Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

MÁY BAY TỰ SÁT KHÔNG NGƯỜI LÁI

 


 BM

Là một người chán ngán chiến tranh, tôi vừa mới trở về từ vùng Trung Đông khói lửa không bao lâu. Chiến tranh Nga-Ukraine là đề tài mà tôi không bao giờ muốn coi hoặc muốn đọc, nhưng sáng nay, vừa bật TV lên, trên màn hình TV, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn luôn là đề tài nóng bỏng và kéo dài đã gần 8 tháng. Tôi thấy quân đội Nga xài máy bay không người lái tự sát, suicide drones/ kamikaze drones, tấn công vào thủ đô Kyiv gây cảnh màn trời chiếu đất, chết chóc, kinh hoàng cho thường dân. Đối với tôi, loại máy bay tự sát này không lạ lẫm gì, đám dân quân Iraq thân Iran đã tấn công vào căn cứ chúng tôi năm ngoái, khi đang làm việc ở Iraq. Vì công việc, tôi thường xuyên đến vùng chiến sự, tôi hiểu nỗi đau của người dân và không bao giờ cổ súy cho chiến tranh .


BM


Vào dịp lễ Độc Lập tháng 7 năm 2021, trong trại Al Asad, Iraq, nhóm chúng tôi đến thay ca lúc 00:30, họp chớp nhoáng 30 phút. Ra khỏi phòng họp, chúng tôi cầm ly cà phê về bàn mình ngồi. 01:25, tôi đang coi emails thì 4 tiếng nổ long trời rất gần làm văn phòng và bàn ghế rung chuyển, màn hình máy tính rung nhẹ, tai tôi hơi lùng bùng, mọi người đều lao xuống gầm bàn. Tôi với tay lấy áo giáp, khoác lên người, đội nón bảo vệ lên đầu. Ngay lập tức, còi báo động vang lên điếc tai, tiếng loa kêu gọi vào hầm trú ẩn. Chúng tôi đồng loạt lao ra khỏi văn phòng, chạy về hướng bunker, tôi thấy mấy cột khói cách chỗ chúng tôi chừng hơn 100 feet, không do dự, chúng tôi cúi người chui vào bên trong. Bên ngoài, tiếng chân lính mình vẫn chạy rầm rập.


BM


Một lát sau, mấy chú lính cho chúng tôi hay bọn khủng bố dùng máy bay tự sát không người lái, loại nhỏ như đồ chơi, mang bom tự chế, bay một lần hơn mười chiếc ở độ thấp nên radar của mình không phát giác được. Vì có tay trong là những người làm việc tạp dịch trong trại chụp hình gởi ra, nên bọn chúng biết tọa độ và địa điểm khá chính xác. Nửa đêm chúng bay vào như một đàn chim nhỏ, không phát ra tiếng động lớn cho đến khi lính gác nghe được tiếng kêu re re trong đêm tối thì đã trễ. Chúng đồng loạt lao xuống tự sát vào những tòa nhà, những hangars chứa máy bay của chúng tôi, gây thiệt hại khá nhiều, may mắn không ai chết hoặc bị thương vong.


BM


Sáng hôm sau, trời vừa sáng tỏ, chúng tôi đi quan sát tình hình. Một hangar chứa máy bay bị hư hại khá nặng và 1 chiếc máy bay bên trong hư không sửa được, còn chiếc kế bên bị mảnh bom xâm lỗ chỗ. Hai trái bom khác trật mục tiêu, nổ bên ngoài dọc theo đường băng, một trái nổ sát bên một nhà kho, gây hư hại nhẹ không đáng kể. Ngay hôm đó, viên thiếu tá chỉ huy đơn vị, xin một chiếc MWRAP trang bị máy nhiễu sóng túc trực tại chỗ chúng tôi làm việc, nếu chúng tấn công lần nữa, thiết bị sẽ phá sóng khiến máy bay tự sát sẽ rớt ngay trước khi bay vào bên trong trại. Từ hôm đó, đi đâu chúng tôi bắt buộc phải mặc áo giáp, đội nón bảo vệ, dù đi vào phòng ăn cũng phải trang bị như lính đang ra trận. Ngồi ăn với bộ áo giáp nặng nề, khá bực mình và không thoải mái chút xíu nào, phải không bạn.


BM


Hôm nay nhìn cảnh tang thương trên màn ảnh, tôi mới nhớ lại đêm hôm đó, tôi cũng đã trải qua những giờ phút nguy hiểm, cận kề cái chết. Cái cảm giác lạ lùng lắm, máu chạy rần rật trong huyết quản, người khỏe và nhanh nhẹn hẳn lên, không biết sợ là gì, có lẽ do chúng tôi thường xuyên bị tấn công bằng đủ loại đạn pháo, mọc-chê, và rocket. Chỉ trong một tuần lễ Độc Lập, bọn chúng “chào đón” chúng tôi đến 3 lần. Tôi hiểu một người bình thường sẽ không hình dung ra loại vũ khí này như thế nào nên tôi xin nói qua một chút về loại vũ khí tự sát này trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, và đây cũng sẽ là kiểu chiến tranh trong tương lai giữa các nước với nhau:


BM


Nga mua máy bay không người lái Shahed-136, còn được gọi là suicide hay kamikaze drones, từ đất nước Iran, một đồng minh chiến lược của họ vì kho vũ khí của Nga đang cạn kiệt dần. Cả hai đều có lợi vì Nga cần thêm vũ khí và Iran đang cần tiền vì bị cấm vận. Một chiếc Shahed giá rẻ mạt chỉ trên dưới $20,000, có GPS và Laser dẫn đường. Nó được trang bị một đầu đạn (war head) 88 pounds, một động cơ 2 thì chạy xăng pha nhớt, tương tự loại động cơ nhỏ gắn lên xe gắn máy 2 bánh, tầm bay xa 1500 miles. Lợi điểm là rẻ, bay thấp tránh radar. Bất lợi là bay hơi chậm và tiếng ồn, gần đến thì địch đã phát giác, có thể bị bắn hạ.


BM


Chúng dùng chiến thuật giống như chiến thuật biển người mà quân đội các nước cộng sản vẫn dùng trong Thế Chiến Thứ II và trong cuộc chiến Việt Nam. Để tấn công một mục tiêu, chúng bay hàng đàn rất đông lên đến hai ba chục chiếc cùng lao vào tự sát, dù đơn vị phòng thủ có bắn lên thì cũng không thể nào bắn rớt tất cả đàn. Chỉ cần vài chiếc trúng mục tiêu là chúng thành công.

 

BM

Chúng có dàn phóng lưu động gắn sau xe vận tải, chỉ cần chạy đến bãi bắn, hệ thống thủy lực nâng thùng xe lên, điều chỉnh tọa độ xong, phóng 5 chiếc, trước và sau cùng bay lên cùng một hướng. Chỉ cần 30 phút là phóng xong một chiếc xe vận tải. Chúng có thể chạy hàng chục xe như vậy ra chiến trường.


BM


Quân đội Nga đổi tên Shahed thành M412 Geran và luôn chối rằng họ xài vũ khí của Iran. Nhưng trên mảnh vỡ của những chiếc bị bắn rơi, các phóng viên tìm thấy những hàng chữ in bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ của Iran. Điều này nói lên kho vũ khí Nga đã gần cạn kiệt, nếu chiến tranh càng kéo dài, họ sẽ thảm bại, vì vậy họ phải cầu viện Iran và Bắc Hàn thêm vũ khí. Nhiều nhà nghiên cứu về chiến tranh cho hay Nga đang yêu cầu Iran bán loại máy bay tự sát lớn hơn như Arash II, có thể mang đầu đạn lên đến 200 Kg. so với Shahed chỉ 44 Kg.


BM


Hiện nay, để tự vệ, bên Ukraine đang xài hệ thống phòng thủ NASAMS (Norwegian Advanced Surface-to-Air Missile System) do Norway tài trợ, gọi là hệ thống phòng không tầm trung địa đối không, tầm bắn từ 30 Km – 50 Km. Giá khoảng $215 millions/một hệ thống dù là chính xác hơn rất nhiều, nhưng so ra quá đắt, như dùng dao mổ trâu để giết gà.


BM


Từ đầu cuộc chiến, Ukraine đã sử dụng máy bay tự sát không người lái của Mỹ như Switchblade-300 do Mỹ viện trợ, loại này tỏ ra rất hữu hiệu, tiêu diệt cả xe tăng loại tân tiến nhất của Nga. Bây giờ Nga trả đũa lại bằng Shahed-136 cho có qua có lại, mới toại lòng nhau.


BM


Theo ý tôi, nếu chúng ta viện trợ cho Ukraine hệ thống C-RAM của Mỹ hay còn gọi là Phalanx Weapon System; hoặc loại Iron Dome System của Israel, cả hai sẽ hiệu quả hơn và rẻ hơn rất nhiều.

 

C-RAM (Counter-Rocket, Artillery, and Mortar) là dàn súng 6 nòng dùng để bắn chặn, viên đạn 20mm, có thể bắn 4,500 viên một phút. Hệ thống này dùng radar và FLIR camera (Forward Looking Infrared) cho phép người điều khiển thấy, theo dõi và bắn hạ đạn địch cho nổ trên không từ xa trước khi nó đến gần mục tiêu. Một viên đạn 20mm giá $27, khi bắn một giây là 75 viên, tốn $2,025. Vẫn rẻ hơn so với dàn hỏa tiễn tầm trung gấp vạn lần.


BM


Chiến tranh càng ngày càng phát triển nhanh về vũ khí đủ loại và phương tiện cơ giới. Cuộc chiến Nga-Ukraine khác xa rất nhiều so với cuộc chiến vùng Vịnh (Persian War) và càng khác xa với cuộc chiến Việt Nam, mà trong đó nhiều người Việt chúng ta đã từng trải qua. Để thắng một cuộc chiến, ngoài vũ khí, phương tiện, và khoa học kỹ thuật, hai yếu tố quan trọng nhất là là Chính Nghĩa và Lòng Dân. Lịch sử Việt Nam có nhiều danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt khi thân chinh ra đánh giặc, đã làm run sợ cả nước lớn như Trung Hoa vì chúng ta có Lòng Dân và Chính Nghĩa.


BM


Hiện nay máy bay không người lái rất phổ biến trên thế giới, nước nào cũng có thể tự chế tạo được. Nếu con người dùng chúng cho mục đích thương mại hay nhân đạo như quan sát thời tiết, cứu giúp người bị nạn ở những nơi hiểm trở khó đến gần, hoặc tuần tra biên giới thì rất hay, còn dùng cho chiến tranh thì hậu quả thảm khốc như chúng ta đang chứng kiến.

 

Chiến tranh do tham vọng quyền lực của một người, một lãnh tụ độc tài hay một chủ nghĩa gây nên thật không hợp với tình hình thế giới hiện nay khi mà nhân loại đang luôn hướng tới việc chung sống hòa bình. Vì vậy, tôi luôn cầu mong cho các nước đừng gây tang tóc, khổ đau cho người dân thêm nữa. Nếu có thể được, tôi cầu xin Thượng Đế trên cao cho cả hai phe Nga-Ukraine cùng thua, để người dân hai bên cùng thắng.

 

 

 

Nguyễn Văn Tới

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

ÔNG BIDEN TRONG VAI DIỄN NGƯỜI MỸ GIÀ NUA XẤU XÍ

 


 BM

Cánh tả từng cáo buộc người Yankee ở Hoa Thịnh Đốn, vốn dĩ thèm khát tài nguyên và theo chủ nghĩa đế quốc, đã cắt đứt những thỏa thuận đầy ích kỷ với các chế độ độc tài phi tự do ở Mỹ Latinh để thâu tóm tài nguyên thiên nhiên của họ.

 

Thật là chuyện ngược đời khi mà Tổng thống Joe Biden lại quỳ gối van xin chính quyền bỉ ổi của ông Maduro ở Venezuela — nào là tham nhũng, nào là sát nhân, nào là bài Mỹ — sản xuất nhiều dầu hơn chỉ để gửi về phía bắc tới Mỹ.

 

Giả sử mà chế độ độc tài của ông ta chỉ cần mở các mỏ dầu của mình trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng Mười Một tới đây, thì có lẽ ông Biden cũng theo đó mà xuống nước, sẵn sàng nới lỏng các lệnh trừng phạt, và coi như là bỏ quá cho những hành vi lạm dụng nhân quyền của ông Maduro.


BM


Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2020, ông Biden đã nhấn mạnh bản chất được cho là tà ác của chế độ quân chủ Ả Rập Xê Út. Thế nhưng, sau khi nài nỉ hết hơi Venezuela, Iran, và Nga mà không thu hái được gì, thì việc ông Biden một lần nữa phải khẩn thiết van nài Ả Rập Xê Út bơm thêm dầu sẽ là điều không thể tránh khỏi.


Thậm chí, ông Biden còn khẩn cầu OPEC tăng sản lượng và từ đó có thể giúp hạ mức giá năng lượng của thế giới một lần nữa trước cuộc bầu cử giữa kỳ.


BM

Hãy nhớ rằng, ông Biden có một thói quen xấu là hay khoa trương về việc mình đã làm hạ giá xăng tại trạm bơm khi mà sự biến động tự nhiên của thị trường xăng dầu đã dẫn đến một mức giảm quá ư nhỏ bé. Nhưng đến lúc mà giá tăng đột biến, thì ông ấy lại chẳng hề máy môi về vai trò của mình trong việc hạn chế sản lượng dầu và khí đốt của Hoa Kỳ.


Vì vậy, có bất ngờ không khi Ả Rập Xê Út trở thành chính quyền phi dân chủ thứ tư từ chối những lời cầu cạnh của ông Biden? Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, khi giá xăng còn rẻ mạt, và khi ứng cử viên đương thời Joe Biden mị dân về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ông ấy đã chớp lấy thời cơ phỉ báng Ả Rập Xê Út là một quốc gia “bị bài xích” (pariah state).


BM


Ông Biden còn tuyên bố rằng đối thủ của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, đã kết thân với giới hoàng gia Ả Rập được cho là đáng khinh bỉ này. Lời buộc tội đó đặc biệt trớ trêu khi ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên không cần đến dầu của Ả Rập Xê Út.


Chính phủ của ông đã cố gắng biến Hoa Kỳ trở thành nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ tầm cỡ nhất trong lịch sử — loại trừ mọi sự phụ thuộc năng lượng vào các chính quyền phi tự do ở hải ngoại.


Ông Trump là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ quan tâm đến các chế độ quân chủ của Quốc gia Vùng Vịnh không phải vì vấn đề năng lượng.


Thay vào đó, ông hợp tác với các quốc gia Ả Rập để chấm dứt tình trạng thù địch của họ với Israel. Hiệp ước Abraham sau đó chứng kiến tình hữu nghị lịch sử giữa nhà nước Do Thái và các quốc gia Ả Rập ôn hòa — do họ có chung những lo lắng về chế độ thần quyền của Iran.


BM


Người Ả Rập Xê Út đang tận hưởng cảm giác được ‘cười trên nỗi đau’ của người khác khi chứng kiến một người Mỹ từng chỉ trích họ trước đây hiện giờ phải khom lưng uốn gối, cầu xin họ thứ xăng dầu ô nhiễm, bẩn thỉu được sản xuất bởi một quốc gia được cho là “bị bài xích”.


Đáp lại câu trả lời “không” của họ, Đội ngũ liều mạng của ông Biden đang trở nên bực bội. Gần như ngay lập tức chính phủ của ông ấy đã nảy ra ý tưởng về một sự trừng phạt trước cuộc bầu cử giữa kỳ bằng cách kiện khối OPEC là một tập đoàn độc quyền gian lận giá cả. Thậm chí họ đã huy động các đồng minh trong Quốc hội hành động để trừng phạt Riyadh vì đã không đi theo nước cờ của Mỹ.


Công chúng Mỹ cảm thấy phản cảm khi họ xem các tuồng diễn lâm ly bi đát của ông Biden về việc đi cầu xin dầu mỏ khắp hoàn cầu để tự giúp bản thân trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Họ thấy hổ thẹn khi đất nước mình mới đây vẫn còn tự chủ về năng lượng, mà giờ lại đi thống thiết van nài từng giọt dầu từ các chính quyền phi dân chủ, đến mức đe dọa các cựu đồng minh và dỗ ngọt địch thủ hiện tại.


Kỳ lạ hơn nữa, công chúng từng được biết rằng ông Biden và Cánh tả muốn giá năng lượng cao.


BM

 

·       Tại sao khi nhậm chức, ông Biden lại hủy bỏ dự án Keystone Pipeline?

 

·       Chẳng phải ông ấy đã không làm tròn những lời hứa xanh của mình với phe cánh tả cấp tiến theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường bằng cách đóng cửa các mỏ dầu ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực chăng?

 

·       Chẳng phải ông Biden đã không nghiêm khắc bắt các cơ quan cho vay, quỹ lương hưu, và các nhà quản lý tiền tệ không cho vay hoặc đầu tư vào các công ty dầu khí?

 

·       Chẳng phải ông Biden đã không cấp ít hợp đồng thuê khoan năng lượng mới trên các vùng đất liên bang hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào?

 

Chẳng phải chính ông Biden vào đêm trước chiến tranh Ukraine đã khiến các nước Âu Châu phải từ chối đường ống dẫn dầu EastMed? Dự án đó là một nỗ lực chung rất cần thiết của ba đồng minh thân cận nhất của chúng ta — Hy Lạp, Israel, và Cyprus — để mang khí đốt tự nhiên sạch đến một Âu Châu đang thèm khát năng lượng.


BM


Tóm lại, chẳng phải ông Biden đã vỗ ngực mà khoe với phe Cánh tả rằng ông đã giữ lời hứa trong chiến dịch của mình là bóp nghẹt nhiên liệu hóa thạch — cả việc hạn chế nguồn cung ứng và tăng giá — để thúc đẩy “quá trình chuyển đổi” sang phong năng, quang năng, và pin?


Vậy tại sao ông Biden lại làm bẽ mặt người Mỹ bằng cách đóng vai một người Mỹ xấu xí ương ngạnh? Tại sao ông ấy lại đòi người ngoại quốc bơm cho những thứ mà bản thân chúng ta cũng có dư giả nhưng lại không sản xuất hết công suất?


Câu trả lời, tất nhiên, là trò chính trị bất lương.


BM


Ông Biden biết được rằng bản thân ông đã phá hoại nền kinh tế bằng cách cố tình tăng giá dầu để theo đuổi cơn ác mộng xanh không tưởng của phe Cánh tả.


Hay nói một cách khác, nếu đó là vấn đề thoát khỏi bị xóa tên trong cuộc bầu cử giữa kỳ, thì bây giờ ông Biden sẽ làm bất cứ điều gì.


Và điều đó có nghĩa là tất cả các giáo huấn nhân quyền về việc tẩy chay các quốc gia “bị bài xích” như Iran, Ả Rập Xê Út, và Venezuela giàu dầu mỏ sẽ bị quên lãng.


Vào mùa đông năm 2021, ông Biden đã rao giảng với chúng ta rằng nhiên liệu hóa thạch là những trở ngại bẩn thỉu đối với tương lai xanh của chúng ta.


Vào mùa đông năm 2022, ông Biden tin rằng ông ấy có thể dùng sức mạnh đối với kẻ thù của ông ấy để buộc họ gửi cho chúng ta nhiều năng lượng cấm mà chúng ta sẽ không tự sản xuất ra.


Chúc cho tất cả những điều ngược đời phi lý này gặp may mắn!

 

 

 

Victor Davis Hanson  _  Khánh Ngọc


BM

TÌNH CA QUÊ HƯƠNG. NHẠC : DUY KHÁNH. TRÌNH BÀY: DUY VĂN

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

CỘNG ĐỒNG DA MÀU CÙNG NHAU ĐOÀN KẾT VÀ LÊN ÁN NHỮNG TÀI LIỆU MAILERS PH...

SỨC MẠNH CỦA MỘT TỜ BÁO QUA " MỘT CÂU CHUYỆN"

 

 BM

Báo chí gắn kết chúng ta với một cộng đồng mà chúng ta không thường xuyên nhận ra. Báo chí cho phép chúng ta nhìn xa hơn cuộc sống của chính mình. Báo chí cho phép chúng ta nhìn thấy cuộc sống cũng như hoạt động của những người xung quanh chúng ta.

 

“Chuyện một tờ báo” của văn hào O. Henry cho chúng ta thấy rằng một tờ báo vào một ngày nhất định nào đó sẽ có sức mạnh vượt ra ngoài các trang giấy mà hoàn thành tốt công việc của nó như thế nào.


BM


Tờ báo trong câu chuyện của Henry đã bắt đầu chuyến hành trình của nó vào lúc 8 giờ sáng, khi một chàng trai trẻ nhếch nhác Jack đút tờ báo vào túi sau cùng với cả đống găng tay của mình. Trong lúc hấp tấp chạy đi, anh  không nhìn thấy tờ báo và găng tay đã rơi khỏi túi. Cuối cùng khi biết găng tay của mình bị rơi mất, anh cáu kỉnh quay lại để tìm.

 

Tờ báo đã đặt mình (hoàn chỉnh với găng tay) ở một góc phố nơi Jack có thể phát hiện ra chúng. Nhưng anh đã quên phắt đôi găng tay và tờ giấy [mà anh tìm kiếm] vì anh đang “nắm hai bàn tay nhỏ […] và nhìn vào đôi mắt hối hận màu nâu.” Anh ấy không biết làm thế nào để tiếp cận với người phụ nữ anh ấy yêu, nhưng nhờ tờ báo dẫn lối mà anh đã đến được đây vào chính xác thời điểm này.

 

Bay theo làn gió


http://baomai.blogspot.com/

Tờ báo không chỉ giúp cho Jack, mà còn giúp cho cả cậu trai trẻ Bobby, người khao khát tình yêu của một cô gái đáng mến nào đó. Tờ báo chao lượn trong không trung cho đến khi ập vào mặt chú ngựa bất kham của Bobby. Chú ngựa lồng lên sợ hãi và hất ngã anh chàng xà ích Bobby xuống khoảnh đất trước ngôi nhà.

 

Khi anh chễm chệ nằm đó, một cô gái trẻ vội chạy ra và kêu lên, “Ôi, đúng là anh rồi Bobby; bao giờ cũng chỉ có anh thôi. Anh không thấy thế sao?” Tờ báo đã đặt Bobby trước ngôi nhà của tình yêu của cậu và giúp cậu chiếm trọn tim nàng.

 

Sau sự dàn xếp và kết nối cuộc gặp gỡ của đôi bạn trẻ, tờ báo lao vun vút theo chiều gió để giúp đỡ một người khác. Chúng tiếp tục di chuyển cho đến bị viên cảnh sát O’Brine “là một nhân vật đáng gờm khi tham gia giao thông” tóm lấy.

 

Khi O’Brine  đang vuốt thẳng lại các tờ giấy báo tơi tả và đọc dòng tiêu đề, “Báo chí đứng hàng đầu trong cuộc vận động ủng hộ cảnh sát,” thì Danny, người phục vụ tại quán cà phê Shandon Bells đã mời O’Brine một ly rượu. O’Brine bước ra ngoài, khuôn mặt tươi tỉnh và sẵn sàng đi làm nhiệm vụ. Dù người phục vụ có đọc bài báo ca ngợi cảnh sát hay không, thì tờ báo cũng đã ủng hộ viên cảnh sát này trong trường hợp này.

 

Viên cảnh sát O’Brine giúi tờ báo vào nách một chú bé đang đi ngang qua có tên là Johnny đang trên đường trở về nhà.

 

Được dùng trong những cách khác nhau


BM


Tờ báo đến nhà Johnny, và chị gái của chú, Gladys đã nhặt lấy. Cô gái trẻ trông nhợt nhạt, thiếu sức sống, có vẻ ngoài bất mãn này đã và đang khao khát tìm kiếm chìa khóa của sắc đẹp. Khi chuẩn bị ra ngoài, cô đã vò nhăn một vài trang giấy báo mà Johnny mang về và đính vào bên dưới váy để bắt chước  tiếng sột soạt của đổ lụa thật, việc này khiến cô thật là tự tin.

 

Cô nàng Gladys lướt ngang qua hàng xóm của mình, người đang héo hon vì ghen tị với chiếc váy sột soạt của cô. Cô nàng lẩm bẩm gì đó nhưng Gladys đã phớt lờ. Tâm hồn Gladys bay bổng và khi cô bước về phía trước, ánh mắt long lanh, đôi má ửng hồng và nụ cười thỏa mãn rạng rỡ lan tỏa trên khuôn mặt xinh đẹp. Tờ báo đã truyền cảm hứng làm đẹp cho cô.

 

Tờ báo được chuyển từ Gladys xinh đẹp đến cho cha cô, một tay cầm đầu nghiệp đoàn tại nơi làm việc. Ông ta đang nổi trận lôi đình với những công nhân đình công. Nhưng thay vì đi làm vào ngày hôm đó, những câu đố vui của tờ báo đã làm ông phân tâm và chuyển hướng trong nhiều giờ. Bởi vì ông không có mặt ở đó thế là các công nhân cũng được xoa dịu và cuộc đình công đã không xảy ra.


BM


Các trang còn lại của tờ báo cũng có vài công dụng hữu ích.

 

Cũng giống như Gladys, Johnny đã xé một vài trang để sử dụng cho riêng mình.  Cậu chàng Johnny đã lường trước hình phạt từ vị giáo viên của mình nên đã nhét các mảnh giấy vào bên trong quần áo để giảm nhẹ hậu quả của hình phạt thể chất. Và thế là, tờ báo đã hoàn thành một công việc xuất sắc.

 

Tờ báo đã giúp đỡ tất cả mọi người mà nó gặp gỡ, người già và trẻ nhỏ, trong tình yêu và trong công việc.


BM


Trong quyển sách “Fancies Versus Fads,” văn sĩ người Anh G.K. Chesterton có một góc nhìn khác khi trích dẫn rằng những tờ báo không giúp ích gì con người: “Dường như khó mà coi trọng những điều điều xấu xa có thể được thực hiện bởi một nền báo chí không trung thực và vô đạo đức.”

 

Nhà văn Chesterton đã đúng, nhưng câu chuyện của Henry chứng minh rằng, ngay cả khi chúng ta không nhận thấy hoặc không đồng ý với mọi thông tin trên một tờ báo, thì một tờ báo tốt, hoặc thậm chí là một tờ báo tệ đều có thể xây dựng một cộng đồng theo những cách mà chúng ta có thể không nhận thấy và không thể tự mình làm được.


BM

Tác phẩm “Chuyện một tờ báo” cho chúng ta thấy sức mạnh và tiềm năng của báo chí. Một tờ báo có thể mang mọi người đến với nhau, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin và giúp chuyển hướng thảm họa.

 

 

 

Kate Vidimos  _  Mai Hoa

http://baomai.blogspot.com/

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

PHẢI LÊN TIẾNG KHI " THIỂU SỐ TO TIẾNG"

 


 BM

Nghệ sĩ rapper kiêm nhà bình luận xã hội Zuby cho biết, nếu mọi người không lên tiếng khi đối mặt với một nhóm thiểu số to tiếng đang tìm cách áp đặt quan điểm cấp tiến của họ lên xã hội, thì khối đa số im lặng và con em của họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.

 

“Cũng có thể không phải một khối đa số im lặng,” anh nói. “Tôi nghĩ rằng có một khối đã bị buộc phải im lặng.”

 

Anh nói, miễn là mọi người còn giữ im lặng, thì khối thiểu số to tiếng đó – dù chỉ chiếm 1% dân số – sẽ không ngại gì để nêu lên quan điểm của họ bởi vì họ rất lớn tiếng và táo bạo.


BM


Mọi người thích nói về một “khối đa số im lặng” bởi vì điều đó khiến họ nghĩ rằng bằng một cách kỳ diệu nào đó mọi thứ sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tốt hơn, anh Zuby cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với chương trình “Crossroads”.

 

Anh hỏi: “Làm thế nào quý vị có thể thắng một cuộc chiến nếu quý vị không chiến đấu? Làm thế nào quý vị có thể thắng một cuộc tranh luận khi quý vị không lên tiếng?”


Trong một cuộc tranh luận, nếu một người “nói ra những ý tưởng ngớ ngẩn nhất, lố bịch nhất” và người kia chỉ ngồi đó im lặng và gật đầu, thì người nói sẽ thắng cuộc tranh luận đó,” anh nói.

 

“Hầu hết người Mỹ vốn dĩ không có quan niệm cực đoan, cấp tiến hay kỳ quái đang trôi nổi ngoài kia,” anh nói, đề cập đến những khẳng định mới đây rằng đàn ông có thể mang thai hoặc sinh con. “Hơn 90% người ta đều không tin điều đó, nhưng những người đó cần phải sẵn sàng nói điều gì đó.”

 

Anh nói thêm rằng một khối đa số im lặng sẽ yếu thế khi đối mặt với một khối thiểu số to tiếng.


BM


Thế thì, người ta tự hỏi tại sao thế giới lại trở nên điên rồ như vậy, anh Zuby nói, và câu trả lời của anh ấy là “điều này đã xảy ra bởi vì hầu hết mọi người đã để nó xảy ra.”


“Hầu hết người ta không bị chính phủ kiểm duyệt hay thậm chí cũng không bị Big Tech kiểm duyệt, và cũng không bị phương tiện truyền thông xã hội kiểm duyệt,” anh Zuby nói. “Họ đang tự kiểm duyệt chính mình.”

 

Đột phá khỏi sự hèn nhát


BM


“Trong 10 năm qua, chúng ta đã gặp phải đại dịch của sự hèn nhát này, và mọi người không muốn nói những điều trong nhiều trường hợp, khách quan mà nói, đều là sự thật. … Họ sợ hậu quả,” anh nhận định, đồng thời nói thêm rằng sự hèn nhát và can đảm đều là những thói quen và cả hai đều dễ lây lan.

 

Khi mọi người bắt đầu hành động như những kẻ hèn nhát, điều đó có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh vốn sẽ bắt đầu cư xử như những kẻ hèn nhát, anh Zuby nói.

 

Anh nói: “Khi một người đứng lên, bắt đầu nói ra, và sử dụng nền tảng của họ để nêu quan điểm của họ hoặc nói ra sự thật khách quan, điều đó sẽ khuyến khích những người khác cũng làm như vậy.”


BM


“Tôi biết một thực tế rằng tôi đã từng khuyến khích hàng ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người trên thế giới này, hãy mạnh dạn hơn một chút, can đảm hơn một chút.”

 

Anh Zuby tuyên bố rằng anh không khuyến khích bất kỳ ai trở nên cấp tiến hoặc đi đến cực đoan. Anh nói rằng anh khuyến khích mọi người sẵn sàng nói những gì họ tin là đúng, hoặc những gì là đúng; hãy trao đổi, tranh luận, và thảo luận; và hãy đứng lên và nói “không” khi bị ép buộc làm một điều gì đó mà người đó không muốn làm theo, chẳng hạn như một quy định đeo khẩu trang, một quy định chích ngừa, hoặc gọi mọi người bằng những danh xưng bịa đặt.


BM


Nghệ sĩ rapper này tin rằng không ai bị buộc phải chấp nhận quan điểm của người khác hoặc bị trừng phạt vì không chấp nhận chúng.

 

Anh nói rằng nếu một người đàn ông quyết định nhìn nhận mình là một con gà và cảm thấy thoải mái nhất khi mặc một bộ trang phục gà và ăn các loại hạt, thì đó là quyền của anh ấy.

 

“Tôi nghĩ điều đó thật kỳ cục. Tuy nhiên, tôi ủng hộ quyền của quý vị làm điều đó,” anh nói. “Nhưng sau đó nếu quý vị muốn tôi — quý vị muốn ép buộc tôi phải nói rằng quý vị là một con gà và quý vị muốn buộc tôi phải coi quý vị như một con gà … thì không, tôi sẽ không làm như vậy.”

 

Người phương Tây hiểu khái niệm “tự do tín ngưỡng” và “tự do không tín ngưỡng,” anh nói.

 

Anh Zuby giải thích rằng anh có quyền đối với tín ngưỡng của mình, có quyền thờ cúng và cầu nguyện, nhưng anh không có quyền ép buộc người khác phải chấp nhận tín ngưỡng của mình.

 

Cũng như vậy, mọi người không nên bị ép buộc phải tin hoặc khẳng định những tân giáo điều xã hội cấp tiến.

 

‘Quyền lực luôn ở bên người dân’


BM

Mọi người đang cho đi quá nhiều quyền tự do của mình, anh Zuby nói. “Nếu quý vị cho họ một, họ sẽ lấy mười. Nếu quý vị cho họ đằng chân thì họ sẽ lân đằng đầu.”

 

Anh Zuby nói: Có các thị trưởng, thống đốc, tổng thống, thủ tướng, thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và những người không được bầu chọn khác vốn thích tự xưng là giới tinh hoa. “Nhưng họ chiếm chưa đến 0.1% dân số. Rốt cuộc thì quyền lực vẫn luôn là ở bên người dân.”

 

“Rốt cuộc, quý vị là mới người đưa ra lựa chọn của mình. Và khi quý vị hiểu điều này, quý vị chịu trách nhiệm về nó và quý vị chịu trách nhiệm hoàn toàn, thì ban đầu có thể  hơi đáng sợ, nhưng đó thực sự là một thông điệp rất mạnh mẽ và đầy quyền lực,” anh bày tỏ.

 

Khi mỗi người có thể an định cuộc sống của chính mình và gia đình của mình, thì cả cộng đồng rộng lớn hơn mới được an định, anh cho biết và nói thêm rằng quốc gia là tập hợp của các cộng đồng.

 

Anh nói: “Tôi nhìn mọi thứ từ gốc rễ trở lên hơn là từ trên ngọn trở xuống.”

 

Hậu quả của việc giữ im lặng


BM


Anh Zuby, một xướng ngôn viên podcast, kiêm diễn giả trước công chúng, và là doanh nhân sáng tạo, nghĩ rằng, để đáp lại lời khích lệ tự do lên tiếng của anh ấy, mọi người có thể nói với anh ấy: “Anh đang tự kinh doanh. Anh làm việc cho chính mình. Anh có phương tiện, anh có tiền. Anh không có một công việc bình thường, những đứa trẻ, và một khoản vay, và tất cả những thứ khác mà những người bình thường đều có.”

 

Nghệ sĩ rapper cho biết anh hiểu và có thể thông cảm với những ai luôn lo lắng bị mất việc làm, nhưng anh cảnh báo rằng trẻ em ngày nay sắp sửa sống trong một xã hội có ít quyền tự do hơn và có nhiều sự ép buộc, độc đoán, và chuyên chế hơn.


BM


“Tôi không muốn bất cứ ai tự đẩy mình vào tình huống rủi ro. Nhưng trước hết, những nỗi sợ hãi đó đa phần bị thổi phồng quá mức. Và thứ hai, hậu quả của việc không lên tiếng, về lâu dài, sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều,” anh nói. “Việc ngăn chặn từ khi còn trong trứng nước sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc để con quái vật này phát triển đến mức độ như vậy và ăn sâu vào rất nhiều tổ chức, trong rất nhiều phương diện của xã hội.”

 

“Nếu quý vị cho rằng hiện tại đã khó, thì 5 năm nữa, 10 năm nữa, 20 năm nữa sẽ khó hơn nhiều,” anh nói. “Và con em của quý vị, con em của chúng ta, những đứa trẻ tương lai của tôi sẽ phải gánh chịu hậu quả của điều đó.”

 

 

 

Ella Kietlinska & Joshua Philipp  _  Khánh Ngọc


BM

LẠY MẸ CON ĐI .NHẠC : ANH BẰNG. TRÌNH BÀY DUY VĂN