Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

XE ĐẮT TIỀN CÓ THỂ HIỆN ĐỊA VỊ?

 


https://baomai.blogspot.com/
Xe hơi từ lâu đã là biểu tượng của địa vị - nếu bạn có một chiếc xe ô tô xịn, mọi người sẽ nghĩ bạn giàu có.

Trong khi những trang sức lộng lẫy thường là cách để một người nâng mình lên so với những người xung quanh, một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng loại ô tô trong một cộng đồng cũng có thể hé lộ mức thu nhập, nhân khẩu học và mức độ bất bình đẳng ở khu vực đó.

Ví dụ, một khu vực mà càng có nhiều xe ngoại, thu nhập trung bình ở khu vực đó càng cao.

https://baomai.blogspot.com/

Điều này không có gì ngạc nhiên, nhưng điều ngạc nhiên là phát hiện này được tìm ra bởi thuật toán của Google Street View.

Cách tiếp cận mới này mang lại nhiều tiềm năng cho việc thu thập dữ liệu lớn về thu nhập trong tương lai.

Nghiên cứu tiến hành bởi Đại học Stanford ở California được công bố hồi tháng 12/2017. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thuật toán dựa theo 50 triệu hình ảnh từ Google Street View từ 200 thành phố của Mỹ.

https://baomai.blogspot.com/

Thuật toán dựa trên năm đăng ký, mẫu xe và chất liệu của mỗi xe trong từng hình ảnh kể cả khi bị che khuất hay chụp từ góc khuất.

Tiếp đó, các kết quả được so sánh với dữ liệu từ Khảo sát American Community – nghiên cứu với chi phí 250 triệu đô la, đến cửa từng nhà để thu nhập dữ liệu các loại, từ về giới tính, giáo dục, thất nghiệp cho đến lựa chọn bầu cử.

Qua so sánh, các nhà nghiên cứu đã có thể dự đoán chính xác một loạt các đặc điểm throng vấn đề như thu nhập, chủng tộc, quan điểm chính trị từ các loại xe trong một cộng đồng dân cư.

https://baomai.blogspot.com/
Một chiếc xe của Google Street View tại Vienna hồi tháng 7/2017

Nghiên cứu chỉ ra rằng xe Đức và Nhật (đặc biệt là Lexus) được tìm thấy ở khu vực có thu nhập trung bình thuộc mức cao, trong lúc xe Mỹ nội địa như Buicks, Oldsmobiles và Dodges thường ở khu vực có thu nhập trung bình thấp hơn.

Sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích hình ảnh trên Street View có thể giúp xác định khu vực có bất bình đẳng nhất một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Ví dụ, Chicago là nơi có khoảng cách thu nhập rõ rệt nhất với các loại xe ô tô rẻ tiền và xe đắt tiền được phân biệt rõ ràng trên các bãi đỗ xe khắp thành phố. Các thành phố khác như Jacksonville, Florida có khoảng cách thu nhập đều hơn qua sự phân bố xe ô tô.

Đây là một vấn đề lớn vì khảo sát và thống kê thường cho rằng thu thập những loại dữ liệu như chủng tộc, quan điểm chính trị là một công việc cần nhiều sức lực, đắt đỏ và tốn thời gian.

https://baomai.blogspot.com/

Bà Timnit Gebru, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết từ khi nghiên cứu được công bố, nhóm đã được các nhà nghiên cứu chính trị liên lạc để sử dụng dữ liệu.

“[Họ] có thể cập nhật vào thông tin chúng tôi có về xe hơi để có được kết quả chính xác và kịp thời về điều tra dân số,” bà viết trong một email.

https://baomai.blogspot.com/
Google cũng thuê người đi dọc các phố, những nơi xe hơi không vào được, để chụp các hình ảnh cho dịch vụ Street View

Trong khi các phát hiện xác nhận rằng loại xe bạn đi có thể nói một số điều nhất định về bạn như giàu có hay tầng lớp xã hội, nhưng bà Gebru nói cũng có những điểm đặc trưng cần lưu ý.

“Tôi không nghĩ là tất cả các quốc gia đều có mối quan hệ giữa xe và người như ở Mỹ,” bà nói.

“Ở nhiều nước khác, có thể có mối quan hệ giữa một số loại vải mặc trên người với đặc điểm văn hóa.”

“Điều mà tôi muốn mọi người thu thập được từ nghiên cứu này không phải là mối quan hệ giữa người và xe mà là việc các nhà khoa học xã hội đã có thể dùng hình ảnh để nghiên cứu về văn hóa,” bà nói.

https://baomai.blogspot.com/ 

Học hỏi từ dữ liệu do máy móc thu thập, như cách mà bà và nhóm của mình sử dụng, có thể đóng vai trò hỗ trợ cho khảo sát dân số truyền thống.

Bên ngoài vấn đề về tiền và bất bình đẳng, nhiều quốc gia đang tìm cách dùng Al và hình ảnh công cộng như Google Street View để hiểu hơn về con người sống ở đó theo như cách mà khảo sát truyền thống vẫn làm.

Chẳng hạn như một nhà nghiên cứu sức khỏe Canada đã phân tích hình ảnh của Google Street View để nghiên sự tương quan giữa một số loại bệnh và mức độ ô nhiễm và cây cối ở một số khu vực.

https://baomai.blogspot.com/

Trong một thế giới mà nhiều công ty công nghệ đang bao phủ trên cuộc sống của chúng ta, các thông tin như nhà cửa, xe, lương và các bí mật của chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng hơn chúng ta nghĩ.




Bryan Lufkin

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

HAI LỐI MỘNG.NHẠC TRÚC PHƯƠNG. TRÌNH BÀY: DUY VĂN

BIỂU TÌNH CHỐNG PHONG TỎA ĐANG THÁCH THỨC QUYỀN LỰC CỦA TẬP CẨM BÌNH

 



Nguồn: Gideon Rachman, “Xi Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt him, “Financial Times, 28/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thói kiêu ngạo và độc đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến Trung Quốc rơi vào chuỗi ngày phong tỏa vô tận.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2021, Tập Cận Bình đã khoe khoang về sự thành công của chính sách zero-Covid tại Trung Quốc. Trong khi hàng triệu người chết ở những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đã “đặt người dân và mạng sống của họ lên hàng đầu… Bằng sự đoàn kết và kiên cường, chúng ta đã viết nên bản anh hùng ca chống lại đại dịch.”

Gần hai năm sau, chiến dịch của Tập nhằm mô tả quá trình quản lý đại dịch của Trung Quốc như một chiến thắng của cá nhân ông và của hệ thống đang dần sụp đổ. Làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng nhằm chống lại các chính sách zero-Covid của ông đã khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc phải mất mặt. Chúng dường như là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lãnh đạo của Tập kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 10 năm.

Một vài cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa không hồi kết của Trung Quốc thực sự đã nhắm vào cá nhân Tập. Tại thành phố Thành Đô, những người biểu tình đã hô vang: “Chúng tôi không muốn một hệ thống chính trị với một nhà lãnh đạo trọn đời. Chúng tôi không muốn có một hoàng đế.”

Những khẩu hiệu này đã nêu bật vấn đề chính trị nhạy cảm nhất ở Trung Quốc hiện đại – những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một sự sùng bái cá nhân. Kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Đảng Cộng sản đã cố gắng tránh tạo ra một Mao thứ hai, một nhà lãnh đạo tối cao duy nhất, người thống trị hệ thống chính trị và cả nước, và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực.

Nhưng Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ cai trị gần như của một hoàng đế. Một bước ngoặt đã xảy ra vào tháng trước, khi đại hội Đảng Cộng sản bầu ông vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là người lãnh đạo đảng. Người tiền nhiệm của Tập, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bị buộc rời khỏi lễ đài ngay trước ống kính truyền hình. Thông điệp rất rõ ràng. Quyền lực của Tập là bất bại và ông sẽ cai trị suốt đời.

Giống như Mao, Tập đã biện minh cho việc nắm quyền của mình bằng cách khuyến khích tạo ra một sự sùng bái cá nhân. “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xử lý thành công Covid-19 trở thành một phần quan trọng trong dòng quan điểm về ông. Một bài báo gần đây của Quốc vụ viện Trung Quốc ca ngợi khả năng lãnh đạo của Tập trong đại dịch Covid, tuyên bố rằng “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đích thân chỉ huy, lên kế hoạch ứng phó, giám sát tình hình chung, và hành động quyết đoán”.

Đúng là Trung Quốc đã ghi nhận số ca tử vong trên đầu người do Covid-19 ít hơn hẳn so với Mỹ. Nhưng cái giá của việc theo đuổi chính sách zero-Covid đang dần trở nên rõ ràng. Khi nền kinh tế bị đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã lên tới gần 20%.

Căng thẳng xã hội gây ra do phong tỏa kéo dài và lặp đi lặp lại cũng vô cùng lớn. Hai tháng phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải đầu năm nay đã trở thành tin tức trang nhất trên toàn thế giới. Một số người tin rằng đây sẽ là điểm bùng phát, buộc Tập phải suy nghĩ lại về chính sách zero-Covid của mình. Thế nhưng, thay vào đó, tại đại hội đảng, ông lại đề bạt Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường – người chịu trách nhiệm về vụ phong tỏa – lên vị trí cao thứ hai trong Đảng Cộng sản. Đó là một tín hiệu cho thấy zero-Covid sẽ không có hồi kết.

Nhằm tạo ra câu chuyện chính thức về Covid-19, giới lãnh đạo Trung Quốc đã so sánh sự kiên nhẫn và tinh thần tập thể của người dân Trung Quốc với sự thiếu kiên nhẫn và chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của người dân Trung Quốc cũng đang cạn dần.

Hình ảnh những đám đông không đeo khẩu trang từ khắp nơi trên thế giới đến xem các trận đấu World Cup ở Qatar đã chứng minh cho người dân Trung Quốc thấy rằng công dân của các quốc gia khác đã thoát khỏi cái bẫy của những đợt phong tỏa vô tận. Ngược lại, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh bị hạn chế quyền tự do năm thứ tư liên tiếp.

Từng tuyên bố là người có công trong việc xử lý giai đoạn đầu của đại dịch ở Trung Quốc, Tập không thể tránh khỏi việc bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Trên hết, việc không nhập khẩu các loại vắc xin nước ngoài hiệu quả sẽ khiến việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Thất bại đó có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình – người đã khởi xướng chính sách sản xuất các công nghệ then chốt “tại Trung Quốc” (Made in China) vào năm 2015. Nhà lãnh đạo từng khẳng định mình có lòng thương dân vô bờ bến cuối cùng lại quá tự cao, không chịu nhập khẩu các loại vắc xin hiệu quả có thể bảo vệ mạng sống của người dân.

Phong tỏa zero-Covid cũng phản ánh tính cách cứng rắn và sự độc đoán bẩm sinh của Tập Cận Bình. Những người biểu tình Trung Quốc đã nhận ra rằng các công nghệ được phát triển để theo dõi hành vi của người dân – dưới danh nghĩa để chống dịch – có thể tồn tại rất lâu sau đại dịch, rồi trở thành một phương pháp kiểm soát chính trị và xã hội lâu dài và tinh vi.

Nói rộng hơn, những thất bại của Tập trong đại dịch Covid-19 là những thất bại đặc trưng của một chế độ chuyên chế, vốn trao quá nhiều quyền lực và thẩm quyền vào tay một lãnh đạo duy nhất. Khi nhà lãnh đạo chuyên chế đưa ra một quyết định tai hại – như Vladimir Putin đã làm khi xâm lược Ukraine – thì hệ thống cũng không thể thay đổi hướng đi, bởi vì nhận định của nhà lãnh đạo là điều không thể bị chất vấn. Giờ đây, một hình mẫu tương tự đang xuất hiện ở Trung Quốc.

Thời điểm người biểu tình xuống đường luôn là thời điểm cực kỳ nguy hiểm đối với một nhà lãnh đạo chuyên chế. Thật không may, dường như, theo bản năng, Tập sẽ đáp trả bằng vũ lực và đàn áp. Đó là cách ông đã đối phó với các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 – và đó là cách Đảng Cộng sản đã đàn áp phong trào sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Phản ứng đó có thể có hiệu quả ở Trung Quốc – và cho đến nay, ở Nga, Iran, và Belarus. Nhưng câu chuyện được thêu dệt cẩn thận về trí tuệ và quyền lực của Tập Cận Bình sẽ không thể tiếp tục tồn tại sau khi chính sách zero-Covid của ông sụp đổ.

NHỮNG ĐÁM MÂY CHIẾN TRANH

 


 BM

Nền dân chủ và tự do đang bị đe dọa. Những điều này luôn xảy ra trong thời gian chiến tranh.

 

Giờ đây, tuy chiến tranh đang bùng nổ ở Ukraine, nhưng cũng có những đám mây đen từ các cuộc chiến khác đang tích tụ lại và sắp sửa gây giông tố. Ở Đài Loan. Trên bán đảo Triều Tiên. Giữa Israel và Iran. Cũng có thể là giữa NATO và Nga, hoặc Hoa Kỳ và Trung cộng. Hoặc có thể là, thảm khốc thay, giữa tất cả các bên này cùng một lúc.

 

Các cuộc chiến thường sẽ khơi mào cho các cuộc chiến khác, bởi vì các bên xâm lược nhận thức được cơ hội khi thế giới bị xao nhãng và tiến hành thúc đẩy các cuộc chiến ở những nơi khác để cho mọi người càng bị phân tán hơn. Do đó, chiến tranh là một vòng lặp phản hồi tiêu cực sẽ không ngừng xoay vòng cho đến khi những bên xâm lược giành chiến thắng hoặc kiệt quệ vì cuộc chiến.


BM

Phần lớn các hãng thông tấn cánh tả, [vì] khát khao muốn thay đổi cục diện chiến tranh, [nên thường] đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo dân chủ mà họ có thể tiếp cận thay vì những kẻ xâm lược rõ ràng ở Moscow, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, và Tehran. Họ làm như vậy bởi vì họ có thể gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo trong nước và đã quen với việc lên án “chủ nghĩa quân phiệt của Mỹ,” mặc dù không phải lúc nào họ cũng dùng những thuật ngữ thô kệch như vậy.

 

Họ làm vậy để mang lại nhiều dịch vụ xã hội và nhiều phiếu bầu hơn cho Đảng Dân Chủ, bên mà họ tin tưởng nhiệt thành và tôn sùng theo kiểu tôn giáo. Theo tôn giáo đó của cánh tả, nước Mỹ là bên có lỗi cho cuộc xâm lược Ukraine của Moscow. Nước Mỹ là bên có lỗi cho “những căng thẳng” với Bắc Kinh. Chỉ bởi vì nước Mỹ có lỗi vì đã tự vệ ở Afghanistan, hoặc có lỗi vì đã duy trì trật tự quốc tế của các quốc gia có chủ quyền bằng việc đẩy quân Iraq ra khỏi Kuwait.


BM


Người ta không phát hiện được các vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, không đồng nghĩa là các loại vũ khí đó không tồn tại ở đó. Và những người cánh tả hiếm khi đào sâu xem điều gì đã dẫn đến sự nghi ngờ của Hoa Kỳ ngay từ đầu. Đơn cử như trò chơi mèo vờn chuột của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein với các thanh tra vũ khí. Hoặc là việc ông không cho phép thực hiện các chuyến bay của trinh sát cơ U2 trên khắp đất nước. Hoặc là việc trước đây ông từng sử dụng vũ khí hóa học đối với chính người dân của mình.

 

Toàn bộ những điều này đều bị lãng quên trong sự đổ xô đi chỉ trích chủ nghĩa quân phiệt Mỹ là nguyên nhân của mọi điều sai trái trên thế giới. Những người Mỹ cánh tả làm như vậy đã thúc đẩy các đồng minh Âu Châu của chúng ta xem chúng ta là một vấn đề. Chúng ta, người Mỹ, mới là những kẻ xâm lược, chứ không phải Bắc Kinh, ngay cả khi Bắc Kinh xây dựng lực lượng quân sự cần thiết để xâm chiếm Đài Loan, và nói rõ rằng họ sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào.


BM

Do đó, đối diện với sự gây hấn rõ ràng, các trường đại học của chúng ta — do các giáo sư và sinh viên cánh tả chiếm lĩnh, những người tự cho mình là được giáo dục đặc biệt và hào hứng với những lý lẽ mới nhất trên The New York Times và The New Yorker — đều im lặng.

 

Chỉ khi nào Hoa Kỳ và các đồng minh tiến hành hoạt động quân sự, và nếu như cuộc sống của chính họ, việc xóa nợ đối với các khoản vay sinh viên, hoặc các dịch vụ xã hội bị đe dọa, thì họ mới kháng nghị. Và những sự phản đối này là nhắm vào quân đội Hoa Kỳ, lực lượng bảo vệ họ, chứ không phải nhắm vào những kẻ xâm lược ở Bắc Kinh và Moscow, những bên ngay từ đầu đã thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang.

 

Các trường đại học phương Tây giống như những ông bầu chuyên tạo ra thứ âm nhạc cánh tả hợp lỗ tai của Trung cộng cộng sản, khuyến khích những kẻ xâm lược nguy hiểm nhất tại Bắc Kinh tin rằng họ đang ở “bên chính nghĩa của lịch sử” khi đe dọa tiến hành chiến tranh chống lại Đài Loan “tư bản,” Ấn Độ “lạc hậu,” “chủ nghĩa đế quốc” lịch sử, và “quyền bá chủ” hiện hữu của Hoa Kỳ.

 

Hôm 15-16/11, tại hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo dân chủ từ Hoa Kỳ, Canada, Úc, và những nơi khác đã cố gắng xua tan những đám mây chiến tranh của Trung cộng. Nếu lịch sử là bất kỳ sự chỉ dẫn nào, thì nụ cười đơn thuần không thể ngăn chặn thể chế chiến tranh độc tài khủng khiếp này của con người một khi nó bắt đầu được kích hoạt. Việc kết giao, và các hình thức xoa dịu khác, không có tác dụng gì khi mục tiêu mà một nhà độc tài đầy quyền lực hướng đến là cuộc xâm lược theo chủ nghĩa phục thù để gột rửa đi một sự nhục nhã bẽ bàng mà ai cũng thấy. Điều này mô tả Đức Quốc Xã trong những năm 1930, cũng như Nga và Trung cộng ngày nay.

 

Bên cạnh trường hợp của Cộng hòa Séc vào năm 1938, Ukraine và Đài Loan, tất cả các quốc gia ‘tiền tuyến,’ nước nào sẽ chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến ở phe dân chủ? Các quốc gia, kể cả các nền dân chủ, đều không muốn phải trả cái giá của chiến tranh nếu họ có thể khiến người khác làm như vậy. Hãy để cuộc chiến đó diễn ra ở đất nước của người khác, nếu có thể. Ngay cả khi quốc gia đó là một đồng minh dân chủ.

 

Nhảy vào ở phút cuối, để tuyên bố chiến thắng và sự thống trị toàn cầu thông qua đội quân vẫn đang đứng yên một chỗ (và chưa kịp phản ứng gì) của chính mình, cũng như các khoản vay tái thiết. Trong hai cuộc thế chiến, Âu Châu đã phải trả giá bằng tổn thất nhân mạng và cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Người Mỹ chúng ta không muốn thừa nhận rằng trong Đệ nhị Thế chiến, chúng ta đã đến muộn, với những binh sĩ đầy sức sống, để giành chiến thắng, cung cấp các khoản vay, giành lấy vinh quang, và định hình trật tự quốc tế theo hình dung của chính chúng ta.

 

Trong suốt quá trình này, chúng ta đã làm rất nhiều điều tốt. Nhưng nếu chúng ta và đồng minh cứng rắn nhất của chúng ta là Anh, đi trước quân đội Đức bằng sự hiện diện quân sự tại hiện trường, có thể chúng ta đã ngăn chặn được hai cuộc thế chiến ngay từ đầu.


BM

Ngày hôm nay, tại Ukraine, chúng ta một lần nữa đã không điều động binh sĩ đến nơi mà chúng ta biết rằng, Nga sẽ tiến hành xâm lược. Người dân Ukraine đang phải trả giá để bảo vệ cho toàn bộ Âu Châu. Nếu họ thất bại trong cuộc chiến này, thì Ba Lan, Slovakia, Hungary, và Romania sẽ trở thành những quốc gia tiền tuyến tiếp theo. Các nước này đều là thành viên NATO, và mặt trận [chiến tranh] lúc này sẽ trở nên rộng lớn hơn và khó phòng vệ hơn. Các lực lượng dân chủ sẽ bị phân tán mỏng hơn, và người dân Ukraine sẽ buộc phải chiến đấu cho Moscow để chống lại chúng ta.

 

Trật tự quốc tế của chúng ta — trật tự thế giới duy nhất mà Pháp hiện đang ủng hộ bằng những tràng pháo tay vang dội, rằng Trung cộng muốn phá hủy và xây dựng lại theo hình ảnh độc tài của riêng mình, và là trật tự mà Hoa Kỳ lập ra vào năm 1945 và tìm cách duy trì thông qua phòng thủ kinh tế vốn bị hiểu lầm là chia thế giới thành hai khối thương mại — hiện đang bị đe dọa.

 

Âu Châu khắc ghi cái giá của chiến tranh nhiều hơn là vinh quang từ cuộc chiến ấy, và đang điên cuồng lùi lại khỏi vách đá dựng đứng mà tất cả chúng ta đang trượt tới. Đáng tiếc thay, họ thể hiện sự sợ hãi trong quá trình này, khuyến khích những kẻ bắt nạt đưa ra nhiều yêu sách hơn. Lựa chọn thay thế của họ để giữ vững lập trường của chúng ta đòi hỏi sự phụ thuộc kinh tế liên tục vào kẻ thù và trao đi lãnh thổ Ukraine hoặc Đài Loan thông qua đàm phán, tất cả những điều này thúc đẩy những kẻ bắt nạt hung hăng hơn trong tương lai.

 

Tuy vậy, chính phủ Tổng thống Biden, với các chính sách yếu hơn mức cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa, vẫn đang đi trước các đồng minh tả khuynh hơn của chúng ta ở Âu Châu. Đức, Pháp, và Hà Lan là những “nước lùi bước” hàng đầu.

 

Những quốc gia này vẫn chưa rút ra được bài học từ việc lệ thuộc năng lượng của họ vào Moscow, điều đã trao cho Nga đủ tài lực để phát động cuộc chiến chống lại Ukraine. Họ đã không học được bài học về việc để mất năng lực sản xuất công nghiệp vào tay Trung cộng, điều mà Bắc Kinh hiện đang sử dụng để xây dựng một quân đội gần như có khả năng đánh bại Hoa Kỳ ở Á Châu. Họ đã không học được bài học của hai cuộc thế chiến, trong đó sự yếu kém của họ, bao gồm cả sự yếu kém của người dân trong việc chống lại chủ nghĩa phát xít của chính phủ họ, cho phép quân Đức tin rằng họ có thể chinh phục toàn bộ Âu Châu và hơn thế nữa.

 

Sự yếu kém đó đã dẫn đến sự suy tàn của Âu Châu, khiến châu lục này mất đi phần lớn ảnh hưởng quốc tế.

 

Nga và Trung cộng hiện đang thế chỗ của Đức và Nhật Bản trong lịch sử với tư cách là những kẻ xâm lược toàn cầu, tuy nhiên, lục địa này quá yếu để thu hút sự xâm lược. Chỉ những quốc gia như Ba Lan, vốn có lịch sử phải chịu số phận nạn nhân, cùng Hoa Kỳ và Anh, mới dẫn đầu trong việc nhận biết sức mạnh ngày càng tăng của những kẻ xâm lược ở Moscow và Bắc Kinh. Nhưng những quốc gia này hiện đang gióng lên hồi chuông cảnh báo giữa những người bị đồng tiền của Bắc Kinh mê hoặc.

 

Thay vì tranh đua với Bắc Kinh và Moscow về kinh tế và quân sự, Brussels lại đang cạnh tranh với Hoa Thịnh Đốn bằng các khoản trợ cấp tốn kém cho xe điện, vốn không bao giờ có thể bảo vệ các quốc gia của chúng ta khỏi mối đe dọa độc tài, và điều đó giúp các đối thủ của chúng ta tránh được sự nóng lên toàn cầu nhiều như chính sách đó giúp chúng ta vậy.

 

Trong khi chúng ta tập trung vào mua những công nghệ xanh, thì Trung cộng lại tập trung vào việc thu lợi nhuận từ những thương vụ đó và sử dụng số tiền kiếm được để xây dựng quân đội nhằm đánh bại chúng ta.

 

Cá mập và sư tử tấn công những kẻ yếu nhược nhất và ngu ngốc nhất trong bầy — không bao giờ tấn công những kẻ mạnh và nhanh nhẹn phía trước mặt. Đáng buồn thay, Ukraine và Đài Loan, bị tước bỏ những vũ khí mạnh nhất cần thiết để tự vệ và bị từ chối khỏi các hệ thống liên minh dân chủ, hiện đang bị bỏ lại phía sau cho những kẻ săn mồi. Trớ trêu thay, sự thiển cận đó của NATO lại làm tăng nguy cơ chiến tranh và khả năng hủy diệt của chính chúng ta.

 

Các nền dân chủ phải học cách ngừng chạy trốn và hợp lại làm một để đương đầu với những kẻ xâm lược của chúng ta. Không nên bào chữa thêm rằng nền dân chủ này hay nền dân chủ kia không phải là thành viên của một liên minh hoặc không phải là một quốc gia có chủ quyền được công nhận. Nếu cứ ôm giữ logic đó, thì những kẻ xâm lược có thể và sẽ hạ gục chúng ta từng người một cho đến khi không còn nền dân chủ nào để họ chinh phục nữa mới thôi.

 

 Anders Corr  _  Thiên Thư


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

CÁI TÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

 


https://baomai.blogspot.com/

Tại sao cái tôi, cái ‘’ égo ‘’ của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ : tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?

Một lần ngồi nhậu với 5 ông , có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản. 

Nói ‘’ ông ‘’, vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà. 

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần ( hay không ) với câu dưới, nghĩ mình là Beaudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ , ăn nói như lãnh tụ, đi đứng , tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, vá víu, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, tư tưởng gia lớn, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên ( hay đi xuống ). Học gạo được cái bằng, nghĩ mình đã chế ra điện và nước nóng.

https://baomai.blogspot.com/

Ở đâu cũng có những cái tôi tổ bố, nhưng ở người Việt, nó là một hiện tượng phổ thông. 

Cũng lạ, cái TÔI tổ bố ở một nơi như VN. VN, xứ của văn hoá Phật Giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có. Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai, vì nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. 

Nơi người Công giáo rất nhiệt thành, và Công giáo coi chuyện vị tha, nghĩ tới người khác là đức tính hàng đầu. Không lẽ người Việt ta hiểu lầm tôn giáo mình đang theo ?

Phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm ? 

https://baomai.blogspot.com/

Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh ( pathologie ). Và trong 9 trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại ( complexe de supériorité ) là để che đậy tự ti mặc cảm ( complexe d’infériorité ). Tư cao, tự đại là một cách tự vệ của người yếu.

Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng. Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một bà bán hột vịt lộn, một tài xế xe đò về hưu.

Người Việt ta có cái tự mãn dễ dàng, kiêu hãnh lặt vặt, nên cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Thành quả không thể lớn hơn tham vọng.

https://baomai.blogspot.com/

Nếu Picasso thoả mãn với ” péiriode bleue ” ( thời kỳ Xanh ), sẽ không có ” période rose” ( thời kỳ Hồng ) , nếu hài lòng với période rose sẽ không có tranh lập thể, đưa hội họa đi xa ngàn dặm.

Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn chương trên France Culture hay France 5, khó tưởng tượng họ đã chiếm giải Nobel Văn chương, Le Clézio Nobel 2008, Modiano, 2014. Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao. Modiano tìm chữ một cách khó khăn, ít khi chấm dứt một câu , như muốn nói : thôi, bỏ qua đi, những điều tôi nói chẳng có gì đáng để ý. Họ lắng nghe người khác, dù người trước mặt chỉ là một nhà văn chân ướt chân ráo, vừa in cuốn sách đầu tay. 

Thảo luận, nghĩa là nghe quan điểm của người khác, là điều chúng ta không làm được. Cái tôi của ta nó lớn quá. 

Tôi nắm sự thực trong tay. Ai nghĩ khác tôi là xúc phạm Tôi, nghĩa là xúc phạm Sự Thực. Phải căm thù, phải triệt hạ, phải chụp cho một cái nón cối.

VN là nước nghèo nhất, chậm tiến nhất, đáng lẽ mình phải khiêm nhượng, nhưng không, tỷ số những người kiêu ngạo của ta nó lớn gấp bội thiên hạ. Bạn đã gặp một người Nhật nào vỗ ngực : tôi, tôi, tôi ?

https://baomai.blogspot.com/

Trước đây, khá lâu, tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh ý niệm niết bàn của Phật Giáo với thiên đàng của Thiên chúa giáo. Bà hỏi cách làm gỏi cuốn

Ông bà là công giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác. Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV , chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, một danh cầm piano, chiếm 7 giải nhất khi còn học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành giáo sư âm nhạc có uy tín lớn, ông là Olivier Messaien, một trong những nhạc sư, tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. 

https://baomai.blogspot.com/

Rất nhiều nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu , như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra ‘’ Saint-Francois d’Assise ‘’ của ông được trình diễn trên khắp thê giới, như những tác phẩm của Mozart, Beethoven. 

Nhìn hai ông bà già hiền lành, gần như vụng về, xếp hàng mua ổ bánh mì, ít người nghĩ đó là hai nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào nói về âm nhạc cổ điển cận đại. Và mới tuần trước, họ là thượng khách của hoàng gia Thụy Điển.

Ông bà ( ngày nay đã qua đời ) sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo.. Tiền bản quyền nhạc tặng các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.

https://baomai.blogspot.com/

Khi nào có những người như Messaien, Le Clozio, Modiano, chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm nhượng, VN sẽ là một nước trưởng thành. Trong khi chờ đợi, phe ta thi nhau trèo lên nóc nhà, gào : Khổ quá, tại sao tôi tài giỏi đến thế ! Khi gào mỏi cổ, đóng áo thụng vái nhau..

Đó cũng là một trò vui, nếu nó không có hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta đều biết đất nước nằm bên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn, trước khi quá muôn. Nhưng chúng ta không thể ngồi với nhau. Cái TÔI của chúng ta nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc.




Từ Thức

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

KHI SỐNG LÀM ĂN MÀY, KHI CHẾT LÀM SAO CÓ THỂ THĂNG THIÊN?

 


  • Huyện lệnh làm Minh quan tiết lộ thiên cơ, người phụ nữ ăn mày chí hiếu được thăng thiên?

Ái Tân Giác La – Miên Nghi, tự là Bội Khanh, là hậu duệ Hoàng thất triều Thanh. Ông đậu Tiến sĩ vào năm Hàm Phong. Năm Đồng Trị thứ 8 (1869) được điều nhiệm chức Binh Bộ Thị Lang ở Thịnh Kinh. Thịnh Kinh là thành phố Thẩm Dương ngày nay.

Khi ở Thịnh Kinh, Miên Nghi mời Văn Tuyết Môn làm thầy dạy cho các con của mình, khách và chủ sống chung với nhau thập phần hòa hợp. Lúc ấy có vị Huyện lệnh thường xuyên đến Thịnh Kinh làm việc, Miên Nghi kết giao thân thiết với ông ta, cũng rất coi trọng ông ta, bởi vậy mỗi lần ông ta đến đều muốn mời cơm.

Vị Huyện lệnh này còn kiêm nhiệm làm quan Âm Phủ, mỗi lần đến Âm Phủ làm việc, đều phải mặc y phục chỉnh tề, sau đó nằm lên giường, nhiều thì ba ngày đêm, ngắn thì cũng phải vài giờ mới trở về. Khi có người tò mò hỏi chuyện ở Âm Phủ, ông đều từ chối trả lời, chỉ nói “không thể tiết lộ”.

Một hôm, Huyện lệnh lại đến Thịnh Kinh, đang cùng mấy người Miên Nghi, Văn Tuyết Môn chuẩn bị dùng bữa trưa. Thế nhưng khi ông vừa mới giơ đũa, thì lập tức dừng lại, hơn nữa lập tức đứng dậy cáo từ, đồng thời lấy quan phục mặc vào đàng hoàng, sau đó tìm một gian phòng vào trong đó nằm xuống. Mọi người đều biết ông làm việc ở Âm Phủ, nên cũng không để ý lắm.

Qua hơn một giờ đồng hồ, Huyện lệnh từ trên giường ngồi dậy. Văn Tuyết Môn ngạc nhiên tốc độ làm việc lần này của ông ấy nhanh như vậy. Huyện lệnh nói: “Trước đây xử án, đều là việc bí mật không thể để dương gian biết được, nhưng lần này thì khác, là bởi vì có một vị nữ ăn mày cực kỳ hiếu thảo đã được thăng thiên, Âm Phủ rất tôn kính cô ấy, vì thế rất nhiều quan Âm Phủ đều đi đưa tiễn, tôi cũng ở trong số đó. Chuyện này rất có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện đối với người đời, cho nên tôi mới nói cho các ông biết.”

Huyện lệnh nói cho mấy người Miên Nghi, Văn Tuyết Môn biết, người nữ ăn mày này lấy chồng năm 16 tuổi, nhưng chưa được một năm thì trượng phu qua đời, từ đó nàng thủ tiết phụng dưỡng mẹ chồng, rất là cung kính. Về sau trong nhà ngày càng nghèo túng, không thể không trở thành ăn mày, nhưng tấm lòng hiếu thảo của nàng không thay đổi, mấy chục năm cũng như một ngày hiếu kính mẹ chồng. Sau khi mẹ chồng qua đời, nàng nhờ vào khất thực để an táng mẹ chồng, ngày lễ ngày tết và ngày giỗ đều đến cúng mộ.

ví dụ về nhân quả báo ứngSau khi mẹ chồng qua đời, cô thông qua việc đi xin mới an táng được mẹ chồng, ngày lễ ngày tết và ngày giỗ đều đến cúng mộ. Một phần bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ”. (Ảnh: Viện bảo tàng Cố Cung cung cấp)

Văn Tuyết Môn liền hỏi: “Nàng ấy đã hiếu thuận như thế, vì sao thượng thiên không ban phúc cho nàng, mà mặc kệ để nàng nghèo khốn đến nông nổi trở thành ăn mày?” Huyện lệnh đáp rằng: “Nghèo khốn vốn là báo ứng của nàng ở kiếp này, nàng ấy nhất định phải trả, hiện giờ nhân quả xấu đã hoàn trả xong, thì thiện quả kết thành vậy, cho nên được thăng thiên. Nếu như mọi người không tin, có thể phái người đến dưới gốc liễu bên trong Nguyệt thành ở phía cửa nam, tìm thấy thi thể của nàng ấy.”

Huyện lệnh miêu tả kỹ càng y phục và vị trí của thi thể, Miên Nghi lập tức phái người đến cửa nam xem xét. Quả nhiên ở nơi đó tìm được một thi thể của một phụ nữ ăn mày, y phục, vị trí và những chuyện khi còn sống của người phụ nữ ăn mày này xác thực như lời của Huyện lệnh đã nói, càng thần kỳ hơn là thời điểm nàng qua đời vừa đúng vào lúc giữa trưa, cũng chính là thời điểm lúc Huyện lệnh ăn cơm trưa cáo từ rời bàn.

Chuyện này về sau Văn Tuyết Môn nói cho mọi người biết. Trong lịch sử Văn Tuyết Môn tuy không nổi tiếng, nhưng người em họ của ông là Văn Đình Thức về sau làm thầy dạy cho Trân phi của vua Quang Tự. Trong các bài thơ ca của Văn Đình Thức có một bài ghi là “Kinh sư ngộ Tuyết Môn đại huynh hòa tác”, “Tuyết Môn đại huynh” ở đây là chỉ Văn Tuyết Môn.

Dương Hiếu Tử ăn mày phụng dưỡng song thân được thăng thiên

Dương Hiếu Tử, là người thời triều Thanh quê ở thôn Vu Kiều, huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô, mọi người gọi là “Dương Hiếu Tử”, ngược lại ít người biết tên thực của ông. Nhà họ Dương rất nghèo túng, cha mẹ của ông quanh năm bị bệnh nằm trên giường, mỗi năm khám bệnh uống thuốc còn tốn không ít tiền. Bởi vì thực sự kiếm không ra tiền, Dương Hiếu Tử rơi vào đường cùng chỉ đành nhẫn nhịn khuất nhục, đi làm ăn mày.

Mỗi ngày, Dương Hiếu Tử đều đem đồ ăn xin được nhường cho cha mẹ ăn trước, chính mình lại ăn những gì cha mẹ ăn còn dư lại. Nếu như đồ ăn không đủ, thà rằng mình bị đói cũng để cha mẹ ăn no, hơn nữa mỗi lần dùng bữa, ông đều quỳ gối trước mặt cha mẹ, đem đồ ăn cung kính mà nâng đến trước mặt họ.

Vì để cha mẹ mắc bệnh lâu ngày nằm trên giường được vui vẻ về mặt tinh thần, Dương Hiếu Tử đã tự biên soạn rất nhiều bài hát dân gian, vừa hát vừa nhảy trước mặt cha mẹ, để cho cha mẹ vui vẻ cười to.

ví dụ về nhân quả báo ứngMỗi ngày, Dương Hiếu Tử đều đem đồ ăn xin được nhường cho cha mẹ ăn trước, chính mình lại ăn những gì cha mẹ ăn còn dư lại. Bức tranh Cõng gạo trăm dặm trong “Nhị thập tứ hiếu đồ”. (Ảnh: Tài sản công)

Như vậy qua hơn mười năm, người trong vùng đều bị hành vi hiếu thuận của Dương Hiếu Tử làm cho cảm động. Có một người phú hộ vì giúp đỡ ông, dự định muốn thuê ông làm người hầu ở trong nhà, nhưng Dương Hiếu Tử đã từ chối, ông nói: “Cha mẹ của tôi quanh năm bị bệnh, nằm triền miên trên giường, tôi mỗi ngày ngoài việc đi ăn xin, sẽ phải ở nhà để hầu hạ thuốc men, không thể rời xa một ngày. Tôi không có cách nào đến nhà ông để làm người ở được, chỉ có thể cảm tạ ý tốt của ông vậy.”

Sau lần đó ông vẫn giống như trước đây, ra ngoài ăn xin, có được chút tiền dư, thì mời thầy xem bệnh cho cha mẹ. Về sau cha mẹ của ông lần lượt qua đời, Dương Hiếu Tử đem số tiền ăn xin được đi mua hai bộ quan tài, lấy y phục của mình làm áo liệm, còn mình thà rằng ăn mặc đơn bạc, trong gió rét lạnh đến run lẩy bẩy, cũng không hề tiếc.

Sau khi chôn cất cha mẹ, ông ngủ lại bên cạnh mộ để giữ đạo hiếu, ngày đêm khóc thương. Không ngờ đến hơn một tháng sau, vì bi thương quá độ mà cuối cùng bị chết.

Sau khi Dương Hiếu Tử chết một ngày, trong thôn có một vị họ Từ tên là Đạo Chi, trong khi mắc bệnh bị sai dịch Âm phủ dẫn đến Âm Phủ. Ông nhìn thấy một vị quan Âm Phủ mặc áo bào tím hướng về Diêm Vương báo cáo rằng: “Dương Hiếu Tử đến rồi.” Diêm Vương lập tức đứng dậy nghênh đón. Từ Đạo Chi nhìn kỹ một chút, thì ra người mà Diêm Vương nghênh đón chính là Dương Hiếu Tử mới vừa qua đời.

Từ Đạo Chi nghe được Diêm Vương nói với Dương Hiếu Tử rằng: “Đã ngưỡng mộ hành vi hiếu thuận của ngươi từ lâu, người đại thiện giống ngươi như vậy, Địa Phủ chúng tôi không dám khinh thường. Hiện giờ Thiên Đế có truyền lệnh, triệu ngươi đi lên Thiên đường.” Vì dương thọ của Từ Đạo Chi chưa hết, nên nhanh chóng tỉnh lại. Sau khi Từ Đạo Chi tỉnh lại, mỗi lần gặp người khác, ông liền kể lại chuyện ở Âm Phủ tận mắt mình nhìn thấy Diêm Vương tuyên bố Dương Hiếu Tử được thăng thiên. Dưới sự truyền bá rộng khắp của ông, người trong vùng đều biết Dương Hiếu Tử sau khi chết đã được phúc báo thăng thiên.

Vậy có lẽ cũng là Trời cao mượn miệng của Từ Đạo Chi để nói cho thế nhân biết, làm việc hiếu đắc phúc báo. Cũng như nguyên do vị Huyện lệnh kiêm nhiệm làm quan Âm Phủ ở phần trên kia tiết lộ chân cơ, là vì “Chuyện này rất có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện đối với người đời.” Đúng vậy, làm người không thể không hiếu thuận đối với cha mẹ, đối với các bậc trưởng bối!

LƯU HIỂU