Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

Độ tuổi nào nguy hiểm nhất về bệnh tật?


 BM

Để có được trường thọ, trong 10 năm từ 70 đến 79 tuổi thật là quan trọng!


Học giả Israel đã phát hiện ra điều đó


70-79 tuổi là giai đoạn nguy hiểm. Trong giai đoạn này, nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể giảm nhanh chóng. Đây là một thời kỳ thường xuyên mắc các bệnh lão khoa khác nhau, và thông thường dễ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tiểu đường.


Sau khi bước vào độ tuổi 80, những căn bệnh trên sẽ giảm đi, sức khỏe tinh thần và thể chất có thể trở lại ở độ 60-69 tuổi.


Vì vậy, tuổi từ 70 đến 79 tuổi được gọi là ′′nhóm tuổi nguy hiểm”. Khi về già mọi người muốn có một cuộc sống khỏe mạnh. Họ nhận ra rằng ′′Sức khỏe là của cải”.


Việc chăm sóc sức khỏe 10 năm từ 70 đến 79 tuổi là rất quan trọng.

 

Dưới đây là một số bước đơn giản được gọi là ′′Làm mười điều mỗi ngày′′


Điều này sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn ′′nhóm tuổi nguy hiểm′′ của cuộc đời mình.

 

Nước


BM


Nước là ′′thức uống tốt nhất và rẻ nhất cho sức khỏe”. 3 thời điểm quan trọng với mỗi lần 1 ly nước:


Cốc đầu tiên: Sau khi ra khỏi giường. Bạn có thể uống một ly nước trong một cái bụng rỗng. Ngay cả khi chúng ta không cảm thấy khát nước sau khi thức dậy, máu ở trạng thái bị đặc do thiếu nước. Do đó, sau khi ra khỏi giường, bạn phải từ từ bổ sung nước càng sớm càng tốt.


Cốc thứ hai: Sau khi tập thể dục. Một bài tập thể dục phù hợp là một trong những nền tảng của trường thọ. Tuy nhiên, sau khi tập thể dục, đặc biệt chú ý cần phải bổ sung và thay thế nước. Điều này đực biệt khuyến khích đối với người già.


Cốc thứ ba: Trước khi đi ngủ. Một cốc nước trước khi đi ngủ có thể làm giảm độ nhớt của máu một cách hiệu quả và làm chậm quá trình lão hóa. Giúp chống lại đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và các bệnh khác.

 

Cháo


BM


China Daily Online đã công bố một nghiên cứu 14 năm do Đại học Harvard thực hiện trên 100,000 người. Thấy rằng mỗi ngày một bát cháo ngũ cốc nguyên hạt khoảng 28 gram giảm 5% đến 9% tử vong và giảm cơ hội mắc bệnh tim mạch. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, ngô và tam giác mạch dường như đã tránh được tất cả các bệnh, đặc biệt là bệnh tim.

 

Một cốc sữa


BM


Sữa được gọi là ′′huyết trắng ′′ và có trong cơ thể con người. Giá trị dinh dưỡng của nó được biết đến với rất nhiều canxi, chất béo và protein. Sữa và các sản phẩm từ sữa được khuyến nghị dùng hàng ngày là 300 gam. Khuyên nghị uống một hoặc hai bình sữa 200 ml hoặc gói sữa mỗi ngày.

 

Một quả trứng


BM


Trứng có thể nói là loại thực phẩm thông dụng nhất của con người. Tỷ lệ hấp thụ protein trứng của cơ thể có thể cao hơn 98 %.

 

Một quả táo


BM


Nghiên cứu hiện đại tin rằng táo có tác dụng hạ mỡ máu, giảm cân, ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa lão hóa, tăng cường trí nhớ, và làm cho da mịn màng và mềm mại. Lợi ích sức khỏe của táo màu khác nhau:

 

·        Táo đỏ có tác dụng hạ lipid máu và làm mềm mạch máu

·        Táo xanh có tác dụng dưỡng gan và giải độc, chống trầm cảm nên thích hợp hơn cho người trẻ.

·        Táo vàng có tác dụng tốt trong việc bảo vệ thị giác.

 

Một củ hành


BM


Hành có giá trị dinh dưỡng rất cao và có nhiều chức năng, bao gồm việc giúp hạ đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch và các bệnh về não, và chống vi khuẩn, ngăn ngừa cảm cúm, bổ sung canxi và xương. Ăn hành tây ít nhất ba hoặc bốn lần một tuần.

 

Một miếng cá


BM


Các nhà dinh dưỡng Trung Quốc đã cảnh báo rằng ăn “bốn chân” còn tệ hơn ăn “hai chân”, ăn “hai chân” còn tồi tệ hơn ăn “không có chân”.


′′Không có chân′′ chủ yếu đề cập đến cá và nhiều loại rau khác nhau. Các protein chứa trong cá dễ dàng được tiêu hóa và hấp thụ. Lượng axit béo không bão hòa trong chất béo, đặc biệt là axit béo đa năng, tương đối tốt cho cơ thế.

 

Bước đi nhẹ nhàng


BM


Đây có tác dụng chống lão hóa thần kỳ. Khi người cao tuổi đi bộ (khoảng 1 km hoặc ít hơn) đều đặn trong hơn 12 tuần, sẽ đạt được hiệu quả về dáng và vòng eo, và cơ thể trở nên dẻo dai và không dễ bị mệt mỏi. Ngoài ra, tập thể dục bằng cách đi bộ cũng có lợi cho việc chữa đau đầu, đau lưng, đau vai., và có thể thúc đẩy giấc ngủ.


Các chuyên gia tin rằng đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể thoát khỏi nguy hiểm của ′′bệnh người cao tuổi”. Những người đi 10,000 bước một ngày sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não.

 

Một sở thích


BM


Có một sở thích, dù là trông hoa, nuôi chim, sưu tầm tem, câu cá, hay vẽ tranh, hát, chơi cờ, và du lịch, đều có thể giúp người già duy trì sự tiếp xúc rộng rãi với xã hội và thiên nhiên. Điều này làm mở rộng những thú vị của người già. Họ sẽ yêu và trân trọng cuộc sống.

 

Tâm trạng vui vẻ


BM


Người già nên duy trì cảm xúc tốt vì những điều này cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của họ. Các bệnh mãn tính thường gặp ảnh hưởng đến người già có liên quan chặt chẽ đến những cảm xúc tiêu cực của người già:

 

·        Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim, mạch vành, bị nhồi máu cơ tim do kích thích các cảm xúc bất lợi dẫn đến tử vong đột ngột;

 

·        Tính nóng là điều ′′xấu′′ dẫn đến huyết áp cao. Trong trường hợp kéo dài và nghiêm trọng sẽ có thể gây ra đột quỵ, suy tim, tử vong đột ngột,.

 

·        Các cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo lắng và đau buồn có thể khiến lượng đường huyết tăng lên, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thế.


Điều này cho thấy tâm trạng tối quan trọng như thế nào!

 

 

 

Ban Tu Thư


BM

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

CÔ GÁI VÓT CHÔNG HOẶC HỘI CHỨNG " KHỔ DÂM" VIỆT- MỸ

 


 BM

Câu chuyện của nữ thí sinh hoa hậu Miss World đi thi trên vùng đất thuộc lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ (Unincorporated territories), nhưng cất lên bài hát chống Mỹ, là minh họa rõ nét nhất của mối quan hệ vật vã Việt Mỹ lúc này. Mối quan hệ được nhìn thấy rõ nét hai chiều “khổ dâm” của một nhà cầm quyền: Thích nhích lại gần Mỹ nhưng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận nước Mỹ.

 

Việc quyết định sắp xếp bài hát có nội dung chống Mỹ cho một thí sinh dự thi quốc tế, chắc chắn là có suy xét nhiều thứ từ những người ở Hà Nội, “những người” mà trong cuốn hồi ký Nothing Is Impossible của cựu Đại sứ Ted Osius vẫn ám chỉ, là một phía của phe bảo thủ vẫn còn muốn ôm ấp những kỷ niệm chiến tranh, không thể rời bỏ. Bởi đơn giản, nếu lấy đi phần đó trong cuộc đời của họ, sự tồn tại của họ trong thể chế hôm nay là vô nghĩa.


BM


Phía bảo thủ trong nội bộ cầm quyền Việt Nam – câu hỏi là bao nhiêu? Và họ quan trọng như thế nào, đến mức những hình thức chống Mỹ quái gở vẫn phải được giữ gìn qua các hoạt động ngày thường? Một dư luận viên rời bỏ vị trí, kể rằng anh ta được gọi vào nhóm xây dựng các kênh trá hình kể chuyện lịch sử, hay những câu chuyện chiến tranh Việt Nam trên YouTube, TikTok…, với những phim tư liệu mang nội dung chống Mỹ, chê bai Việt Nam Cộng Hòa, ngợi ca quân đội Bắc Việt… Tất cả được cung cấp sẵn, chỉ cần đọc, post hình ảnh lên các kênh và kéo link cho các nhóm dư luận viên phong trào tràn vào like và ca ngợi. Ngôn ngữ trong đó thì thoải mái chửi bới, áp đảo tinh thần của những ai vô tình lạc vào nói lại, đính chính những điều bị bóp méo.


BM


“Em thấy mình không theo nổi trò đó, vì mọi thứ đều bị xuyên tạc”, bạn dư luận viên đó nói về quyết định rời bỏ của mình. Những gì được kể từ bạn ấy, cho thấy từ việc sửa Wikipedia, cho đến các kênh viết lại lịch sử và phong trào tham gia bình luận, đều có những chỉ đạo rất cụ thể.


Dĩ nhiên, hoạt động hai chiều đó của Hà Nội vẫn nằm trong tầm ngắm và ghi chép của các nhà ngoại giao trên đất Việt Nam, như hiện trạng của một con bệnh lâu năm. Trên trang Facebook chính thức của Tòa Đại sứ Mỹ hay Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, vẫn thường có hàng trăm bình luận hằn học, mà chủ yếu là bày tỏ sự tức giận, khinh miệt, mỗi khi các cơ quan ngoại giao này lên tiếng về vấn đề nhân quyền hay thời sự của Việt Nam. Dĩ nhiên, không có bình luận nào thật sự có ý nghĩa về mặt phản biện, mục đích chính chỉ là tạo không khí chống phương Tây.


BM


Hiện trạng này trở nên ấu trĩ và mỉa mai, khi các hoạt động ngoại giao nối kết và trợ giúp từ Mỹ (và các nước) diễn ra. Nhất là khi giọng điệu của các quan chức cấp cao của Việt Nam cũng ra vẻ nồng ấm, cần thiết với các mối quan hệ này.

 

Vào lúc mà cô thí sinh hoa hậu Miss World trình diễn bài hát “thằng giặc Mỹ cọp beo” cũng là lúc mà nước Mỹ đã bảy lần yểm trợ cung cấp vaccine cho Việt Nam trong đại dịch, với hơn 15 triệu liều. Lời giới thiệu về bài “Cô gái vót chông” đã làm bẽ bàng và gần như tê liệt mọi giới dư luận viên: Không ai lên tiếng bênh vực được cho hành động của Hà Nội trong việc cài đặt bài hát chống Mỹ ngớ ngẩn như vậy.


BM


Sự kiện này nhắc cho nhiều người nhớ về hành động của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào năm 2014, khi ông này trơ trẽn tặng cho Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh máy bay bị bắn rơi vào năm 1967. Dĩ nhiên, cách mà ông Nghị chọn cho in và ép nhựa, rồi mang tận Mỹ để tặng, là một sự tính toán rất rõ không chỉ riêng ông. Nền chính trị Việt Nam, với cách thức thảo luận tập thể và ý kiến thể hiện quan điểm chung, cho thấy rõ là phe bảo thủ đang thắng thế vào lúc đó. Họ đã hành động mà không ngại ngùng gì đến thể diện của một đảng cầm quyền.


BM


Hầu hết nhà bình luận thời sự đều nhận thấy cán cân đối ngoại của Việt Nam trong việc nhích về phía nước Mỹ và phương Tây đang ngày càng lộ rõ, và Hà Nội cũng không giấu giếm gì trong các kế hoạch tái thiết sau đại dịch: Chưa bao giờ các chuyến đi công du Trung cộng lại ít như lúc này, so với việc từ Thủ tướng, Chủ tịch nước đến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều lăn xả về phía các nước tư bản và các quốc gia có “thế lực thù địch”.


https://baomai.blogspot.com/


Vậy đó, nhưng chạy đến và ngợi ca về sự phát triển ngoại giao của đôi bên vẫn không ngăn được các trò chửi bới và chống Mỹ trong nước. Sách giáo khoa vẫn dạy về “giặc Mỹ cọp beo”, các lệnh diễn tập chống lật đổ của quân đội vẫn nói về “kẻ thù tư bản”. Một lúc nào đó không may, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đi công cán ngoại quốc và được đặt câu hỏi về tình trạng hai mặt này, không hiểu họ sẽ trả lời thế nào. Chắc chắn mọi sự diễn đạt, dù như thế nào cũng sẽ không thể thoát khỏi hình ảnh khổ dâm trong mối quan hệ Việt-Mỹ: Muốn nhích tới gần, nhưng miệng thì vẫn kêu gào phản đối.


BM


 NS _ Tuấn Khanh


BM

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

VIỆT NAM CỘNG HÒA : NĂM NĂM VÀNG SON 1955 - 1960

 


image
Từ cao nguyên Tây Tạng, con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy như thác lũ xuống phía nam qua tỉnh Vân Nam, tới Lào, Thái Lan, Kampuchia, rồi Việt Nam trước khi ra Biển Đông.

May cho Miền Nam là có hồ lớn Tonle Sap ở Campuchia hút đi một phần lớn lượng nước từ thượng nguồn cho nên từ đây dòng sông lại uốn khúc hiền hòa chảy vào Miền Nam.

Tới gần biên giới thì con sông chia ra làm 8 nhánh. Nhưng con số 9 được coi là may mắn cho nên phải tìm ra cho được một nhánh nữa, tuy là rất nhỏ (dài khoảng 10 dậm) để cộng lại thành ra 9 nhánh, gọi là Cửu Long Giang.

image
Dòng sông Chín Con Rồng uốn mình tưới nước cho vùng đồng bằng Nam Bộ mầu mỡ, phì nhiêu trở thành vựa lúa của cả nước. Người nông dân nơi đây chỉ cần trồng mỗi năm một vụ là cũng đủ ăn, lại còn dư thừa để tiếp tế ra Miền Bắc và xuất cảng.

Khởi đầu gian khó

Nhưng trong mười năm chiến tranh loạn lạc, trên một phần ba đất trồng trọt đã bị bỏ hoang, nhường chỗ cho những bụi rậm và cỏ dại lan tràn.

Một phần lớn hệ thống kênh rạch cũng bị khô cạn hay sình lầy. Hệ thống bơm nước, thoát nước cũng bị hư hại. Bởi vậy, sản xuất thóc gạo của Miền Nam trong mười năm trước 1955 đã bị giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các cơ sở công kỹ nghệ như đường trắng, rượu bia, sợi bông cũng đều bị hư hại.

Cho nên vào năm 1955, khi "Một Quốc Gia Vừa Ra Đời" như báo chí Mỹ tuyên dương thì quốc gia ấy đã phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khôn lường.

image
Ngân sách của Pháp để lại thì thật eo hẹp, kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực đều hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nền kinh tế lẫn hành chánh, giáo dục, y tế.

May mắn là trong năm năm đầu, từ mùa Thu 1955 tới mùa Thu 1960, Miền Nam có được năm năm vàng son, vừa có hòa bình lại được đồng minh Hoa kỳ hết lòng yểm trợ vật chất và kỹ thuật cho nên đã thu lượm được nhiều kết quả có thể nói là vượt bực.

image
Hồi tưởng lại thời gian ấy, nhiều độc giả chắc còn nhớ lại cái cảnh thanh bình khi các em học sinh mặc áo chemise trắng, quần xanh, các nữ sinh với những chiếc áo dài trắng tha thướt ngày ngày cắp sách đến trường.

Cha mẹ, anh em thì lo công việc làm ăn. Giầu có thì chưa thấy nhưng hầu hết đã đủ ăn đủ mặc, xã hội trật tự, kỷ cương. Tuy dù có nhiều bất mãn khó tránh về chính trị, tôn giáo và xã hội, nhưng tương đối thì ta phải công nhận rằng đây là thời gian hào quang nhất của Cộng Hòa Việt Nam.

Định cư gần một triệu người di cư từ Miền Bắc

image
Công việc đầu tiên và khẩn cấp nhất là phải định cư tới gần một triệu người, tương đương bằng 7% dân số Miền Bắc di cư vào Nam.

Đoàn người này hoàn toàn 'tay trắng' - chúng tôi gọi là đoàn người 'bốn không': không nhà cửa, đất đai, tiền bạc, ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông.

Làm sao tìm được nơi ăn, chỗ ở, tạo dựng lại được công ăn việc làm, đào giếng nước, xây nhà thương, bệnh xá, trường học cho con em để đáp ứng nhu cầu? Ngoài việc hành chính, lại còn tìm đâu ra bác sĩ, y tá, thầy dạy cho con em?

image
Sau này khi nói về thành công của Tổng thống Diệm về việc này, TT Kennedy viết cho ông nhân ngày Quốc Khánh 26/10/1961:

"Thưa Tổng thống,

Thành tích mà Ngài đã đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ Miền Bắc đã nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất, và được điều hành tốt đẹp nhất trong thời hiện đại."

image

Tái thiết và phát triển nông nghiệp

Ưu tiên của công việc tái thiết và phát triển phải là nông nghiệp vì đại đa số nhân dân làm nghề nông. Đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng sản xuất đã giảm đi đáng kể trong mười năm ly loạn.

Thời tiền chiến sản xuất lên tới 4,2 triệu tấn (1939). Tới 1954 chỉ còn 2,5 triệu tấn. Cũng năm 1939 xuất cảng gạo là gần 2 triệu tấn, năm 1954 chỉ còn 520.000 tấn.

image
Tại vùng đồng bằng, trong tổng số là 7 triệu hecta đất trồng trọt có tới 2,5 triệu hecta (trên một phần ba) bị bỏ hoang. Lúa gạo là mạch máu của người dân cho nên công việc đầu tiên là phải đưa diện tích này vào canh tác.

Đây là một cố gắng vượt mức vì không những nó đòi hỏi phải tốn phí nhiều tiền bạc, công sức, để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch, lại còn làm sao xây dựng được quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất cho người nông dân.

image

Cải cách điền địa: Khó khăn và giải pháp thành công

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần sông nước thì là vàng.

'Đất Nước tôi': đất và nước. Chỉ có Việt Nam ta là dùng hai chữ đất và nước để chỉ quê hương, tổ quốc mình vì tấc đất là tấc vàng.

Các biện pháp cải cách ruộng đất bắt đầu vào năm 1955 với lệnh giới hạn địa tô (tiền thuê đất) và những biện pháp giúp cho tá điền (người nông dân thuê đất) có được sự yên tâm về quyền sử dụng đất.

Cải cách điền địa là công việc rất khó khăn của các chính phủ Á Châu, nhưng ở Miền Nam là khó khăn nhất.

image
Làm sao mà lấy ruộng của người này chuyển cho người khác, nhất là khi đất canh tác lại tập trung vào một số rất nhỏ đại điền chủ? Họ là những người nắm thực quyền tại địa phương và gián tiếp, tại đô thị. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sự tập trung quyền sở hữu đất vào một số điền chủ là cao nhất ở vùng Đông Nam Á: chỉ có 2,5% điền chủ mà đã sở hữu tới một nửa diện tích canh tác, trung bình mỗi điền chủ có hơn 50 mẫu đất.

Trước tình huống ấy, TT Diệm đã phải đối mặt với một khủng hoảng xã hội rất có thể xẩy ra nếu như phát động mạnh chương trình cải cách điền địa. Nhưng TT Diệm vẫn đặt vấn đề này là ưu tiên số một của chính sách kinh tế, bắt đầu ngay từ 1955 bằng việc cải tổ quy chế tá điền.

image
Để hỗ trợ cho nông dân được yên tâm khi đi làm thuê, điền chủ phải ký hợp đồng với tá điền về điều kiện thuê đất: tiền thuê đất, thời hạn thuê, triển hạn khế ước, giảm tô trong trường hợp mất mùa.

Kết quả về nông nghiệp trong 5 năm rất khả quan: sản xuất cây lương thực tăng 32%, vượt qua tất cả mức sản xuất thời tiền chiến. Năm 1959, sản xuất gạo lên 5,3 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử kinh tế Miền Nam cho tới thời điểm đó. Về xuất cảng: với tổng số là 340.000 tấn, năm 1960 cũng đánh dấu mức xuất cảng cao nhất.

Phát triển công kỹ nghệ và quy chế 'Quốc tịch Việt'

Dưới thời Pháp thuộc, kỹ nghệ và tài nguyên hầu như không được phát triển vì người Pháp chia ra hai vùng rõ rệt: Miền Bắc tập trung vào kỹ nghệ và khai thác hầm mỏ, Miền Nam thì căn bản là tập trung vào nông nghiệp, chỉ có một số sản phẩm tiêu thụ như nhà máy bia, diêm quẹt, thuốc lá, độc quyền thuốc phiện.

image
Bởi vậy từ 1955, Miền Nam bị cắt đứt tiếp liệu về than và khoáng sản. Chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư lại thật ít ỏi vì Pháp đã rút đi hầu hết.

Từng bước, chính phủ bắt đầu khai thác tài nguyên với ba dự án chính: mỏ than Nông Sơn, thủy điện Đa Nhim, và phốt phát tại Hoàng Sa - Trường Sa. Lúc ấy thì chưa biết là có dự trữ dầu lửa lớn ở những quần đảo này

Một chuyện ít người biết là việc đổi quốc tịch.

Nhiều người lên án hành động của TT Diệm là độc tài khi ông đưa ra quy định vào hè 1955 căn bản là nhắm vào các thương gia người Tầu (đa số sinh sống ở Chợ Lớn): nếu muốn làm ăn ở Việt Nam thì phải đổi ra quốc tịch Việt Nam.

image
Chúng tôi nghiên cứu thì mới hiểu lý do sâu xa là vì thời gian ấy, cơ sở kỹ nghệ ở Miền Nam căn bản là thuộc quyền sở hữu của người Pháp, cho nên khi TT Diệm quyết tâm đẩy Pháp ra khỏi Miền Nam thì ông tiên liệu trước và mở đường để người Tầu nhập quốc tịch Việt Nam với mục đích là để cho họ (vì có nhiều vốn liếng) sẽ có thể mua lại những cơ sở kỹ nghệ của người Pháp.

Một kích thích nổi bật khác về kinh tế là chính sách cởi mở, ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại quốc: bảo đảm về chiến tranh, cam kết không tịch thu hay quốc hữu hóa tài sản của người ngoại quốc, ưu đãi về thuế má và cho phép chuyển tiền lời ra ngoại quốc.

Hạ tầng cơ sở

Tái thiết mạng lưới giao thông đã bị hư hại trong thời chiến và xây dựng thêm nữa là đòi hỏi tiên quyết cho việc phát triển kinh tế và xã hội.

Tới năm 1960, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và các tuyến hàng không đã được cải thiện canh tân và mở rộng đáng kể. Hệ thống vận chuyển hiện đại bao gồm đường sắt, một mạng lưới các đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, hương lộ, đường thủy và đường hàng không.

Đường bộ: trong khoảng 9.000 dặm đường, có hơn 2.000 dặm là bê tông nhựa; 3.000 dặm đường có cán đá, và khoảng 4.000 dặm là đường hương lộ.

Đường sắt: năm 1955 giao thông đường sắt cũng được sửa chữa và canh tân. Tới 1959 toàn hệ thống bao gồm 870 dặm, gồm một tuyến đường chính chạy từ Sàigòn đến Đông Hà, nối kết toàn bộ các tỉnh dọc miền duyên hải (nhiều khúc bị cắt đứt trong 12 năm chiến tranh).

image
Một chi nhánh đường sắt (có móc để leo đồi) đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, và một chặng nối với mỏ than Nông Sơn. Một khúc ngắn về phía đông bắc, đi từ Sàigòn tới Lộc Ninh.

Hàng không: hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - Air Vietnam - được thành lập lúc đầu để bay trong nước. Ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, các phi trường được sửa chữa lại và xây dựng thêm gồm Huế, Đà Nẵng, Nha trang, Qui Nhơn, Biên Hòa, Đà Lạt, Ban mê Thuột, Pleiku, Hải Ninh, Cần Thơ, Phú quốc.

Từ nội địa, Air Vietnam bắt đầu bay tới Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Vientianne và Savannakhet. Đường quốc tế phần lớn được đảm nhiệm bởi các hãng Air France, Pan American, World Airways, British Airways, Royal Dutch, Cathay Pacific và Thai Airways.

Ngân hàng và tiền tệ

image
Thiết lập được một ngân hàng trung ương và một hệ thống ngân hàng thương mại để thay thế cho Banque de L'Indochine và các ngân hàng thương mại Pháp ở Sài Gòn là một thành quả lớn của thời đệ Nhất Cộng Hòa.

Ngay từ tháng 1/1955, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập để phát hành đồng tiền Việt Nam và thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng trung ương tân tiến.
Giáo dục và đào tạo

Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Trong thời kỳ 1955-1960, Miền Nam đã phát triển giáo dục rất nhanh.

Tiểu học: 1960, đã có tới 4.266 trường tiểu học công và 325 trường tiểu học tư thục. Tổng số học trò lên tới gần 1.200.000.

Trung học: các trường trung học công lập tăng từ 29 lên 101 trường. Nguyên trường Gia Long: số học sinh đã tăng từ 1.200 lên tới 5.000.

image
Đại học: trước năm 1954, Miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Năm 1955, chính thức thành lập đại học Sài Gòn, rồi tới Đại học Huế, Đà Lạt. Tới năm 1962 tổng số sinh viên lên tới 12.000.

Xem như vậy, thành quả của "Năm Năm Vàng Son 1955-1960" là thời gian quý hóa nhất của lịch sử Cộng Hòa Việt Nam.

Ngày Quốc Khánh 26/10/1960 Tổng thống Eisenhower viết cho TT Diệm:

image

"Kính thưa Tổng Thống,

Trong năm năm ngắn ngủi kể từ khi thành lập nước Cộng hòa, nhân dân Miền Nam đã phát triển đất nước của mình trong hầu hết các lĩnh vực. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi một thí dụ. Tôi được thông báo rằng năm ngoái hơn 1.200.000 trẻ em Việt Nam đã có thể đi học trường tiểu học, như vậy là nhiều hơn gấp ba lần so với năm năm trước đó. Điều này chắc chắn là một yếu tố hết sức thuận lợi cho tương lai của Việt Nam. Đồng thời khả năng của Việt Nam để tự bảo vệ chống lại cộng sản đã lớn mạnh một cách không thể đo lường được kể từ khi họ tranh đấu hữu hiệu để trở thành một nước Cộng Hòa độc lập."

Hòa bình là một điều kiện tiên quyết cho xây dựng và phát triển.

Nhân dân Miền Nam đã có được năm năm vàng son để làm ăn, sinh sống trong hoàn cảnh tương đối là thanh bình. Tuy còn nghèo nhưng mỗi ngày lại thêm một bước tiến.

image
Bao nhiêu độc giả cao niên còn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm về thời gian ấy. Thí dụ bạn có thể đi bất cứ nơi nào một cách tự do từ Cà Mau ra tới tận Đông Hà. Mờ sáng lên xe buýt ra Vũng Tầu tắm biển hay buổi chiều đến ga xe lửa gần chợ Bến Thành mua vé đi Đà Lạt.

Chỉ trong chốc lát, con tầu bắt đầu phun khói, còi tầu rít lên trước khi khởi hành. Khi mặt trời hé rạng thì tầu chạy ngang bờ biển cát trắng Phan Rang, rẽ trái rồi ỳ ạch leo tuyến đường sắt có móc để trèo dốc lên Đà Lạt. Cái thú vui khi rời ga Đà Lạt (đẹp nhất Đông Nam Á) để mau tới "Café Tùng" hay "Phở Bằng" thưởng thức một ly cà phê sữa nóng thì khó có thể diễn tả được.

Với sự thông minh, cần cù của người dân Việt thì chỉ cần có hòa bình là tiến bộ trông thấy. 

Người dân lam lũ vất vả nhưng luôn vui với cuộc sống. Người nông phu không quản ngại thức khuya, dậy sớm để cầy sâu cuốc bẫm, chờ đợi cho tới ngày lúa vàng.

Tâm tư ấy luôn được phản ảnh trong thơ văn, âm nhạc Miền Nam trong thời gian này. Và khi thanh bình, con người lại đối xử với nhau cho hài hòa thì mọi việc - dù là tát cạn cả Biển Đông - cũng đều có thể ước mơ.

Tuy các kết quả phát triển kinh tế xã hội thời đó thật là nhỏ nhoi theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng là rất đáng kể so với các nước láng giềng lúc ấy như ngay cả Nam Hàn dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn.

image
Miền Nam thực sự đã đặt được những viên gạch đầu tiên trong các năm 1955-1960 cho mô hình phát triển sau này của Nam Hàn dưới thời Tổng thống Phác Chính Hy. Xây dựng và phát triển trong hòa bình đã đưa Miền Nam tới chỗ vươn lên - kinh tế học gọi là điểm cất cánh (take-offĐ để trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á.

Buổi bình minh của Nền Cộng Hòa ("The First Day") thật là huy hoàng rực rỡ. Nhiều quan sát viên ngoại quốc cho rằng đây chính là "một cuộc cách mạng đã bị mất đi" (the lost revolution) của Miền Nam Việt Nam.



Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng

image

VIETV DIRECTV HỘI CỰU SVSQ CẢNH SÁT QUỐC GIA BẮC CALIFORNIA TỔ CHỨC TIỆC...