Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

BÍ ẨN TỜ 2 ĐÔ LA

 

Bí ẩn tờ 2 đô la

 image

Đầu năm, rất nhiều người người Việt thường hay lì xì người thân tờ 2 đô và cũng rất nhiều người thường luôn mang theo tờ 2 đô la Mỹ trong ví với mong muốn sẽ đem lại may mắn cho mình trong cuộc sống. Nhưng tại sao tờ 2 đô la Mỹ lại được coi là biểu tượng của may mắn thì không phải ai cũng biết. 

 

Mặc dù là một đồng tiền có mệnh giá thấp, đồng 2 đô la Mỹ là một trong những đồng tiền hiếm gặp nhất ở Mỹ. Chúng hầu như không còn xuất hiện trong lưu thông hàng ngày. Đồng 2 đô la Mỹ như một đồng tiền hiếm có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do mức sản xuất đồng tiền này tại Mỹ rất thấp, chỉ khoảng 1% trong tổng số các tờ tiền được sản xuất tại đây.


image


Ngày nay, tờ 2 đô la Mỹ được coi là một tờ tiền mang lại nhiều may mắn cho người sở hữu. Chúng được dùng để trao tặng cho người thân yêu trong những dịp quan trọng. Những năm gần đây cũng có rất nhiều người dùng tờ 2 đô này để tặng cho những bạn bè người quen trong những dịp lễ Tết để lấy may. Thậm chí có những người bỏ ra rất nhiều tiền để có được tờ tiền này trong tay, có người đã bỏ ra 2,5 triệu để mua một tờ 2 đô.

 

Vừa quý vừa hiếm


image


Tờ 2 đô được in rất hạn chế và không thường xuyên được in lại theo số series mới như các đồng tiền khác. Việc in tờ tiền này được thực hiện khi có nhu cầu. Nếu hệ thống ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang nhận thấy lượng cung về tờ 2 đô la quá ít thì các ngân hàng sẽ đề xuất yêu cầu Cục in ấn in thêm.

 

Cho đến nay thì tờ tiền 2 USD chỉ được in ấn trong một số năm: 1917, 1918, 1928, 1953, 1963, 1995, 1976, 2003 và 2009. Năm 2009 là thời điểm in đồng 2 đô la cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại với số lượng rất ít và chỉ 12 bang trong tổng số 50 bang của Mỹ được phép in tờ tiền này.

 

Câu chuyện về đồng 2 đô la Mỹ năm 1976


image


Theo giai thoại, vào năm 1976, tại Mỹ đã xảy ra một vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng và chỉ có một người đàn ông duy nhất sống sót sau đó. Những người tìm thấy người đàn ông này nói rằng họ phát hiện ra trên người ông còn duy nhất một đồng 2 đô la Mỹ.

 

Chính người đàn ông này cũng kể rằng trước đó mẹ ông đã dặn luôn mang theo đồng 2 đô la này bên mình từ năm ông 6 tuổi, nếu có điều không may xảy ra hãy cầm nó và cầu nguyện. Ông đã làm đúng như vậy khi đối diện với tử thần và từ đó, đồng 2 đô la năm 1976 được coi là đồng 2 đô la may mắn nhất.

 

Số 2 là số may mắn


image

image

image


Trong quan niệm của người phương Đông, số 2 cũng biểu tượng cho may mắn và hạnh phúc – tượng trưng cho sự “có đôi – có cặp” sự hài hòa về mặt âm dương nên là cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ. 


Bên cạnh ảnh hưởng từ quan niệm của Mỹ, dựa vào ý nghĩa phong thủy, ý nghĩa của 2 USD không chỉ tồn tại trong quan niệm của giới chơi tiền mà còn có sự lan tỏa tới các doanh nhân lớn nhỏ và của bất kỳ ai tin tưởng và mong chờ sự may mắn.

 

Thuận Buồm Xuôi Gió


image


Mặt sau của tờ 2 đô la Mỹ có in hình 42 vị Tổng thống các đời của Mỹ, được coi là biểu hiện của sự tụ họp đông đủ của những con người quyền lực và có sức mạnh. Do đó, người Mỹ quan niệm rằng nếu sở hữu tờ tiền này, mọi việc sẽ luôn thuận lợi, giúp những ước mơ dang dở trở thành hiện thực và thành công.

 

Biểu tượng của quyền lực


image


2 đô la là tờ tiền duy nhất mà mặt sau của nó có in hình tổng thống và 42 vị quan chức cấp cao nhất của nước Mỹ khi ký cùng nhau ký vào bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Mỹ năm 1774. Những con người xuất chúng và tài cao điển hình nhất chốn nghị trường trên toàn thế giới.


image


Khác với những ý nghĩa trên, ý nghĩa của biểu tượng này không mang tính quy ước , nó phụ thuộc vào mong muốn của người sở hữu: quyền lực, sức mạnh, ý chí, sự ảnh hưởng, thuận buồm xuôi gió…

 

Tờ tiền dẫn dắt tiền bạc


image


Đa phần mọi người tin rằng nếu sở hữu được những đồng 2 USD thì tiền bạc sẽ “biết đường rủ nhau mà đến”. Bạn sẽ không bao giờ thiếu tiền! Vì thế ai ai cũng muốn có được tờ 2 USD để luôn được may mắn trong cuộc sống và thành công trong sự nghiệp.

 

Do vậy đồng 2 USD vốn đã ít (lần in cuối cùng là vào năm 2009) lại càng hiếm hơn và việc sở hữu nó trở thành niềm “Ước Mơ” của mỗi người, nhất là những tờ 2 Đô 1976, 2 Đô 1928 hay 2 USD Mạ Vàng…


image

MỘT GIA ĐÌNH VIỆT Ở OAKLAND BỊ TRỘM VÀO NHÀ DÍ SÚNG, CƯỚP HẾT TÀI SẢN

 OAKLAND, California (NV) – “Chưa bao giờ tôi nghĩ những hình ảnh dí súng, cướp của mà mình chỉ thấy trong phim hành động Mỹ thôi lại xảy ra với chính mình. Bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi tự nói ước gì đó là giấc mơ thôi, quá hãi hùng.”

 

Đó là lời cô Nguyễn Phương Lan, tên tiếng Anh là Roseni Nguyễn, cư dân thành phố Oakland, miền Bắc California, mở đầu câu chuyện qua điện thoại khi kể lại với phóng viên nhật báo Người Việt về vụ trộm cướp mất toàn bộ tài sản xảy ra với gia đình cô một tuần trước.

 

Hai ngày trước khi nhà bị cướp, cô Lan cho biết mình đã mơ một giấc mơ kỳ lạ. Cô kể: “Đêm đó tôi ngủ mơ thấy mình đi đâu về đến nhà thì nhà bị đập cửa, mất hết đồ đạc. Tiền, vàng, hột xoàn, nghĩa là toàn bộ tài sản mất tiêu hết rồi. Giật mình tỉnh dậy, biết mình nằm mơ, tôi còn mỉm cười nói trời ơi mơ gì kỳ vậy.”

 

Không ngờ, hai ngày sau, giấc mơ như “ai đó báo mộng” đã trở thành “ác mộng” thật sự.

 

Khoảng hơn 9 giờ tối Thứ Bảy, 27 Tháng Ba, cô Phương Lan trở về nhà sau khi hoàn tất công việc làm hoa quả cho chùa để chuẩn bị ngày hôm sau là ngày vía Phật Quan Âm. Bé Amy Lê, 7 tuổi, con gái út của cô, ngồi chơi iPad.

 

Nhớ lại lúc đó, cô Lan kể: “Tôi và bé Amy nghe những tiếng động bên ngoài, khoảng 5 đến 10 phút, nhưng cứ nghĩ là ngoài đường phố hoặc hàng xóm. Sau đó, tôi nghe cả có tiếng nói chuyện với nhau, nói tiếng Anh, nên càng nghĩ chắc là hàng xóm thôi. Hai mẹ con nhìn nhau, rồi nghĩ chắc là mấy con sóc trên nóc nhà như trước giờ thôi.”

 

Chính vì nghĩ như thế, hai mẹ con cô Phương Lan yên tâm, không làm gì hết.

 

Những âm thanh “lạ” đó kéo dài gần 15 phút…Và, một tiếng “beng” thật lớn vang lên, và sau đó là tiếng đạp cửa thật mạnh. Cô Phương Lan và bé Amy cùng mở to mắt và cùng thốt lên: “Oh…no…!!!”

 

“Tôi cảm thấy lúc đó như trời sập vậy, kinh hoàng lắm,” cô Lan nói.

 

Theo lời cô, một người đàn ông cao lớn, mặc bộ đồ màu đen, mang khẩu trang, tay cầm súng sừng sững ngay trước mặt hai mẹ con cô. Người này vừa chĩa súng thẳng vào cô, vừa nói: “Nằm im, không được nhúc nhích, nếu không người đầu tiên tôi bắn sẽ là con của bà.” Tim cô đập loạn xạ. Cô nghe rõ bên ngoài phòng khách là tiếng đánh đập, tra tấn chồng mình – ông Lê Hoàng – và những câu hỏi dồn dập: “Tiền để đâu?”

 

“Vì sợ bọn cướp đánh đập hoặc sẽ giết con bé [Amy] nên tôi không dám nhúc nhích gì cả. Con bé rất sợ, nó nằm im. Tôi cảm nhận được nó đang run rẩy. Họ [tên cướp] bước tới lấy cái mền trùm lên con bé không cho con bé thấy,” cô Phương Lan kể.

 

Trong nỗi sợ hãi và giữa lúc đèn trong phòng còn sáng, cô vẫn kịp ghi nhớ tên cướp có nước da ngăm đen và đôi mắt to, đẹp như những người Ấn Độ. Tên cướp liên tục vừa lục tung đồ đạc, vừa nói “không được nhúc nhích.” Hắn bước đến tháo ngay bộ vòng cô đang đeo trên tay cất vào túi. Hộp nữ trang gồm đồng hồ, bông tai… cô để ở đầu giường cũng nhanh chóng bị thu giữ.

 

“Có lẽ thấy nhiều đồ nhỏ nhỏ quá nên họ lấy cái bao áo gối rồi cho tất cả vào đó,” cô nói.

 

Sau đó, chính cô cũng bị tên cướp lấy mền trùm lên kín người. Kể từ lúc đó, hai mẹ con cô hoàn toàn ngồi trong bóng tối và nghe ngóng những gì xảy ra trong ngôi nhà của mình.

 

Ông Lê Hoàng sau đó cũng bị đẩy vào trong phòng, nơi hai mẹ con cô đang bị trùm kín. Ông Hoàng bị cột chặt tay, ngồi dưới đất. Cô nghe tiếng tên cướp đánh, đá vào chồng mình. Cô kể bọn cướp liên tục hỏi chồng cô là “Tiền để ở đâu.”

 

“Chồng tôi thì cứ trả lời là ‘I don’t have any money.’ Mà thật là anh đâu có biết vì anh đưa cho tôi cất giữ hết,” cô kể.

 

Sau một hồi vừa đánh vừa hỏi nhưng không nhận được câu trả lời, những tên cướp buộc phải ngừng tay để lao vào tìm kiếm. Theo lời cô Lan, họ đi khắp các phòng, lục tung khắp tất cả mọi nơi, ngóc ngách trong nhà.

 

“Bọn cướp lục xới từng cái tủ không chừa cái nào. Tôi nghe chúng vừa lục vừa nói chuyện với đồng bọn bên ngoài bằng talkie walkie. Tên trong này hỏi là ‘Bên ngoài có ok không?’ Tên bên ngoài trả lời là ‘Chưa có động tĩnh gì, tiếp tục tìm kiếm đi,’” cô Lan kể.

 

Cứ khoảng 5, 10 phút, nhóm này lại gọi cho nhau để “check” an toàn giữa bên trong và bên ngoài. Qua cách liên lạc bằng talkie walkie trong lúc “hành nghề” như thế, cô nghĩ đây phải là một nhóm cướp chuyên nghiệp. Thêm nữa, cũng theo lời cô kể, chính vì có người bên ngoài canh giữ, những người bên trong mới có thời gian lục tung tất cả mọi thứ, từ những phong bì thư bưu điện cho tất cả ngăn kéo tủ trong nhà.

 

“Tôi nghe tên ngoài kia hỏi tên trong này là đã đổ hết thùng gạo ra chưa. Tên trong này nói là đang đổ ra mà không thấy gì hết. Xong, ngoài kia hỏi ‘Mày có lục trong tủ lạnh chưa?’ Rồi một tên khác nói ‘Coi chừng họ nhét tiền trong tượng Buddha đó, lấy tượng Buddha ra.’ Cũng may họ đã không đập tượng của tôi.”

 

Một tiếng đồng hồ trôi qua. Nhóm người này vẫn không ngưng lục soát. Cô thú thật là cứ mỗi một giây qua đi thì nỗi sợ trong cô lại tăng lên. Thỉnh thoảng, cô hỏi nhỏ (vẫn bị chiếc chăn phủ kín người) chồng mình: “Anh ơi anh có sao không?” Khi nghe cô hỏi như thế, con gái cô lại thì thầm: “Mom, quiet, or they will kill us.”

 

Tấm mền hai lớp phủ kín người cô bé 7 tuổi trong suốt một tiếng đồng hồ làm cho cho cô bị ngạt thở. Lâu lâu cô bé phải hé tấm mền lên để thở rồi lại chui vào trong. Cô Phương Lan nói: “Đôi khi tôi hé mền nhìn qua không thấy con bé đâu, không thấy nó nhúc nhích gì cả, tôi sợ quá quàng tay qua, rờ được con bé mới yên tâm. Lúc đó, nó nói nhỏ nhỏ ‘Con không sao, đừng lo.’”

 

“Trạm” cuối cùng

 

Sau khoảng một tiếng tìm kiếm, nhóm người này vẫn chưa bỏ cuộc. “Trạm” cuối cùng họ đi vào là nhà tắm trong phòng cô Phương Lan.

 

“Lúc tôi nghe tiếng bọn cướp đi vào trong nhà tắm, kéo cái tủ phía dưới cái ‘sink’ rồi lôi những chai xà bông, đồ sấy tóc ra là tôi biết… thôi rồi,” cô Lan kể về giây phút mất toàn bộ tài sản tiết kiệm giá trị nhất của mình, đó là vàng và hột xoàn – tài sản lớn nhất của cuộc đời cô, theo lời cô nói.

 

Khi được hỏi vì sao không gửi những tài sản giá trị đó vào ngân hàng, hoặc “saving box?” Cô Lan nói vì cô không nghĩ rằng những chuyện này lại xảy đến với mình.

 

Gia đình cô Nguyễn Phương Lan thuê ngôi nhà này đã được ba năm. Cô làm công việc bán hàng online. Chồng cô, ông Lê Hoàng làm nghề tự do. Khu vực nơi gia đình cô ở, khá đông người gốc Á. Theo lời cô Lan nói, vài ngôi nhà đã từng bị trộm cướp. Có nhà thậm chí từng bị trộm… ba lần. Chính ngôi nhà cô đang thuê cũng từng một lần bị trộm trước khi gia đình cô dọn vào.

 

Chính vì vậy, khi chuyện này xảy ra với chính gia đình mình, cô nghĩ rằng nhóm cướp này đã rất quen thuộc với các gia đình gốc Á, đặc biệt là người Việt. Cô nói: “Tôi thấy nhóm người này họ rất rành cách cất giữ tiền bạc, tài sản của người Việt mình nên chúng rất kiên nhẫn tìm kiếm.”

 

Khi đã lấy được vật muốn lấy, nhóm người này vẫn còn “luyến tiếc.” Họ đi lục tiếp từng phòng khác. Đến căn phòng của người con trai của cô Lan, họ “gom” được một tài sản khác, đó là hàng chục đôi giày thể thao hàng hiệu Nike, Adidas đắt tiền.

 

“Tôi nghe bọn họ còn nói với nhau ‘Men, all size 9 and 10,’” cô Lan nhớ lại.

 

Sau khi “không còn gì để lấy,” nhóm người này rời đi. Đợi cho thật yên ắng khoảng 5, 10 phút, cô tự cởi trói cho mình. Cô Lan bị trói tay bằng một đôi vớ mỏng. Sau đó, cô cởi trói cho chồng mình, vốn bị trói tay ngược ra sau bằng dây điện. Mọi người chạy ra ngoài và cầu cứu hàng xóm cũng như gọi cảnh sát.

 

Đã một tuần đã trôi qua kể từ đêm kinh hoàng đó, cô bé Amy thỉnh thoảng vẫn còn bị giật mình do những tiếng động lạ. Cô bé luôn nói với mẹ: “Momy, I do not want them to come back.”

 

Một trang gofundme cũng được những người bạn của gia đình cô Phương Lan lập ra, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Đến thời điểm hiện tại, số tiền nhận được khoảng $130,000. 

 

Báo Người Việt

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Những Người Vợ Lính thời lửa binh

 

Chị Phạm Thị Thang, Nữ Anh Thư đất Gò Công

 

Phạm Phong Dinh

 

 

Chị Thàng đã chọn một cái chết thật dũng cảm và cao cả. Ôm hai đứa con vào lòng, chị Thàng bình tĩnh chờ cho những tên Việt cộng nhào vào, chị rút chốt.



Người vợ lính ở tiền đồn cáng đáng cùng một lúc hai công việc, mà công việc nào cũng biểu hiện hình ảnh và đức tính cao quí của người phụ nữ Việt Nam.

Thứ nhất, đức tính đảm đang tận tụy của người vợ, người đàn bà Việt Nam quán xuyến chuyện gia đình, trông nom dạy dỗ con cái và nấu nướng những bữa ăn.

Thứ hai, khi quân giặc đã thấy dẫy đầy ngoài những vòng rào kẽm gai, thì những người nữ chiến sĩ chưa từng một ngày được huấn luyện ở quân trường ấy đã chiến đấu như bất cứ người lính chuyên nghiệp nào. Chị cũng biết dùng máy truyền tin gọi Pháo Binh, chị biết sử dụng thành thạo mọi loại súng trong đồn có, chị ném lựu đạn ác liệt và chính xác, tấm thân nhỏ bé của chị oằn nặng dưới những thùng đạn tiếp tế. Và chị cũng sẵn sàng nằm gói thân thiên thu trong chiếc poncho, để tên chị vĩnh viễn đi vào lịch sử. Chúng ta có nhiều người chị như vậy lắm. Ở ngay tại đồn Giồng Đình này thì ít nhất cũng có những chị Phạm Thị Thàng và Trần Thị Tâm.


Đêm 2.10.1965, với âm mưu làm xáo trộn hệ thống tiếp viện của những đơn vị diện địa trong khu vực Tiền Giang để dễ dàng thanh toán mục tiêu chính nào đó, chỉ trong một đêm Việt cộng đã tổ chức tấn công 11 vị trí của quân ta với quân số thật lớn. Đồn Giồng Đình thuộc tỉnh Gò Công cũng bị áp lực rất nặng của quân địch khi hứng chịu cuộc cường kích của 300 lính cộng.


Đây là một lực lượng chính qui Việt cộng với hỏa lực rất mạnh, chúng quyết tâm hủy diệt đồn Giồng Đình nhỏ bé, mà chỉ có vỏn vẹn một Trung Đội Nghĩa Quân 24 tay súng trấn giữ. Là những con ác quỷ hung tợn và thâm độc, lực lượng cộng quân đã bố trí ở hướng có nhiều nhà dân chúng, vừa làm bia đỡ đạn cho chúng, vừa ngoác miệng tuyên truyền gây căm thù nếu quân ta bắn trả. Người dân, nhất là những ông bà lão già, đàn bà và trẻ con luôn luôn là những cái bia sống đỡ đạn cho bọn giặc hèn nhát gọi là những “người giải phóng”. Với quân số ấy, vũ khí hùng hậu ấy mà chúng cũng ngán ngại 24 chiến sĩ Nghĩa Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến nỗi phải cậy nhờ đến máu thịt của đồng bào để có cơ may thủ thắng, thì còn từ ngữ nào, hình dung từ tồi tệ nhất nào để diễn tả bộ mặt cùng hung cực ác rất đốn mạt của cộng sản nữa không.


Đúng 2 giờ đêm, quân cộng dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thượng Úy Sáu Bích, đã mở cuộc tấn công từ hai mặt đánh vào Giồng Đình, với sự tin tưởng điên rồ, rằng chúng sẽ thanh toán cái tiền đồn nhỏ xíu này trong một thời gian ngắn. Chiến thắng dường như là chắc chắn, vì với quân số mười lần hơn, mười đè một, dẫu chúng có thí chín tên thì cũng có thể hạ gục được một chiến sĩ Nghĩa Quân Giồng Đình.


Trên lý thuyết, thì giả thiết đó dường như đúng. Nhưng trên trận địa, người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn thể hiện những chuyện phi thường, mà rất hằng hiện hữu trên bất kỳ chiến trường nào, quả thật cộng quân đã chọn lầm mục tiêu. Sau ba đợt tấn công hung bạo, tưởng gạch đá cũng phải nát thành tro, đã chiếm được 2 trong số 3 lô cốt trong đồn, cộng quân vẫn phải rút trở ra. Cuộc tấn công lần thứ tư được hối hả tổ chức và thực hiện, với quyết tâm san bằng Giồng Đình. Nhưng liệu 24 chiến sĩ Nghĩa Quân có cho phép điều đó không. Câu trả lời là không, không chỉ đến từ ý chí hừng hực tử thủ của các anh, mà còn là từ đôi bàn tay yếu mềm của những người vợ lính đang sống cùng với chồng con của các chị trong đồn. Phải, cuộc chiến thắng cuối cùng của Nghĩa Quân đồn Giồng Đình sẽ không thể thực hiện được, nếu không có sự góp sức chiến đấu của những người chị này. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Không phải chỉ những người chị dũng cảm ấy không thôi, mà cả trẻ con cũng đánh.

Đồn Giồng Đình nằm ở một vùng thôn ấp hẻo lánh trong tỉnh Gò Công, do một Trung Đội Nghĩa Quân trấn giữ, với thành phần chỉ huy gồm có anh Nguyễn Văn Thi, Đồn Trưởng, anh Lê Văn Hùng, Đồn Phó và anh Lê Văn Mẫn, âm thoại viên. Trấn thủ một vị trí hung hiểm như vậy, không chỉ có 24 tay súng mà đã đủ, nên tất cả những người vợ lính trong đồn đều đã được chồng huấn luyện sử dụng thành thạo những loại máy móc truyền tin và vũ khí. Như vậy số tay súng đã được nhân lên gấp đôi.


Trong nhiều trường hợp, đến những giây phút tử sinh tuyệt vọng nhất, những em bé cũng tham chiến, khi các em gan dạ bò dưới lưới đạn của giặc để đem tiếp tế đến cho cha và mẹ. Không ai buộc những người vợ lính, con lính cầm súng đánh địch. Nhưng chính những người vợ lính, con lính ấy làm sao có thể ẩn náu tìm cái sống trong khi chồng và cha của họ sắp ngã gục ngoài chiến hào.


Khi chấm dứt đợt tấn công thứ ba, địch tạm rút để tái tổ chức tấn công, thì tình trạng bên trong đồn Giồng Đình đã khá là bi đát. Đã có đến 16 chiến sĩ Nghĩa Quân bị thương, chỉ còn 8 Nghĩa Quân còn chiến đấu được. Âm thoại viên Lê Văn Mẫn bị thương ở đầu trong lúc anh đang cố gắng gọi máy về Tiểu Khu.

Anh Mẫn gục xuống buông chiếc ống liên hợp. Chị Trần Thị Tâm, vợ anh Mẫn vội đặt con bên cạnh anh và chộp lấy ống liên hợp. Liên lạc được tiếp nối, chị Tâm nghiễm nhiên trở thành một âm thoại viên, và là cứu tinh của đồn Giồng Đình. Ở một góc đồn, anh Lê Văn Hùng và chị Phạm Thị Thàng, vợ anh, và hai đứa con nhỏ đang phải đối đầu với một lực lượng quá đông của địch.


Nhìn ra ngoài hàng rào kẽm gai, giặc đã đã tràn vào đen ngòm như những con quái vật hung hãn. Anh Hùng chỉ còn trong tay cây tiểu liên Thompson và 16 trái lựu đạn, chị Thàng có một khẩu Carbine. Thật tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, sức ép của bộc phá và súng SKZ của Việt cộng bắn vào quá gần, các em không còn khóc được nữa mà đã nằm bất động dưới chân hai vợ chồng anh Hùng. Chị Thàng thì thào:


- Chúng đang phá lô cốt chánh, để em bắn yểm trợ anh bò về giữ. Lô cốt mất là đồn mình mất, em nằm tại đây giữ mấy đứa nhỏ, nếu chúng tràn vào thì… thì… em ném lựu đạn ra, có thể cầm cự đến sáng được.


Anh Hùng ngần ngừ, anh rưng rưng nhìn vợ con, rồi nhìn về phía lô cốt. Tiếng súng từ lô cốt cuối cùng đã yếu ớt lắm, có lẽ mấy Nghĩa Quân cố thủ ở đó đã kiệt quệ quá rồi. Số phận của anh Thi Đồn Trưởng thế nào. Anh Hùng lắc đầu không dám nghĩ đến chuyện xấu nhất đã xảy ra cho đồng đội. Nhưng nếu Việt cộng chiếm được lô cốt ấy, thì coi như đánh dấu chấm hết cuộc kháng cự. Anh Hùng phải quyết định, dù quyết định đó quá đau xót, là bỏ lại vợ con, mà trong lúc quân giặc đã hò hét ngay sát bên rồi:


- Anh chạy theo giao thông hào, em bắn yểm trợ cho anh.


Anh Hùng nhìn chị Thàng và hai đứa nhỏ lần cuối cùng. Trong lòng anh quặn lên một nỗi bi thương. Trời ơi, vợ con mình. Hai đứa nhỏ chẳng biết còn sống hay đã chết. Anh phóng mình xuống hào chạy băng băng về hướng lô cốt.


Cây Carbine trên tay chị Thàng run lên, những tràng đạn rải vào những cái bóng đen đã quá gần. Anh Hùng đã bò vào được lô cốt, giữa những tiếng đạn nổ rền trời. May quá, anh Thi trưởng đồn vẫn nguyên vẹn. Súng SKZ của địch thụt ầm ầm, nhưng anh Hùng vẫn có thể nghe được từng tiếng lựu đạn nổ từ phía công sự của chị Thàng.


Nước mắt anh rơi lả chả trên nền đất. Anh đã đếm được đến con số 15, mà tiếng súng của địch vẫn nỗ dòn dã ngay sát tuyến phòng thủ của chị Thàng.


Anh biết giây phút định mệnh thảm thiết nhất cũng đã điểm. Chị Thàng sẽ làm gì với quả lựu đạn thứ 16. Anh Hùng đau đớn rên lên trong lòng : “Chỉ còn một trái lựu đạn nữa thôi, làm sao em cầm cự được đến sáng”. Chính anh cũng không có được một giây để nghĩ tiếp cái gì sẽ xảy đến cho vợ con mình, vì dưới chân lô cốt anh tử thủ đã đông nghẹt quân giặc. Đủ mọi thứ loại súng nỗ chát chúa khắp đồn, anh Hùng không biết chắc là mình đã nghe được tiếng nổ của trái lựu đạn thứ 16 chưa.


Cuộc chiến đấu đã kéo dài được một tiếng đồng hồ, quân địch đã phá được lớp kẽm gai cuối cùng và sắp tràn ngập đồn Giồng Đình. Lúc đó là 3 giờ sáng rạng ngày 2.10.1965. Tình hình đã quá nguy ngập. Anh Nguyễn Văn Thi, Đồn Trưởng, quyết định thà hy sinh còn hơn là để đồn lọt vào tay địch. Anh giật lấy ống liên hợp từ tay chị Tâm và thét lớn:


- Hãy bắn lên đầu chúng tôi ! Bắn vào giữa đồn… Hai lô cốt thứ nhứt và thứ hai đã thất thủ. Tụi tui ở lô cốt thứ ba. Hãy bắn lên trên đầu chúng tôi, Việt cộng đông lắm. Bắn đi… bắn…


Sau tiếng gọi thống thiết của người Đồn Trưởng, Pháo Binh Tiểu Khu Gò Công lập tức bắn vào đồn với loại đầu nổ cao. Loại đạn đặc biệt này nổ khi cách mặt đất chừng 4, 5 thước, rất hữu hiệu tiêu diệt biển người địch, quân ta núp trong lô cốt vẫn có hy vọng sống sót. Những cái bóng đen nhập nhoạng dưới ánh sáng hỏa châu văng tung tóe, tiếng kêu dẫy chết của chúng như tiếng rú của quỷ. Hàng tràng đạn nổ cao vẫn dội ùng oàng xuống đồn. Chiếc lô cốt cuối cùng vẫn đứng vững, anh Thi cùng anh Hùng từ trong những lổ châu mai bắn tỉa từng tên địch. Giữa tiếng súng nổ dòn, dường như người ta nghe âm thanh rì rì của máy bay. Không Quân Việt Nam đã tới. Những chiếc A1 khu trục cơ đã xuất kích. Đến đây thì “Thượng Úy” Việt cộng Sáu Bích, tên chỉ huy trận đánh đã có thể nhận thấy rằng, cuộc tấn công đồn Giồng Đình đã đánh dấu chấm hết, với phần thắng nghiêng về phía Nghĩa Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc 4 giờ 30 sáng, chiến địa hoàn toàn im tiếng súng. Quân địch đã kéo những xác chết và những tên bị thương chạy trốn vào phía bóng tối.


Khi ánh hừng đông của một ngày mới đã lên, hai Đại Đội Địa Phương Quân do chính Trung Tá Tiểu Khu Trưởng Gò Công chỉ huy đã đến và tổ chức bung quân ra lục soát. Quân cộng đã để lại trận địa 23 xác chết, ở giữa đồn có 6 xác khác nằm bên cạnh lô cốt thứ ba, nơi mà anh Đồn Trưởng Thi, Đồn Phó Hùng và chị Tâm giữ máy truyền tin đã kháng cự mãnh liệt, thà chết không hàng. Những tên Việt cộng này mang trên mình rất nhiều lựu đạn và bộc phá, chắc là chúng quyết thí mạng để phá cho bằng được ổ kháng cự cuối cùng này.


Anh Thi và anh Hùng đã bắn địch theo lối xâu chéo, nghĩa là bắn chéo góc với nhau tạo thành một xạ trường quét gọn tất cả những tên cộng nào nằm trong đó. Ngày hôm sau, một người thường dân bị Việt cộng bắt đi tải thương lén trốn về được đã cho biết số bị thương của chúng chở đầy sáu chiếc ghe tam bản. Một lính cộng may mắn bị thương tên Dương Văn Thiều, 18 tuổi, sống sót và bị bắt làm tù binh. Tại sao may mắn ? Vì nếu anh ta bị kéo đi theo vào bưng biền, nếu không bị chết vì nhiễm trùng, bị những quân y sĩ Việt cộng cưa cắt bằng những loại cưa và đục của thợ mộc, thì cũng bị cấp chỉ huy ra lệnh mang anh đi thủ tiêu. Đó là lý do giải thích tại sao sau ngày 30.4.1975, người dân Miền Nam hiếm thấy người thương phế binh cộng sản trên đường phố.


Nhưng đối với anh Hùng, thì tất cả những gì mà Viêt cộng đã trả giá cho cuộc tấn công không làm anh quan tâm. Ngay khi tiếng súng vừa chấm dứt., quân cộng đã rút đi, thì anh đã như một người điên lao mình ra chỗ chiến hào mà chị Thàng đã một mình một súng trấn giữ ở đó, với một niềm hy vọng mỏng manh, rằng đừng bao giờ trái lựu đạn thứ 16 được rút chốt. Anh Hùng bò vào khúc hào mà anh đã nuốt nước mắt chạy đi. Chị Thàng cùng hai đứa con của anh nằm chết bên cạnh ba xác Việt cộng. Anh Hùng gục xuống như thân cây chuối bị một nhát dao bén chém ngọt làm đôi. Anh biết, nếu trái lựu đạn thứ 16 nổ thì chị Thàng cũng đi vào cõi chết, vì chị Thàng sẽ không bao giờ cho phép giặc bắt chị hoặc đạn của chúng bắn vào người chị. Chị Thàng đã chọn một cái chết thật dũng cảm và cao cả. Ôm hai đứa con vào lòng, chị Thàng bình tĩnh chờ cho những tên Việt cộng nhào vào, chị rút chốt!


Tiếng nổ kinh thiên cùng với xác thịt và máu của người nữ chiến sĩ đó đã được đánh đổi với ba mạng giặc. Anh Hùng ôm xác vợ con vào lòng và gần như ngất xỉu. Nhưng khi nhìn ra ngoài, những xác giặc thù nằm ngỗn ngang khắp nơi, trong nỗi đau khổ tột cùng của mình, anh Hùng thấy trong lòng dậy lên một niềm tự hào đến nghẹn ngào. Sự hy sinh của chị Thàng đã cứu sống được tất cả những thương binh Nghĩa Quân cùng vợ con các anh, nhưng trên hết cứu sống chính sinh mạng của người chồng mà chị yêu mến. Những viên đạn Carbine và 15 trái lựu đạn của chị đã đóng góp vào sự tồn tại kỳ diệu của đồn Giồng Đình. Một người lính chuyên nghiệp và thiện chiến nhất cũng chỉ làm được đến ngần ấy. Nếu cái lô cốt thứ ba không đứng vững, thì chắc chắn tất cả sinh mạng mấy mươi người Nghĩa Quân và vợ con của đồng Giồng Đình đều sẽ chết hết.


Anh Hùng ẳm chị Thàng ra ngoài, để trông thấy những người còn sống, những người vợ lính khác đã gục đầu khóc tiếc thương chị Thàng. Những nấm mộ đất được đắp vội với ba tấm bia tang tóc. Một của chị Phạm Thị Thàng, và hai kia của cháu Lê Văn Dũng và Lê Tấn Sỹ. Ôi, những người vợ của lính trong thời lửa binh. Chị Phạm Thị Thàng, chị Trần Thị Tâm, và nhiều người chị khác trên khắp nẽo chiến trường, chị Thạch Thị Định, chị Bùi Thị Xiếu, chị Am Reng.


Người lính của chúng ta, những công dân xếp hạng chót nhất trong bậc thang xã hội, nhưng là những người hứng chịu oan nghiệt trước nhất, là bức tường chắn cho sự an toàn của hậu phương phồn thịnh và hạnh phúc. Trong đời của các anh không có được một thứ ưu tiên vật chất nào cả, ngoài cái ưu tiên phải hy sinh và chết. Có những người lính từ Miền Tây ra tận miền hỏa tuyến hay trên vùng cao nguyên sương mù Miền Trung, nhiều năm liền không có lấy được một ngày phép về thăm gia đình. Nếu anh may mắn, thật đau xót, quân thù bắn anh bị thương, thì anh mới có cái diễm phúc được nắm trong tay tờ giấy phép. Còn nếu sự gọi là may mắn đó đi xa hơn một bước, anh chết, thì anh được phép dài hạn trở về và vĩnh viễn được an nghỉ ở nơi đã sinh ra anh. Đầu năm 1972, trong một trận đánh của Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại khu vực Cồn Tiên nằm sát phía Nam khu phi quân sự bên này bờ sông Bến Hải, một tiểu đoàn sau nhiều ngày cố gắng đã không thể chiếm được một cao điểm. Vị Tiểu Đoàn Trưởng gọi bốn người lính gốc Miền Tây lên hứa sẽ cấp mỗi anh mười ngày phép nếu các anh chiếm được ngọn đồi ấy. Bốn người tráng sĩ Kinh Kha đã nai nịt tề chỉnh, mang thật nhiều lựu đạn bò lên, mỗi người cầm một cây gậy ngắn dò đường. Đêm tối như mực. Hễ chọt trúng cái lổ nào là thảy lựu đạn vô cái lổ đó, vì ở đó chính là cái miệng hầm chốt của địch. Đến sáng, bốn người dũng tướng vô danh đó đã reo hò trương Cờ Vàng Việt Nam trên đỉnh cao điểm. Ôi, những ngày phép đã trở thành một ân huệ chứ không phải là một quyền lợi đương nhiên của những người lính trận.


Người vợ lính cùng chia sẻ với chồng những nỗi đắng cay thiệt thòi đó, bằng tất cả sự câm nín nhẫn nhục và vui lòng với những gì mình có. Một góc hầm tối tăm, một chiếc ghế bố cũ, vài cái nồi, chảo nhem nhuốc, những cái chén sành và những đôi đũa tre, cùng tiếng cười của lũ trẻ thơ cũng đủ làm nên thành niềm hạnh phúc vĩ đại của những người vợ lính. Chị Thàng đã chết đi, anh linh của chị cùng hai cháu bé đã thăng thiên lên cõi vĩnh hằng, nhưng những người còn sống cùng thời với chị, cho mãi đến tận bây giờ và ngàn đời sau, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên tên chị. NGƯỜI CHỊ CAO CẢ PHẠM THỊ THÀNG. Vì tên chị đã được trân trọng ghi chép vào những trang bi tráng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam chống Cộng sản quốc tế và Cộng sản Hà Nội, một lũ hung đồ diệt chủng, diệt dân tộc gớm ghiếc nhất của thế kỷ thứ 20 và của lịch sử hình thành nhân con người.

 

 

Phạm Phong Dinh
 

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Bài diễn văn của ông Trump tại CPAC

 


 image

Bài diễn văn của ông Trump tại CPAC: Tập trung chống lại Trung cộng, xóa bỏ độc quyền của Big Tech, mở cửa lại trường học.


Cựu Tổng thống Donald Trump trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi rời Tòa Bạch Ốc sẽ đặt ra một tầm nhìn lạc quan cho Hoa Kỳ và tập trung vào việc chống lại Trung Cộng, vực dậy ngành sản xuất của Hoa Kỳ, xóa bỏ độc quyền của Big Tech, mở cửa lại các trường học và bảo đảm an ninh biên giới, bên cạnh các chủ đề khác, theo cựu cố vấn cao cấp của ông Trump, ông Stephen Miller.


image

Cố vấn cao cấp của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Stephen Miller, vẫy tay chào những người ủng hộ trước khi trực thăng Marine One khởi hành từ Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 06/08/2020.

 

Là người đã nói chuyện với tổng thống gần đây, ông Miller đã tóm tắt những ý chính của bài diễn văn sắp tới của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ nhật (21/02) để trả lời câu hỏi về khả năng ông Trump tái tranh cử vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2024, và về bài diễn văn đầu tiên của cựu tổng thống sau khi rời nhiệm sở.


image


“Tôi đã có cơ hội nói chuyện với Tổng thống và ông ấy rất hào hứng khi được thực hiện bài diễn văn sắp tới của mình tại CPAC, nơi quý vị sẽ nghe ông ấy đưa ra tầm nhìn tích cực của mình cho tương lai của đất nước này, một tầm nhìn mà tại đó chúng ta đứng lên chống lại Trung cộng, như Tổng thống đã làm trước khi rời nhiệm sở, và giành lại ngành sản xuất của chúng ta, một tầm nhìn trong đó các trường học của chúng ta mở cửa và biên giới của chúng ta đóng cửa đối với người nhập cư bất hợp pháp, một tầm nhìn trong đó sự độc quyền của Big Tech bị loại bỏ, và tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do tư tưởng có thể ngự trị, bởi vì đó là điều mà đất nước này thuộc về,” ông Miller nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo trên Fox News.


image


“Ông ấy sẽ trình bày một tầm nhìn lạc quan về một đất nước, nơi các cộng đồng được an toàn, nơi những kẻ tội phạm phải đứng sau song sắt, và nơi mọi người có thể kiếm một mức lương cao tương xứng và sản xuất các sản phẩm tại Hoa Kỳ đây, nơi chúng nên được làm ra, không phải ở Trung cộng, không phải ở nước ngoài,” ông Miller cho biết.

 

Đề cương bài diễn văn mà ông Miller tóm tắt cho thấy cựu TT Trump đang dõi theo chính phủ của ông Biden một cách chặt chẽ, vì các chủ đề của bài diễn văn phù hợp với một số mệnh lệnh hành pháp chủ yếu của Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông ấy nhậm chức. Ông Biden và một số quan chức mà ông ấy bổ nhiệm đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì lập trường dường như mềm mỏng hơn của họ đối với Trung Cộng so với lập trường dưới thời chính phủ ông Trump. Tòa Bạch Ốc hiện thời cũng đang vật lộn trong việc duy trì một thông điệp rõ ràng về thời điểm các trường học sẽ mở cửa trở lại, và đang đối phó với phản ứng bên trong và bên ngoài sau khi xóa sạch các chính sách cứng rắn của ông Trump về nhập cư bất hợp pháp.


image

Tổng thống Joe Biden ký các sắc lệnh trong Phòng ăn của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 26/01/2021.

 

Là kiến trúc sư của chính sách nhập cư của chính phủ ông Trump, ông Miller đã nói trước đó trong cuộc phỏng vấn rằng những hành động của ông Biden đối với vấn đề nhập cư là “điên rồ.”

 

“Luật do Tổng thống Biden và các nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ đưa ra, về cơ bản xóa bỏ bản chất dân tộc thực sự của nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tôi tin là vậy. Luật này đề xuất gửi những đơn xin tới những người nhập cư bất hợp pháp đã bị trục xuất trước đây, và cho họ cơ hội nhập cảnh trở lại đất nước theo con đường nhanh chóng để có quốc tịch. Điều này là chưa bao giờ nghe thấy,” ông Miller chỉ trích.

 

Những nhận xét của ông Trump về Big Tech và quyền tự do ngôn luận, sẽ đặc biệt quan trọng vì Twitter, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác đã cấm ông Trump trước khi ông rời nhiệm sở. Kể từ khi bị bịt miệng trên các nền tảng này, ông Trump đã không xuất hiện trước công chúng. Tổng thống đã đưa ra những bình luận đầu tiên trước giới truyền thông vào ngày người dẫn chương trình radio bảo thủ nổi tiếng Rush Limbaugh qua đời.


image


Là cuộc họp thường niên lớn nhất của các nhà hoạt động bảo thủ, CPAC sẽ diễn ra tại Orlando, Florida, từ ngày 25/02 đến ngày 28/02. Ông Trump sẽ có bài diễn văn vào ngày cuối cùng của hội nghị. Ông Trump đã diễn thuyết một số lần tại CPAC khi còn đương nhiệm.

 

Cố vấn cao cấp hiện tại của cựu TT Trump, ông Jason Miller, đã nói với [kênh truyền hình] Newsmax vào ngày 20/02 rằng bài diễn văn của ông Trump cũng sẽ vạch ra lộ trình cho tương lai của Đảng Cộng Hòa.


image

Tổng thống Trump ôm quốc kỳ Hoa Kỳ khi ông đến diễn thuyết tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ, CPAC 2019, ở Oxon Hill, Maryland, hôm 02/03/2019.


“Tôi nghĩ những gì quý vị sẽ nghe Tổng thống Trump nói vào ngày Chủ nhật tới, ngày 28/02, là tương lai của Đảng Cộng Hòa, và một số bài học mà chúng ta đã nhận ra trong năm 2020, nơi chúng ta đã thấy Tổng thống Trump mang một lượng kỷ lục những cử tri người Mỹ gốc Phi, những cử tri người Mỹ gốc Latinh về phe Đảng Cộng Hòa, những con số lớn hơn những gì chúng ta từng thấy trong lịch sử tổng thống của Đảng Cộng Hòa hiện đại. Chúng ta phải giữ những cử tri này gắn kết với đảng của chúng ta,” ông Miller nêu rõ.


 

 

Janita Kan & Ivan Pentchoukov _ Yến Nhi


image