Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

 KỶ NIỆM NHÀ THƠ ĐÔNG ANH VÀ   TÔI VỚI THI VĂN ĐÀN LẠC VIỆT.

 Tôi nhận được tin thi sĩ Đông Anh vừa tạ thế qua trang Face book của thi sĩ Chinh Nguyên, lòng tôi thật buồn, bởi tôi biết tôi vừa mất một người anh đáng kính trong văn học - nghệ thuật. Thi sĩ Đông Anh chủ tịch Thi Văn Đàn Lạc Việt.

Nhà thơ Đông Anh, trưởng Thi Văn Đản Lạc Việt trao bằng khen cho nhà báo Duy Văn Phó Ngoại Vụ Thi Văn Đàn Lạc Việt.

Cách đây ước khoảng hơn 18 năm tôi tình cờ gặp và quen biết với anh qua một người bạn là thi sĩ. Anh biết tôi là Tổng Thư Ký của tờ báo có tiếng trong vùng thời đó. Tờ Saigon USA chủ nhiệm là Luật sư Nguyễn Tâm. Đặc điểm tờ báo phát hành 2 số trong tuần và luôn có trang thơ dành cho quý thi sĩ đồng hương trong vùng hoặc quý văn thơ vùng lân cận…

 Báo Saigon USA cũng hay thường đăng thơ của anh mỗi tuần. Anh biết tôi ngoài nghề làm báo cũng có biết làm thơ chút ít. Thời gian quen biết lâu, anh nói với tôi là anh muốn phục hoạt lại Thi Văn Đàn Lạc Việt do Anh và  các vị tiền bối như thi sĩ Hà Thượng Nhân,Dương Huệ Anh,Hoàng AnhTuấn, Chu Thượng Chung, Thượng Quân v à Hoài Việt sáng lập, sau 13 năm kể từ khi thành lập gần như đã không còn sinh hoạt năng động  như lúc ban đầu cho nên anh muốn có nhiều người yêu mến văn thơ gầy dựng và sinh hoạt lại. Tôi đồng ý hợp tác với anh thế là tôi trở thành thành viên trong Hội Thi Văn Đàn Lạc Việt (thời kỳ phục hoạt)

Qua phương tiện truyền thông – báo chí loan tin Thi Văn Đàn Lạc Việt bắt đầu sinh hoạt lại, nhiều văn thi sĩ đã lần lượt vào Hội,kể cả các vị tiền bối sáng lập trở lại cùng nhau góp tay hoạt động.

Năm 2005 dường như mỗi tuần chúng tôi đều họp tại nhà hàng Hankee trên đường Tully để bàn bạc tái phục hoạt và phát triển Thi Đàn.

 Hình lưu niệm Ban Cố vấn và Ban điều hành Thi Văn Thơ Lạc Việt. Từ trái qua phải:Thi sĩ Chinh Nguyên, Tổng Thư Ký, nhà báo Duy Văn, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ,thi sĩ Nguyễn Đông Giang cố vấn,thi sĩ Đông Anh, Chủ Tịch ,thi sĩ Hà Thượng Nhân, Cố vấn,thi sĩ Đặng Cao Ruyên, Cố vấn, thi sĩ Song Linh, Cố vấn và thi sĩ Trường Giang.

Cuối năm 2005, thi sĩ Đông Anh được giao trách nhiệm hoạt động Thi Đàn.Một Ban Chấp Hành được hình thành Thi sĩ Đông Anh chủ tịch Hội; Duy Văn Hà Đình Huy Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ kiêm Trưởng Ban Báo Chí; Tổng Thư Ký thi sĩ Ngọc An, Thủ quỹ Kiều Loan.Thời gian sau thi sĩ Võ Thạnh Văn vào Hội với vai trò Phó Chủ Tịch Nội Vụ và Thủ Quỹ thi sĩ Tâm Thơ,và thi sĩ Chinh Nguyên là Tổng Thư Ký. Vài năm về sau ông là Chủ Tịch Hội thay cho anh Đông Anh vì tình trạng sức khoẻ. Hiện tại nhà báo Lê văn Hải là Chủ tịch Hội.

 Ban Cố vấn gồm các nhà thơ Hà Thượng Nhân, Vũ Đức Nghiêm, Vũ Văn Lộc, Song Linh, Đặng Cao Ruyên,Dương Huệ Anh và nhà thơ Nguyễn Đông Giang.

Ngoài việc sinh hoạt văn học nghệ thuật anh em còn hoạt động xã hội, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống bởi vì thơ xuất phát từ tình thương yêu và lòng nhân ái để tô điểm cuộc đời, nên chúng tôi tin tưởng Thi Đàn sẽ lớn mạnh thông cảm khoan hoà để vườn hoa nghệ thuật ngày thêm vui tươi trong sáng. Và Ban Chấp Hành mới đã thực hiện buổi ra mắt Ban Chấp Hành cũng như giới thiệu TuyểnTập Thơ Lạc Việt với sự cộng tác của hơn 30 nhà thơ . Một sinh hoạt đáng nhắc nhở, đó là tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập Văn Thi Đàn Lạc Việt  năm 2006  tại nhà hàng Flourishing Garden Seafood. Có hàng trăm người tham dự phần lớn là các Văn nghệ sĩ trong vùng Bắc Cali. Buổi lễ kỷ niệm thật đầm ấm với tình người làm văn học.

Tiếp theo đó là cuộc Thi Thơ rộng lớn (Âu, Á, Mỹ, Úc, Canada…),quy tụ được 78 người tham dự với hơn 500 bài thơ, 5 giải chính thức và 3 giải khuyến khích đã được phát ra. Thành phần ban Tuyển trạch gồm những nhà thơ lão thành nổi tiếng trước năm 1975, như Hà Thượng Nhân,Cao Tiêu, Viên Linh,Vi Khuê, Trần Vấn Lệ, Trần Nghi Hoàng, Diên Nghị Duy Năng, Minh Viên và Trình Xuyên.

 

Lễ phát thưởng giải sáng tác đầu tiên được tổ chức ở hội trường trường TTL College ở số 345 E, Santa Clara St,Thành phố San Jose với nhiều mạnh thường quân yểm trợ cho các giải. Nhân dịp này, nhà báo Duy Văn Hà Đình Huy Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ đã được Ban Tổ Chức thay mặt tổ chức Văn Thơ Lạc Việt đã tuyên dương quí mạnh thường quân bảo trợ cho giải Văn Thơ Lạc Việt .Bên cạnh còn có  Chương trình phát Thanh Tiếng Thơ Thi Đàn Lạc Việt với Hệ Thống Truyền Thanh Dân Sinh hàng tuần.

 

Chương trình phát thanh Thi Đàn Lạc Việt trên hệ thống Truyền Thông Dân Sinh do nhà báo Phạm Phú Nam thực hiện. Theo đó Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt có những chương trình cụ thể để mỗi tuần phát thanh. Nhà Thơ Đông Anh đã ra thông báo khuyến khích các thành viên trong Ban Điều Hành cũng như các Văn Thi Sĩ trong vùng tham gia chương trình.Nhà Báo Duy Văn Hà Đình Huy được Chủ Tịch Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt thi sĩ Đông Anh giao soạn chương trình để Thi Đàn Lạc Việt phát thanh và giới thiệu quí thính giả về những “ Dòng Thơ Bất Hủ  của nhà thơ Hàn Mặc Tử”.


 Kỷ niệm 15 thành lập Thi Văn Đàn Lạc Việt. Duy Văn Hà Đình Huy  hát giúp vui  vời nhạc sĩ Chí Trung.

Vào Chương Trình. Nhà Thơ Đông Anh giới thiệu tiểu sử nhà Thơ Hàn Mặc Tử . kế tiếp đến phần Người và Thơ ,Thơ và Trăng qua hai giọng đọc và ngâm của Kiều Loan và Duy Văn.Cuối chương trình “những dòng thơ bất hủ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử Thi sĩ Đông Anh đã kết luận: Hàn Mặc Tử đã đem đến cho thơ mới một phong cách độc đáo và sáng tạo, bên cạnh những tác phẩm bình dị trong trẻo chứa chan tình quê là các tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí thậm chí đến điên loạn phản ảnh trực tiếp các căn bệnh dày vò. Đời và thơ Hàn Mặc Tử gắn liền với những mối tình đến và đi với niềm ray rứt cả và thể xác lẫn tinh thần. Có thể nói sự nghiệp của nhà thơ Hàn Mặc Tử thành công, nhờ vào phụ nữ,những NGƯỜI THƠ, như Mộng Cầm,Mai Đình…của ông,mà trong đó Mộng Cầm là người phụ nữ tạo cho ông nhiều ấn tượng nhất. Những cuộc tình thơ của ông trở thành huyền sử và người đời sau nhắc nhở mãi.Thi sĩ Vũ Mộng Linh đã cảm hóa mối tình Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm nên viết những vần thơ cay đắng như để ghi nhớ một cuộc tình đau khổ.

“Mộng Cầm ơi, cảm tạ ơn em, một mối tình cay đắng.

Em đã yêu anh và anh mãi yêu em.

Nấm mộ anh khắc tên Hàn Mặc Tử

Những dòng thơ nhỏ giọt máu từ tim

Gió vi vu hồn gọi tên Phan Thiết

Sóng dập đầu ghềnh đá réo Qui Nhơn”

Hàn Mặc Tử mất để lại kho tàng văn học Việt Nam hàng chục những tác phẩm tình yêu nổi tiếng và được xem như là bất hủ.Đến đây Chương trình Tiếng Thơ lạc Việt Xin được chấm dứt. Kính chúc quí thính giả một đêm an lành. ( Ban Biên Tập Thi Đàn Lạc Việt .Duy Văn Hà Đình Huy Biên Soạn.)

Nhiều nhà thơ trên khắp thế giới có nhiều thơ chúc mừng Thi Đàn Lạc Việt trở lại.Nhà thơ Đông Anh có bài:

Thi Đàn Lạc Việt Trở Lại

Lạc Việt hôm nay đã phục hồi

Kính chào bằng hữu khắp nơi nơi

Thơ văn tao ngộ vui ngày tháng

Bút mực cơ duyên ngất núi đồi

Hoa nở xuân sang trời đất thắm

Trăng treo mây lượn nước non tươi

Tình xưa xin góp làng văn học

Mỗi chữ âm vang rộn tiếng cười

Đông Anh

Bài hoạ  của nhà thơ Hà Thượng Nhân

Thơ lạc giờ thơ lại tái hồi

Cùng nhau nòi giống trải muôn nơi

Gió thu mới đến bay đầy đất

Trăng sáng giờ đây toả rợp đồi

Chắc hẳn luật vần càng được luyện

Thì rồi tình nghĩa lại thêm tươi

Mừng nhau bè bạn ngày đông đủ

Xuân mới vang lên những trận cười

Hà Thượng Nhân

Bài họa của Duy Văn Hà Đình Huy

Chúc Mừng Thi Đàn Lạc Việt

Im ịm vài năm nay phục hồi

Thi Đàn Lạc Việt “ dậy” ngàn nơi

Mầm thơ ấp ủ bao năm tháng

Đường phú tuôn ra “ ngập” núi đồi

Đoàn kết đắp xây tình sẽ thắm

Họp quần sức mạnh lại càng tươi

Cùng nhau gánh vác nền văn học

Để cả nhân gian rộn rả cười

Duy Văn Hà Đình Huy

Bài hoạ của Dương Huệ Anh

Lạc Việt, Xuân Sang...

Lạc Việt, xuân sang, trống điểm hồi

Thi Đàn phục hoạt, đấy là nơi..

Văn chương tán tụng trăng, mây, núi,

Chữ nghĩa thăng hoa biển, suối, đồi!

Hồn nước cảm thông, tình thắm đượm,

Bóng tre huyền thoại, lá xanh tươi,

Ơn người, ơn bạn.. vòng tay nối,

Dẹp bỏ yêu ma, hỉ xả cười!!

Dương Huệ Anh

 

Được biết, Thi Đàn Lạc Việt bắt đầu hoạt động từ tháng 9 năm 1992. Lúc tiên khởi lấy tên là “ Ban Liên Lạc và Tổ Chức các Hội Thơ định kỳ”. Thành phần gồm có nhà thơ Hoàng Anh Tuấn,Chu Thượng Chung, Thượng Quân, Hoài Việt và Dương Huệ Anh. Sau này đổi thành Thi Đàn Lạc Việt.

Năm 1992 và 1993, cơ sở đã tổ chức nhiều hội thơ định kỳ, hướng dẫn kỹ thuật thơ như Thơ Đường do nhà thơ Trình Xuyên , Bích Thuận hướng dẫn ngâm thơ, Ngọc Dung dạy đàn tranh. Những buổi nói chuyện về ca dao, ngôn ngữ và cách viết truyện ngắn do nhà văn Diệu Tần tổ chức. Ngoài ra còn có  Kỳ Sơn và Thái Uyển nói về Mệnh số học.

Qua năm 1994, ngoài các buổi tổ chức ra mắt thơ văn của các nhà văn, thơ quen thuộc ở địa phương như Diệu Tần,Hoàng Mộng Thu, Dương Huệ Anh và hai nhà thơ ở xa, như Hà HUyền Chi và Tuệ Nga. Cơ sở được mở rộng, th êm nhiều nhà thơ văn tham dự, như Song Nhị, Nguyên Phương, Diên Nghị, Nguyễn Thanh Giản, Song Linh v.v.


Hình lưu niệm Ban Cố vấn và Ban Chấp Hành viếng đám tang thân phụ của nhà báo Lê văn Hải đương kim chủ tịch Thi Văn Đàn Lạc Việt

Đồng thời một tuyển tập thơ quy mô đầu tiên vùng Vịnh mang tên Một Phía Trời Thơ gồm 37 tác giả đủ thành phần và lứa tuổi (30  đến 85) đã được thực hiện và ra mắt vào tháng 3/1995. Ba năm sau tập san Văn Nghệ Xuân Thu trình làng gồm 40 tác giả đủ các ngành Văn, Thi, Nhạc, Ảnh, Biên khảo dầy 270 trang quy tụ nhiều cây viết quen thuộc trong vùng Vịnh. Kế tiếp là các tuyển tập một phía trời thơ lần lượt ra mắt tại San Jose. Tập mới nhất Một Phía Trời Thơ 5 ấn hành năm 2002.

Thi đàn đã tổ chức long trọng ngày Kỷ niệm Nguyễn Du quy tụ với số người kỷ lục vào năm 2000.Trong dịp này Giáo sư Đặng Cao Ruyên đã thuyết trình tác phẩm Kiều. Ông là nhà khảo cứu đã tập trung thành Thư mục về Nguyễn Du và Truyện Kiều: Tác giả, Nhân Vật và Luân Lý do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2005.

Ngoài các nhà văn, nhà thơ hoạt động thường xuyên cùng Thi Đàn tại miền Bắc California, còn có những hội viên khác hiện đang sống rãi rác ở Hoa Kỳ và các nơi khác như Georgia, Wichita, Boston, Oklahoma, Texas, Virgina….

Sơ Lược về tiểu sử thi sĩ Đông Anh.

Đông Anh là bút hiệu của Nguyễn Đình Tạo, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1938 tại Huyện Đông Anh trước thuộc tỉnh Phúc Yên, sau thuộc ngoại thành Hà Nội

Năm 1954, theo học khoá  Cương Quyết Phụ Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ra trường tháng 10 năm 1954. Đơn vị sau cùng là Tiểu Khu Lâm Đồng.

Tù cộng sản 9 năm. Vượt biên tới Galang năm 1985. Qua Mỹ năm 1986

Tác phẩm xuất bản : Chín Năm Tù Ngục 1989; Chim Di Trú 1997; Hoa Giáp Đông Anh 2000 và Ngựa Vực Hồn Thơ 2002

Đảm trách Thi Đàn Trưởng Thi Đàn Lạc Việt năm 2005.

Mất ngày 28 tháng 6 năm 2023 tại California Hoa Kỳ   

Vài cảm nghĩ về thi sĩ Đông Anh.

Thi sĩ Đông Anh là một con người xuất thân từ quân đội,anh rất mực thước, nhưng rất thương yêu anh em cùng chí hướng, nhất là những anh em hoạt động trên phương diện văn học - nghệ thuật. Đó là tính đạo đức của người anh cả Thi Văn Đàn Lạc Việt.

Hôm nay, anh đã ra đi về miền niên viễn, anh đã xa những người anh em đồng hành với anh với lời hứa là không còn cầm súng, chúng ta cùng cầm bút để chiến đấu để cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nộ lệ của chế độ cộng sản. Ước mơ của anh chưa tròn, nhưng sẽ có những người em của anh sẽ hứa sẽ tiếp tục ước vọng của anh. Mong anh linh thiêng phò hộ cho những người anh em đồng chí hướng với anh thực hiện hoài vọng của anh.

Anh ra đi, nhưng Thi Đàn Lạc Việt vẫn còn và vẫn

còn theo hoài bảo của anh nhắn nhũ trong đó.  Mặc dù theo dòng thời gian thăng trầm của đời người có thể  và có thể bất cứ sự việc cũng có thể xảy ra, nhưng tôi tin họ những người tiếp nối anh sẽ không làm phai đi tên tuổi của Anh và Lạc Việt.

Vĩnh biệt anh!

Duy Văn Hà Đình Huy

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét