Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

NGƯỜI VIỆT NAM HÈN HẠ


Mời bạn đọc một bài viết rất can đảm của một phụ nữ, đang sống tại Việt Nam.

Cách đây đã lâu, tôi đọc “người trung quốc xấu xí” của ông Bá Dương (Ðài Loan), chưa bàn tới hay/dở/ đúng/ sai của nội dung cuốn sách gây tranh cãi ầm ĩ đó, tôi chỉ nhớ lại cảm giác giật mình của tôi khi đó. Khi tôi đọc lướt qua vài trang sách Tôi như vỡ ra một niềm cảm khái mà từ lâu nó cứ âm ỉ trong lòng. Tôi biết thế giới đã từng có những cuốn như “Người Mỹ xấu xí,” ”Người Nhật Bản xấu xí,” rồi mới đến cuốn của ông Bá Dương. Tôi vừa đọc, vừa tự hỏi, tại sao người việt nam chúng ta không có một cuốn như thế này? Tại sao chúng ta cứ tự ru ngủ mình trong cái điệp khúc dân tộc việt nam là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” …nhìn đâu cũng thấy anh hùng, liệt sĩ… Nếu thực sự chúng ta có những tố chất đó, nếu thực sự chúng ta là những người như thế, sao kết quả chúng ta hiện nay lại là một đất nước như thế này?
Một đất nước mà hơn phân nửa các cô cậu tú tài đi thi cử nhân khoe rằng mình có quay cóp một cách hoàn toàn không có chút tự trọng (đó là được hỏi, còn báo chí không cần hỏi vẫn có những hình ảnh phao thi trắng cả trường thi! Vậy thì thi cái gì? Thi xem ai quay cóp giỏi hơn chăng?). Trong đó còn có cả những đứa trẻ bảo rằng năm nay không thi thì năm sau thi, chứ làm bài mà phỉ báng “thần tượng Su-Ju” của nó là nó không thi! Mặc cho bao nhiêu tâm sức, kỳ vọng của gia đình, nhà trường, xã hội – những nền tảng đã cho nó có được cuộc sống và kiến thức để mà tiếp cận được với Su-Ju danh giá của nó. Thế mà nó vẫn được rất nhiều đứa trẻ khác tung hô! Chính là những đứa trẻ sẵn lòng khóc lóc, quỳ gối, hôn ghế… trước thần tượng. Một dân tộc gì đã sản sinh và nuôi dạy ra một thế hệ kế thừa như thế?
Con nít nó học cha anh mà ra, chúng ta đã nuôi dạy trẻ con thành ra như thế sao? Ðừng ai đổ thừa cho ai. Vì trường học đổ cho cha mẹ, cha mẹ đổ cho xã hội, xã hội đổ cho cha mẹ… nhà trường. Tóm lại, đừng đổ thừa nữa. Hãy biết hốt về mình đi! Tất cả chúng ta là người lớn, chúng ta đều có lỗi.
Bởi người lớn có hơn gì? Một xã hội mà người ta đang sẵn lòng thuốc chết nhau đi từng ngày bởi tiền bạc bất kể lương tri. Làm quan thì chỉ lo vơ vét, tham nhũng, quỳ gối trước ngoại bang để duy trì sự thống trị trước nhân dân.
Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường… trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có,… nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm.” Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó! Tiếng súng không còn nổ ngoài đường. Một cuộc chiến khác đậm chất mafia, côn đồ, đảo Sicily chắc còn phải chào thua nhà cầm quyền việt nam trước khả năng dùng “luật im lặng” của họ với dân mình. Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất. Trong khi họ giữ đất cho ai? Những đứa thanh niên đó nó đang nghĩ gì khi quay lưng lại với dân tộc mình? Ðơn giản thôi. Nó tin rằng nếu trung thành với cái thể chế mà nó đang phục vụ, thể chế đó sẽ cho nó công việc ổn định, đặc quyền, đặc lợi hơn người. Vậy là nó nhắm mắt làm theo, coi nhân dân là cỏ rác, cũng vì lợi ích cá nhân … gia đình nó- nếu nó có nghĩ tới. Chứ ngoài ra, liệu còn cái lý tưởng cao đẹp nào có thể tin vào lúc này? Ðừng nói với tôi là “lý tưởng Hồ Chí Minh” hay “lý tưởng cộng sản” nhé! Hỏi những đứa mặc áo xanh cán bộ đoàn thử xem, nó nói có trôi chảy không? Tôi đã thử rồi, rốt cuộc là ngồi im nghe tôi nói huyên thuyên toàn những điều mà trường học gọi là “phản động.”
Cuộc chiến này được khoác lên chiếc áo bảo vệ hòa bình, tự do, hạnh phúc. Còn bên trong là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực cho một nhóm người gắn kết với nhau bằng những chiếc răng cùng gặm vào xương máu người nghèo, người thất học, người bán buôn lương thiện hàng ngày. Những người mỗi ngày chỉ biết tạ ơn trời phật đã cho chúng con một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị CSGT thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết,…
Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để lo cho cái thân mình. Họ còn biết làm gì nữa?
Và khi họ chăm chắm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác khác lên ngôi, bọn này là sản phẩm của công thức:Bên trên, chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, có tiền là ra luật + Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác, chỉ còn biết nghĩ tới mình + Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt = Chúng chợt nhận ra chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh… ức hiếp bên dưới.
Sao mà tôi sợ bọn người đó như thế?!
Bọn đó tập trung vào các cơ quan công quyền, làm quản lý, làm công an, làm công chức,… làm “đầy tớ” của nhân dân!
Bọn công bộc đó đã cùng nhau đẩy những cụ già bỏ quê bỏ xứ, lên Sài Gòn ngồi vạ vật dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm, ngày này qua tháng nọ để kêu oan.
Bọn công bộc đó đã đẩy 2 mẹ con người phụ nữ nọ phải dùng đến cách phản kháng cuối cùng mà họ có là khỏa thân ở giữa đường để đòi lại công bằng. Vì trong tay họ còn có gì để chống lại chúng ngoài phẩm cách của người đàn bà vốn được coi là thiêng liêng? Họ dùng đến cách đó, và cuối cùng bị chúng lôi kéo dọc đường và nỗi oan của họ có ai thèm đoái tới?
Bọn công bộc đó đã đẩy đến đỉnh điểm hôm nay, một người mẹ uất ức tự thiêu trước cổng 1 cơ quan công quyền vì không còn sức để chịu đựng chúng…
Tôi sợ bọn chúng vì bọn chúng đông quá, đông như kiến cỏ. Chúng nhan nhản khắp nơi, ngày ngày bóp chết mọi ước mơ, triệt tiêu mọi khao khát, thêm sự dốt nát của chúng vào nữa là hoàn hảo để tạo ra một nền kinh tế xã hội thụt lùi đến chóng mặt, quay cuồng trong dối trá và danh lợi. Ðáng sợ hơn, cuộc sống ấm êm no đủ của chúng nhờ vào tính cơ hội – thu vén lại là sự thèm khát của những tầng lớp khác. Khiến cho những con thiêu thân non trẻ khác lao vào như một cơ hội ngàn vàng.
Bọn này tiếp tay cho bọn con buôn cũng lưu manh không kém. Thế là chúng ta ăn thức ăn có độc mỗi ngày, con cháu chúng ta uống sữa độc mỗi ngày, chúng ta đi trên những con đường hiểm họa mỗi ngày, chúng ta tiêu dùng những gì chúng mang tới, chúng ban phát, với giá mà chúng ấn định, với mức thuế mà chúng muốn,… không còn một lựa chọn nào khác. Không biết làm gì khác, không có phản ứng gì khác! Vì chúng ta lương thiện.
Kẻ không lương thiện có những phản ứng tàn độc hơn, hoặc biến hẳn sang một trạng thái sống khác, như một sự kết tinh cao cấp hơn của một xã hội đương nhiên sẽ sản sinh ra nó.
Tôi nghĩ đến bọn này khi tôi đọc tin về tên bác sĩ lợi dụng lúc mẹ của bệnh nhi đi lấy giấy xét nghiệm, hắn hãm hiếp đứa bé mới 3 tuổi.
Tôi đọc tin ông bà chủ đánh trẻ làm công đến thương tật.
Tôi đọc tin một gã thanh niên có học chặt chém bạn gái mình thành từng khúc chỉ vì một chiếc xe máy và chút ít tài sản.
Tôi đọc tin bọn chủ… lơ xe vứt xác hành khách bị lèn chết giữa đường mà cả xe không ai phản ứng.
Tôi đọc tin nữ sinh phải ngủ với thầy giáo để được điểm tốt.
Tôi đọc tin người đi đường bị cướp, may mắn giật lại được túi tiền, nhưng túi rách, tiền bay ra, xung quanh thiên hạ xúm lại nhặt, nhưng không phải nhặt giúp, mà nhặt hết đi không chừa lại đồng nào. Thay vì bị 1 đứa cướp, anh ta bị cả con đường đè ra mà cướp!… Còn rất nhiều tin.
Một dân tộc gì mà độc ác và hèn hạ thế? Dĩ nhiên không chỉ có mình tôi biết đau đớn vì những điều đó.
Chúng ta có cả một thứ to tát mà tôi tạm gọi là “nền văn chương than khóc.”
Trong những tác phẩm thi ca xuất bản từ khoảng 20 năm trở lại đây, tôi không dám nói mình đọc nhiều hay nghe nhiều, nhưng tôi cố gắng đọc, nghe, cố gắng tìm tòi, cố gắng tìm kiếm một tác phẩm nó xứng đáng làm cho tôi thấy dân tộc việt nam của tôi thực sự là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” một cách đúng nghĩa. Vì hãy quên những hình tượng cách mạng cao đẹp trong văn chương hay cả âm nhạc của miền Bắc thời chiến tranh đi! Ðó không phải là văn chương, nó là thuốc pháo, tìm cách dẫn dắt, thôi thúc người ta chém giết… chết. Không hơn không kém.
Các bạn có tìm kiếm giống tôi không? Và các bạn có tìm thấy không? Hay đầy rẫy xung quanh chúng ta chỉ có 3 loại:
– Loại mờ nhạt, rẻ tiền, xúc cảm vu vơ, vụn vặt, vô thưởng vô phạt.
– Loại có trăn trở, có suy tư, nhưng toàn đau đáu những nồi niềm xưa cũ, tương lai chả biết phải vứt đi đâu và vứt cho ai?
– Loại mạnh mẽ hơn, trực diện hơn, nhưng tầm vóc tác phẩm chỉ ở mức gẩy lên 1 tiếng đàn, rồi thôi!
Tinh thần chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng những thứ chỉ đến mức đó thôi.
Còn những thứ hổ lốn lai căng phát trên TV, bán ngoài sạp báo mỗi ngày, tôi không dám kể tới, vì đó là nỗi kinh hoàng mà nếu phân tích thêm, chỉ muốn vứt cái đầu mình đi, không cần suy nghĩ nữa làm gì cho mệt óc.
Vậy cái gì đã gây nên nông nỗi? Tôi không muốn tạo ra sự hiểu lầm là cái gì cũng do lỗi cộng sản.
Nhiều người rất cực đoan, nói ra cái gì sai, họ cũng đổ vấy hết cho cộng sản. Nhưng cộng sản tệ đến thế mà cai trị được chúng ta đến ngày giờ này, thì chúng ta cũng tệ không kém!
Nghe nói cụ Tản Ðà có câu:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn!
Cho nên quân ấy mới làm quan.
Những gì độc ác, bẩn thỉu của cộng sản, những người khác đã nói đầy cả ra rồi, tôi nghĩ mình cũng không cần nhắc lại.
Tôi chỉ nghĩ đến một điều, cái gì đã làm cộng sản tồn tại lâu như thế?
Ngoài sự cấu kết quyền lực-quyền lợi để cùng bảo vệ lẫn nhau, cộng sản đã làm gì để chúng ta thành ra một dân tộc việt nam hèn hạ tự trên xuống dưới, từ già tới trẻ như ngày hôm nay? Ngoài sự mafia, côn đồ, trấn áp bằng sợ hãi, giáo dục một cách ngu dân ra, chúng còn làm gì nữa?
Ai từng học luật đều biết, khi quy phạm pháp luật không điều chỉnh được, thì hành vi con người sẽ phải điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật không theo con người lên giường, vào toa-lét, xuống bếp. Nhưng đạo đức theo ta khắp nơi, tận trong ngõ ngách tâm hồn. Pháp luật cũng không ép tạo ra đạo đức. Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin mà cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ, …Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,… thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm?
Còn những kẻ yếu không có niềm tin là có Phật, có Chúa, có Thánh Allah luôn soi sáng mình, giúp đỡ mình, ngự trị trong mình, thì họ còn biết dựa vào đâu để tìm lại niềm lạc quan mà sống? Mà tranh đấu để tự tìm lấy giá trị sống thiêng liêng mà đấng tạo hóa đã ban cho mỗi chúng ta?
Tôi có cảm giác như mình đang sống giữa một bầy đàn hỗn loạn nhưng hoang vu, hỗn loạn về vật chất – nhưng hoang vu về tinh thần. Bạn có thấy như thế không?
Giữa sự hỗn loạn và hoang vu ấy, cái ác sẽ luôn luôn ngự trị, kẻ có sức mạnh sẽ luôn trấn áp chúng ta. Chúng ta – những kẻ được đến trường nhưng thật ra thất học, những kẻ nghĩ mình lương thiện nhưng thật ra không có lương tri, những kẻ đủ ăn mặc nhưng thật sự chưa hề nếm mùi vị hạnh phúc, những kẻ đọc sách – nghe nhạc mỗi ngày nhưng không biết đó chẳng phải là nghệ thuật đích thực – một nền nghệ thuật có thể soi sáng tâm hồn ta chứ không phải ru ta ngủ trong quên lãng. Những kẻ hoang mang không biết tin ai, không hiểu nên làm gì cho đúng.
Lúc đó, lúc hỗn loạn và hoang vu đó, anh cộng sản xuất hiện và nói: Ðời chúng mày chỉ cần độc lập-tự do-hạnh phúc.
Chúng ta tưởng thế là hay ho lắm! Dù nền độc lập này có mang lại tự do không? Có hạnh phúc không? Hay chúng ta đang cúi đầu nô dịch cho ai đây? Chúng ta thực chất đang sống thế nào đây? Và đang để lại cho con cháu chúng ta di sản gì?
Chúng ta đeo bám theo họ, quên cả chính bản thân mình, một con người, cần phải sống sao cho đúng nghĩa, đúng phẩm cách, hành động đúng theo những gì mà một con người có lương tri cần phải hành động.
Bạn có đang tự hào vì mình là người việt nam không? Hỡi những con người ấu trĩ mang trong mình một đinh ninh sắt đá là tôi rất tự hào vì tôi là người việt nam “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” đã từng đấu tranh thắng Mỹ, các bạn không thấy điều đó nó hết thời rồi à? Ta thắng Mỹ để có một xã hội phồn vinh, một dân tộc được tôn trọng. Chứ còn thắng Tàu, thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng khắp nơi… Mà ngày nay những kẻ ta từng thắng đó, nó coi chúng ta còn không hơn con chó thì cái chiến thắng đó nhắc tới làm chi cho thêm nhục?
Mặt phải, chúng ta ra rả trên báo mỗi ngày là “Mỹ đã đến biển Ðông,” “bà Hillary dọa TQ không nên gây hấn,”… để mong lòng dân yên ổn. Mặt trái, chúng ta tổ chức ngày hội gặp gỡ những lớp cán bộ đã từng được Tàu đào tạo để cám ơn họ đã “dạy dỗ” cả đám chóp bu việt nam. “Ðĩ” chưa từng thấy! Chưa có cái chính quyền nào mà “đĩ” như chính quyền việt nam hiện tại. Dựa hơi mà cũng không biết dựa hẳn bên nào cho trót. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế nó không khinh?
Còn dân việt nam thì sao? Dám cầm súng đánh TQ hay đánh bất cứ thằng nào xâm lược việt nam nữa không? Mà cầm súng để làm gì? Kết quả của gần 40 năm độc lập, ai cũng thấy cả rồi, không cần nói nữa.
Và cả bọn hèn hạ chúng ta đang ôm lấy nhau, hồi hộp chờ đợi hồi chuông báo tử.
Bổ sung: Sau khi bài này được upload, tôi nhận được khá nhiều comments và cả message. Không biết phải đánh giá như thế nào về những comments hỏi ngược lại tôi với một thái độ khinh khỉnh, qua nhiều câu chữ khác nhau, nhưng đại khái cùng 1ý: “Vậy bạn có hèn không?” He he… Tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại 1 điều, suốt cả bài viết, tôi không gọi những người hèn là “các bạn,” tôi gọi là “chúng ta.” Như vậy có dễ hiểu hơn chưa nhỉ?
Tôi không thích tự nhận hay gán ghép. Tôi chỉ nói lên những suy nghĩ của mình, còn đánh giá tôi hay đánh giá chính mình, các bạn cứ tự làm lấy. Thiết nghĩ, đâu cần phải tranh luận chuyện ai hèn, ai không hèn ở đây! Biết hay không biết mới là quan trọng. Mà cái sự khổ sở để đi từ cái “không biết/chưa biết” đến cái “biết” nó sẽ là một quá trình gian nan mà mỗi người phải tự thân trải nghiệm. Không ai giúp ai được đâu. Và tôi hiểu, cái “biết” của tôi nó cũng chỉ giới hạn trong tầm nhân sinh quan nhỏ bé của cá nhân tôi mà thôi. Còn bạn, hãy tiếp tục giữ lấy niềm lạc quan của bạn. Con cừu vẫn có được niềm hạnh phúc mỗi ngày được gặm cỏ non, uống nước suối, ngắm bầu trời xanh, chờ đến ngày xẻ thịt mà! Ðúng không? Hạnh phúc vẫn khắp quanh ta! Những con cừu không biết “tự sướng,” không biết “thủ dâm tinh thần” thì quả thực là ngu còn hơn… cừu! He he…
Bổ sung tiếp: “….Ông bảo xã hội nào cũng có những điều bẩn thỉu. Tôi công nhận điều ấy. Nhưng xã hội bẩn thỉu nhất ông có biết là xã hội nào không? Là xã hội mà thằng ăn cắp không cho rằng nó phạm pháp, nó đang làm điều xấu, người lương thiện thì run sợ, thằng bất lương lại coi việc nó làm là bình thường và kẻ vô liêm sỉ như ông thì vênh vang tự đắc: ta là số đông. Chính là xã hội này đây….” (trích comment của khongnoibiet).
Tự Do Phải Tranh Ðấu Bằng Xương Máu Và Cả Tính Mạng.
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện



Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Con rạch nhỏ quê mình

Tiểu Tử

Mầy còn nhớ không? Hồi tụi mình còn nhỏ, thời tiểu học, có ngày nào mà tụi mình không đùng xuống con rạch trước nhà để tắm. Mầy còn nhớ con rạch đó không? Nó có cái tên cục mịch và quê mùa: rạch “Cồn Cỏ”.
Con rạch nhỏ quê mình.  Nguồn: vanghe.blogspot.com
Con rạch nhỏ quê mình. 
Người ta gọi như vậy bởi vì ở phía sông cái có một cái cồn khá lớn – gần như là một cái cù lao – làm tách con rạch ra làm hai nhánh. Có lẽ hồi xưa, trên cồn chỉ có cỏ nên họ gọi là “Cồn Cỏ”, chớ hồi thời tụi mình, trên đó thấy đầy cây cối mà một số là cây ổi “chim ăn” và cây xoài hột. Mầy bỏ xứ ra đi lâu quá, không biết còn nhớ “ổi chim ăn” và xoài hột không?
“Ổi chim ăn” là loại ổi nhỏ bằng trứng chim cút, bên trong toàn hột là hột nên không có ai trồng. Chim hay mổ ăn mấy trái chín, còn tha đi chỗ này chỗ nọ. Hột ổi rớt mọc lên cây, nhà vườn chặt bỏ để lấy đất trồng thứ khác. Còn “xoài hột” thì như tên của nó nói: trái nhỏ bằng nắm tay con nít, bên trong chỉ có cái hột lớn với chút xỉu cơm! Người ta cũng gọi là “xoài mút” bởi vì muốn ăn loại xoài đó phải lựa trái chín muồi, lột võ rồi mút cái hột với lớp cơm mỏng dánh dính chung quanh. Người lớn không ai thèm ăn bởi vì ăn không đã miệng mà mút xong một trái là hai bàn tay dơ hầy! Chỉ có con nít là khoái! Cho nên vào mùa xoài – cũng là mùa mưa – khi thấy trời nổi gió, trẻ con thường lội qua cồn để lượm xoài, được trái nào là đứng ngay dưới cây xoài mút lia mút lịa. Tao nhớ có lần mầy với tao cởi quần đội lên đầu rồi lội qua cồn cỏ lượm xoài. Mầy nhớ không? Mình phải đội quần để quần xà lỏn đừng bị ướt bởi vì tụi mình “lội chó” đầu lòi ra khỏi nước. Mới nút được có mấy trái thì trời mưa ụp xuống làm hai đứa ướt ngoi. Lần đó về nhà tao bị bắt quì gối gần nửa tiếng. Tao tưởng mày là cháu đích tôn của ông Cả, được cưng nhứt nhà không ai dám rớ. Té ra hôm sau đi học, mầy kể lại mầy cũng bị ông nội mầy bắt quì cũng như tao! Mầy coi! Cái xã hội của mình hồi đó nó tốt như vậy. Quan quyền hay dân dã gì cũng dạy con dạy cháu na ná như nhau hết.
Trở lại với con rạch của tụi mình. Con rạch cong cong quanh quanh chạy tuốt vô xóm chợ, chui qua cây cầu đúc của con lộ cái rồi đi mất hai con đường đất dùng cho người đi bộ và xe đạp. Nhà cửa cất dài theo hai con đường đất. Mỗi nhà nằm trong một khu vườn đầy cây ăn trái và hoa kiểng. Hai bờ, lâu lâu, được nối với nhau bằng một cây cầu khỉ. Mỗi cây cầu khỉ đều có một cái tên: cầu cây gừa (vì nó nằm cạnh cây gừa), cầu cây trôm (cạnh cây trôm), cầu bà Sáu Lộc (nằm trước nhà bà Sáu Lộc, chớ không phải bả dựng cây cầu đó!) Cầu ván (làm bằng hai tấm ván thay vì hai cây tre) v.v…
Tía tao nói về sau, ông nội mày bỏ tiền ra xây một cây cầu đúc, giúp cho dân chúng đi lại dễ dàng. Mầy nhớ cái cầu đúc nằm ở xóm chợ không? Đó, cái cầu đó, đó! Người ta gọi là “cầu ông Cả”. Không biết mầy có biết rằng ông nội mầy hồi đó được dân chúng thương lắm không? Tía tao nói rằng ổng thôi làm “Cả” từ thời Tây lận, nhưng dân trong vùng vẫn gọi ổng là “ông Cả”. Hồi trào Việt Minh, ông nội của mầy là người chức sắc cũ duy nhứt không bị cho đi “mò tôm”. Để thấy ổng ăn ở có nhơn biết chừng nào.
Nói đến cầu khỉ, tao nhớ hoài chuyện bà Năm Chiện té rạch. Bả té đâu hồi tụi mình chưa sanh. Lớn lên nghe kể lại mà bắt tức cười. Mầy biết không? Hồi xưa, rạch Cồn Cỏ chỉ có loại cầu khỉ “một cây tre”, trơn trợt khó đi. (Về sau, dân chúng cặp thêm một cây tre như tụi mình đã thấy.)
Một hôm bà Năm Chiện đi tới giữa cầu, hụt chân té xuống rạch. Người ta nghe tiếng bà Năm la chói lói, “Bớ làng xóm! Bớ làng xóm!”
Rồi giọng bả bỗng thấp xuống, “Ủa mà cạn!”
Thì ra bả không biết lội, hồi té là la làng kêu cứu, chừng coi lại thấy nước mới tới lưng quần, bả té nhằm nước ròng. Bà con lối xóm nghe la, chạy ra thì thấy bà Năm Chiện lóp ngóp bò lên bờ rạch, miệng cười lỏn lẻn mắc cỡ! Chuyện này về sau khi tao đi làm việc ở Sàigòn, tao có nghe kể nhiều lần. Họ kể “có bà đó” chớ không nói là bà Năm Chiện, và họ kể như là chuyện tiếu lâm đặt ra để cười chơi. Đâu có ai biết là chuyện tiếu lâm đó xuất xứ từ con rạch Cồn Cỏ của quê mình!
Ở làng Nhơn Hoà Cồn Cỏ, trẻ con chia ra thành bọn để đi chơi với nhau. Bọn mình có ba đứa: thằng Đực Nhỏ, mầy, tao. Mầy còn nhớ thằng Đực Nhỏ không? Cái thằng học dở ẹc, tánh tình thì ngổ ngáo, học chung với tụi mình nhưng lớn hơn tụi mình tới ba tuổi. Vậy mà cũng chia và nó hay bầy đặt trò chơi này trò chơi nọ. Nó lúc nào cũng ra vẻ đàn anh bảo vệ mầy với tao.
Nó nói với bọn trẻ khác, “Thằng Cương, thằng Lân là bạn của tao, đứa nào đụng vô là biết!”
Mầy có biết nó nói với tao làm sao không? Nó nói, “Thằng Cương hiền khô nhát hít. Nó là cháu ông Cả chớ tụi xóm Chợ đâu có coi ra gì. Tụi nó không nể nang ai hết, bắt nạt được là tụi nó bắt nạt. Tao phải dằn mặt tụi nó trước như vậy.”
Rồi nó nhìn tao, “Còn mầy thì tao khỏi lo.” Nó biết rằng tao cũng không vừa gì!
Không biết mầy còn nhớ vụ bọn mình đi ăn cắp tôm không? Bọn mình ở xóm Cồn, gần sông cái, nên biết mặt gần hết mấy ông thợ câu.
Một bữa nọ thằng Đực Nhỏ hỏi, “Tụi bây muốn ăn tôm nướng không?”
Tụi mình hỏi lại: “Tôm ở đâu mà nướng? Mầy câu hả?”
Nó nói, “Muốn ăn thì đi theo tao.”
Nó dẫn tụi mình ra ngoài vàm, chỉ tay ra đó, “Tôm cả đống ở ngoải.”
Tụi mình nói nó xí gạt nên vừa “xì” một tiếng vừa quay trở vô định về. Nó níu lại, “Thiệt mà! Ông Hai Sầm câu tôm ổng rộng tôm ngoài đó đó.”
Rồi nó giải nghĩa, “Tao thấy ổng đi câu về là ổng thả cái rọ tôm có treo cục đá xuống sông. Cái rọ có sợi dây dính vô khúc củi nổi trên mặt nước để làm dấu. Tụi bây dòm coi.”
Nước đang ròng. Cách bờ độ ba thước có khúc củi nhỏ lắc lư lắc lư như muốn trôi mà bị cái gì rị lại phía dưới. Mầy nói: “Tôm của người ta, ăn cắp chúng bắt chết.”
Nó cười, “Mình lặn xuống xin mỗi đứa một con ăn chơi. Ăn nhầm gì? Chừng nào rinh hết cái rọ của ổng mới là ăn cắp chớ!”
Ba đứa dợm bước xuống sông để lội ra đó thì tao khựng lại: “Không được! Phải có một thằng đứng canh. Rủi có người thấy tưởng tụi mình ăn cắp cái rọ thì khổ.”
Vậy là mầy được chỉ định đứng canh trên bờ. Tao lại nghĩ lại: “Không được! Nước ròng chảy mạnh, ba con tôm, tay nào cầm tay nào lội?”
Thằng Đực Nhỏ “Ờ” rồi ngồi bẹp xuống như cái bong bóng xì. Bỗng nó đứng phắt lên chỉ vào cái quần dài bằng vải đen nó đang mặc, “Tao cột túm ống quần lại, mình bỏ tôm vô quần rồi lội vô!”
Rồi nó vừa cười ha hả vừa chạy lại mấy cây chuối hoang gần đó tét mấy sợi dây thân chuối cột ống quần. Mầy nói, “Mẹ! Coi chừng càng tôm nó kẹp cho thấy bà!”
Đực Nhỏ vừa nói vừa ra dấu, “Mình bẻ càng nó!”
Tao chen vô, “Ờ, mà còn cái răng cưa trên.”
Vậy là hai đứa tao đùng xuống sông, lội ra khúc củi, mò theo sợi dây lặn xuống. Như đã giao hẹn hồi lội ra, tao lãnh phần bắt tôm, nó lãnh phần bẻ càng bẻ răng cưa rồi “nhốt” vô quần. Đang làm tới con tôm thứ hai thì bỗng thằng Đực Nhỏ trồi lên mặt nước la làng chói lói. Tao hết hồn nắm đầu nó vừa lội vừa kéo vô bờ. Nó vùng vẫy như điên, hất tay tao ra rồi chìm xuống nước. Trên bờ, mầy nhớ không, mầy vừa nhảy đông đổng, vừa la, “Chết cha! Thằng Đực Nhỏ bị ma da rút rồi! Chết cha!”
Vô tới bờ, tao chưa biết phải làm sao thì thằng Đực Nhỏ trồi đầu lên, mặt mài nhăn nhó, vừa lội vô vừa rên, “Đau thấy mẹ! Trời ơi! Rát thấy mẹ!”
Chừng nó đứng lên mới thấy cái quần nó tuột xuống hai ống chân, còn hai bên bắp vế của nó thì máu me tùm lum như bị đâm bị cắt. Nó nói như mếu, “Mẹ bà nó! Mình quên con tôm còn có cái đót giấu ở dưới đuôi nữa! Nó búng đuôi chém tao đau thấy ba bốn ông Trời! Tao phải lặn xuống cởi quần cho nó phóng ra sông!”
Tôm hắc hổ.  Nguồn:foodirradiation.org
Tôm hắc hổ.
Thằng Đực Nhỏ vừa nói vừa khoát nước rửa máu chừng đó mới thấy cái đùm giữa của nó còn nguyên chỉ bị thương ở đùi. Hú vía! Thằng Đực Nhỏ sau này đi lính đánh giặc rồi chết trận ở Kontum. Nó chưa vợ chưa con, cũng may cho nó.
Trở về với con rạch của tụi mình. Trẻ con đi học về là nhảy ùm xuống tắm. Người lớn còn đợi nước lớn mới tắm chớ con nít thì nước lớn nước ròng gì cũng tắm được hết, bởi vì tắm lội là một trò chơi. Nhắc đến vụ tắm rạch, tao còn nhớ tới chuyện này. Chắc, tao nghĩ, mầy cũng còn nhớ. Hôm đó, mầy bận cái quần xà lỏn mới tinh của má mầy vừa may cho. Mầy sợ quần ướt nên cởi quần vắt lên cây gừa, ở truồng nhào xuống lội. Hồi thời tuổi nhỏ, tụi mình tắm ở truồng là thường. Tắm giỡn đã rồi leo lên bờ thì đứa nào đã ăn cắp cái quần mới. Mầy mếu máo khóc, tao phải qua nhà tao lấy cái quần cho mầy mượn mà mặc đi về. Hôm sau đi học, mặt mầy buồn xo. Mầy trật đít ra cho tao coi hai lằn roi đỏ ửng! Vụ đi tắm mất quần đó, chắc mầy còn nhớ mà! Cho dù đã mấy chục năm, hai lằn roi đó làm sao quên được?
Vậy mà đã mấy chục năm! Tụi mình xa lần con rạch Cồn Cỏ từ hồi lên tỉnh học trung học. Rồi xa luôn từ ngày mầy đi Tây, còn với tao thì kể cũng gần như xa luôn từ ngày tao đi lính. Mầy không biết chớ hồi tao đi lính, tao đánh giặc lì lắm. Bạn đồng đội nói tao là, “Thằng Lân ăn pháo, chỗ nào Việt Cộng bắn rát là có nó lăn tới.”
Rồi tụi nó đặt cho tao cái hỗn danh “Lân pháo”, hỗn danh này tao mang tới ngày mất nước. Suốt cuộc đời nhà binh của tao, tao đánh giặc không biết bao nhiêu trận, có vào sanh ra tử, có thắng có thua, nhưng không hiểu sao tao chưa hề bị thương một lần! Vậy mà hôm tao phải liệng súng đầu hàng vào cuối tháng tư 75, tao nghe đau điếng như vừa lãnh một viên đạn. Lần đó, tao không đánh giặc vậy mà tao lại bị thương, bị thương ở trong lòng. Vết thương đó, bây giờ, gần hai mươi năm sau, vẫn chưa chịu lành. Mầy thấy không? Kể lại cho mầy nghe mà tao vẫn còn rơm rớm nước mắt.
Cầu tre qua con rạch. Nguofn: www.panoramio.com
Cầu tre qua con rạch. 
Bên vợ tao có cơ sở làm ăn ở Marseille. Nhờ vậy, tao mới qua Pháp theo diện đoàn tụ gia đình bên vợ. Mầy thấy không? Cuối cùng rồi tao cũng được đi Tây như ai! Trước khi đi, tao có về thăm Cồn Cỏ. Con rạch nhỏ bây giờ nó rộng huỵch, tại vì ghe thuyền bây giờ toàn chạy máy nên sóng đập lở bờ. Cầu khỉ được thay bằng cầu ván. Cầu Ông Cả gãy hết một chân lòi cốt sắt rỉ sét. Người ta nói hồi mới vô, mấy cha Việt Cộng thách đố nhau bắn chơi! Cái cồn đã được một ông lớn nào đó chiếm ngụ. Ổng xây bờ kè, xây tường rào kiên cố, phía sông có cầu tàu, nhà thủy tạ, bên trong là nhà lầu kiểu cọ theo điệu Tàu.
Bây giờ mầy có về mầy nhìn không ra đâu! Người cũ chết bớt, đi bớt. Người mới, phần đông là dân cách mạng tụi mình không quen, về cất nhà lầu dài theo rạch. Tao có đến thăm con Huê, cái con nhỏ má lúm đồng tiền học chung với tụi mình đến hết lớp nhứt, đó, rồi về sau nó bán vải ở chợ nhà lồng; có năm đó trong dịp Tết nó tặng mầy một cái mu-soa thêu trước khi mầy đi Tây, mầy nhớ hôn? Con nhỏ đó, đó! Bây giờ nó vẫn bán vải, vẫn chưa có chồng, coi hơi già hơn tao một chút nhưng vẫn còn có duyên. Nó với tao nhắc không biết bao nhiêu chuyện cũ, để lâu lâu thở dài…
Khi con Huê tiễn tao ra đến cổng, nó đứng ngập ngừng một chút rồi bỗng nói một mạch lè lẹ như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ, “Anh qua bên Tây, có gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh.”
Nói rồi nó bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay lên quẹt mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê, nói với tao cách đó khá lâu hồi tao gặp nó bán vải ở chợ An Đông, “Anh Lân biết không? Chị Huê thương anh Cương từ hồi còn học lớp nhứt lận!”
Nó vừa nói vừa cười, tao tưởng nó nói chơi, té ra nó nói thiệt. Tao kể lại chuyện con Huê cho mày nghe, tao biết mày không làm gì được, nhưng tao vẫn kể. Để cho mầy thấy người con gái ở dưới quê mình nó thật thà trung hậu đến mức độ mà khi đã trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là sự tự nhiên. Cũng như, hễ đã là con rạch thì tự nhiên phải có nước lớn nước ròng.
Hồi hôm, coi télé chương trình văn nghệ đài TF1, nghe hát bài “Dòng sông tuổi thơ”, tao bỗng nhớ tới con rạch nhỏ quê mình. Rồi tao nhớ mầy Cương ơi! Bây giờ mầy ở đâu?
Truyện này tôi viết theo lời yêu cầu của người kể. Ông đó nói, “Nhờ ông viết lại dùm. Biết đâu chừng thằng Cương sẽ đọc. Để nhắc nó đừng quên con rạch Cồn Cỏ, đừng quên thằng Đực Nhỏ, thằng Lân, con Huê.

Tiểu Tử

Người Việt đang từ bỏ quê hương



Nguyệt Quỳnh

Cứ mỗi năm cuộc tranh giành quyền lực ở cấp lãnh đạo thượng tầng lại lặp đi lặp lại, và càng ngày mức độ càng gay gắt. Tôi tự hỏi không biết các vị lãnh đạo có từng bao giờ quan tâm để nhận biết ra rằng từ lâu nhiều người dân VN đã thầm lặng bỏ nước ra đi!
Điều đáng giật mình là – ngày nay người ta rời bỏ quê hương mình không một chút vấn vương luyến tiếc. Quê hương là nơi chốn thiêng liêng, nơi thân thuộc, nơi có cha mẹ, anh em, bằng hữu, có cả một trời thơ ấu; nhưng vì sao người VN lại tìm mọi cách để rời bỏ đất nước mình?
Bốn mươi năm trước, người ta buộc phải dứt áo ra đi, buồn thắt ruột khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Thi sĩ Luân Hoán có bốn câu thơ nhớ quê đến nao lòng:
“trông ra cửa kính trời mưa tuyết
ngó lại mình đang ngồi bó tay
quê hương nhắm mắt như sờ được
sao vẫn buồn xo đến thế này?”
Nếu như ngày xưa, người Việt tị nạn lìa xa quê, nhớ từng chiếc lá me, từng cành phượng vĩ, thương từ viên ngói vỡ, bóng con chim sẻ trước hiên nhà; thì ngày nay, người giàu cũng như nghèo, ngay cả con cái các quan chức nằm trong bộ máy chính quyền cũng tìm mọi cách để rời bỏ đất nước, ra đi không cần ngoái đầu nhìn lại.
Trong cuộc họp tại văn phòng Quốc hội ngày 29 tháng 12 vừa qua, bàn về tình trạng các du học sinh cấp phổ thông trung học và đại học sau khi tốt nghiệp không trở về; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã nhìn nhận với các đại biểu Quốc hội rằng: “Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về”.
Vì đâu có tình trạng này? Chiến tranh, nghèo đói cũng không làm người ta rời bỏ quê hương mình. Chỉ mới ngày nào, khi cuộc chiến biên giới bùng nổ vào năm 1979, hàng hàng lớp lớp thanh niên ưu tú sẵn sàng viết đơn bằng máu để xin ra chiến trường. Dù khó khăn, gian khổ người ta vẫn gắn bó, vẫn hãnh diện về dân tộc mình. Tôi nhớ có lần đọc được trong facebook của một em sinh viên: “Tôi tự hào vì mỗi tên đất, tên đường ở xứ tôi đều viết bằng tên người chứ không phải đánh số”. Nhưng chỉ vài tuần trước đây, một bài viết trên trang mạng BBC viết rằng – tác giả muốn rời bỏ VN để con cái mình khi lớn lên được sống làm người tử tế.
Tôi có dịp gặp một số thanh niên VN ở Philippines. Họ trẻ, tốt lành và trong sáng, nhưng họ quay lưng hẳn và không muốn nhắc đến tình hình xã hội, chính trị tại đất nước mình. Sự gian dối, giả trá khắp nơi đã làm các em chán nản. Một em chia sẻ với tôi là hầu hết các bạn của em đều cảm thấy bất lực và muốn tìm cách rời khỏi VN.
Tôi gặp em H, một thiếu nữ sống một mình ở đất nước xa lạ này. Em sống và chống trả với những bất trắc, bão tố do tình trạng cư trú bất hợp pháp của mình. Gã chủ nhà muốn xâm hại em, thản nhiên cầm điện thoại và hăm dọa nếu em không thuận hắn sẽ báo cảnh sát. Rất may, H là một thiếu nữ thông minh và mạnh mẽ, em đã vượt thoát được. Cha mẹ ở miền quê làm sao biết được em đã phải chống chọi với những gì. Những thiếu nữ yếu đuối, không may mắn khác sẽ hành xử ra sao? Và định mệnh sẽ đưa đẩy các em về đâu?
Tôi cũng gặp một trường hợp khác, một phụ nữ miền biển, nghèo khó, vô danh nhưng chị đã làm tôi xúc động đến ngẩn ngơ.
Nếu bạn đang đi du lịch phượt trên đất Thái. Dừng chân uống một cốc nước dừa trên hè phố hay tại một quán ăn nào đó. Lúc bạn đang cố bập bẹ nói một ít tiếng Thái với người đang phục vụ, thì nhớ rằng người đang nói chuyện với bạn bằng tiếng địa phương đó có thể là một người VN. Bên dưới nụ cười xã giao và ánh mắt lẩn tránh đó, ẩn chứa cả một mối ân tình thắm thiết của người đồng hương.
Tôi gặp chị L, người phụ nữ gầy ốm da ngăm đen đứng bán một xe nước dừa bên hè phố. Ban đầu có lẽ nghe chúng tôi nói tiếng Việt, không nhịn được, chị cất tiếng hỏi tôi có phải người Việt Nam không. Thấy người đồng hương tôi vồn vã hỏi thăm, nhưng thấy thái độ chị lẩn tránh và đáp lại bằng tiếng Thái tôi đoán có lẽ chị đang có vấn đề về di trú. Bốn mươi năm trước, tôi đã gặp một người mẹ cắt ruột đẩy đứa con 6 tuổi của mình ra biển để mong nó tìm được tương lai. Ngày nay, tôi gặp người mẹ khác, cũng thắt ruột bỏ lại đứa con gái năm tuổi của mình cho bà ngoại để đi kiếm sống ở nước ngoài, đi “tha hương cầu thực”.
Khi đã tin cậy, chị níu chặt lấy cánh tay tôi luôn miệng nói chuyện, quên cả bán hàng. Được một lúc chị móc trong túi áo ra 25 baht tôi vừa trả tiền nước, đưa lại. Chị ngượng ngùng bảo tình cảm mà lấy tiền tối về không ngủ được. Tôi xúc động vì sự tốt lành, vì cái ân tình chị dành cho tôi, một người xa lạ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấu hiểu tấm lòng tha thiết của chị đối với người Việt, đối với quê hương như thế nào. Vậy mà có đến mấy lần chị nói với tôi là chị không muốn trở về VN nữa. Xin ghi lại một đoạn đối thoại của tôi với người phụ nữ này để hiểu vì sao chị không muốn trở về. Tôi cố tình hỏi tiếp:
Nhưng khi để dành đủ tiền rồi chị về quê mình chứ?
Thôi không về đâu.
Tại sao lại không về?
Ở đây người Thái họ hiền lắm, họ thương mình. Mình đẩy xe đi bán từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về được đến nhà. Đi ban đêm cũng không sợ… Ở đây từ những người thấp nhất trong xã hội như xe ôm hay cảnh sát họ đều giúp đỡ mình hết mình.
Nhưng mai mốt chị về thăm con, người khác dành mất chỗ bán của chị thì sao?
Không sao đâu, không có mình thì họ bán, khi họ thấy mình đẩy xe tới, họ tự động đẩy xe đi chỗ khác.
Những dự thảo văn kiện đại hội đảng có bao giờ đặt ra vấn đề vì lẽ gì mà người dân nghèo, lương thiện lại không cảm thấy an toàn ở quê hương mình? Những người như chị bán nước dừa, hay cháu H đâu cần biết gì đến dân chủ hay nhân quyền !? Họ cũng không cần biết ngày mai ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành Tổng bí thư. Họ chỉ cần một môi trường sống ổn định, an lành. Nơi hàng ngày không phải nơm nớp lo sợ gặp cảnh sát giao thông hay quân cướp giật. Nơi họ kiếm được miếng ăn hàng ngày và không phải im lặng trước những điều tai ác.
Đến bao giờ người dân mình khi “Rời Bỏ” quê hương đều ôm giấc mơ sẽ “Trở Về” để sẻ chia những gian nan và dựng xây lại đất nước?
Tôi biết những người như vậy, những người đã ra đi, nhưng lại chọn trở về như Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Võ Hoàng, Ngô Chí Dũng… Chúng ta cũng biết những người đang nỗ lực thay đổi xã hội, những người gắn bó với tổ quốc, người muốn dân mình, đồng bào mình được có đời sống đích thực cần có của một con người. Họ là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Oai, Bùi Minh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Võ An Đôn…Tiếc rằng những nỗ lực của họ chỉ đổi lấy tù tội, bất trắc và gian nan.
Tôi tự hỏi những người như Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, các vị đại biểu quốc hội, những đảng viên “chân chính”… họ nghĩ gì? Họ phục vụ cho ai? Một chính quyền dù có theo đuổi mục đích, lý tưởng cao đẹp gì đi chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà con em họ, khi mà mọi người dân, từ trí thức cho đến chị bán nước dừa cũng đều muốn ra đi.
Tôi cho rằng các vị lãnh đạo, những người liên hệ trong chính quyền, hay trong trận đấu đá tranh giành quyền lực năm 2016 – từ anh công an quèn quen bóp cổ dân, đến các nhân sự tứ-trụ-triều-đình tương lai cần có câu trả lời chính đáng cho chính mình và cho những người dân hiền lành, chất phác đang phải sống lưu vong khắp nơi.
N.Q
Tác giả gửi BVN

BIÊN GIỚI VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC QUA CÁC TRIỀU ĐẠI QUÂN CHỦ VIỆT NAM

Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”
Vua Lê Thánh Tông

Do thực tại địa lý, do hoàn cảnh nhân văn và lịch sử và do những quan niệm về chính trị, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị. Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc Việt Nam và tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong bài này người viết trình bày một cách tổng quát vấn đề biên giới Việt - Trung qua các triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, với nội dung gồm có ba phần: phần thứ nhất nói về tính cách phức tạp của biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phần thứ hai nói về chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ của các triều đại Việt Nam ở miền biên giới này và phần thứ ba dành cho một số những cuộc tranh chấp điển hình.

Bài này được viết nhằm cung cấp cho độc giả một vài sự kiện quan trọng và nhận định liên hệ tới nỗ lực của tổ tiên người Việt trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ đất nước, một nỗ lực kiên trì, không ngừng nghỉ kể từ ngày lập quốc cho đến những ngày hiện tại.
Tính cách phức tạp của vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc 
Khi tìm hiểu vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhận xét đầu tiên người ta có thể đưa ra là cho đến thời kỳ Pháp thuộc, giữa hai nước không có đường biên giới như người ta quan niệm ngày nay mà chỉ có những vùng biên giới mà thôi. Đặc tính này bắt nguồn không những từ thực tại địa lý ở nơi tiếp giáp giữa hai quốc gia mà còn do những yếu tố nhân văn, lịch sử và quan niệm về chính trị của các triều đại trị vì nữa.

Trước hết là về địa lý. Giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có núi cao hay sông lớn có thể dùng làm ranh giới thiên nhiên. 
Những sông hay những núi được viện dẫn như những đường phân thủy chỉ là những đồi hay sông nhỏ, có khi chỉ được biết tới một cách mơ hồ và đã trở thành đầu mối của những tranh chấp. Điển hình là sự lẫn lộn hay cố tình lẫn lộn giữa sông Đổ Chú và một sông nhỏ khác ở thượng nguồn của sông Chảy trong vụ tranh chấp về biên dưới giữa hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ thuộc trấn Tuyên Quang của Việt Nam và phủ Khai Hóa thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào năm 1728. Cũng vậy, với các núi Xưởng Chì hay Diên Xưởng, núi Tụ Long mà người viết dám chắc là các giáo sư sử địa hiếm người biết đến ngay cả nghe đến các địa danh này. Các rặng núi lớn có hình cánh cung ở phía đông của sông Hồng thay vì nằm ngang theo hướng tây - đông để làm ranh giới giữa hai nước lại xòe ra theo hình nan quạt và mở rộng về phía bắc khiến cho sự xâm nhập từ phương bắc xuống trở thành dễ dàng. Nhiều sông của Trung Quốc lại có nguồn từ trên đất Việt Nam hay ngược lại. Tính cách núi liền núi, sông liền sông của địa lý chính trị ở biên giới Hoa Việt này không những đã làm cho việc ngăn chặn các cuộc xâm lăng qui mô của người Tàu từ phương bắc xuống trở thành vô cùng khó khăn cho người Việt, mà còn làm cho ranh giới giữa hai nước không bao giờ ổn định.

Về phương diện nhân văn, miền biên giới Việt - Trung không phải là nơi cư trú của người Việt hay người Tàu mà là của nhiều sắc dân thiểu số của các miền núi như Tày, Nùng, Thổ, Mán... 

Những dân này đã ở cả hai phía, ranh giới cư trú thường không rõ ràng. Nhiều nhóm đã từ Trung Quốc di cư xuốngViệt Nam qua nhiều giai đoan lịch sử khác nhau. Những con số được ghi trong tác phẩm Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ của các soạn giả Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, xuất bản năm 1930 ở Hà Nội, dưới thời Pháp thuộc, có thể cho ta một khái niệm về tính cách thiểu số của người Việt cư ngụ ở miền này so với các dân miền thượng. Trước hết là ở tỉnh Lạng Sơn. Trong số 85.300 cư dân của tỉnh này, người Kinh hay người Việt chỉ có 3.120 người tức 4%, trong khi con số người Thổ là 38.900 người hay 36%, người Nùng là 37.500 người hay 44%, và người Hoa là 3.800 hay 4%.[1] Ở Cao Bằng, trên tổng số dân là 87.000 người, số người Kinh chỉ có 1.200 người hay 1,4%, còn người Thổ là 39.930 người hay 46%, người Nùng 38. 750 người hay 44%, còn lại là người Tàu. Còn ở Hà Giang thì trong tổng số dân là 69.600 người, người Kinh chỉ có 1.000 người, tức 1,4%, so với 20.600 người Thổ hay 31%, còn lại là người Lô Lô, 30%, người Mán, 14%... Các miền giáp ranh giữa các tỉnh này và các tỉnh miền Nam Trung Quốc do đó đã trở thành những vùng biên giới giữa hai nước. Sự tùy thuộc vào nước này hay nước kia một phần nằm trong tay các thổ tù trưởng tức các lãnh tụ của các dân địa phương và sự trung thành của họ từ đó tùy theo chính sách của chính quyền trung ương đối với họ.

Về quan niệm chính trị của các triều đình liên hệ, vì là những miền đất ở xa kinh đô của cả hai nước Hoa, Việt, các vùng biên giới này được coi như những miền đất cơ mi hay ky mi là những miền đất làm phên giậu cho triều đình trung ương.

Đây là một hình thức cai trị lỏng lẻo nhằm liên kết những miền đất xa xôi thay vì cai trị trực tiếp trong chế độ hành chánh thời cổ, ít nhất từ thời nhà Đường của Trung Quốc mà Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã tả rõ trong câu “Cơ mi các bộ man hoang ở ngoài.” Các thổ tù trưởng do đó được cha truyền con nối cai trị lãnh thổ riêng của mình với điều kiện tuân phục triều đình trung ương. Vượt lên trên các địa phương, quan hệ giữa các triều đình Trung Quốc và các triều đình Việt Nam cũng mang phần nào tính cách phong kiến của Á Đông theo đó Việt Nam chỉ là một chư hầu của Trung Quốc, lãnh thổ Việt Nam cũng là lãnh thổ Trung Quốc. Điều này thường được thể hiện qua lời nói hay các thơ văn của các sứ giả Trung Quốc khi được các vua Việt Nam hỏi thăm về sức khỏe sau những cuộc hành trình tới kinh đô Việt Nam. Việt Nam thường được người Tàu gọi là Giao Chỉ, hiểu ngầm là Giao Chỉ Quận, là một quận của nước Tàu qua tước phong các vua Tàu phong cho các vua Việt Nam là Giao Chỉ Quận Vương kể từ thời Vương Liễn nhà Đinh, kèm theo với danh vị Tiết Độ Sứ là một chức quan của người Tàu, kể cả sau khi tước vị An Nam quốc vương đã được phong cho vua Lý vào năm 1174 và Việt Nam chính thức trở thành An Nam Quốc và kéo dài rất lâu về sau này. Thái độ phong kiến luôn luôn coi Việt Nam là Giao Chỉ quận này đã giúp cho các hoàng đế Trung Quốc giữ được thể diện mỗi khi phải nhượng bộ và trao trả lại những đất mà họ đã chiếm của Việt Nam, vì theo họ, trong thiên hạ đất nào chẳng là đất của thiên tử. Rõ rệt nhất và gần với ta nhất là trong sắc văn của vua nhà Thanh viết vào năm Ung Chính thứ sáu, năm Bảo Thái thời Vua Dụ Tông nhà Lê (1728), gửi cho vua Việt Nam về việc trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long cho Việt Nam, đoạn chính có viết: “Mới đây Ngạc Nhĩ Thái (Tổng Đốc Vân Nam và Quý Châu thời đó) đem bản tâu của quốc vương (vua Việt Nam thời đó) tiến trình, lời lẽ ý tứ trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm (vua Thanh) rất vui lòng khen ngợi. Vả lại, 40 dặm ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại vi của trẫm, không có chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương (vua Việt Nam) được đời đời giữ lấy.”[2] Nói cách khác sự phân chia biên giới giữa hai nước Hoa, Việt mang nặng tính cách lịch sử và quan niệm chính trrị cổ thời. Đó là những giới hạn có tính cách hành chánh nhiều hơn là phân ranh quốc tế.

Chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ ở các miền biên giới của các triều đại quân chủ Việt Nam:

Chủ trương này được xác định rất rõ ngay từ thời nhà Lý qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt và được khẳng định bởi các triều đại kế tiếp.

Trong bài Nam Quốc Sơn Hà tác giả đã khẳng định sự cương quyết của triều đình nhà Lý là sẽ không dung tha bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào lãnh thổ nước mình. Nhưng đó là một thứ tuyên ngôn nói với người ngoài, với kẻ địch, một kẻ địch lớn hơn và mạnh hơn gấp bội nước Việt Nam thời đó. Lê Thánh Tông, bốn thế kỷ sau, năm Hồng Đức thứ tư (1473), khi dụ Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy là người ở trong nước đã nghiêm khắc khẳng định: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”[3]
 Lời dụ này vừa là một nghiêm lệnh, vừa là một sách lược. Đó là không được nhượng bộ dù là nhượng một thước núi, một tấc sông, vì đó là của cha ông để lại, phải cương quyết tranh biện bảo vệ đến cùng không cho kẻ địch lấn dần ngay tự bước đầu ở mức độ địa phương. Nếu kẻ địch không nghe thì triều đình sẽ sai sứ sang biện bạch phải trái theo phương thức ngoại giao. Còn kẻ nào dám đem dù là một tấc đất dâng cho giặc thì không phải chỉ là bị tử hình mà thôi, mà còn bị tru di nghĩa là giết ba họ nữa. Đây là hình phạt nặng nhất của thời quân chủ, một tội dành cho những kẻ khi quân, phản quốc.

Thực thi chủ trương và đường lối kể trên, các nhà cầm quyền quân chủ Việt Nam đã phải cùng lúc đương đầu vừa với các thổ châu mục của mình, các quan lại địa phương Trung Quốc ở miền giáp ranh với những địa điểm tranh chấp vừa với triều đình Trung Quốc.
Đối với các thổ mục địa phương, các chính sách được dùng là vừa uyển chuyển, vừa khoan dung, phủ dụ, vừa kết thân, vừa cứng dắn, nghiêm khắc trừng phạt với mục tiên trước sau không đổi là giữ vững biên cương. Đối với các quan lại và triều đình Trung Quốc thì nhún nhường, khéo léo, lựa những danh sĩ thông minh, lanh lẹ, có tài biện luận, đồng thời kiên trì tranh đấu, không bỏ cuộc, cố gắng duy trì sự tranh chấp, không nhượng bộ để thiệt thòi cho nước mình hầu có thể đặt vấn đề lại sau này.
Để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị lỏng lẻo, để cho các châu mục cha truyền, con nối như các họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng , họ Chu, họ Giáp, họ Thân, họ Hà, họ Đèo... tự trị trong các lãnh thổ của họ, các vua nhà Lý còn dùng hôn nhân để ràng buộc họ chặt chẽ hơn với triều đình trung ương, không phân biệt kinh thượng. Việc các vua nhà Lý gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam khá nhiều như năm 1029 Lý Thái Tông gả Công Chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu là Thân Thiện Thái, năm 1082, dưới thời Lý Nhân Tông, Công Chúa Khâm Thánh được gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh, năm 1142, dưới thời Lý Anh Tông, Công Chúa Thiều Dung được gả cho Dương Tự Minh là thủ lãnh châu Phú Lương, năm 1167, cũng dưới triều Lý Anh Tông, Công Chúa Thiên Cực đước gả cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung Hầu... Trước đó Tống Sử hay một sách khác thời nhà Tống cũng chép là tổ tiên của họ Thân, trước mang họ Giáp, là Giáp Thừa Quí lấy con gái của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, con Thừa Quí là Thiệu Thái, lại lấy con gái của Đức Chính, tức Lý Thái Tông, rồi con Thiệu Thái là Cảnh Long, lại lấy con Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông... Ngược lại, Lý Thái Tông lại chọn con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng đưa về làm hoàng phi.

Đối với những lãnh tụ đã làm phản như trường hợp cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao, các vua cũng tỏ ra rất khoan dung. Mở đầu, năm 1038, khi Nùng Tồn Phúc xưng đế chống lại triều đình , Lý Thái Tông thân chinh đi đánh bắt được Tồn Phúc đem về kinh xử trảm, con là Trí Cao và vợ là A Nùng chạy thoát được và trở về lập ra nước Đại Lịch, tiếp tục chống lại vào năm 1041. Lý Thái Tông lại thân chinh đi đánh, bắt được Trí Cao nhưng thương tình cha và anh đã bị giết nên không những tha cho về lại còn sai sứ đến tận nơi phong hàm thái bảo. Sau đó mẹ con Trí Cao lại xưng đế, làm phản, chống lại cả hai triều Tống ,Việt nhưng cuối cùng bị đánh thua phải bỏ chạy sang nước Đại Lý rồi chết ở đó. Hai lần làm đại nghịch nhưng các triều đình Việt Nam đương thời và sau này vẫn tỏ ra rất khoan nhượng với họ Nùng và những người liên hệ, bằng cớ là ở Cao Bằng các vua Việt Nam vẫn để cho người địa phương lập đền thờ cả hai mẹ con Nùng Trí Cao. Hai đền này nằm trên hai ngọn núi trong số bốn ngọn bao bọc chung quanh tỉnh Cao Bằng là núi Kỳ Cầm ở phía bắc (đền thờ Nùng Trí Cao), và núi Kim Phả ở phía đông (đền thờ A Nùng, gọi là dền Bà Hoàng), cho đến năm 1930 hãy còn. Chính sách được goi là hòa thân này cộng thêm với vị trí gần gũi với kinh đô Thăng Long của người Việt hơn là kinh đô của người Tàu và chắc chắn các đường tiếp tế các sản phẩm của miền đồng bằng và miền biển, nhất là muối từ châu thổ Sông Hồng chắc chắn đã là những tác tố vô cùng trọng yếu của sự trung thành của các châu mục với các triều đình Việt Nam hơn là với triều đình Trung Quốc.
Trong cách tranh biện để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, người ta thấy công tác đã được thực hiện ở hai cấp địa phương và trung ương. Ở địa phương các thổ mục đóng vai trò chính yếu. Vì là người địa phương, họ nắm vững tình hình từ địa lý thiên nhiên qua từng con sông, từng ngọn suối, từng trái đồi, từng cột mốc... đến tình hình dân cư với những ruộng nương, nhà cửa, đền thờ của họ, biết rành rẽ hơn những quan lại được cử từ miền xuôi lên. Không những thế, vì được tự trị, những lãnh thổ được trao cho họ được họ coi là phải cẩn trọng giữ gìn. Chỉ đến khi cần phải tranh luận phải trái giữa hai triều đình trung ương, vai trò của các nhà trí thức, các sứ thần mới được đặt ra.
 
Một số những cuộc tranh chấp điển hình:
Với chủ trương bảo vệ từng thước núi, từng tấc sông, các triều đại quân chủ Việt Nam một mặt đã cương quyết đấu tranh để bảo vệ những phần đất đã có, mặt khác đã kiên trì đòi lại những lãnh thổ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, ngoại trừ hai trường hợp nhượng đất quá nhiều dưới thời Hồ Quí Ly hay dâng đất dưới thời Mạc Đăng Dung. Cả hai trường hợp này, đặc biệt là trường hợp Mạc Đăng Dung, những người chủ trương đã bị hậu thế lên án nặng nề. Cả hai triều đại này đều bị gọi là ngụy, không phải chỉ vì có nguồn gốc là do sự thoán nghịch mà ra mà còn là vì những hành động bị coi như là phản quốc nữa. Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, đã viết về Mạc Đăng Dung như sau:
 “”Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.... Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được”.[4]

Trên bình diện tích cực, trong phần cuối của bài này, ta nhìn lại ba trường hợp điển hình trong đó các vua quan Việt Nam nói riêng, và người Việt Nam nói chung, đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn và cương quyết trong công cuộc bảo vệ biên cương của nước mình. Đó là là các cộc đấu tranh để đòi lại châu Quảng Nguyên, các châu Vật Dương, Vật Ác thời nhà Lý và vùng mỏ đồng Tụ Long trong những giai đoạn sau này.

Quảng Nguyên là tên cũ của một châu thuộc tỉnh Cao Bằng, từ thời nhà Lê được đổi thành Quảng Uyên. Dưới nhà Lý, để trả đũa việc Lý Thường Kiệt và Tôn Đản sang đánh các châu Khâm, châu Liêm và châu Ung thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc vào năm 1075, năm 1076 nhà Tống sai Quách Quì sang đánh Đại Việt . Bị quân Đại Việt chống trả kịch liệt lại không hợp thủy thổ, quân Tống bị thiệt hại nặng nề phải rút lui, nhưng vẫn giữ các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô, Mậu và huyện Quang Lang. Trong số các châu huyện này Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả vì Quang Lang, sau này được nhà Lê đổi là Ôn Châu là cổ họng của châu Ung, còn Quảng Nguyên là nơi có nhiều mỏ vàng và mỏ bạc. Để thu hồi lại hai châu này, nhà Lý đã dùng cả quân sự lẫn ngoại giao. Huyện Quan Lang đã được Lý Thường Kiệt chiếm lại không lâu sau đó, có lẽ cùng lúc với các châu Tô Mậu và Môn. Riêng châu Quảng Nguyên, việc đòi lại phức tạp hơn vì khả năng sản xuất vàng bạc của địa phương này. Ở đây đường lối ngoại giao đã được sử dụng. Hai lần nhà Lý đã sai sứ bộ sang thương nghị. Lần thứ nhất không thành công vì các quan địa phương nhà Tống viện cớ lời biểu của vua Lý có dùng có dùng chữ húy của triều Tống không nhận. Lần thứ hai, sứ bộ do Đào Tông Nguyên cầm đầu, đem theo năm con voi làm đồ cốngvới lời yêu cầu nhà Tống trả lại các đất quân Tống đã chiếm. Nhà Tống ưng thuận với điều kiện nhà Lý trả lại tất cả những dân các châu Khiêm, Liêm và Ung đã bị quân của Lý Thường Kiệt và Tôn Đản bắt về Đại Việt trước đó. Nhà Lý ưng thuận và Quảng Nguyên đã trở về với Đại Việt. Sự hoàn trả Quảng Nguyên cho Đại Việt đã làm cho nhiều người bên nhà Tống bất mãn. Hai câu thơ châm biếm: “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim” có nghĩa là vì tham voi Giao Chỉ nên mất vàng Quảng Nguyên mà các tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca dịch sang thơ là “Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên” đã được họ làm trong trường hợp này. Thắng lợi này xảy ra vào năm 1079 dưới thời Lý Nhân Tông.

Thành công trong việc đòi lại châu Quảng Nguyên và một số đất khác ít năm sau, Việt nam đã không thành công trong việc đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác từ trước đã bị các thổ mục họ Nùng dâng cho nhà Tống, mặc dầu sứ bộ nhà Lý do Lê Văn Thịnh, vị thủ khoa của khoa thi đầu tiên của người Việt cầm đầu đã tranh luận gay gắt. Phản bác lại chủ trương của các quan nhà Tống cho rằng các đất nà là của Tống vì do các thổ mục địa phương dâng cho nhà Tống vì họ qui phục nhà Tống., Lê văn Thịnh lý luận rằng “Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm pháp luật cũng không dung. Huống chi, bọn chúng lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quí vị hay sao?” 

Không những quyết tâm bảo vệ lập trường, các vua quan Đại Việt còn tỏ ra rất kiên trì. Các cuộc thương nghị đã diễn ra cả thảy sáu lần những đều bị nhà Tống khước từ, cuối cùng đã bị bỏ dở.
Thắng lợi trong việc đòi lại được mỏ đồng Tụ Long xảy ra vào năm 1728, năm Bảo Thái thứ 9, thời Vua Trần Dụ Tông. Thắng lợi này có thể coi là điển hình nhất trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của các triều đại quân chủ Việt Nam.

Để kết luận ta có thể nói là trong suốt mười thế kỷ tồn tại, các triều đại gọi là quân chủ Việt Nam đã luôn luôn quan tâm đến sứ mạng vô cùng thiêng liêng là bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, trường kỳ và tế nhị, đôi khi nguy hiểm, trong đó từ vua quan, nho sĩ trí thức, hoàng phi, công chúa… đến các dân thiểu số ở các vùng biên giới xa xăm đều đã cùng nhau đóng góp cho nỗ lực chung. Điều đáng chú ý ở đây là trong chính sách hoà thân của các triều đình thời đó, các vua đã hy sinh luôn cả hạnh phúc cá nhân và gia đình của chính mình, đem các công chúa gả cho các thổ tù trưởng ở những vùng biên cương hẻo lánh, xa xôi vào lúc giao thông liên lạc còn vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nỗi nhớ thương, đau đớn, xót xa khó có thể tưởng tượng là lớn lao đến chừng nào. Nói như vậy nhưng ta cũng không nên quên tình cảm và sự can đảm của các thổ tù trưởng miền biên giới dành cho Triều Đình Việt Nam. Giữa triều đình Trung Quốc, mạnh hơn, các thổ tù trưởng này đã lựa chọn triều đình Việt Nam và từ đó họ đã gặp phải không ít khó khăn. Cuối cùng là các nhà trí thức. Vai trò của những nho sĩ được trao cho trách nhiệm đi sứ để biện minh cho chủ quyền của nước mình cũng không phải là một việc làm đơn giản, dễ dàng, không vất vả và không nguy hiểm. Lời dặn dò gần như là cảnh cáo của Lê Thánh Tông dành cho Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư (1473) được dẫn trên đây, đã nói lên điều đó. Nhưng cuối cùng thì, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, họ đã thành công trong sứ mạng thiêng liêng, cao cả của mình khiến người sau khi đọc đến những đoạn này không chỉ kính phục mà thôi mà còn ngậm ngùi, thương xót nữa.
 
Phạm Cao Dương
Những ngày cuối năm 2015
 
[1] Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ. Hà Nội, Lê Văn Tân, 1930, in lần thứ tư, tr 61.
[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập hai. Hà Nội: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1998, tr. 468-469.
[3] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, tr. 462.
[4]Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển II. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 17.
 

Xin cám ơn Bà Phạm Cao Dương đã chuyển bài.
Bài biên khảo của Giáo sư Phạm Cao Dương đang được trưng bày cho mọi người tham khảo tại blog sau đây: