Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

NHỮNG LỜI TIÊN ĐOÁN VỀ VŨ TRỤ CỦA NGƯỜI mAYA KHIẾN CÁC NHÀ KHOA HỌC SỬNG SỐT

 


Nam Minh
Từ xa xưa người Maya đã sở hữu kiến thức vũ trụ đáng kinh ngạc 

Nền văn minh Maya chứa đầy sự thần bí và trí tuệ mà con người ngày nay không thể tưởng tượng nổi. Phương thức tư duy trừu tượng ở trình độ cao, tri thức thiên văn phong phú, thâm sâu cùng với hệ thống lịch pháp phức tạp, hoàn thiện, chuẩn xác của nó khiến cho các nhà khoa học ngày nay phải kinh ngạc và thán phục.

Người Maya cổ đại từng nói: “Vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, mặt trời sẽ mọc lên từ kẽ nứt đen tối trong vũ trụ”, họ gọi kẽ nứt đen tối này là “mẹ của vũ trụ”. Kẽ nứt đen tối này kỳ thực chính là lỗ đen siêu cấp nằm ở trung tâm của hệ ngân hà. Đến năm 2005, bằng các luận chứng khoa học, các nhà khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng tất cả hành tinh trong hệ ngân hà đều được sinh ra từ khu vực cao năng lượng của lỗ đen siêu cấp nằm ở trung tâm của dải ngân hà này, điều này hoàn toàn trùng khớp với cách gọi “mẹ vũ trụ” của người Maya.

Hình ảnh một hố đen siêu cấp nằm ở trung tâm hệ ngân hà

Người Maya cổ đã tính toán một cách tỉ mỉ chu kỳ lịch của họ, họ lấy ngày đông chí của tháng 12 năm 2012 là ngày mở đầu cho một thời đại tiếp theo. Vào ngày này, trái đất, mặt trời và lỗ đen trong hệ ngân hà nằm trên một trục đường thẳng, đây là một hiện tượng thiên văn hiếm thấy mà 25.800 năm mới xuất hiện một lần.

Lịch của người Maya cổ được xây dựng dựa trên quy luật vận hành các “mùa của hệ ngân hà”, họ phân chia lịch sử nhân loại từ xưa đến nay thành tổng cộng năm kỷ mặt trời. Theo ghi chép trong lịch pháp Maya: nhân loại trong thời kỳ tiền sử đã từng bị hủy diệt bốn lần, bốn kỷ mặt trời trước đây đã kết thúc vào thời kỳ tiền sử, và bắt đầu từ Kỷ mặt trời thứ năm. Trong mùa ngân hà, hệ mặt trời trong đó có trái đất của chúng ta đang đi qua một chùm tia vũ trụ phát ra từ trung tâm của hệ ngân hà. Người Maya cho rằng sau khi hệ mặt trời đi ra khỏi tia vũ trụ của hệ ngân hà, nó sẽ bước vào một chu kỳ hoàn toàn mới “đồng hóa các thiên hà”.

Lịch pháp của người Maya vô cùng thâm ảo 

Kể từ khi kính viễn vọng Hubble và các kính viễn vọng kích thước lớn khác được đưa lên vũ trụ, cùng với việc xây dựng một loạt các kính thiên văn vô tuyến, nhân loại đã và đang chứng kiến vũ trụ đang trải qua một sự thay đổi chưa từng có. Sự tăng tốc giãn nở của vũ trụ, sự bùng phát của rất nhiều các tia gammar và các siêu tân tinh, sự va chạm dữ dội và trùng tổ của rất nhiều thiên hà và nhóm thiên hà, sự “cải lão hoàn đồng” của các thiên hà cổ xưa, sự xuất sinh và diệt vong của rất nhiều hành tinh, thiên thể, đang diễn ra ở gần như mọi góc cạnh của đại khung vũ trụ.

Tháng 12 năm 2004, sao Nhân Mã trong hệ ngân hà đã xảy ra một vụ nổ mãnh liệt, trong vòng 0,1 giây nó đã giải phóng tổng số năng lượng tương đương với năng lượng mà tặt trời phóng ra trong 100.000 năm.

Vào tháng 01 năm 2005, các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự kiện lớn nhất từ trước đến nay trong nhóm thiên hà MS0735+7421. Lỗ đen ở trung tâm thiên hà này đã nuốt chửng một lượng vật chất tương đương với 300 triệu mặt trời. Vụ nổ đã tạo ra hai khoảng trống lớn với đường kính 600.000 năm ánh sáng.

Năm 2005, các nhà thiên văn học đã phát hiện một thiên hà rộng lớn mới chào đời cách trái đất khoảng gần 1 tỷ năm ánh sáng, nó to gấp 8 lần hệ ngân hà.

“Đài thiên văn” tại Chichen Itza, rất có thể từ đây các nhà thiên văn cổ đại đã theo dõi chuyển động của các ngôi sao.

Tháng 10 năm 2006, trong một thiên hà ở gần góc của hệ Ngân Hà đã diễn ra một cảnh tượng ngoạn mục “sự va chạm lớn của hai thiên hà”. Khi hai thiên hà va chạm nhau, đã có 1 tỷ hành tinh mới liên tục ra đời.

Tháng 01 năm 2007, các nhà thiên văn quan sát thấy tại lỗ đen ở trung tâm của hệ Ngân Hà đã xảy ra một vụ nổ dữ dội. Vụ nổ này sáng gấp 1.000 lần so với bất cứ vụ nổ nào mà họ quan sát được, thời gian sáng cũng kéo dài gấp 1.000 lần.

Tháng 06 năm 2010, một vụ nổ tia gamma mạnh mẽ chưa từng thấy cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng khiến cho thiết bị đo Swift của NASA bị bão hòa. Năm 2010, các nhà thiên văn phát hiện xung quanh một thiên hà cổ xưa xuất hiện những vòng tia tử ngoại rất đẹp, có cái lớn đến mức đủ bao quanh mấy hệ Ngân Hà, trong đó có rất nhiều hành tinh mới, có nghĩa là những thiên hà cổ xưa này đã được “cải lão hoàn đồng”.

Từ rất lâu người Maya đã có những dự đoán về những thiên hà “cải lão hoàn đồng”

Tháng 12 năm 2010, các nhà thiên văn phát hiện một quần thể rất lớn các thiên hà trẻ đang trải qua thời kỳ “sơ sinh”, quy mô và tốc độ sản sinh ra hành tinh mới của chúng khiến người ta kinh ngạc.
Tháng 06 năm 2011, các nhà thiên văn học phát hiện trong bốn thiên hà tử vong cách chúng ta 4.000 năm ánh sáng xuất hiện những hằng tinh và nhóm hằng tinh mới sinh, những thiên hà “tử vong” này lại bừng bừng sinh cơ.

Tháng 09 năm 2011, các nhà thiên văn học đã phát hiện bảy siêu tân tinh ở trong cùng một thiên hà mà các nhà khoa học cho là chưa từng có trong lịch sử.

Tháng 03 năm 2012, người ta đã phát hiện trong kết cấu hình đĩa của hệ ngân hà của chúng ta có 5.000 khí bào vũ trụ, dấu hiệu cho thấy sắp có hằng tinh mới ra đời.

Tháng 08 năm 2012, các nhà thiên văn học phát hiện tại thiên hà trung tâm của nhóm thiên hà Phượng Hoàng cách trái đất 5,7 tỷ năm ánh sáng đang hình thành những hành tinh mới với tốc độ 740 hành tinh mỗi năm, những kết quả quan sát trước đó cho thấy thiên hà này mỗi năm chỉ hình thành 150 hành tinh mới.

Vũ trụ đang có những thay đổi mãnh liệt, sự thay đổi đó liệu có ảnh hưởng đến Trái Đất? 

Các nhà thiên văn học cho rằng vũ trụ đang diễn ra sự thay đổi kinh thiên động địa trên một phạm vi rộng lớn, vũ trụ đang trải qua quá trình đổi mới và trùng tổ chưa từng có từ trước đến nay. Qua đó ta có thể thấy được rằng người Maya là những bậc thầy trong ngành thiên văn học. Tuy nhiên, bằng cách nào họ có thể có được những kiến thức thiên văn học phong phú và thâm sâu như vậy cho đến nay vẫn là một ẩn đố với các nhà khoa học.

Nam Minh 


Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Tấm vạt giường

 



Ảnh cùng dòng


Tiểu Tử 

Hồi đó, tôi làm mướn cho ông Cả Bảy. Mấy ngày đầu, ngày nào cũng chèo xuồng qua bên kia sông để giữ ruộng cho ổng. Hồi ổng kêu tôi làm việc cho ổng, ổng nói : 

« Hổng có gì, nhưng có mặt mầy ở bển tụi nó không dám phá lúa ! ». 

Ổng nói ‘ phá’ để tránh nói ‘ ăn cắp’ nghe…nặng lỗ tai !

Mà thiệt ! Công việc hổng có gì gọi là nặng nhọc. Tôi treo võng giữa hai cây gáo lớn cạnh bờ sông, rồi nằm tòn ten trên đó ca tới ca lui mấy câu vọng cổ, lâu lâu trèo lên cây gáo ngồi nhìn ruộng lúa minh mông kéo dài tới rừng tràm nằm phía trong xa, xa cỡ đôi ba dậm hú. Đó là chiều sâu. Còn chiều ngang là nằm dài theo con sông Cái, có con rạch No làm ranh phía trên, chỗ tôi treo cái võng, và con rạch Bù Xu làm ranh phía dưới. Từ rạch No muốn nhìn thấy rõ rạch Bù Xu phải xè bàn tay đưa lên ngang mày che bớt ánh sáng ! Nói như vậy, để thấy ruộng ông Cả Bảy lớn biết ngần nào…

Lần đầu tiên đi với ông Cả Bảy qua ruộng để ‘ nhận việc ’, thấy minh mông thiên địa như vậy, tôi hết hồn, nói :

- Trời đất ! Mút chỉ như vậy, mình con coi sao thấu !

Ông Cả Bảy cười khì khì :

- Tao chỉ cần mầy qua bển cho có mặt hằng ngày chớ đâu có biểu mầy đi đánh lộn với tụi lưu manh đâu ! Cái lũ đó hễ thấy có người canh ruộng là tụi nó rút đi chỗ khác hè !

Ngừng một chút để suy nghĩ rồi ổng nói :

- Tàm tạm vài bữa rồi tao cho đám thằng Hai Lưa ở trại hòm qua cất cho mầy cái chòi nhỏ có tháp canh cao phía trên, để có chỗ cho mầy đụt mưa đụt nắng.

Có lẽ thấy tôi còn…ngơ ngơ nên ổng nói tiếp :

- Trên tháp canh sẽ có cái ống tre lớn làm cái mõ. Hễ mầy thấy có bóng người vô ruộng thì mầy cứ gõ mõ liên hồi là nó chạy. Hiểu chưa ?

Vậy là ít lâu sau, tôi có cái chòi tranh vách lá, có chỗ để treo võng, có chỗ để nấu cơm, phía trước có cây cầu ván chồm ra sông để tắm gội…

…Qua mùa lúa đó, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :

- Tao thấy mầy tuy côi cút một thân một mình mà làm việc siêng năng nên tao thương. Tao cho mầy một miếng đất bên ruộng để mầy cất nhà rộng rộng, còn lo cưới vợ nữa chớ !

Vậy rồi mấy hôm sau, ổng dẫn nhóm chú Hai Lưa trại hòm qua ruộng của ổng, đo đạc cặm nọc để cho tôi miếng đất nằm cạnh vàm rạch No, còn chỉ chỗ cho chú Hai Lưa cất cho tôi cái nhà nền đất nóc tôn vách ván nữa ! Tôi cảm động nghẹn lời, ấp úng nói mấy tiếng cảm ơn mà cũng không tròn chữ tròn câu…Ông Cả cười cười :

- Mầy lo đốn cây làm rào dậu, trồng trỉa cho thành khoảnh đi, rồi tao kiếm cho mầy một con vợ !

Nói xong, ổng cười ha hả, khoái chí !

…Ông Cả Bảy có hai người con trai đi học bên tây rồi ở luôn ở bển. Từ ngày bà Cả nằm xuống, ổng vẫn sống cu ky một mình trong cái nhà sàn tổ chảng nằm cạnh trại hòm và trại cưa của ổng. Ổng thôi làm cả trong ban hội tề từ lâu nhưng trong làng vẫn gọi ổng là Cả. Nghe nói ổng ‘ quen lớn ’ dữ lắm, thấy mấy ông Quận ông Tỉnh thường ghé nhà ổng chơi hay cùng đi bắn le-le … Hồi tôi tới tuổi đi quân dịch, ổng nói : « Mầy yên tâm lo canh ruộng, còn vụ nầy, để tao lo ». Vậy rồi mươi hôm sau, ổng trao cho tôi tờ hoãn dịch !

… Cất nhà xong, chú Hai Lưa vỗ vai tôi, nói :

- Tao có một cái giường đôi bằng gỗ không xài, để tao chở qua cho mầy. Có điều là nó chỉ còn có mấy thanh ngang chớ không có tấm vạt giường, tại mấy thằng con tao nó lấy cưa ra làm sạp cho ghe của tụi nó. Mầy chịu khó đạp xe vô Xóm Mới nói thằng Ba Kiên đương cho cái vạc bằng tre, rẻ hơn cái vạc gỗ mà nằm lại êm hơn gấp bội.

Ngừng một chút rồi ổng vò đầu tôi, nói :

- Chừng cưới vợ, nhớ cho tao nhậu với nghen !

Tôi nói ‘ Cám ơn chú’, lí nhí nghe chừng không rõ lắm !

… Cái gường đó ráp vô rồi thấy rộng rinh. Mình tôi ngủ thì cần gì đến tấm vạc ? Vậy là tôi thả lên hai tấm ván đủ cho tôi nằm, sung sướng vì nghe thẳng lưng hơn nằm võng !

Tôi ngủ không có tấm vạc giường như vậy cho đến hết mùa lúa năm đó thì tôi gặp ‘ Nàng’… Cũng do Trời xui Đất khiến ! 

* * *

Nàng tên là Huệ, mồ côi cha, con của bà Năm Căng ở xóm Lò Gạch. Nàng làm công cho lò gạch ông Tám Tiếu. Nhờ đi chở gạch để ông Cả cho sửa lại cái đầu bờ kè trước nhà nên tôi gặp nàng. Gặp là tôi hạp nhãn liền ! Trời ! Con gái nhà quê gì mà nước da trắng bóc, còn thân hình thì cân đối thon thả kèm theo tướng đi lượng là cứ bắt người ta phải nhìn theo !

… Vậy rồi nàng và tôi quen nhau. Vậy rồi, ngày một ngày hai, tôi đạp xe đến lò gạch. Không có gì : chỉ cần gặp nàng để nói đôi ba câu không đầu không đuôi, rồi chèo xuồng về nhà bên kia sông, trèo lên vọng gác ngồi ngẩn ngơ suốt buổi !

… Vậy rồi, tôi nghĩ đến tấm vạt giường ! Vậy rồi, tôi đạp xe vô Xóm Mới đặt chú Ba Kiên đương cho tấm vạt giường bằng tre. Tuần lễ sau, tôi cuốn tròn tấm vạt chở về nhà trải lên cái giường gỗ, nhìn nó mà nghe lòng phơi phới. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi sắm một món đồ tuy không có giá trị gì nhiều nhưng lại mang đầy ý nghĩa …

… Để tránh tai mắt, tôi và nàng thường hẹn gặp nhau ở đường lên chùa vì đường đó vắng người và có mấy bụi tre lớn giao tàn che nắng. Hai đứa đứng nói chuyện ‘ trên trời dưới đất’ cả canh, nàng hay cầm lấy cành tre non đầy lá vươn ra cạnh chỗ nàng đứng, lắc qua lắc lại như để đánh nhịp khi nàng nói, mắt nàng nhìn bụi tre, nhìn con dốc lên chùa chớ ít khi nhìn tôi. Vậy mà sao tôi vẫn nghe lòng phơi phới như được nàng nhìn thẳng vào mắt !

… Bây giờ thì rõ ràng tôi đã thương nàng, càng ngày càng thương đậm ! Mà giữ riết trong lòng thì ấm ức quá đi ! Chắc phải nói ra cho nàng biết, rồi ra sao thì ra ! Vậy rồi một hôm đứng cạnh bụi tre đã thành quen thuộc, tôi làm gan nói :

- Huệ à ! Anh nói thiệt, Huệ đừng giận nghen ! Anh thương Huệ quá rồi Huệ à !

Nàng bỗng quay sang nhìn tôi, tay vẫn còn vin cành tre non, hỏi bằng một giọng nhẹ như tiềng gió trong lùm tre trước mặt :

- Vậy sao ?

Chỉ có hai tiếng nghe ngơ ngớ kỳ kỳ như vậy mà tôi lại thấy như là một sự chấp nhận ! Tôi bước lại gần nàng, nàng vẫn nhìn vào mắt tôi, cập môi mấp máy như muốn nói gì mà hai vành tai ửng đỏ. Đúng lúc đó, tôi hửi được mùi con gái của nàng làm tôi choáng váng ngầy ngật. Trời ơi ! Tôi muốn ôm đại nàng để siết chặt lại trong tôi, bởi vì chỉ có làm như vậy tôi mới nói được tôi thương nàng biết ngần nào … Nhưng tôi lại sợ làm ẩu, rủi nàng không hiểu rồi giận rồi vùng vằng bỏ đi tuốt thì chắc tôi … chết quá ! Tôi ráng kềm tôi lại, nuốt nước miếng mấy lần mới nói được :

- Huệ à …

Nàng ‘ dạ’, tiếng ‘dạ’ nghe như chờ đợi. Nàng không còn nhìn tôi mà quay về với cành tre non. Lần nầy, nàng bứt từng chiếc lá tre rồi bỏ rơi xuống đất, giống như nàng đếm lá !

- Huệ à ! Anh muốn xin cưới Huệ …

Nói tới đó tôi bỗng nghe … hụt hơi ! Nàng im lặng bứt từng chiếc lá … Một lúc, tôi hỏi :

- Mà Huệ có ưng không ?

- Biết đâu nà !

Tôi ráng sức nói một hơi :

- Anh làm công cho ông Cả Bảy. Anh có nhà có đất ở bên kia sông. Anh được hoãn dịch không phải đi lính. Anh sẽ nhờ ông Cả đánh tiếng qua má của Huệ để xin cưới. Mà Huệ phải cho anh biết coi Huệ có ưng hay không, cái đã !

- Ờ … Thì vậy !

Rồi, có lẽ thấy câu trả lời không mấy rõ nên nàng nói thêm :

- Tính sao cũng được !

Tôi mừng quá, nắm đại bàn tay nàng vứa lắc vừa cám ơn rối rít ! Nàng bỗng quay qua nhìn tôi, mỉm cười. Trời ! Cái cười của nàng sao mà đẹp hết nói ! Tôi như bị hốt hồn, cầm chắc bàn tay của nàng mà tưởng chừng như đang cầm cây sào cắm xuống lòng rạch để giữ cho xuồng đừng theo con nước mà bỏ bờ …

Đêm đó, trải chiếc chiếu trên tấm vạc giường, tôi nằm lên mà nghe mát rượi. Tôi nghĩ : rồi đây, hai đứa sẽ nằm chung một vạc giường. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm tôi sung sướng đi vào giấc ngủ. Cuộc đời sao dễ thương quá hổng biết ?

* * *

Chuyện của nàng và tôi chưa ai biết hết thì xảy ra vụ tháng tư 1975. Lúc đó, nghe tin dân miền trung chạy rần rần vô nam, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :

- Chuyến nầy, mầy đi giùm tao xuống Cần Thơ. Tao có con em mấy chục năm nay theo chồng ở dưới. Địa chỉ nó đây.

Ổng đưa tôi miếng giấy có ghi tên họ, số nhà, tên đường :

- Tao nhờ mầy ôm một số tiền xuống đưa cho tụi nó, biểu tụi nó lo chạy về đây ở với tao sớm sớm cho có anh có em. Có gì cũng còn có nhau còn hơn là đứa một nơi người một ngả, loạn lạc nầy không biết đâu mà rờ. Tao có biểu tụi thằng Hai trại hòm qua ở nhà mầy, vừa giữ giùm nhà vừa coi ruộng luôn. Đừng lo !

… Vậy là tôi lặn lội xuống Cần Thơ tìm người em gái của ông Cả. Bà nầy có sạp vãi ở chợ Cần Thơ, ông chồng là thiếu tá hải quân. Khi tôi tìm ra được bả thì có tin thiên hạ ở Sài Gòn đang chạy di tản, làm dân chúng Cần Thơ cũng rối ren hối hả xuống ghe xuống xuồng tranh nhau đi. Ông thiếu tá hải quân hốt hết gia đình đem lên tàu chiến, kéo tôi theo luôn ! Đứng trên tàu, tôi nhìn đồng ruộng chạy lùi về phía sau mà chết điếng ở trong lòng, không biết làm sao báo tin cho ông Cả Bảy và nhứt là cho Huệ …

… Vậy rồi sau thời gian nằm trên đảo của quân đội đồng minh, tôi định cư ở Mỹ, tiểu bang Cali. Tôi làm công cho một tiệm ăn Việt Nam ở khu Sài Gòn Nhỏ, rửa chén quét dọn lau nhà … Lương lậu không bao nhiêu nhưng được bà chủ cho ở trong một phòng nhỏ nằm cạnh nhà bếp, ở để làm gác-dan cho bả luôn !

Thời gian sau, khi đã ổn định đời sống, tôi có gởi thơ về nhưng không thấy hồi âm. Tôi biết làng tôi nhỏ béo lại nằm tuốt trên vùng Ngọn - gọi là ‘ Ngọn’ bởi vì nằm trên ngọn sông Vàm Cỏ - giáp ranh với đất Cao Miên. Hồi thời trước, trong làng không có nhà bưu điện nên mỗi tuần một lần ông Sáu làm biện trong làng phải đạp xe xuống quận cách đó mười mấy cây số để lấy thơ ở nhà bưu điện đem về để trong nhà làng. Dân chúng cứ tự động đến coi trong đống thơ, cái nào mang tên mình thì lấy, có khi lấy giùm hàng xóm hay họ hàng bạn bè nữa ! Tôi nghĩ chắc bây giờ cũng vậy thôi, thơ tôi gởi không đến tay Huệ thì làm gì có hồi âm được ?

Dầu vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng nàng không bao giờ quên tôi, cũng như tôi lúc nào cũng nghĩ tới nàng. Tôi hay nghe mấy người có đọc sách nói ‘Lời thề trăm năm’. Nàng và tôi đâu có thề thốt gì đâu, nhưng câu nói ‘ Tính sao cũng được’ và cái mỉm cười tiếp theo sau đó của nàng ở đường lên chùa hồi tôi ngỏ ý xin cưới … tôi đã khắc ghi vào lòng. Như vậy, chẳng phải là một ‘ Lời thề trăm năm’ hay sao ?

Nhứt định tôi sẽ trở về Việt Nam để cưới Huệ. Để hai đứa cùng nằm chung một vạc giường, cái vạc giường đương bằng thanh tre già chuốt giẹp giẹp, nằm vừa êm vừa mát. Để thấy cái mà mấy người biết đọc sách gọi là ‘ Hạnh phúc lứa đôi ’đối với tôi, nó chỉ võn vẹn là sự sung sướng được chia đôi với người mình thương một tấm vạc giường … Mà muốn được vậy, tôi phải có tiền. Vậy là tôi để dành tiền, cắc ca cắc củm !

* * *

Nhờ hỏi thăm mấy người có về Việt Nam nên tôi đã ước lượng được số tiền cần thiết để làm đám cưới và để hai vợ chồng tôi có một số vốn làm ăn. Vậy mà phải năm năm sau tôi mới có tàm tạm đủ ! Chừng đó, tôi mới dám ‘ lên kế hoạch’ : nhờ ông Cả Bảy làm chủ hôn bên đàng trai, rước dâu về nhà của ổng, đãi đằng hai họ ở đó, xong rồi tôi chèo xuồng đưa cô dâu về nhà bên kia sông để tôi khoe với nàng tấm vạc giường mà tôi sắm cho hai đứa, từ hơn sáu năm nó vẫn nằm chờ…

Ngồi trên máy bay về Việt Nam, trong đầu tôi sắp xếp. Trước tiên là về nhà tôi để nghỉ ngơi cho tỉnh mỉnh. Sáng hôm sau sẽ đi thăm ông Cả Bảy, còn xế chiều thì qua nhà nàng vì giờ đó nàng mới từ lò gạch về nhà, tôi sẽ bất thần bước vô nói lớn : « Huệ ơi ! Huệ ! Anh về rồi nè ! ». Tưởng tượng đến đó, tôi bỗng ứa nước mắt ! Đầu óc tôi tự nhiên sao mù mờ. Làm như bao nhiêu năm nay tôi chỉ chờ có như vậy ! Tôi thấy tội nghiệp tôi, tội nghiệp nàng : nếu không có cái ngày nghiệt ngã 30 tháng tư 1975 thì làm gì hai đứa phải cắn răng chịu đựng khắc khe cỡ nầy ?

…Làng tôi bây giờ lạ hoắc. Không phải có thêm đường ngang nẻo dọc mà thấy đầy cờ xí biểu ngữ, loa trên loa dưới ồn ào không giống cái gì hết !

Tôi xuống xóm chợ nhờ một chị chèo xuồng mướn đưa tôi sang sông.

Khi xuồng vừa cặp vô cây cầu ván thì có con chó chạy ra sủa râng, rồi hai ông bà già từ trong nhà bước ra dòm. Té ra là chú thím Hai Lưa hồi xưa thủ trại hòm của ông Cả Bảy ! Chú Hai nhìn ra tôi ngay. Ổng la lên :

- Trời đất ! Mầy còn sống hả ? Ở đâu mà về vậy ?

- Dạ ở Mỹ.

- Cha…xa ớn há !

Rồi chú lật đật vừa la chó vừa bước xuống cầu phụ tôi đem hành lý lên. Trước nhà thấy có phơi chiếc chiếu với hai ba cái gối. Trong nhà vẫn như xưa, cái giường gỗ vẫn nguyên chỗ cũ với tấm vạc giường tôi đem về từ trong Xóm Mới. Chỉ có thêm là hai cái võng nằm song song gần đó, còn thì bàn ghế tủ..v.v…không có gì thay đổi. Tôi xúc động đến nghẹn lời. Chú Hai nói :

- Mầy uống miếng trà rồi nằm võng nghỉ lưng. Trong làng tưởng mầy chết rồi chớ, đâu dè … Để tao kể mầy nghe …

Vậy rồi chú nằm trên võng cạnh tôi, vừa hút thuốc vừa kể :

- Hôm mầy đi Cần Thơ, cha con tao theo lời ông Cả biểu, thay phiên nhau qua đây giữ nhà giữ ruộng. Kế đó, tụi nó - tụi cách mạng ớ ! – tràn vô làng, bắt hết hội đồng xã, bắt luôn ông Cả Bảy trói bằng kẽm gai thành một dọc, chở đi mất. Rồi tụi nó chiếm hết, nhà cửa đất đai ruộng vườn, đuổi tụi tao ra để lấy trại hòm. Nhờ có cái nhà của mầy mà tụi nầy dọn qua ở tạm. Tao và hai thằng con tao cất thêm cho cái chòi giữ ruộng rộng ra để để đồ đạc của tụi tao và để hai thằng con tao có chỗ hành nghề thợ mộc của tụi nó. Hai thằng nầy coi vậy mà gan ! Tụi nó vượt biên rồi định cư ở Úc. Bây giờ, tụi nó có xưởng mộc ở bển, coi bộ làm ăn khá ! Thấy lâu lâu gởi tiền về nhờ thằng bạn tụi nó ở thành phố chạy Honda lên đưa ! … À ! Mầy biết hông ? Tụi cóc cắn cách mạng có kêu tao về trại hòm làm cho tụi nó, tao đấm thèm ! Mầy nghĩ coi : trại hòm mà cũng bày đặt trương biểu ngữ đề ‘ Hạ quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà Nước ’. Mẹ ! … Hòm chôn người chết mà cũng vô kế hoạch nữa thì khùng hết nước nói ! Còn chuyện nầy chắc mầy chưa biết : con Huệ, con bà Năm Căng …

Hai tiếng ‘ Con Huệ ‘ làm tôi giật mình. Tôi nhỏm dậy, lắng tai nghe. Chú nói tiếp :

- Mấy tháng sau giải phóng, không biết nó nghe lời ai mà ôm gói xuống thành phố nói kiếm việc làm rồi lặn mất luôn cho đến năm ngoái đây, nó trở về mà đi bằng xe hơi nhà có tài xế, trên băng sau có người đàn ông có vẻ ông chủ. Mầy biết, trong làng chỉ có thằng Cói gia nhân của ông Cả Bảy là được ổng sắm cho chiếc Honda để đưa ổng đi đây đi đó, chớ đâu có ai có xe hơi. Vì vậy, khi con Huệ đi xe hơi thẳng vô xóm Lò Gạch là thiên hạ để ý. Bà Năm Căng kể lại nói bả nhìn nó không ra, tưởng là một bà nhà giàu nào đó đi lầm nhà ! Chừng nó xưng tên, mẹ con nó và bầy em nó ôm nhau khóc làm hàng xóm chạy qua mừng cũng rớt nước mắt. Nó đem cho má nó hai bao đồ rồi nhét trong túi áo má nó một cộc tiền. Sau đó, nó chỉ nói được có mấy tiếng ‘ Con lạy má ! Con lạy má !’ rồi vừa khóc vừa chạy vội ra xe lên ngồi cạnh ông người á-đông ở băng sau, tài xế rồ máy chạy ào đi gấp. Từ đó tới giờ không có tin tức gì hết !. Còn đồ nó cho má nó toàn là tơ lụa mắc tiền nằm kín trong từng bao ni-long có in nhiều chữ tàu. Thầy Ba trên chùa đọc rồi nói đó là sản phẩm cao cấp của Thượng Hải …

Tôi ngả người nằm xuống võng mà nghe lùng bùng hai lỗ tai, chết điếng ở trong lòng. Chú Hai Lưa hỏi :

- Mầy còn nhớ con Huệ hông ?

Tôi ‘ dạ ‘, tiếng dạ bị nước mắt trào lên chận ngang. Tôi nuốt xuống mà nghe miệng mồm đắng chát. Không kềm được nữa, tôi đưa hai tay lên bụm mặt. Chắc chú Hai Lưa thấy, hiểu, nên nghe chú tằng hắng một tiếng rồi làm thinh …

* * *

Trên máy bay trở về Mỹ, tôi nhìn qua cửa sổ thấy nhà cửa ruộng đồng cây cối mờ lần mờ lần rồi mất hút … mà tôi nghe buồn rười rượi. Ở tuốt dưới đó, trong một làng quê nằm xa mút trên vùng đất Ngọn, tôi đã bỏ lại một tấm vạc giường, tấm vạc giường tưởng để nằm chung với người con gái nhà quê mà tôi thương, đâu ngờ chuyện hai đứa chưa kịp thành duyên thành nợ thì nàng đã như chiếc xuồng bỏ bờ mà trôi theo nước, đành đoạn trôi theo nước …

Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm, giờ nghĩ lại sao thấy quá khù khờ ! Dầu vậy, tôi vẫn muốn gặp nàng, gặp một lần thôi, để chỉ hỏi có một câu : « Tại sao ?... Tại sao ? … Tại sao ? … »

Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi trào nước mắt …


Tiểu Tử

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Khánh Ngọc - Giai nhân một thuở và những sóng gió cuộc đời

 


 image

Ca sĩ Khánh Ngọc sinh năm 1937, thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Bà còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên của làng điện ảnh Sài Gòn với những Trang Thiên Kim, Mai Trâm, Thu Trang…

 

Lâu nay, Khánh Ngọc thường được người ta nhắc đến với sắc đẹp quyến rũ lúc còn xuân, và là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhưng ít người nhớ đến tài năng của bà trong cả âm nhạc lẫn điện ảnh, những đóng góp của bà cho làng nghệ thuật miền Nam gần như bị quên lãng. Bài dưới đây được ghi theo lời tâm sự của Khánh Ngọc về những sóng gió đã trải qua trong cuộc đời.


image


Ca sĩ Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1937 trong gia đình có mẹ là người Việt, cha là người Minh Hương.

 

Thuở nhỏ, Khánh Ngọc theo học trường người Hoa cho đến trung học thì chuyển qua học chữ Pháp. Đến năm 1951, bà theo gia đình vào Nam. Nhờ học nhạc khi còn là nữ sinh và thụ giáo piano với nhạc sĩ Võ Đức Thu, khi vào Sài Gòn được theo học nhạc với đôi vợ chồng nghệ sĩ Dương Thiệu Tước – Minh Trang nên Khánh Ngọc bước vào làng văn nghệ rất sớm.


Khánh Ngọc hát Phiên Gác Đêm Xuân


BM

https://www.youtube.com/watch?v=ujs3eAGZIqY&list=RDujs3eAGZIqY&start_radio=1&rv=ujs3eAGZIqY&t=115


Thời gian đó Minh Trang là danh ca của Sài Gòn và cộng tác chặt chẽ với đài phát thanh Pháp Á, và Khánh Ngọc đã có cơ hội được hát trên đài phát thanh này để từ đó giọng hát của bà đã được phát đi khắp mọi miền.

 

Lúc đó, trước khi chiếu phim luôn có những tiết mục phụ diễn tân nhạc, Khánh Ngọc đã hát hàng tuần ở các rạp Nam Việt, Nam Quang, Văn Cầm, Đại Nam và đi lưu diễn ở nhiều nơi khác. Đến năm 14 tuổi, ca sĩ Khánh Ngọc hát trên đài phát thanh và trong các chương trình đại nhạc hội ở Sài Gòn và các tỉnh.


image


Năm 1953, Khánh Ngọc kết hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương và gia nhập ban hợp ca Thăng Long, hai lần theo ban hợp ca này đi ngược ra Hà Nội biểu diễn trong đoàn Gió Nam.

 

Nhờ khả năng diễn xuất hiện đại, tự nhiên của mình, Khánh Ngọc đem diễn xuất vào diễn tả những bản nhạc mà bà trình bày rất hấp dẫn.


Khánh Ngọc hát Giọt Mưa Thu


BM

https://www.youtube.com/watch?v=D9wO50uPMnY


Vào năm 1955 có phái đoàn ngoại quốc đến Sài Gòn để tìm các diễn viên cho phim “Ánh Sáng Miền Nam”. Đạo diễn phim này là người Phi Luật Tân đã chọn nhiều diễn viên, nhưng qua một chương trình nhạc cảnh “Được Mùa” của Ban Hợp ca Thăng Long trình diễn tại rạp Việt Long, đạo diễn Phi Luật Tân “chấm” Khánh Ngọc và bà đã đóng vai cô thôn nữ là vai chính trong phim này. Với bộ phim “Ánh Sáng Miền Nam” nữ diễn viên Khánh Ngọc đã đoạt giải tại Đại hội điện ảnh Phi Luật Tân vào năm 1956.


Phim này có bối cảnh chính quay tại Hóc Môn, bến tàu Sài Gòn và 1 số cảnh quay tại thủ đô Manila. Khởi quay vào tháng 1 năm 1955, thời gian quay 2 tháng.


image


Trong phim còn xuất hiện hai chị em Thái Thanh, Thái Hằng và Phạm Duy. Từ bộ phim này, Khánh Ngọc bước chân hẳn vào sự nghiệp điện ảnh bằng phim thứ 2, với vai chính trong phim Đất Lành của hãng phim Đông Phương, đóng chung với Lê Quỳnh, Lê Thương và Kiều Hạnh. Phim này dài 90 phút, do Đạo diễn Ramon Eatells thực hiện theo kịch bản của Cear Amigo và Phạm Duy.

 

Phim thứ ba của Khánh Ngọc là Ràng Buộc do hãng phim Alpha thực hiện. Cùng lúc là minh tinh của ba bộ phim đều thành công, Khánh Ngọc cũng được khán giả mến mộ nhiều hơn, nên lịch hát của bà cũng ngày càng nhiều.


image

Khánh Ngọc (ở giữa, hàng dưới) cùng chồng là Hoài Bắc Phạm Đình Chương và các anh chị em trong ban Thăng Long (Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh)

 

Đang thăng hoa trong sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh thì có một biến cố lớn đến trong đời, Khánh Ngọc chia tay chồng vì ngoại tình, và dư luận lúc đó khó có thể chấp nhận bà ở trong làng nghệ thuật. Bỏ hết những vinh quang, những yêu thương, những lầm lỡ tại Việt Nam, Khánh Ngọc vượt qua những nỗi đau, những thị phi, những cám dỗ để “sống” với tình yêu nghệ thuật theo kiểu riêng mình khi đang là danh ca và minh tinh sáng chói của miền Nam Việt Nam. Khánh Ngọc sang Mỹ, theo học ngành Điện ảnh tại đây. Sau bốn năm tu nghiệp tại một trường đại học kịch nghệ ở Hoa Kỳ, Khánh Ngọc có tham gia một số phim ở Hollywood, phần lớn thời gian bà dành để đi hát rất nhiều ở các tiểu bang của Mỹ.


image

 

Trong một chuyến lưu diễn, Khánh Ngọc gặp một du học sinh Việt Nam, hai người đã kết hôn và có ba người con. Từ đó Khánh Ngọc trở nên bận rộn việc nhà, điều này đã ngăn cản con đường nghệ thuật, nhưng bà nói rằng vẫn mãn nguyện với sự lựa chọn của mình.


Mời bạn xem lại đoạn video cách đây đã khá lâu, ca sĩ Khánh Ngọc tâm sự về cuộc sống của bà trước và sau năm 1975, đặc biệt là sau biến cố lớn nhất của cuộc đời…

 

Video này được Tuyết Mai thực hiện tại nhà riêng của Khánh Ngọc tại Florida, tháng 10 năm 2016.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=R0JZeOJ9r8M


Sau đây là clip Khánh Ngọc hát ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây vào khoảng năm 2007, khi bà tròn 70 tuổi.


BM



Ngày 14/5/2021, danh ca Khánh Ngọc qua đời tại nhà riêng ở California – Hoa Kỳ, hưởng thọ 85 tuổi.




Nhạc xưa tổng hợp và biên soạn


BM


ÔNG H.O...

 


     BM

Mấy tháng nay, nhà ông Thức rộn rịp khách đến viếng kể từ khi có tin gia đình ông Thức được nộp đơn xin đi Mỹ theo diện H.O. Tiệc nhỏ, tiệc lớn cứ liên tục được tổ chức.

 

Mấy năm tù đày cuối cùng được đền bù bằng ân huệ này. Rồi cái ngày ra đi cũng đến. Gia đình gồm vợ, chồng và hai con chưa trưởng thành lên máy bay thẳng đường qua Mỹ. Các con lớn tuổi có gia đình riêng phải ở lại chờ ông Thức bảo lãnh sau này. Ngày ra phi trường, ai nấy mặt mày hớn hở, nhất là ông Thức lần đầu được ngẩng cao mặt đối với láng giềng kể từ Tháng Tư, 1975.  Ông Thức vui vẻ, cười nói với mọi người ra tiễn đưa. Ông săn sóc bà vợ trẻ như chú rể trong ngày cưới.

 

Sau mấy chuyến bay đường dài, cuối cùng gia đình tới nơi định cư, một thành phố nhỏ của tiểu bang Florida. Mấy ngày kế tiếp, làm thủ tục khám sức khỏe, xin trợ cấp, xin nhập học cho mấy đứa nhỏ,… Tất cả đều nhờ người bảo trợ giúp đỡ. Vì là người Công Giáo nên ông bà Thức đến gặp cha xứ. Không biết nội dung câu chuyện ra sao. Nhưng trong cộng đồng người ta thì thào với nhau rằng vợ chồng ông Thức hiện nay là giả hiệu. Họ đã thú thật với linh mục chánh xứ rằng hai người chỉ là vợ chồng trên giấy tờ. Bà vợ thật sự của ông Thức quyết định ở lại Việt Nam, nhường chỗ cho bà này qua Mỹ với giá mấy cây vàng. Ông Thức hoan nghênh ý kiến này nhằm giúp người vợ ở lại có vốn làm ăn hay có ý gì thì chỉ có trời mới biết. Mọi thủ tục và giấy tờ hợp lệ đều do công an phụ trách. Vợ thì “giả” nhưng giấy tờ thì “thật.” Ông Thức chỉ cần biết thủ tục “đầu tiên” thôi.


Thật vậy, từ ngày đến Mỹ định cư, vợ chồng ông Thức sống theo kiểu “share” phòng và “share” mọi thứ trong nhà nhưng không “share” tình. Chồng ăn tiền trợ cấp, đi học tiếng Mỹ. Thật ra tuổi của ông Thức chưa đến 65, nhưng ông cứ theo sự chỉ dẫn của đồng hương ở Mỹ lâu năm, đi bác sĩ khai đủ thứ bệnh lếu láo để hưởng trợ cấp qua ngày, chờ tới ngày được hưởng tiền già.


BM

Note: hình trong bài là minh họa


Tội nghiêp mấy ông bác sĩ sợ mất khách, nên phải nặn óc kiếm bệnh cho ông Thức. Vợ ông đi làm “nail.” Vì bà đi làm suốt ngày, suốt tuần, nên ông Thức đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo… Nói tóm lại, ông biến thành người nội trợ rồi chờ bà về dùng bữa tối. Quả thật, ông Thức đúng là người nội trợ giỏi: nấu ăn ngon, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất, quần áo của bà sau khi giặt sạch được ông ủi xếp gọn gàng trong tủ. Bà vợ “giả hiệu” cứ luôn miệng khen khi nói chuyện về ông Thức với bạn bè.

 

Cuộc sống cứ thế mà qua đi. Sau mấy tháng sống chung, từ “giả” biến thành “thật,” người đàn bà đó rơi vào vòng tay của ông Thức một cách dễ dàng. Ai cũng biết, đó là nhờ tài năng khéo léo của ông Thức. Mọi người phục ông Thức sát đất. Hai vợ chồng “giả” lại đến thông báo với cha xứ tình trạng thay đổi này. Rồi ông Thức bắt đầu tham gia các tổ chức trong cộng đồng người Việt tị nạn tại địa phương và nhờ thế mà quen biết nhiều người. Ông Thức ăn nói khéo, ngoại giao giỏi nên được lòng bà con tị nạn. Khi có người hỏi về quá khứ, ông Thức chỉ trả lời mập mờ theo kiểu không tiết lộ quân tình của ta cho địch. Rốt cuộc, chẳng ai biết ông Thức là ai. Ông đi học lớp vỡ lòng ESL dành cho người không biết tiếng Mỹ. Nhiều người chê ông dốt. Nhưng ông Thức chỉ tươi cười, không phiền giận. Ông  đi học với dáng điệu vui vẻ, mặt mày rạng rỡ vì trong lớp ABC nầy có nhiều cô trẻ. Ông được dịp trổ tài nấu nướng, đem thức ăn vào lớp mời các cô dùng bữa trưa. Việc học hành của ông Thức tiến triển ra sao thì không ai biết.


BM


Nhưng người ta biết một cô gái trẻ, cô Loan, học cùng lớp, đã xiêu lòng sau những đợt tấn công tới tấp của ông Thức. Chuyện nầy tới tai bà “vợ giả” biến thành “vợ thật.” Một cuộc đánh ghen khá ồn ào, nhưng sau cùng được dàn xếp ổn thỏa: ông Thức dọn ra chung sống với cô bồ trẻ mới quen được mấy tháng.


Nhiều người nói con nhỏ này quá ngu, đi lấy ông già sắp xuống lỗ. Nhưng cô Loan cũng có lý khi nói: “Ông chồng em tuy già mà được việc, anh ấy quán xuyến việc nội trợ, em chẳng phải động móng tay. Mọi chi phí như ăn uống, tiền nhà, điện, nước, phone, phí tổn y tế (bác sĩ, bệnh viện, thuốc men,) đều có nhà nước lo. Thuốc chẳng những dư dùng mà còn gởi về Việt Nam làm quà. Kể cả sữa Ensure (là loại dùng cho người thiếu dinh dưỡng), cũng được cung cấp hàng tháng, dù ông Thức mạnh như trâu kéo cày. Cuộc sống thoải mái, không lo lắng, khỏi lo trả nợ nhà (nhà được chính phủ cấp), xe ( mua trả ‘cash’), đêm nằm ngủ không sợ ngày mai thất nghiệp bất ngờ, kỹ sư, bác sĩ còn lâu mới được.


Thỉnh thoảng còn có ‘phone’ từ cơ quan chính phủ gọi đến thăm hỏi trong đời sống có thiếu thốn thứ gì và sẵn sàng chỉ dẫn cách thức xin trợ giúp. Ngoài ra, cuối năm đi khai thuế, chẳng những không phải đóng đồng nào mà còn được cho tiền. Thiên đường là đây. Nước Mỹ đem chồng tôi qua thì phải nuôi chớ.” (Cô này quên là ai muốn qua Mỹ cũng phải nộp đơn xin và chờ được cứu xét.) Cô cười to, rồi nói tiếp:

 

“Còn một điều cũng quan trọng là bây giờ có thuốc Viagra, thì già trẻ như nhau mà.”


BM


Từ khi đến Mỹ, ông Thức đã tận hưởng mọi phúc lợi xã hội của nước Mỹ dù ông chưa bao giờ đóng góp và sẽ còn hưởng dài dài. Nếu… cuộc đời không có những cái bất ngờ, ngoài tiên liệu. Một hôm, ông Thức đột ngột ra đi sau khi ngã quỵ tại nhà. Đám tang được tổ chức linh đình. Hai đứa con đã ra ở riêng, không đến dự. Chúng nó nói, họ không phải con ruột của ông Thức. Cha mẹ chúng trả tiền cho ông Thức để ổng đưa chúng qua Mỹ. Có người đề nghị phủ lá cờ vàng lên quan tài vì người chết đã làm nhiều việc cho cộng đồng. 


Số khác phản đối, viện lẽ một đời người chết có nhiều cái giả. Biết đâu hồ sơ H.O. của ổng cũng giả tuốt. Có người kêu lên: “Vậy là chúng ta đã sập bẫy của Việt Cộng sao?” Một người khác đau đớn nói: “Không phải đến bây giờ đâu, chúng ta đã thua từ những năm 1945, 1954, 1975 rồi. Buồn thay! Việt Cộng luôn luôn trên chân chúng ta. Chúng cho cán bộ trà trộn vào đồng bào di cư vào Nam năm 1954.


BM


Đám này kết hợp với nhóm để lại miền Nam trước kia, đóng vai trò nằm vùng, tìm cách phá hoại miền Nam. Rồi đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, chúng cho người vượt biên để xúi giục bà con quay trở về như trường hợp chiếc tàu Việt Nam Thương Tín. Đám không về thì ở Mỹ chờ thời cơ. Hiện giờ, người của chúng sống đầy khu Huntington Beach, California, lập thành làng của đạo quân thứ năm. Họ tuy không đông nhưng có tổ chức và trên nói, dưới nghe. Chúng ta tuy đông nhưng lỏng lẻo, không ai nghe ai. Kết quả: Việt Cộng làm tê liệt lực lượng chống Cộng hải ngoại.” Mọi người đồng kêu lên: “Trời đất ơi!”


 

 

Nguyễn Đan Tâm
***

Trợ cấp SSI hay trợ cấp tiền già?

BM
Chúng ta đã dành khá nhiều thời giờ nói về các qui định liên quan đến tiền hưu, là quyền lợi dành cho người đi làm nay đến tuổi già.
A
BM