàn tổ chảng nằm cạnh trại hòm và trại cưa của ổng. Ổng thôi làm cả trong ban hội tề từ lâu nhưng trong làng vẫn gọi ổng là Cả. Nghe nói ổng ‘ quen lớn ’ dữ lắm, thấy mấy ông Quận ông Tỉnh thường ghé nhà ổng chơi hay cùng đi bắn le-le … Hồi tôi tới tuổi đi quân dịch, ổng nói : « Mầy yên tâm lo canh ruộng, còn vụ nầy, để tao lo ». Vậy rồi mươi hôm sau, ổng trao cho tôi tờ hoãn dịch !

… Cất nhà xong, chú Hai Lưa vỗ vai tôi, nói :

- Tao có một cái giường đôi bằng gỗ không xài, để tao chở qua cho mầy. Có điều là nó chỉ còn có mấy thanh ngang chớ không có tấm vạt giường, tại mấy thằng con tao nó lấy cưa ra làm sạp cho ghe của tụi nó. Mầy chịu khó đạp xe vô Xóm Mới nói thằng Ba Kiên đương cho cái vạc bằng tre, rẻ hơn cái vạc gỗ mà nằm lại êm hơn gấp bội.

Ngừng một chút rồi ổng vò đầu tôi, nói :

- Chừng cưới vợ, nhớ cho tao nhậu với nghen !

Tôi nói ‘ Cám ơn chú’, lí nhí nghe chừng không rõ lắm !

… Cái gường đó ráp vô rồi thấy rộng rinh. Mình tôi ngủ thì cần gì đến tấm vạc ? Vậy là tôi thả lên hai tấm ván đủ cho tôi nằm, sung sướng vì nghe thẳng lưng hơn nằm võng !

Tôi ngủ không có tấm vạc giường như vậy cho đến hết mùa lúa năm đó thì tôi gặp ‘ Nàng’… Cũng do Trời xui Đất khiến ! 

* * *

Nàng tên là Huệ, mồ côi cha, con của bà Năm Căng ở xóm Lò Gạch. Nàng làm công cho lò gạch ông Tám Tiếu. Nhờ đi chở gạch để ông Cả cho sửa lại cái đầu bờ kè trước nhà nên tôi gặp nàng. Gặp là tôi hạp nhãn liền ! Trời ! Con gái nhà quê gì mà nước da trắng bóc, còn thân hình thì cân đối thon thả kèm theo tướng đi lượng là cứ bắt người ta phải nhìn theo !

… Vậy rồi nàng và tôi quen nhau. Vậy rồi, ngày một ngày hai, tôi đạp xe đến lò gạch. Không có gì : chỉ cần gặp nàng để nói đôi ba câu không đầu không đuôi, rồi chèo xuồng về nhà bên kia sông, trèo lên vọng gác ngồi ngẩn ngơ suốt buổi !

… Vậy rồi, tôi nghĩ đến tấm vạt giường ! Vậy rồi, tôi đạp xe vô Xóm Mới đặt chú Ba Kiên đương cho tấm vạt giường bằng tre. Tuần lễ sau, tôi cuốn tròn tấm vạt chở về nhà trải lên cái giường gỗ, nhìn nó mà nghe lòng phơi phới. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi sắm một món đồ tuy không có giá trị gì nhiều nhưng lại mang đầy ý nghĩa …

… Để tránh tai mắt, tôi và nàng thường hẹn gặp nhau ở đường lên chùa vì đường đó vắng người và có mấy bụi tre lớn giao tàn che nắng. Hai đứa đứng nói chuyện ‘ trên trời dưới đất’ cả canh, nàng hay cầm lấy cành tre non đầy lá vươn ra cạnh chỗ nàng đứng, lắc qua lắc lại như để đánh nhịp khi nàng nói, mắt nàng nhìn bụi tre, nhìn con dốc lên chùa chớ ít khi nhìn tôi. Vậy mà sao tôi vẫn nghe lòng phơi phới như được nàng nhìn thẳng vào mắt !

… Bây giờ thì rõ ràng tôi đã thương nàng, càng ngày càng thương đậm ! Mà giữ riết trong lòng thì ấm ức quá đi ! Chắc phải nói ra cho nàng biết, rồi ra sao thì ra ! Vậy rồi một hôm đứng cạnh bụi tre đã thành quen thuộc, tôi làm gan nói :

- Huệ à ! Anh nói thiệt, Huệ đừng giận nghen ! Anh thương Huệ quá rồi Huệ à !

Nàng bỗng quay sang nhìn tôi, tay vẫn còn vin cành tre non, hỏi bằng một giọng nhẹ như tiềng gió trong lùm tre trước mặt :

- Vậy sao ?

Chỉ có hai tiếng nghe ngơ ngớ kỳ kỳ như vậy mà tôi lại thấy như là một sự chấp nhận ! Tôi bước lại gần nàng, nàng vẫn nhìn vào mắt tôi, cập môi mấp máy như muốn nói gì mà hai vành tai ửng đỏ. Đúng lúc đó, tôi hửi được mùi con gái của nàng làm tôi choáng váng ngầy ngật. Trời ơi ! Tôi muốn ôm đại nàng để siết chặt lại trong tôi, bởi vì chỉ có làm như vậy tôi mới nói được tôi thương nàng biết ngần nào … Nhưng tôi lại sợ làm ẩu, rủi nàng không hiểu rồi giận rồi vùng vằng bỏ đi tuốt thì chắc tôi … chết quá ! Tôi ráng kềm tôi lại, nuốt nước miếng mấy lần mới nói được :

- Huệ à …

Nàng ‘ dạ’, tiếng ‘dạ’ nghe như chờ đợi. Nàng không còn nhìn tôi mà quay về với cành tre non. Lần nầy, nàng bứt từng chiếc lá tre rồi bỏ rơi xuống đất, giống như nàng đếm lá !

- Huệ à ! Anh muốn xin cưới Huệ …

Nói tới đó tôi bỗng nghe … hụt hơi ! Nàng im lặng bứt từng chiếc lá … Một lúc, tôi hỏi :

- Mà Huệ có ưng không ?

- Biết đâu nà !

Tôi ráng sức nói một hơi :

- Anh làm công cho ông Cả Bảy. Anh có nhà có đất ở bên kia sông. Anh được hoãn dịch không phải đi lính. Anh sẽ nhờ ông Cả đánh tiếng qua má của Huệ để xin cưới. Mà Huệ phải cho anh biết coi Huệ có ưng hay không, cái đã !

- Ờ … Thì vậy !

Rồi, có lẽ thấy câu trả lời không mấy rõ nên nàng nói thêm :

- Tính sao cũng được !

Tôi mừng quá, nắm đại bàn tay nàng vứa lắc vừa cám ơn rối rít ! Nàng bỗng quay qua nhìn tôi, mỉm cười. Trời ! Cái cười của nàng sao mà đẹp hết nói ! Tôi như bị hốt hồn, cầm chắc bàn tay của nàng mà tưởng chừng như đang cầm cây sào cắm xuống lòng rạch để giữ cho xuồng đừng theo con nước mà bỏ bờ …

Đêm đó, trải chiếc chiếu trên tấm vạc giường, tôi nằm lên mà nghe mát rượi. Tôi nghĩ : rồi đây, hai đứa sẽ nằm chung một vạc giường. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm tôi sung sướng đi vào giấc ngủ. Cuộc đời sao dễ thương quá hổng biết ?

* * *

Chuyện của nàng và tôi chưa ai biết hết thì xảy ra vụ tháng tư 1975. Lúc đó, nghe tin dân miền trung chạy rần rần vô nam, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :

- Chuyến nầy, mầy đi giùm tao xuống Cần Thơ. Tao có con em mấy chục năm nay theo chồng ở dưới. Địa chỉ nó đây.

Ổng đưa tôi miếng giấy có ghi tên họ, số nhà, tên đường :

- Tao nhờ mầy ôm một số tiền xuống đưa cho tụi nó, biểu tụi nó lo chạy về đây ở với tao sớm sớm cho có anh có em. Có gì cũng còn có nhau còn hơn là đứa một nơi người một ngả, loạn lạc nầy không biết đâu mà rờ. Tao có biểu tụi thằng Hai trại hòm qua ở nhà mầy, vừa giữ giùm nhà vừa coi ruộng luôn. Đừng lo !

… Vậy là tôi lặn lội xuống Cần Thơ tìm người em gái của ông Cả. Bà nầy có sạp vãi ở chợ Cần Thơ, ông chồng là thiếu tá hải quân. Khi tôi tìm ra được bả thì có tin thiên hạ ở Sài Gòn đang chạy di tản, làm dân chúng Cần Thơ cũng rối ren hối hả xuống ghe xuống xuồng tranh nhau đi. Ông thiếu tá hải quân hốt hết gia đình đem lên tàu chiến, kéo tôi theo luôn ! Đứng trên tàu, tôi nhìn đồng ruộng chạy lùi về phía sau mà chết điếng ở trong lòng, không biết làm sao báo tin cho ông Cả Bảy và nhứt là cho Huệ …

… Vậy rồi sau thời gian nằm trên đảo của quân đội đồng minh, tôi định cư ở Mỹ, tiểu bang Cali. Tôi làm công cho một tiệm ăn Việt Nam ở khu Sài Gòn Nhỏ, rửa chén quét dọn lau nhà … Lương lậu không bao nhiêu nhưng được bà chủ cho ở trong một phòng nhỏ nằm cạnh nhà bếp, ở để làm gác-dan cho bả luôn !

Thời gian sau, khi đã ổn định đời sống, tôi có gởi thơ về nhưng không thấy hồi âm. Tôi biết làng tôi nhỏ béo lại nằm tuốt trên vùng Ngọn - gọi là ‘ Ngọn’ bởi vì nằm trên ngọn sông Vàm Cỏ - giáp ranh với đất Cao Miên. Hồi thời trước, trong làng không có nhà bưu điện nên mỗi tuần một lần ông Sáu làm biện trong làng phải đạp xe xuống quận cách đó mười mấy cây số để lấy thơ ở nhà bưu điện đem về để trong nhà làng. Dân chúng cứ tự động đến coi trong đống thơ, cái nào mang tên mình thì lấy, có khi lấy giùm hàng xóm hay họ hàng bạn bè nữa ! Tôi nghĩ chắc bây giờ cũng vậy thôi, thơ tôi gởi không đến tay Huệ thì làm gì có hồi âm được ?

Dầu vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng nàng không bao giờ quên tôi, cũng như tôi lúc nào cũng nghĩ tới nàng. Tôi hay nghe mấy người có đọc sách nói ‘Lời thề trăm năm’. Nàng và tôi đâu có thề thốt gì đâu, nhưng câu nói ‘ Tính sao cũng được’ và cái mỉm cười tiếp theo sau đó của nàng ở đường lên chùa hồi tôi ngỏ ý xin cưới … tôi đã khắc ghi vào lòng. Như vậy, chẳng phải là một ‘ Lời thề trăm năm’ hay sao ?

Nhứt định tôi sẽ trở về Việt Nam để cưới Huệ. Để hai đứa cùng nằm chung một vạc giường, cái vạc giường đương bằng thanh tre già chuốt giẹp giẹp, nằm vừa êm vừa mát. Để thấy cái mà mấy người biết đọc sách gọi là ‘ Hạnh phúc lứa đôi ’đối với tôi, nó chỉ võn vẹn là sự sung sướng được chia đôi với người mình thương một tấm vạc giường … Mà muốn được vậy, tôi phải có tiền. Vậy là tôi để dành tiền, cắc ca cắc củm !

* * *

Nhờ hỏi thăm mấy người có về Việt Nam nên tôi đã ước lượng được số tiền cần thiết để làm đám cưới và để hai vợ chồng tôi có một số vốn làm ăn. Vậy mà phải năm năm sau tôi mới có tàm tạm đủ ! Chừng đó, tôi mới dám ‘ lên kế hoạch’ : nhờ ông Cả Bảy làm chủ hôn bên đàng trai, rước dâu về nhà của ổng, đãi đằng hai họ ở đó, xong rồi tôi chèo xuồng đưa cô dâu về nhà bên kia sông để tôi khoe với nàng tấm vạc giường mà tôi sắm cho hai đứa, từ hơn sáu năm nó vẫn nằm chờ…

Ngồi trên máy bay về Việt Nam, trong đầu tôi sắp xếp. Trước tiên là về nhà tôi để nghỉ ngơi cho tỉnh mỉnh. Sáng hôm sau sẽ đi thăm ông Cả Bảy, còn xế chiều thì qua nhà nàng vì giờ đó nàng mới từ lò gạch về nhà, tôi sẽ bất thần bước vô nói lớn : « Huệ ơi ! Huệ ! Anh về rồi nè ! ». Tưởng tượng đến đó, tôi bỗng ứa nước mắt ! Đầu óc tôi tự nhiên sao mù mờ. Làm như bao nhiêu năm nay tôi chỉ chờ có như vậy ! Tôi thấy tội nghiệp tôi, tội nghiệp nàng : nếu không có cái ngày nghiệt ngã 30 tháng tư 1975 thì làm gì hai đứa phải cắn răng chịu đựng khắc khe cỡ nầy ?

…Làng tôi bây giờ lạ hoắc. Không phải có thêm đường ngang nẻo dọc mà thấy đầy cờ xí biểu ngữ, loa trên loa dưới ồn ào không giống cái gì hết !

Tôi xuống xóm chợ nhờ một chị chèo xuồng mướn đưa tôi sang sông.

Khi xuồng vừa cặp vô cây cầu ván thì có con chó chạy ra sủa râng, rồi hai ông bà già từ trong nhà bước ra dòm. Té ra là chú thím Hai Lưa hồi xưa thủ trại hòm của ông Cả Bảy ! Chú Hai nhìn ra tôi ngay. Ổng la lên :

- Trời đất ! Mầy còn sống hả ? Ở đâu mà về vậy ?

- Dạ ở Mỹ.

- Cha…xa ớn há !

Rồi chú lật đật vừa la chó vừa bước xuống cầu phụ tôi đem hành lý lên. Trước nhà thấy có phơi chiếc chiếu với hai ba cái gối. Trong nhà vẫn như xưa, cái giường gỗ vẫn nguyên chỗ cũ với tấm vạc giường tôi đem về từ trong Xóm Mới. Chỉ có thêm là hai cái võng nằm song song gần đó, còn thì bàn ghế tủ..v.v…không có gì thay đổi. Tôi xúc động đến nghẹn lời. Chú Hai nói :

- Mầy uống miếng trà rồi nằm võng nghỉ lưng. Trong làng tưởng mầy chết rồi chớ, đâu dè … Để tao kể mầy nghe …

Vậy rồi chú nằm trên võng cạnh tôi, vừa hút thuốc vừa kể :

- Hôm mầy đi Cần Thơ, cha con tao theo lời ông Cả biểu, thay phiên nhau qua đây giữ nhà giữ ruộng. Kế đó, tụi nó - tụi cách mạng ớ ! – tràn vô làng, bắt hết hội đồng xã, bắt luôn ông Cả Bảy trói bằng kẽm gai thành một dọc, chở đi mất. Rồi tụi nó chiếm hết, nhà cửa đất đai ruộng vườn, đuổi tụi tao ra để lấy trại hòm. Nhờ có cái nhà của mầy mà tụi nầy dọn qua ở tạm. Tao và hai thằng con tao cất thêm cho cái chòi giữ ruộng rộng ra để để đồ đạc của tụi tao và để hai thằng con tao có chỗ hành nghề thợ mộc của tụi nó. Hai thằng nầy coi vậy mà gan ! Tụi nó vượt biên rồi định cư ở Úc. Bây giờ, tụi nó có xưởng mộc ở bển, coi bộ làm ăn khá ! Thấy lâu lâu gởi tiền về nhờ thằng bạn tụi nó ở thành phố chạy Honda lên đưa ! … À ! Mầy biết hông ? Tụi cóc cắn cách mạng có kêu tao về trại hòm làm cho tụi nó, tao đấm thèm ! Mầy nghĩ coi : trại hòm mà cũng bày đặt trương biểu ngữ đề ‘ Hạ quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà Nước ’. Mẹ ! … Hòm chôn người chết mà cũng vô kế hoạch nữa thì khùng hết nước nói ! Còn chuyện nầy chắc mầy chưa biết : con Huệ, con bà Năm Căng …

Hai tiếng ‘ Con Huệ ‘ làm tôi giật mình. Tôi nhỏm dậy, lắng tai nghe. Chú nói tiếp :

- Mấy tháng sau giải phóng, không biết nó nghe lời ai mà ôm gói xuống thành phố nói kiếm việc làm rồi lặn mất luôn cho đến năm ngoái đây, nó trở về mà đi bằng xe hơi nhà có tài xế, trên băng sau có người đàn ông có vẻ ông chủ. Mầy biết, trong làng chỉ có thằng Cói gia nhân của ông Cả Bảy là được ổng sắm cho chiếc Honda để đưa ổng đi đây đi đó, chớ đâu có ai có xe hơi. Vì vậy, khi con Huệ đi xe hơi thẳng vô xóm Lò Gạch là thiên hạ để ý. Bà Năm Căng kể lại nói bả nhìn nó không ra, tưởng là một bà nhà giàu nào đó đi lầm nhà ! Chừng nó xưng tên, mẹ con nó và bầy em nó ôm nhau khóc làm hàng xóm chạy qua mừng cũng rớt nước mắt. Nó đem cho má nó hai bao đồ rồi nhét trong túi áo má nó một cộc tiền. Sau đó, nó chỉ nói được có mấy tiếng ‘ Con lạy má ! Con lạy má !’ rồi vừa khóc vừa chạy vội ra xe lên ngồi cạnh ông người á-đông ở băng sau, tài xế rồ máy chạy ào đi gấp. Từ đó tới giờ không có tin tức gì hết !. Còn đồ nó cho má nó toàn là tơ lụa mắc tiền nằm kín trong từng bao ni-long có in nhiều chữ tàu. Thầy Ba trên chùa đọc rồi nói đó là sản phẩm cao cấp của Thượng Hải …

Tôi ngả người nằm xuống võng mà nghe lùng bùng hai lỗ tai, chết điếng ở trong lòng. Chú Hai Lưa hỏi :

- Mầy còn nhớ con Huệ hông ?

Tôi ‘ dạ ‘, tiếng dạ bị nước mắt trào lên chận ngang. Tôi nuốt xuống mà nghe miệng mồm đắng chát. Không kềm được nữa, tôi đưa hai tay lên bụm mặt. Chắc chú Hai Lưa thấy, hiểu, nên nghe chú tằng hắng một tiếng rồi làm thinh …

* * *

Trên máy bay trở về Mỹ, tôi nhìn qua cửa sổ thấy nhà cửa ruộng đồng cây cối mờ lần mờ lần rồi mất hút … mà tôi nghe buồn rười rượi. Ở tuốt dưới đó, trong một làng quê nằm xa mút trên vùng đất Ngọn, tôi đã bỏ lại một tấm vạc giường, tấm vạc giường tưởng để nằm chung với người con gái nhà quê mà tôi thương, đâu ngờ chuyện hai đứa chưa kịp thành duyên thành nợ thì nàng đã như chiếc xuồng bỏ bờ mà trôi theo nước, đành đoạn trôi theo nước …

Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm, giờ nghĩ lại sao thấy quá khù khờ ! Dầu vậy, tôi vẫn muốn gặp nàng, gặp một lần thôi, để chỉ hỏi có một câu : « Tại sao ?... Tại sao ? … Tại sao ? … »

Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi trào nước mắt …


Tiểu Tử