Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Món phở của người Việt gây tranh cãi khắp thế giới

 

 image

Khi một blogger ẩm thực người Mỹ tên là Tieghan Gerard ngây thơ gọi món mì ăn liền cô nấu là "phở gà", câu nói đó đã gây ra cơn bão tranh luận về món ăn này.

 

Cô bị cáo buộc là muốn "tẩy trắng" món phở nổi tiếng của người Việt, làm tổn hại văn hóa và con người.

 

Dù nhà sản xuất kênh Half Baked Harvest với hàng triệu người theo dõi sau đó đã xin lỗi và đổi tên món ăn của cô lại là "mì gà ăn với súp cay và mè", nhưng nhiều người Mỹ gốc Việt tin rằng việc đổi tên này là chưa phù hợp, và vấn đề thực ra nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là chuyện một món ăn, nhất là trong tình trạng tội phạm thù địch nhắm vào người Mỹ gốc Á dâng cao như hiện nay.


image


Dù thảm họa ẩm thực này xuất hiện trên Instagram và khiến mọi người từ giới đầu bếp, người nổi tiếng, đến dân ghiền ẩm thực phản đối, nhưng về mặt tích cực thì nó khiến mọi người chiêm nghiệm kỹ hơn về món ăn quốc hồn quốc túy nổi tiếng của người Việt trong lịch sử lâu đời cả ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.

 

Phở, với nước dùng sôi sùng sục, thơm ngọt, bổ dưỡng, được nêm gia vị nhẹ chan vào sợi bánh phở đã được chần nóng, là món khá mới trong danh sách các món ăn đặc trưng của người Việt - nó chỉ mới xuất hiện trong các ghi chép từ đầu thế kỷ 20 - nhưng lịch sử của món ăn khiêm nhường này vừa tinh tế vừa phức tạp như chính hương vị của nó.


image

Ngon, bổ, phở là món ăn quen thuộc và được mọi người yêu thích khắp Việt Nam

 

"Tôi đã ăn phở suốt cả đời, nhưng câu chuyện về phở rất sâu sắc," Andrea Nguyễn, tác giả viết sách nấu ăn người Mỹ gốc Việt nổi tiếng và là người thắng giải cuộc thi James Beard, nói. "Và vì vậy, bạn có thể nghĩ rằng bạn biết rành món phở, nhưng thực ra không phải vậy, bởi vì món phở có những đổi thay."

 

image


Dù đa phần các nhà sử học đồng tình rằng phở được phát minh hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở miền bắc Việt Nam, trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, nhưng nguồn gốc của món này vẫn không rõ ràng.

 

Một số người tin rằng phở là một món ăn kiểu địa phương, được cải biên từ món hầm kiểu Pháp với bò và rau có tên pot-au-feu, tên gọi hơi giống về ngữ âm so với chữ "phở".

 

Một số người khác cho rằng món này bắt nguồn từ những nhóm người Hoa đến định cư ở miền bắc Việt Nam và bán một món ăn tên là ngưu nhục phấn (牛肉粉 , tức là mì bò). Phần Hán tự 'phấn' () được phát âm là "fuh", cũng tương tự như chữ tiếng Việt "phở".


image


Alex Trần, một đầu bếp người Việt và tác giả viết về ẩm thực sống ở New Zealand, cho rằng nguồn gốc của phở có thể là sự hòa phối của cả hai món trên.


"Không nghi ngờ gì, sợi phở và các gia vị khác được dùng để nấu nước dùng có liên hệ với người Hoa sống ở miền Bắc. Tuy nhiên, thịt bò không phải là loại thịt hàng ngày mà người Việt ăn vì ta sử dụng trâu bò để cày ruộng. Chỉ dưới thời Pháp thuộc, thì chuyện ăn thịt bò mới xuất hiện và trở nên phổ biến."

 

Dù nguồn gốc của phở từ đâu, thì mọi người đều yêu thích món ăn này như món quốc hồn quốc túy và là niềm tự hào cháy bỏng của dân địa phương lẫn khả năng gây tranh cãi dữ dội, vì mỗi vùng có cách nấu và sử dụng nguyên liệu riêng mà họ yêu thích.


image

Khu phố cổ nằm giữa trung tâm Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều nét truyền thống

 

"Cá nhân tôi sẽ gọi đây là món ăn gầy dựng tình đoàn kết và gây chia rẽ," đầu bếp Trần cho biết. "Đây là niềm tự hào quốc gia của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có thể đồng tình với nhau là phở nào mới là "phở thật". Nếu bạn muốn làm người Việt đánh nhau, cứ hỏi họ phở nào ngon nhất."

 

Phở Nam Định


image


Trong khi nhiều người sành ăn phở sống ở nước ngoài sẽ quen thuộc với phở nấu kiểu miền Nam phong vị Sài Gòn, có nước dùng vị ngọt hơn và sử dụng các loại gia vị và rau ăn kèm thoải mái hơn, thì phiên bản món phở đầu tiên được cho là bắt nguồn từ miền Bắc, từ tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 100km về phía nam.

 

Tại nơi đây, ở vùng đồng bằng Sông Hồng giàu có, màu mỡ, đường chân trời thẳng băng ngập đồng lúa, cây chuối và rặng tre.

 

Vùng nông nghiệp này có phần đa cư dân làm nông dân truyền thống, đây cũng là quê hương của hầu hết những đầu bếp nấu phở nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ có liên hệ với gia đình Phở Cồ, ở làng Vân Cù, nằm ở phía nam thành phố Nam Định.


image


Ngôi làng yên bình với đồng lúa xanh biếc bao quanh, tương phản với những ngôi nhà mái ngói đỏ.

 

Ở cổng làng có một cửa hiệu chưng tấm biển bán phở qua nhiều thế hệ. Nơi đây là quê hương của ông Vũ Ngọc Vượng và cậu của ông là Cồ Việt Hùng, 87 tuổi, một trong những đầu bếp nấu phở lớn tuổi nhất còn sống.

 

Bản thân Vũ Ngọc Vượng là một đầu bếp nấu phở từng đoạt giải, sở hữu chuỗi 5 nhà hàng phở cùng một xưởng làm bánh phở tại Hà Nội.


image

Phở Hà Nội có nước dùng ninh xương bò và chỉ nêm rất ít các loại gia vị

 

Theo ông Vượng, khi hết mùa thu hoạch lúa, các cụ tổ nhà ông đi đến các thị trấn, thành thị làm nghề bán dạo.

 

Họ làm và bán món bánh đa cua, nấu bằng cua đồng, với sợi bánh đa dẹt màu trắng hơi giống bánh phở.

 

Họ cũng có một món ăn truyền thống và độc đáo, đó là món xáo, thường nấu với ít thịt trâu thái mỏng với nước dùng ninh xương, chan bún, ăn kèm với hành lá và rau thơm.


image


Dù không ai biết đích xác phở ra đời thế nào, nhưng hầu hết mọi người tin rằng dân làng thấy có cơ hội làm ăn vào năm 1898 khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà máy dệt Nam Định.


Kỹ thuật viên người Pháp và hàng ngàn công nhân đổ về vùng làm việc trong nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương, và hai món ăn này có vẻ như được kết hợp với nhau, gia giảm chút ít cho hợp với khẩu vị của người Pháp.

 

"Người Pháp thích thịt bò nên dân làng cải biên một chút bằng cách thêm thịt bò vào bánh đa cua," ông Vượng kể. "Ngoài ra, mọi người cũng được người Pháp đến xây nhà máy cho lại xương thừa mà họ không ăn, dân làng đem xương về và nấu thành nước dùng. Họ kể chúng tôi nghe đó là cách món phở thành hình."


image


Khi công nhân xây dựng di chuyển từ Nam Định ra Hà Nội để thi công dự án cầu Long Biên, món phở giàu dinh dưỡng nhanh chóng lan xa khỏi ngôi làng.

 

Với gánh phở trên vai, người làng nghèo đói theo chân công nhân xây dựng, kiếm sống tốt nhờ nghề bán phở, và món ăn một tô này trở thành món ngon người dân thủ đô yêu thích.


image

Nam Định là vùng nông nghiệp truyền thống ở miền nam đồng bằng sông Hồng trù phi

 

"Người đầu tiên từ gia đình họ Cồ đưa phở đến Hà Nội là ông Cồ Hữu Vặng. Nếu còn sống chắc cụ nay phải 130 hay 140 tuổi rồi," ông Vượng kể. "Cụ đến Hà Nội và thuê một căn nhà. Đàn ông trong làng đến và nấu phở, họ gánh gánh phở đi bán khắp Hà Nội ban ngày và trở về nhà ngủ ban đêm."

 

Con trai và con gái cụ Cồ Hữu Vặng cuối cùng bèn mở quán phở trong khu Phố Cổ Hà Nội, và một số tiệm trong số đó, giờ đây do thế hệ thứ ba của gia đình nấu, vẫn nằm trong số danh sách các hàng phở được đánh giá cao nhất trong thành phố, ví dụ như Phở Gia Truyền Bát Đàn và Phở Bò Việt Hòa Cụ Chiêu.

 

"90% dân làng tôi đã di cư đến Hà Nội sống và bán phở, chỉ còn 10% người làng vẫn ở Nam Định," ông Vượng nói.

 

Phở Bắc, phở Trung, phở Nam


image


Từ đây, món phở phát triển theo nhiều hướng khác nhau.

 

Trong món phở Nam Định, thịt bò thái mỏng được xào tái với tỏi cùng các loại rau xanh và vài lát cà chua, bày lên trên bánh phở đã chần nóng, sau đó chan nước dùng thơm lừng. Trong khi đó, dân Hà Nội ăn phở với kiểu cách tối giản hơn rất nhiều.

 

Ở Hà Nội, nói về phở là nói về chất lượng nước dùng, thậm chí nhiều người còn cảm thấy bỏ thêm rau thơm sẽ làm hỏng vị phở.


image


Theo bà Bùi Thị Sương, đại sứ văn hóa ẩm thực Việt, nước dùng phở bò ở Hà Nội nấu chỉ bằng xương bò và thịt bò, còn nước dùng phở gà thì chỉ dùng gà.

 

Càng đi về phía nam bạn sẽ thấy những đặc tính không còn giống như vậy. Chẳng hạn như nước dùng bún bò Huế ở miền Trung sử dụng cả thịt bò và heo cùng với cách nêm nếm phức tạp hơn.


image

Ông Vũ Ngọc Vượng thuộc gia đình nấu phở đã nhiều đời

 

"Cách sử dụng duy nhất một loại thịt trong nước dùng rất giống với ẩm thực kiểu Pháp, khiến cho món ăn thêm phần tinh tế và đậm đà," bà Sương nói.

 

Ngày nay, rất nhiều người theo trường phái thuần túy nói rằng phở "gốc" là phở từ Hà Nội.

 

Ông Vượng tin rằng chỉ cần nếm thử nước dùng là biết được một bát phở có ngon hay không. Ông giải thích rằng nước dùng ngon nên có vị ngọt đằm từ tủy xương nấu trong nhiều giờ, nhưng nước phải trong, có màu nhẹ như khói và nêm gia vị nhẹ nhàng.

 

"Gia vị nấu phở phải có vị đằm tinh tế chứ không nồng, gắt. Khi khách nếm, họ không nên cảm thấy vị nào đậm hơn vị nào," ông giải thích.

 

Dù phở bò là món ăn quen thuộc ở Hà Nội cho mãi đến giữa thế kỷ 20, nhưng món ăn này vẫn tiếp tục biến đổi.

 

Vào năm 1939, chính quyền cố gắng kiểm soát tình trạng giết thịt bò bằng cách cấm bán thịt bò vào thứ Hai và thứ Sáu, và người Hà Nội phải chế lại món phở để đỡ thèm.


image


Phở gà cũng được dân thủ đô yêu thích, và ngày nay, cùng với phở bò, đây là phiên bản của món phở được mọi người ở Việt Nam và khắp nơi yêu mến.

 

Tác giả ẩm thực Nguyễn nói khoảnh khắc ăn phở mà bà nhớ nhất ở Hà Nội là được ăn một "tô phở gà tuyệt đỉnh". "Nói vậy có nghĩa là tô phở có vị hệt như phở mẹ tôi nấu, nhưng nó có đủ các phần thịt gà mà tôi chưa từng ăn trước đó," bà kể lại. "Nước dùng thịt gà được nấu rất ngon, và có vị như thuốc bổ. Nó như một loại thuốc tuyệt vời."

 

Năm 1954, khi thời kỳ thực dân Pháp đô hộ kết thúc và Việt Nam chia cắt làm hai miền, hàng triệu người Bắc di cư vào miền Nam.

 

Phở theo chân người di dân đến vùng đất mới và thích nghi với khẩu vị, văn hóa địa phương và nguyên liệu có sẵn của mỗi vùng.


image


Vị của phở cũng có thể ngọt hơn, mặn hơn hoặc cay hơn, tùy theo mức độ nấu theo người địa phương.

 

Điểm còn giữ nguyên là nước dùng nấu từ xương trong vắt, sợi bánh phở trắng mềm, thịt thái mỏng và hành lá.

 

Các nguyên liệu dùng trang trí, gia vị và các thức ăn kèm cũng đa dạng hơn. Chẳng hạn như ở Hội An, thuộc vùng Nam Trung Bộ, phở ăn kèm với đậu phộng giã dập, với loại ớt rim với dầu, và đu đủ xanh muối xổi, rau húng quế, ớt tươi, chanh và bánh mì chiên giòn xắt lát ăn kèm.


image

Phở đã trở thành món ăn Việt Nam nổi bật khắp thế giới

 

Sự đa dạng văn hóa ở Sài Gòn, với cộng đồng đông người gốc Hoa và người Campuchia và có thêm nhiều loại nguyên liệu mới, món ăn chuyển biến xa hơn nữa.

 

Người ta sử dụng đường phèn theo kiểu nấu ăn của người Hoa, dùng củ cải trắng, và nguyên liệu từ món hủ tiếu của người Campuchia, thêm vào nước dùng để cân bằng lại vị mặn và khiến nước dùng ngọt hơn.


image


"Vị phở Sài Gòn có xu hướng ngọt nhiều hơn mặn, trong khi ở Hà Nội thì vị mặn nhiều hơn ngọt. Còn một điểm khác về Sài Gòn và kiểu nấu ăn của ẩm thực miền Nam là khẩu phần ăn lớn hơn. Vì vậy tô phở cũng bự hơn nhiều," Nguyễn cho biết.

 

Và trong lúc người Hà Nội khi ăn phở kiểu truyền thống chỉ kèm thêm lá húng Láng, thứ rau thơm chỉ trồng được ở làng Láng của Hà Nội, thì ở Sài Gòn, các loại gia vị khác như tương đen, tương ớt và các thức ăn kèm khác như giá, rau quế, ngò và ngò gai cũng được phục vụ tại bàn để thực khách có thể tự thêm vào món ăn theo ý thích riêng.

 

"Người Nam rất dễ tính," bà Sương nói. "Họ không quan trọng có thay đổi chút ít trong cách nêm nếm. Thực ra kiểu này khiến họ thấy mới hơn."

 

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào mùa xuân năm 1975, nhiều người từ miền Nam, hầu hết là ở Sài Gòn, vượt biên đi Mỹ và đến nhiều nơi khác trên thế giới, mang món phở nấu kiểu Nam đi cùng.


image


Phở bắt rễ ở bất cứ nơi đâu có người Việt sống và giờ đây đã trở thành món ăn nổi tiếng nhất của người Việt.

 

Nguyễn quan sát rằng khi ẩm thực Việt Nam trở nên nổi tiếng hơn, thực khách nước ngoài bắt đầu được biết đến nhiều kiểu nấu phở và đổi vị, cũng như ẩm thực vùng miền Trung Hoa - từ Sơn Đông đến Tứ Xuyên - cũng ngày càng trở nên thời thượng trong vài năm qua.

 

"Món ăn đã thay đổi từ món ban đầu do người tị nạn Việt Nam đem đến đây, và trở nên gần hơn với vị mà bạn ăn ở Việt Nam," bà giải thích.


image

Món ăn đã phát triển thành nhiều phiên bản, sử dụng các nguyên liệu và gia vị khác nhau tùy theo nơi người ta nấu

 

Đổi thay cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Các chuỗi hàng phở sử dụng bò nhập khẩu do người Việt từ nước ngoài đem về giờ đây đang định hình lại thị trường phở ở Việt Nam. "Vậy là bạn biết món ăn này có qua có lại, chiều ảnh hưởng rất thông suốt," Nguyễn giải thích.

 

Bản chất phở là món ăn linh hoạt và dễ thích nghi. Nhưng khi phở tiếp tục biến đổi, thì quan ngại là - như trong vụ món ăn của Gerard - trong quá trình đó món ăn sẽ có thể dần mất đi cái hồn của nó.

 

"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng ở đây là mọi người hiểu xuất xứ của phở. Và với những người thực sự sáng tạo với món này, họ cần phải hiểu món ăn đến từ đâu và tôn trọng những người làm ra nó," Nguyễn nói.

 

Bà Sương đồng ý công thức nấu không phải dẫm chân tại chỗ, và bà nghĩ rằng không ai có thể nấu phở chính xác như 100 năm trước.

 

"Truyền thống và hiện đại cần đi song song để phở có thể phát triển," bà nói. "[Nhưng] chúng ta cần phải bảo vệ nguồn gốc của phở để biết nguồn gốc của mình."

 

 

 

Lili Tu


image

Bộ Trưởng Ngoại Giao UAE kêu gọi ngừng bắn ở Isreal và Gaza, viện dẫn hiệp định Abraham

 

Lửa và khói bốc lên trong các cuộc không kích trong bối cảnh bùng phát bạo lực, ở phía nam Dải Gaza, hôm 11/05/2021. (Ảnh: Ibraheem Abu Mustafa/TPX Images of the Day/Reuters)

“UAE lo ngại sâu sắc trước vòng xoáy bạo lực đang leo thang ở Israel và Palestine. Chúng tôi gửi lời chia buồn tới tất cả các nạn nhân của cuộc giao tranh gần đây, đồng thời cùng với các nước khác kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và thù địch. UAE kêu gọi tất cả các bên khai triển ngay các biện pháp nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn, khởi động một cuộc đối thoại chính trị và thực hiện kiềm chế tối đa,” Bộ trưởng Ngoại giao UAE H.H. Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (14/05).

Ông nói thêm rằng UAE vẫn tin tưởng vào cơ hội cho sự thịnh vượng và hòa bình chung được đưa ra trong Hiệp định Abraham – chính sách mang tính bước ngoặt của chính phủ ông Trump trong nỗ lực xét lại các lộ trình dẫn đến một nền hòa bình Ả Rập-Israel lâu dài.

“Các sự kiện trong tuần qua là một lời nhắc nhở sâu sắc về nhu cầu cấp thiết của đối thoại và hòa giải trong hòa bình. Chúng tôi suy ngẫm về lời hứa mà Hiệp ước Abraham dành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, để chung sống với các nước láng giềng trong hòa bình, phẩm cách và thịnh vượng,” ông nói thêm.

Ông cũng bày tỏ rằng UAE sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm leo thang căng thẳng trong khu vực.

“Thước đo đích thực của khả năng lãnh đạo trong thời điểm khủng hoảng này là kiềm chế các hành động khiêu khích và trả đũa, đồng thời thay vào đó là việc cố gắng hướng tới giảm leo thang căng thẳng,” ông nói.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hôm thứ Bảy (15/05) rằng tuyên bố của UAE được đưa ra trong bối cảnh Hamas, Islamic Jihad và các nhóm khủng bố Hồi giáo khác đã bắn khoảng 2,300 hỏa tiễn từ Gaza vào Israel kể từ hôm thứ Hai (10/05).

IDF cho hay khoảng 1,000 hỏa tiễn đã bị các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của họ đánh chặn nhưng 380 quả đã bị bắn nhầm và đi vào Dải Gaza, làm tăng thêm thương vong cho thường dân ở Gaza.

Israel đã tiến hành hơn 1,000 cuộc không kích và pháo binh chính xác nhắm vào Hamas và các mục tiêu khủng bố Hồi giáo khác, vốn thường được xây dựng gần các địa danh dân sự ở dải duyên hải đông dân cư này.

Các cuộc tấn công qua lại đã khiến ít nhất 149 người thiệt mạng ở Gaza, trong đó có 41 trẻ em, và 10 người [tử vong] ở Israel, trong đó có 2 trẻ em.

Hôm thứ Bảy (15/05), Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn này. Tổng thống Hoa Kỳ cũng lên án “các cuộc tấn công bừa bãi” của các nhóm khủng bố nói trên nhằm vào Israel và bày tỏ lo ngại về “tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng” được báo cáo trong các cộng đồng Do Thái-Ả Rập của Israel.

Hamas cho biết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của họ hôm thứ Hai (10/05) là để ứng phó với nhiều tuần căng thẳng về một vụ kiện nhằm trục xuất một số gia đình Palestine ở Đông Jerusalem, cũng như để trả đũa việc cảnh sát Israel đối phó với những kẻ bạo loạn người Palestine, những người mà văn phòng của ông Netanyahu cho biết đã lên kế hoạch cho tình trạng bất ổn gần khu vực Đền thờ Al-Aqsa của thành phố, địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, vào ngày 10/05 trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy (15/05), ông Netanyahu cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ các cuộc tấn công của Hamas vào Israel mà ông cho là “vô cớ.”

“Một số người dân Israel đã thiệt mạng. Nhiều người khác đã bị thương. Quý vị biết và tôi biết, không quốc gia nào có thể chịu đựng được điều này. Israel sẽ không dung thứ cho điều này,” ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ cho đến khi an ninh của người dân chúng tôi được khôi phục lại, thiết lập lại.”

Cũng trong ngày 15/05, IDF cho biết họ đã thực hiện phá hủy mục tiêu là một tòa nhà 12 tầng ở Thành phố Gaza vào cùng ngày, nơi mà họ cho rằng có “chứa các tài sản quân sự thuộc các văn phòng tình báo của tổ chức khủng bố Hamas.”

Tòa nhà trên cũng là trụ sở của các đơn vị dân sự, kể cả hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ, đài truyền hình Al Jazeera của Qatar, cũng như các văn phòng và căn hộ khác. Tất cả đều đã sơ tán sau khi chủ tòa nhà nhận được cảnh báo trước về cuộc tấn công từ Israel. IDF cho hay họ đã thông báo cho thường dân qua điện thoại, tin nhắn SMS và bằng cách thả bom “gõ mái nhà” [một loại bom không gây nổ] để cảnh báo họ về chiến dịch [quân sự] này.

Trong một loạt các tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết chiến dịch này được tiến hành đối với một tòa nhà dân sự đã được Hamas biến thành một thành trì quân sự. Họ cho biết tòa nhà được sử dụng cho các mục đích quân sự như thu thập thông tin tình báo, lập kế hoạch tấn công, chỉ huy và kiểm soát, và thông tin liên lạc.

Do Janita Kan thực hiện
Minh Ngọc biên dịch

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

TÁC HẠI CỦA THÓI QUEN DÙNG MÁY TÍNH TRÊN GIƯỜNG

 


 image

Phải công nhận sức cám dỗ của việc nằm dài trên giường làm việc là vô cùng khó cưỡng lại.

 

Thế nhưng luôn ỷ lại vào chiếc giường êm ái và biến nó thành văn phòng luôn thì thật là không hay chút nào bởi vì việc này có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe, từ tâm lý cho tới thể chất của chúng ta.

 

Đối với rất nhiều người, làm việc tại nhà, thường được gọi tắt là "WFH"(work from home), đã nghiễm nhiên trở thành "WFB" (work from bed) - làm việc tại giường.


image


Việc sửa soạn ăn mặc chỉnh tề và đi đến văn phòng làm việc nay đã bị thay thế bằng một loạt hành động lười biếng như súc miệng rửa mặt qua loa đại khái, leo lại lên giường, chui tọt vào bên dưới lớp chăn ấm áp và mở máy tính lên.

 

Số lượng người làm việc ngay trên giường ngủ đang tăng đến mức báo động; một nghiên cứu hồi tháng 11/2020 cho thấy khoảng 72% trong số 1000 người Mỹ được khảo sát cho biết họ bắt đầu làm việc trên giường trong khoảng thời gian cách ly xã hội bởi dịch bệnh bùng phát - tăng khoảng 50% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

 

Cứ mười người thì có một người cho biết họ dành "hầu hết hoặc toàn bộ tuần làm việc" - khoảng từ 24 cho đến hơn 40 tiếng - là ở trên giường.


image


Điều này đặc biệt phổ biến ở những lao động trẻ tuổi; ở Anh, những lao động trong độ tuổi từ 18 đến 34 thường không có sẵn bàn ghế và không gian làm việc thích hợp tại nơi ở của mình, thế nên khả năng mà họ sẽ làm việc tại giường là cao gấp đôi so với những lao động lớn tuổi hơn.

 

Thế nhưng tình trạng WFB không phải chỉ là mỗi chuyện thiếu một cái bàn hoặc ghế hay thiếu không gian làm việc - mà còn ở tâm lý chây ì của chúng ta: nhiều người đơn giản là không thể rời xa khỏi sự ấm áp và dễ chịu mà chiếc giường của họ mang lại.

 

Trên mạng xã hội Instagram, hashtag #WorkFromBed (#Làm Việc Tại Giường) đang nổi đình nổi đám với hàng vạn tấm ảnh, trong số đó có cả những người đang cười rất tươi trong bộ đồ ngủ pijama với một cốc cà phê trên tay tại giường ngủ, hoặc thậm chí có người còn đang dùng bữa sáng trên khay ăn.


image


Thế nhưng trên thực tế, việc biến chiếc giường của bạn thành văn phòng làm việc có thể gây ra các hệ luỵ sức khoẻ cả về mặt tâm lý và thể chất.

 

Và cho dù bây giờ có thể bạn chưa thấy gì, nhưng những hệ quả xấu - thường là bệnh mãn tính - thì về già mới phát sinh.

Cơn ác mộng của hàng loạt tư thế có hại cho cơ thể

 

image

Học và làm bài tập trên giường đã là một thói quen xấu rồi, và làm việc tại giường trong tư thế nằm sấp đặc biệt gây nhiều tác hại cho cơ thể

 

Một điều cần biết là làm việc tại nhà không phải là đặc ân mà hàng trăm triệu người không được hưởng.

 

Ngoài ra, với một số những người làm việc từ xa thì việc có một không gian văn phòng với đầy đủ thiết bị là điều không thể, và do vậy làm việc trên giường có thể là lựa chọn duy nhất của họ.

 

Thế nhưng, với đại đa số những người khác, đây vẫn là lựa chọn dễ dàng và đỡ nhọc nhằn nhất. (Căn bản là, trong thời kỳ chung sống với đại dịch, động lực tích cực trong mỗi người đều ở mức rất rất thấp).

 

Thật ra, đa số mọi người đều có ít nhất một cái bàn học hoặc bàn ăn để có thể đặt máy tính lên và làm việc - chẳng qua là họ chây lười không muốn ngồi làm việc ngay ngắn đàng hoàng mà thôi.


image

 

Những người trẻ thường là các đối tượng dễ bị sa ngã nhất vào những thói quen xấu này, bởi vì với độ tuổi của họ, những hậu quả chưa đến ngay lập tức

 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng bất kể là bạn có tránh khỏi phương thức làm việc tại giường được hay không, thì lời khuyến cáo về công thái sinh học (ngành nghiên cứu tư thế làm việc sinh học hiệu quả nhất) là nhất quán: làm việc tại giường không hề tốt cho cơ thể một chút nào, vì vậy điều quan trọng là hãy đứng lên đi lại hay thư giãn bất cứ khi nào có thể trong khoảng thời gian làm việc ở lì một chỗ không vận động, để hỗ trợ các bộ phận khác của cơ thể được thư giãn.

 

Cổ, lưng, hông và những vị trí khác của bạn đều bị áp lực đè nén khi chúng ta ngồi quá lâu trên một bề mặt mềm và xốp, và nó khiến bạn có xu hướng nằm co người lại (cong như con tôm) hoặc nằm ườn dài thượt ra.



image


"Cả hai tư thế trên đều không được khuyến khích," Susan Hallbeck, giám đốc kỹ thuật hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mayo Clinic, một trong những Viện nghiên cứu y tế lớn nhất ở Mỹ, nói. "Đó không phải là những tư thế làm việc chuẩn hay tư thế tốt cho sức khỏe."

 

Đặc biệt là với thế hệ trẻ tuổi, bà cho biết, thường là các đối tượng dễ bị sa ngã nhất vào những thói quen xấu này, bởi vì với độ tuổi của họ, những hậu quả chưa đến ngay lập tức.

 

Nhưng dần dần, những cơn đau sẽ ập đến khi họ có tuổi. Và độ khó chịu của những cơn đau này tỷ lệ với mức ỷ lại dung túng của bạn cho những thói quen xấu này trong năm vừa qua, thậm chí có khi những tổn thương nay đã có mầm mống trong cơ thể bạn rồi.

 

Điều này tùy thuộc vào mỗi người, thế nhưng đôi khi quá trễ để có thể thốt lên câu 'giá mà tôi đã không làm vậy' khi bạn phải đối mặt với những hậu quả lúc tuổi già.


image


Những hậu quả này có thể chỉ dừng ở mức những cơn đau đầu nhẹ, hoặc thậm chí có thể trầm trọng hơn là căng cơ cứng cổ mãn tính, viêm khớp cổ, và đặc biệt là đau đốt sống cổ - tức là đau ở tổ hợp chịu trách nhiệm cho các chuyển động ở cổ gồm xương, dây chằng, và cơ.

 

"Dùng bất kỳ cách nào khác cũng đều tốt hơn nhiều so với việc tạo thói quen xấu là làm việc trên giường. Bất cứ khi nào bạn có thể dừng lại, hãy cương quyết dừng lại," Hallbeck nói.


Nếu như bạn bắt buộc phải làm việc tại giường (dù việc này đã là tệ hại lắm rồi, Hallbeck nhận xét), hãy cố gắng tối ưu hoá phương thức làm việc bằng cách ngồi trên ghế thẳng càng nhiều càng tốt, và cố gắng giữ "tư thế ngồi trung lập" - có nghĩa là hạn chế tạo áp lực đè nén lên bất cứ bộ phận nào của cơ thể.


image


Cuộn một chiếc gối và nhét nó dưới lưng để hỗ trợ vùng thắt lưng, kê thêm đệm cho đầu gối đỡ tê, và nếu có thể thì hãy dùng bàn phím rời (cố gắng giữ một khoảng cách hợp lý giữa bàn phím và màn hình máy tính), để màn hình ngang tầm mắt hoặc cao hơn một chút. Bất kể bạn chọn phương thức nào, tuyệt đối không nằm sấp để làm việc; tư thế này tạo áp lực cực kỳ lớn lên cổ và khuỷu tay của bạn.

 

Nếu bạn vẫn còn hoang mang, thì hãy vận dụng sáng tạo lên, ví dụ như sử dụng một cái bàn dùng cho việc là quần áo thay cho một chiếc bàn làm việc.

 

Nhưng nếu như bạn có thể, thì sự thoải mái khi làm việc cũng xứng đáng để bạn chi tiền sắm một bộ bàn ghế.

 

"Đặc biệt là nếu bạn sẽ còn tiếp tục làm việc tại nhà trong một khoảng thời gian dài nữa" - và hầu hết các chuyên gia đều dự đoán điều này chắc chắn sẽ xảy ra - "việc đầu tư cho một không gian làm việc chuẩn và hiệu quả là rất cần thiết và xứng đáng, kể cả là một không gian nhỏ và đơn giản thôi cũng được," Hallbeck nói thêm.

 

WFB làm suy nhược não bộ


image


Khi bạn làm việc tại giường trong cả năm trời, điều này không những có khả năng tàn phá cơ thể bạn, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nề nếp và chất lượng giấc ngủ của bạn nữa.


"Như chúng tôi, những chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ, thường hay nhắc nhở mọi người rằng chiếc giường chỉ nên dành cho ba việc sau (ba chữ Ss): ngủ (sleeping), quan hệ tình dục (sex), hoặc khi dưỡng bệnh (sick). Sự tiện dụng của chiếc giường chỉ nên dành cho ba việc đó mà thôi," Rachel Salas, Phó Giáo sư ngành Thần Kinh học và Chuyên gia về Giấc ngủ tại Đại học Johns Hopkins ở tiểu bang Maryland nhận định.

 

"Nếu bạn hay xem TV, chơi điện tử trên giường thay vì đi ngủ, thì não của bạn sẽ bắt đầu nhận thức rằng, 'Hóa ra, giường là nơi có thể làm bất cứ hoạt động nào cũng được'. Não bộ bắt đầu liên kết dần các dữ kiện này, và cuối cùng phát triển thành những phản ứng có điều kiện."


image

Làm việc trên giường không những có khả năng gây ra các thảm họa công thái học tiềm ẩn, mà còn có thể làm rối loạn giấc ngủ của bạn

 

Có một phương pháp mà các chuyên gia gọi là 'giấc ngủ hợp vệ sinh' - về cơ bản, nó là cách thức tốt nhất cho giấc ngủ. Ví dụ như hành động mặc bộ đồ pijama lên người là một hành vi tốt của cách thức 'giấc ngủ hợp vệ sinh' bởi vì nó nhắc nhở cơ thể rằng đã đến lúc lên giường nghỉ ngơi. Lướt mạng xã hội, nhắn tin hoặc gửi email trên giường là ví dụ xấu của 'giấc ngủ không hợp vệ sinh'

 

Vậy nên, khi bạn bắt đầu đóng đô trên giường với máy tính, điện thoại, ứng dụng Slack và tất cả những tương tác với các màn hình phát sáng mà công việc của bạn yêu cầu mỗi ngày, thì não bộ và cơ thể bạn cuối cùng sẽ ngừng liên kết dữ kiện "chiếc giường" với việc "nghỉ ngơi".


image


Đó là nguyên nhân chính giải thích vì sao dịch bệnh đã phát sinh ra một khái niệm gọi là "coronas omnia (chứng mất ngủ thời covid)", Salas cho biết, và nói tới sự tăng đột biến số lượng người mắc chứng mất ngủ và các hội chứng rối loạn giấc ngủ khác trên toàn cầu xảy ra dưới thời đại dịch COVID-19.

 

"Thực chất bạn đang đẩy não của mình vào trạng thái căng thẳng hơn, 'đánh lừa' nó rằng trên giường là nơi mà các ý tưởng công việc tuôn trào và đây chính là nơi nó luôn hoạt động với tổng công lực" khi bạn làm việc tại giường, bà Salas nói thêm.

 

"Qua thời gian với thói quen đó, khi bạn đang cố gắng thư giãn và muốn ngủ, thì não của bạn sẽ lại hiểu như sau - 'ủa, khoan đã, chúng ta đang làm gì thế này? Đây là chỗ làm việc cơ mà'."

 

Việc tiếp tục duy trì thói quen xấu này trong cả năm trời, hoặc trong một khoảng thời gian tương đối dài, có thể sẽ gây ra chứng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ sinh học. Đó là khi đồng hồ sinh học của chúng ta, vốn có chức năng cho ta biết lúc nào là giờ đi ngủ, lại không làm đúng phận sự trong một thời gian dài.

 

Salas nói rằng điều này cũng có thể làm các quá trình khác bị rối loạn theo, ví dụ như hội chứng chân không nghỉ, xảy ra khi các bộ phận cơ thể cần được nghỉ ngơi.

 

Sự rối loạn này dẫn đến những đêm trằn trọc khó ngủ, hay đau nhức cơ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc hiệu suất làm việc, tính sáng tạo, hay khả năng tập trung của bạn sẽ bị suy giảm đáng kể, các chuyên gia nhận định, và kết quả là công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Vấn đề không của riêng ai?


image


Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất là, dù là cùng làm việc theo phương thức WFB, thế nhưng những hiểm nguy tiềm ẩn đó có thể chỉ xuất hiện ở một số người, nhưng lại không gây vấn đề ở những người khác.

 

"Sẽ có một số người khăng khăng thề rằng đây không phải là một vấn đề với họ: họ có thể làm việc trên giường, và cũng có thể ngủ trên giường mà chẳng sao cả," bà Salas nói. "Họ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn ở trên giường và chắc chắn nó sẽ không ảnh hưởng xấu gì đến giấc ngủ của họ cả."

 

Yếu tố di truyền, các tác nhân môi trường, tất cả những thói quen này xấu đến như thế nào và bạn ỷ lại vào chúng trong bao lâu, tuổi tác: tất cả đều đóng một vai trò quyết định rằng liệu làm việc trên giường trong suốt một năm hay thậm chí lâu hơn có thật sự có hại cho bạn hay không.

 

"Đây không phải là mối quan hệ liều lượng-tác động tỷ lệ thuận (liều càng tăng thì tác hại càng nhiều)," Hallbeck, giám đốc kỹ thuật hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mayo Clinic, nói.

 

Và mặc dù làm việc trên giường có thể không hẳn là vấn đề hàng đầu mà bạn cần thay đổi - hoặc muốn thay đổi - thế nhưng bạn nên lưu ý rằng, cho dù hiện tại cơ thể và não bộ của bạn có thể chưa bị suy nhược, vào một ngày nào đó, việc này hoàn toàn có thể xảy ra.


image


"Chưa bị suy nhược ngay lúc này," bà Hallbeck nói, đặc biệt là với những lao động WFB trẻ.

 

"Thế nhưng khi họ già đi, tất cả những hậu quả sẽ kéo đến."

 

Hậu quả của làm việc trên giường có thể là một điều đáng lưu tâm về tác hại của kỷ nguyên COVID-19.

 

Thế nhưng khoảng thời gian đặc biệt này đã dạy chúng ta một điều, khi cân nhắc về sức khoẻ, thì phòng bệnh luôn luôn tối ưu hơn chữa bệnh. "Nếu bạn chưa gặp một tác hại sức khoẻ nào thì quả là tuyệt vời và chúc mừng bạn," bà Salas nói. "Nhưng hãy nhớ rằng, không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra."


image