Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Tôi ‘Ưa’ Tổng Thống Trump

 


 image

Trong không khí có thể nói là ngột ngạt của những ngày gần bầu cử, các tiếng nói tung hô, chống đối nổi lên tứ phía hơn vỡ chợ, cả nước hoảng loạn như sợ tsunami nào đó sắp nhận chìm cả gia tộc mình tới nơi rồi, bây giờ phải la hét, quơ tay quơ chân như tìm phao cứu sống. Tất cả chỉ là một trò hát bộ oái ăm chưa từng thấy.


Quốc gia Cờ Hoa này đã có mặt trên bản đồ thế giới từ hơn 250 năm. Cứ 4 năm lại có bầu tổng thống, ông này đi, ông kia tới, đảng này mất quyền đảng kia thay thế, chu kỳ như quả lắc đồng hồ, chẳng có tsunami nào nhận chìm cái xứ này hết.


Như Mỹ nói, bầu bán hay không bầu bán, ‘life goes on’…


Cộng đồng tị nạn Việt tại Mỹ bỗng dưng nhảy dựng lên, hung hăng hơn xa dân Mỹ chính gốc, vác búa tạ đập nhau chết bỏ. Quái lạ hơn nữa, dân Việt tỵ nạn tuốt bên Âu Châu, Úc Châu, Congo hay Senegal gì gì đó, chẳng ăn cái giải rút gì cũng xía miệng vào chửi bới, tung hô, khen chê, giảng giải, dạy bảo, loạn cào cào, cho dù tiếng Anh chưa thạo, Hiến Pháp Mỹ chưa đọc, tin tức thì chỉ biết lõm bõm qua truyền thông một chiều.

 

Cái khổ là cộng đồng tị nạn đang đập lẫn nhau chết bỏ, chứ không phải đập ông Trump hay ông Biden đâu. Ta cãi nhau ỏm tỏi qua các diễn đàn, báo, radio, và TV tiếng Việt, nhưng bảo đảm cả hai ông Trump và Biden, chẳng ông nào nghe, đọc hay biết đến. Có biết cũng đếch ông nào … cares vì lá phiếu của cử tri tị nạn có giá trị sát… zero đối với các ông.


Một điều cực kỳ quan trọng mà cộng đồng gần như quên bẵng: trong vô số emails và tin tức tung ra, chắc chắn là đã có không ít emails và tin phịa của VC Bolsa nằm vùng hay VC Hà Nội tung ra để quậy, lợi dụng nước đục thả câu, tạo chia rẽ trong cộng đồng.


Nói như vậy, để xin quý vị làm ơn bình tâm lại đôi chút, ‘bớt giận’, ngồi nghĩ lại xem những câu chửi như tát nước vào mặt nhau, những ngôn ngữ du đãng Cầu Muối, những trò chụp mũ thô thiển, những khích bác trẻ con,… có đáng không? Nhất là các cụ tuổi gần đất xa trời, thay vì vui chơi với con cháu, có cần phải đuổi chúng đi chỗ khác để các cụ ngồi gõ lóc cóc vài dòng chửi rủa, nặn óc để phịa chuyện xuyên tạc,… cho nguôi giận. Có tác dụng gì? Ai ghét Trump vẫn ghét, ai thích Trump vẫn thích.

 

Dân Việt ta, từ thời phong kiến qua tới thực dân, rồi cộng sản hay quân phiệt, chưa một ai được nếm mùi dân chủ, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận thật, trái lại chỉ biết chính trị ở VN là chuyện  sinh tử, một sống hai chết, tuyệt đối không có chuyện ‘life goes on’ như Mỹ. Quốc gia và cộng sản giết nhau đến cùng dĩ nhiên, nhưng cộng sản cũng giết cộng sản, quốc gia cũng giết quốc gia. Chuyện giết nhau đến cùng đã có trong máu rồi. Do đó, dù sống nửa đời người trong cái thành đồng của tự do tư tưởng này, hay trong các xứ Âu Châu khai sanh ra thể chế dân chủ tuyệt vời từ thời Hy Lạp, vẫn không học được gì hết. Vẫn không thể nào chấp nhận có người khác ý mình. Khác ý mình chỉ có thể là lưu manh, ngu dốt, bựa, hay VC, không thể là gì khác.


Dĩ nhiên, ai cũng hiểu bầu bán tổng thống Mỹ nói riêng, và am hiểu chính trị Mỹ nói chung là những chuyện cực kỳ quan trọng, vì đó là chuyện sẽ có ảnh hưởng và hậu quả trực tiếp trên cuộc sống của chính mỗi người trong chúng ta. Và qua các cuộc bầu bán, chính ta sẽ quyết định phần nào về những chuyện đó.


Thể chế chính trị Mỹ dựa trên ý muốn của đa số, có khi cái đa số đó thua, trở thành thiểu số. Vấn đề là làm sao tranh đấu để ý muốn của ta trở thành ý muốn của đa số. Nhưng tranh đấu ở đây phải hiểu là tranh đấu trong trật tự, trong luật lệ hiện hành, trong lý luận, giải thích và thuyết phục, trong tôn trọng những người khác ý, chứ nhục mạ nhau chưa bao giờ thuyết phục được ai hết.


Không cãi lộn chửi bới không có nghĩa là phải im lặng hết, ai làm gì thì làm, thây kệ. Trái lại, trong cái chế độ dân chủ mà tiếng nói của người dân có ký, thì người dân cần phải hiểu cho rõ, cần phải nhìn và nghe mọi chuyện từ mọi phía để có thể suy tính cho mình một cách khôn ngoan. Do đó, tranh luận thật sự là cần thiết, nhưng chỉ là tranh luận trong nghiêm chỉnh thôi.


Không tranh cãi thì ít ra thì cũng cần ‘giới thiệu’ quan điểm của mình để mọi người hiểu, và khám phá có được nhiều cách nhìn khác nhau.


Chính trị Mỹ trong vài năm nay, qua các nỗ lực gần như tuyệt vọng của đảng đối lập để bác bỏ ý dân, lật đổ chính quyền hợp pháp, và ngay cả quá nhiều cố gắng quá mạnh của đảng nắm quyền để tự vệ, đã là một thứ gương xấu cho chúng ta học bài về dân chủ. Nhưng không phải vì vậy mà ta phải biểu diễn ta giỏi chuyện đấm đá, chửi bới nhau hơn dân Mỹ.


Dài dòng như trên để giải thích tại sao có DĐTC, tại sao có bài này. Và để giải thích tại sao ‘Tôi ưa TT Trump’, coi như để đáp lễ lại một bài của một cụ chống Trump đã viết rất rõ ràng “Tôi không ưa ông Trump”.


Trước hết, phải nói cho thật rõ, không, tôi không cãi nhau gì với ai hết, chỉ muốn đáp lễ, giải thích ngược, đưa ra một cái nhìn khác, cái nhìn của một người “ưa TT Trump”. Ở đây, tôi nhìn và đánh giá ông Trump như một công dân đánh giá một tổng thống chứ không phải một cá nhân tự cho mình là hoàn hảo để phê bình tật xấu tánh tốt của một cá nhân khác.


Để tránh bị bôi bác, cuồng này cuồng nọ, tôi phải nói rõ, tôi bắt đầu viết bình luận chính trị Mỹ từ ngày Obama còn chưa làm tổng thống, khi ông Trump còn bận xây sòng bài, và sẽ còn tiếp tục viết dù TT Trump phải về chia bài tiếp. Trump đến rồi đi, VL vẫn còn đó.


Trở lại câu chuyện ủng hộ TT Trump, tôi nghĩ những người bầu cho ông Trump là đã bầu vì những quan điểm mà chính ông đã trình bày, và vì những hứa hẹn ông đã đưa ra khi tranh cử.


Do đó, đánh giá ông phải là đánh giá dựa trên việc ông có duy trì cái quan điểm đó hay không, ông có cố gắng thực hiện những lời hứa hay không, có phải vậy không, thưa quý vị?


Tư cách cá nhân và con người Trump, xấu tốt ra sao, thiên hạ đã biết quá rõ ngay từ trước ngày bầu cử năm 2016 rồi, và ông vẫn đắc cử, dân Mỹ đã chấp nhận cái tư cách và con người đó rồi, nhai lại làm gì nữa? Có gì mới lạ? Không còn lý cớ nào khác hay hơn sao? Trí tưởng tượng nghèo nàn vậy sao? Nhai lại chuyện ông bốc phét về chuyện chộp bướm gì đó có thể cảm thấy hả hê trong lòng nhưng sẽ không bứng TT Trump ra khỏi Tòa Bạch Ốc được đâu, các cụ ơi. Gọi ông là điên, gian manh, mất dạy,… sẽ chẳng khiến ông mất đi một phiếu nào hết. Thay vì vậy, có nên chú tâm hơn vào những việc ông Trump đã làm cho dân trong mấy năm qua không? Để xem ông có khả năng lèo lái con thuyền quốc gia thêm bốn năm nữa không, hay là nên cho ông về vườn.


Mục đích bài này này không phải để kê khai thành quả của TT Trump, chỉ xin vắn tắt vài việc làm chính mà ứng cử viên Trump đã hứa. Nhất là để giải thích tại sao ‘Tôi ưa TT Trump’.


CHUYỆN GIẢM THUẾ VÀ KINH TẾ


image

 

Ông Trump hứa sẽ giảm thuế đồng loạt tất cả mọi người, tuy mức giảm của mỗi người sẽ khác nhau tùy mức lương và gia cảnh mỗi người. Ông đã ra luật giảm thuế này như đã hứa. Dĩ nhiên một người lãnh lương năm bảy chục ngàn không thể yêu sách vô lý đòi được giảm thuế bằng Bill Gates. Lảm nhảm ông chỉ lo giảm thuế ‘nhà giàu’ là nói chuyện mỵ dân bá láp, khích động lòng tham và ganh tỵ của mỗi người để gây oán ghét mà không nhìn vào thực tế xã hội.


Ông đặc biệt hứa giảm thuế trên lợi nhuận công ty để khuyến khích các công ty mang tiền về nước đầu tư lại, giúp tạo công ăn việc làm cho dân. Và ông đã thành công phần nào khi tính tới cuối năm 2019, hơn 1.000 tỷ đô đã được chuyển về nước, mở biết bao hãng xưởng và tạo biết bao công ăn việc làm cho dân.


Tỷ lệ thất nghiệp dưới TT Trump đã xuống tới 3,6%, mức thấp nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Trong hai năm rưỡi, từ đầu 2017 tới giữa 2019, 6,3 triệu người đã thoát ra khỏi cái vòng kim cô trợ cấp đủ kiểu, vì đã có công ăn việc làm đủ sức tự lực cánh sinh, không còn phải cúi đầu chìa tay xin tiền ai nữa.


Thị trường chứng khoán phản ảnh suy nghĩ của giới kinh doanh về tương lai kinh tế. Nhìn vào các biểu đồ của Dow Jones và NASDAQ, trước cũng như sau COVID tấn công Mỹ thì hiểu họ nghĩ sao về kinh tế Trump, khỏi cần tranh cãi.


Hai năm qua, tôi được giảm thuế kha khá, không nhiều bằng Bill Gates, nhưng còn hơn không có gì dưới Obama.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN Y TẾ


image

  

TT Trump cũng hứa hẹn thu hồi và thay thế Obamacare. Ở đây, ông đã đạt được một nửa lời hứa, chỉ bỏ được luật bắt mọi người phải mua bảo hiểm hết nếu không sẽ bị đánh thuế phạt.


Đây là một bằng chứng cụ thể tổng thống Mỹ không phải là Mao, mà muốn làm chuyện lớn phải có sự hợp tác của quốc hội, và trong vấn đề này, Thượng Viện thiếu đúng một phiếu nên không thu hồi Obamacare được.


TT Trump cố thu hồi Obamacare, đã làm đúng hay sai? Obamacare có giá trị như thế nào, kẻ này xin nhường lời lại cho cựu TT Clinton “So you’ve got this crazy system where all of a sudden 25 million more people have health care and then the people who are out there busting it, sometimes 60 hours a week, wind up with their premiums doubled and their coverage cut in half. It’s the craziest thing in the world”.


Tố TT Trump cố gắng lấy đi bảo hiểm sức khỏe của người nghèo nghe vớ vẩn không lừa được thằng nhóc đánh giầy.


TT Trump cố gắng vứt bỏ cái “craziest thing”, tuy chưa hoàn tất, nhưng tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN DỊCH CORONAVIRUS VÀ LOẠN


image

  

Đã được bàn quá quá nhiều. Chỉ cần coi lại vài bài đã đăng trên diễn đàn này thì biết.


Một điều cần ghi nhận -nhất là các cụ bên Âu Châu, không hiểu Hiến Pháp Mỹ-, nước Mỹ là một liên bang của 50 ‘nước’, trách nhiệm riêng biệt của liên bang và tiểu bang được ghi rõ trong Hiến Pháp. Trên căn bản, liên bang có rất nhiều quyền gần như tuyệt đối về ngoại giao, quốc phòng, và chính sách trên tổng quát, nhưng về những vấn đề thi hành, nhất là trong các vấn đề y tế, giáo dục, xã hội, trật tự công cộng,… trách nhiệm đầu tiên là các chính quyền địa phương và tiểu bang.


Lấy một ví dụ cụ thể dễ hiểu nhất: TT Macron của Pháp có quyền ra lệnh mở/đóng cửa kinh doanh cả nước, mở/đóng cửa trường, bắt dân đeo/hay không đeo khẩu trang, ra lệnh cảnh sát dẹp biểu tình,… TT Trump không có những cái quyền đó. Những chuyện đó nằm trong tay các thống đốc và thị trưởng.


Hiểu như vậy thì hiểu được những ồn ào chửi bới TT Trump bất tài trong việc kiềm chế dịch hay dẹp loạn, chỉ là những chuyện chạy tội, bán cái, đổ thừa của các chính quyền địa phương, hầu hết thuộc đảng đối lập DC.


Tháng Giêng qua, ngay khi mới nghe phong phanh có dịch từ Vũ Hán, TT Trump đã ra lệnh giới hạn du khách từ TC qua Mỹ ngay, bất cần biết cụ Biden chửi là ‘bài ngoại cuồng điên’, cũng bất cần biết TTDC khi đó cho là TT Trump hù dọa vì dịch chỉ là một thứ cúm.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN LUẬT PHÁP


image

  

Trong ngành Tư Pháp, ông long trọng hứa sẽ phục hồi lại chức năng của các quan tòa, bảo đảm họ sẽ là những người lấy phán quyết theo Hiến Pháp, theo luật lệ hiện hành, chứ không theo cảm tính phe đảng cá nhân nữa. Ông đã giữ lời hứa bổ nhiệm hơn 200 quan tòa và hai thẩm phán vào Tối Cao Pháp Viện.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN DI DÂN


image

  

Di dân lậu đã trở thành một đại vấn nạn cho nước Mỹ. Dĩ nhiên, xứ này là xứ của di dân, do di dân xây dựng lên, không có lý do gì cấm di dân. Nhưng việc gì thì cũng phải có trật tự để khỏi xẩy ra loạn, có chừng mực để có khả năng lo chu đáo cho tất cả, từ những dân đang sống trong nước cho tới dân mới tới. Người nào vào theo đúng luật lệ thì được hoan nghênh, ai vào lậu không giấy phép thì bị coi là bất hợp pháp, bị trục xuất. Nước Mỹ có luật di dân được viết ra từ ngày lập quốc, tổng thống nào cũng phải tuân thủ.


Bây giờ, với TT Trump cũng không khác. Luật không thay đổi. Nhưng quan điểm chính trị lại bị lật ngược bốn vó lên trời. Cản di dân vào lậu trở thành kỳ thị, đi ngược lại cái gọi là ‘tinh thần Mỹ’ – American spirit.


Cái lạ lùng là khi TT Obama khoe đã trục xuất nhiều di dân lậu nhất thì phe cấp tiến hoan nghênh, bây giờ TT Trump trục xuất chưa tới một phần nhỏ của Obama thì bị chửi kỳ thị. Cụ nào thấy khó hiểu, kẻ này xin  mách cho biết cái mánh của đảng DC. Năm xưa, TT Obama được hậu thuẫn tuyệt đối của dân da màu, bất kể da đen, da vàng hay da nâu, chỉ cần phiếu da trắng thôi. Thế là sách lược của ông là chống di dân lậu để lấy lòng đám da trắng.


Năm 2016, kết quả bầu cử với sự thảm bại của bà Hillary cho thấy đám da trắng đã đào ngũ bỏ đảng ta hết để bầu cho ông Trump. Thế là các đại ca 8 túi của đảng DC quyết định thay đổi sách lược, phải bám chặt vào đám da màu, da đen Bờ Lờ Mờ và da nâu lậu thôi. Báo WaPo đã ‘thành thật khai báo’, chống di dân lậu là đảng DC sẽ bị tiêu tùng ngay (xem mục tin Đảng DC và Di Dân trong trang Tin Tức tuần này). Chuyện di dân không còn là vấn đề nhân đạo, mà chỉ là bài tính đếm phiếu, không hơn không kém.


Tôn trọng luật pháp thay vì hành xử theo nhu cầu bầu cử, TT Trump bất cần di dân lậu, lo xây tường bảo vệ đất nước.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


Các cụ Âu Châu trước khi chửi TT Trump, xin cho tôi biết nếu tôi không có chiếu khán, không có thông hành, khơi khơi lấy máy bay qua bất cứ xứ Liên Âu nào có được nhập cảnh không? Qua tới nơi, xin lãnh đủ thứ trợ cấp, có được không?


CHUYỆN KỲ THỊ


image

  

DĐTC đã từng viết:


“Chuyện Mỹ kỳ thị chỉ là những hiện tượng cá nhân, không phải là kỳ thị hệ thống hóa, toàn diện. Nhưng lá bài kỳ thị đã và đang được khai thác triệt để trong mùa bầu cử này như một vũ khí tàn bạo và cực kỳ hữu hiệu vì rất nhạy cảm.


Cho dù Mỹ có vấn nạn kỳ thị đi nữa thì chụp cái mũ kỳ thị lên đầu Trump, làm như thể Trump đẻ ra nạn kỳ thị thì quả là lố bịch nhất khi nạn kỳ thị đã có ở Mỹ từ ngày ông cố tổ của Trump chưa ra đời bên Đức. Và những người chạy theo, hô hoán Trump kỳ thị chỉ là một đám mà Lê-Nin đã gọi là “useful idiots”, bị đảng DC và TTDC lợi dụng làm công cụ không hơn không kém.”

TT Trump nhìn nhận quốc nạn kỳ thị, nhưng không quỳ xuống cúi đầu xin lỗi ai hết.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN XÀI NGƯỜI


image

  

Đây là một trong những lý cớ vài cụ cuồng chống Trump mạt sát ông ta rất mạnh. Thật là quái lạ. Khi ông Trump ra tranh cử, thiên hạ chỉ nghe ông hứa sẽ làm gì, chưa khi nào ông hứa sẽ dùng ai, dùng vào trách nhiệm nào, dùng bao lâu hết.


Như đã viết, ông Trump là dân ngoài lề thủ đô, khi nhậm chức, chẳng biết ai là ai trong giới chính trị chuyên nghiệp, nên thu dụng người lung tung. Người nào hợp quan điểm thì ngồi lâu, không hợp thì đổi, cốt sao cho được việc, lo cho đất nước theo cách của ông. Việc ông dùng người nào vào việc gì, bao lâu là cách làm việc của ông, hoàn toàn trong phạm vi quyền hạn của ông, được Hiến Pháp bảo đảm. Ông làm được việc thì cứ để ông tiếp tục, không làm được thì bầu người khác. Thế thôi, mắc gì phải sỉ vả ông thay đổi nhân sự hay không?


Có người công kích TT Trump chỉ dùng ‘người của mình’, chuyên ‘yes Sir”. Ủa, chứ không lẽ ông phải dùng toàn những người chống phá ông, không làm theo ý ông, suốt ngày làm ngược lại chỉ thị của ông, gây lộn, chửi bới, phản phúc ông sao? Thế thì làm sao ông làm việc? Làm sao thực hiện được những gì ông đã hứa với cử tri?


Hình như các cụ công kích chuyện này chưa bao giờ có trách nhiệm nào quan trọng, chỉ huy được một người nào, chưa bao giờ hiểu được điều kiện tiên quyết của một nhóm làm việc tập thể là phải có sự đồng thuận, hợp quan điểm, cùng suy nghĩ như nhau mới làm việc chung được. Cụ thể là những người nào ủng hộ TT Trump, không hợp ý các cụ là các cụ chửi te tua hết, sao lại bắt TT Trump nhất định phải làm việc với những người khác ý ông?


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁ NHÂN


image

  

DĐTC đã viết nguyên một bài rồi, khỏi cần xào nấu lại ở cho mất thời giờ quý độc giả.


TT Trump không lẫn lộn nhu cầu đạo đức, lễ nghĩa giả đối cá nhân với chuyện kinh bang tế thế lo cho cuộc sống của 300 triệu dân.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN TÀU CỘNG VÀ VIỆT CỘNG


image

  

Các cụ cuồng chống Trump muốn khai thác sự căm thù TC của dân tị nạn Việt, nên cố lải nhải chuyện TT Trump không muốn hay không thể tiêu diệt TC và giải cứu VN.


Chuyện bá láp. Như DĐTC đã viết


“Xin lỗi quý vị, thằng nhóc đánh giày ở khu Tây Ba-lô Sài Gòn cũng biết là không bao giờ có chuyện lính Mỹ đánh Tàu cứu Việt, cho dù Tập Cận Bình có tung 50 sư đoàn Hồng Quân qua ải Nam Quan. TT Trump là người chủ trương Mỹ không can thiệp vào chuyện thế giới. 


Sau kinh nghiệm xương máu của 75, người Việt nào còn ngồi chờ Mỹ ‘chống cộng giùm’, chờ ông Mỹ Trump ‘giải phóng’ Hoàng Sa, hay ông Mỹ Biden tranh đấu cho nhân quyền của dân Việt thì người đó cần phải đi khám dây thần kinh vì bệnh vọng ngoại bất trị.”


TT Trump hứa sẽ chặn đứng nạn bá quyền của tân đế quốc đỏ TC. Vừa nhậm chức, ông bổ nhiệm ngay tiến sĩ Peter Navarro, một giáo sư kinh tế nổi tiếng là chống Tàu. Cuộc chiến này không phải là chuyện hai thằng nhóc tiểu học đấm đá nhau, mà là cuộc dằng co bạc nghìn tỷ giữa hai đại cường kinh tế số 1 và số 2, nhất là Tầu là nơi cả ngàn đại công ty Mỹ có hãng xưởng hay cả triệu khách hàng, đánh Tàu quá tay thì những công ty Mỹ này sẽ thành đồng minh của Tàu, tìm mọi cách triệt Trump như Facebook, Twitter, Apple, Microsoft đang cố gắng làm. Dĩ nhiên cuộc chiến của TT Trump chưa đi đến đâu hết, nhưng ít nhất, ông cũng đã là tổng thống đầu tiên cố thử làm một cái gì để thay đổi thế cờ trong khi 3 ông tiền nhiệm đã nhắm mắt nhìn thâm thủng mậu dịch với Trung Cộng leo thang tới hơn 500 tỷ.


Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.


CHUYỆN THẾ GIỚI


image

  

TT Trump hứa sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh lại, sẽ không thua ai hết, sẽ không cho ai lợi dụng khai thác, sẽ không lãnh đạo sau lưng ai hết. Trên căn bản, nhìn vào cách các quốc gia như Pháp, Anh, Ba Lan, Trung Cộng, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ rình ràng đón rước ông, so với việc ông tiền nhiệm tới Bắc Kinh phải ra cửa hậu máy bay, không kèn không trống thì ta có thể hình dung uy tín nước Mỹ đã đi lên hay tiếp tục nằm ‘sau lưng’ thiên hạ.


Chính sách đối ngoại của TT Trump đã được DĐTC bàn qua, xin nhắc lại:


“Chính sách đối ngoại cô lập ‘thượng tôn Mỹ’ này dĩ nhiên bị nhiều người chống, không kể cái đám cuồng điên nhắm mắt chống Trump về bất cứ chuyện gì. Đó là các khối


1) cấp tiến thiên tả DC và TTDC chủ trương toàn cầu hóa;


2) CH tân bảo thủ [neo-conservative] diều hâu, còn gọi là  tân đế quốc [neo-imperialism] coi nặng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, muốn tung lính Mỹ đánh cả Bắc Hàn lẫn Iran, chê TT Trump yếu đuối [ông Bolton];


3) tướng lãnh lo ngại thấy TT Trump đang phá hủy quan hệ chặt chẽ với đồng minh cố hữu Liên Âu mà họ cho là tối quan trọng để giúp bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên thế giới, như tham chiến tại Afghanistan, Iraq và chống khủng bố hồi giáo thế giới [các ông Mattis, Kelly]; và


4) Liên Âu khi TT Trump từ chối cõng cả thế giới trên lưng.”


Nói chung, gia tài nước Mỹ cấp tiến của TT Obama để lại đang bị TT Trump vứt vào thùng rác lịch sử, cùng với tất cả những chính sách thiệt thòi cho nước Mỹ nhất, như những chuyện phải đạo chính trị lố bịch và ngớ ngẩn chuyển giới là người hùng, nam nữ đề huề xài cầu tiêu chung, dân chúng thi đua đạt kỷ lục về trợ cấp, kỷ lục về phiếu thực phẩm, kinh doanh thi đua tháo chạy ra khỏi nước, kinh tế èo uột không phát triển được, nước Mỹ một mình hy sinh cõng chuyện quốc phòng, môi sinh, kinh tế cho cả thế giới đại đồng.

 

Tôi ưa TT Trump ở điểm đó.

 

Câu hỏi cho quý độc giả: tất cả những chuyện nêu trên, đó có là những lý do quan trọng, chính đáng mà quý vị trông đợi ở một tổng thống không? Có ảnh hưởng cụ thể và trực tiếp trên gia đình và cá nhân quý vị không? Có quan trọng hơn những chuyện vớ vẩn, lãng nhách như ‘vua nói láo’, ‘thích nịnh Nga, Tàu, Bắc Hàn’, bị năm bẩy bà thưa kiện sách nhiễu lăng nhăng chẳng đi đến đâu hết, thông đồng cuội, đổi chác ma, sách của bà cháu chửi rủa vì không được hưởng gia tài, ông phụ tá phản phúc, bị đuổi, chửi bới lung tung cho hả giận, chống đối của ông này, bà kia,… Xin lỗi, nói như Mỹ  “who the hell cares?”

 

Các cụ DƯT nặng càng chửi bới lung tung những chuyện lắt nhắt không đâu vào đâu, càng chứng tỏ trên những vấn đề ‘quốc sự’ lớn, TT Trump đã thành công đến độ các cụ cứng lưỡi, khó chỉ trích được. Các cụ càng bám vào những chuyện vớ vẩn để chửi, kẻ này càng tự tin mình đã nhận định TT Trump đúng mức, không rảnh thắc mắc hay ‘phản bác’ những chửi vặt nhảm nhí và ấu trĩ.

 

 

 

 

Vũ Linh


trump work GIF

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Làm thế nào để cuộc sống không nhàm chán?

 



image

Một số người dễ bị chán chường hơn. Và từ "tính ái kỷ bị che giấu" đến khả năng kiểm soát bản thân thấp, đó là những lý do có thể giải thích cho ta về nguồn gốc của cảm xúc bí ẩn này.

 

Tiếng đập mạnh của van. Tiếng đập rùng rùng. Cú đẩy cực mạnh từ sau lưng khi động cơ tên lửa châm ngòi. Thực tế đáng báo động là đây có thể là khoảnh khắc quý giá cuối cùng mà bạn còn sống.

 

Dù là ở góc độ nào thì hành trình vào không gian cũng là chuyến đầy kịch tính.

 

Trong đợt phóng tàu lần thứ hai trong sự nghiệp của mình, hồi năm 1982, phi hành gia Valentin Lebedev cảm thấy tên lửa chao đảo qua phải và qua trái, như thể nó mất thăng bằng… sau đó cuối cùng, ông cảm thấy bản thân rời khỏi mặt đất.

 

Khi phi hành đoàn bay vọt vào không gian, họ la lên: "G-o-o-u" - người ta vẫn chưa rõ vì sao họ làm vậy.


image

  

Nhưng dù chuyến du hành vào không gian của Lebedev bắt đầu với một liều adrenaline, thì cơn phấn khích này cũng mai một dần - và chỉ sau một tuần trong sứ mệnh kéo dài bảy tháng trên trạm không gian vũ trụ Salyut 7, ông bắt đầu thấy chán.

 

Thực tế là, bay qua quỹ đạo thấp của Trái Đất với vận tốc 8km/giây (tương đương 17.900 dặm/giờ) trong một chiếc hộp nhôm nhỏ xíu không đủ sức khiến ông mê mẩn. Ông viết trong nhật ký rằng "nhịp sống buồn tẻ bắt đầu".

 

Ta có xu hướng nghĩ sự buồn chán là phản ứng rõ ràng với những hoạt động tẻ nhạt. Cuối cùng thì hiếm khi nào ta gặp ai mà nói họ cảm thấy yêu thích việc giặt đồ hay ngồi làm giấy tờ thuế - và người ta sẽ cực kỳ nghi ngờ nếu bạn thấy thích làm các việc này.

 

Ngoại trừ sự thật là sự nhàm chán không hẳn là rõ ràng như vậy.

 

Nhiều thập niên nghiên cứu tiết lộ rằng sự nhàm chán vừa bí ẩn vừa khó chịu, và mức độ đơn điệu mà mỗi người có thể chịu đựng lại cực kỳ khác nhau.


image

  

"Tôi nghĩ mọi người đều nhận được tín hiệu của sự nhàm chán," James Danckert, lãnh đạo một phòng nghiên cứu về sự nhàm chán từ Đại học Waterloo, Ontario, nói. "Dù vậy, một số người thực sự, thực sự giỏi ứng phó với điều đó."

 

Năm 2014, nhóm nhà tâm lý học xã hội từ Đại học Virginia khám phá ra rằng trong loạt thí nghiệm về việc để tâm trí suy nghĩ vẩn vơ thì rất nhiều người - khoảng 25% nữ giới và 67% nam giới trong tổng số người tham dự - đã tự chích điện bản thân khi họ ở một mình trong phòng chỉ 15 phút, chỉ để có việc gì đó làm. Một người thậm chí tự chích điện tới 200 lần.


image

Sự nhạy cảm với nhàm chán có thể có sẵn trong bộ gene một số người

 

Và từ một người chăm chỉ tái dựng lại bữa tiệc thời Babylon theo thực đơn ghi trên bảng đất nung từ 3.750 năm trước, cho đến một phụ nữ thi tới thi lui một kỳ thi ở trường bảy năm trước chỉ vì chút tò mò, cuộc phong tỏa cách ly trong thời gian vừa qua đã tiết lộ những chiến lược kỳ lạ và tuyệt vọng của mọi người nhằm chống lại sự nhàm chán, không hẳn chỉ giới hạn trong môi trường phòng thí nghiệm.

 

Ở thái cực ngược lại, một số người chủ động tìm kiếm tình huống mà thông thường được coi là tẻ nhạt.


image

  

Ẩn sĩ Christopher Knight, người đã lái xe đến một cánh rừng ở bang Maine vào năm 1986 và không hề xuất hiện trở lại trong 27 năm, cho biết ông chưa từng cảm thấy nhàm chán - mặc dù theo ông là phần lớn thời gian ở đó ông hoàn toàn không làm gì cả.

 

Vậy, tại sao lại như thế?

 

Một trong những dấu tích sớm nhất của sự nhàm chán có từ thời La Mã, khi nhà triết học Seneca có lẽ đã bắt đầu truyền thống ca thán về sự nhàm chán.

 

Trong những lá thư trao đổi đáng suy ngẫm với người bạn, ông đặt câu hỏi "Quo usque eadem" - nghĩa là "Ta còn phải [chịu đựng] cùng một thứ này đến bao giờ?", và ông viết tiếp, "Tôi không làm gì mới cả. Tôi không thấy gì mới cả. Cuối cùng tôi phát buồn nôn vì sự tình này".

 

Sau này, vào thời trung cổ còn có mối bận tâm với tình trạng "acedia" - theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thờ ơ - mà người Thiên Chúa Giáo cho rằng là một dạng hờ hững hoặc lười nhác đầy tội lỗi.


image

  

Mặc dù từ tiếng Anh "nhàm chán" (boredom) được phát minh từ đầu Thế kỷ 19, nhưng công chúng vẫn không chú ý đến nó cho đến khi văn hào Charles Dickens đưa nó vào một trong những cuốn tiểu thuyết của ông.

 

Tua nhanh đến thời đại ngày nay, sự nhàm chán rõ ràng có mặt ở mọi nơi - đôi khi trạng thái này được mô tả là bệnh dịch của xã hội hiện đại.

 

Hồi năm 2016, một nhân viên người Pháp kiện công ty ông từng làm về tình trạng "chán muốn chết" [bore-out] - một hội chứng anh em của tình trạng kiệt sức trong làm việc - và ông thắng kiện.

 

Trong khi đó, Thế hệ Z - là những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến cuối thập niên 2010 - đã chế ra một kiểu mới, "nhàm chán trên điện thoại", là tình trạng cứ cuộn xuống liên tục trên ứng dụng điện thoại và chẳng cảm thấy có gì khiến bạn hứng thú.

 

Giờ đây người ta còn thậm chí chẩn đoán cả thú cưng của họ cũng bị nhàm chán.

 

Định nghĩa sự nhàm chán

 

Nỗ lực gIải mã vì sao một số người lúc nào cũng cảm thấy nhàm chán trong khi một số khác có thể sống mà chẳng cần phải có gì để tiêu khiến là chuyện liên tục gặp nhiều khó khăn, bởi có một thực tế là trong suốt một thời gian dài, các nhà tâm lý đã không thể thống nhất với nhau như thế nào thì gọi là chán chường.


image

Chris Hadfield từng hơn một lần nói rằng "chỉ có người nhàm chán mới thấy chán chường"

 

Vào thập niên 1960 và 1970, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự nhàm chán đơn thuần là cảm giác phát sinh khi làm một công việc lặp đi lặp lại.

 

Điều này dẫn đến ý tưởng gây kinh ngạc là thực ra sự nhàm chán có thể tăng mức độ "kích thích" của một người - đó là khả năng khiến bạn chú ý và phản hồi với sự việc xung quanh bạn.


Chẳng hạn, trong một nghiên cứu - có vẻ như ủng hộ ý này - một nhóm tình nguyện viên được yêu cầu bấm nút khi họ thấy ánh đèn nhá lên trong hộp, và kết quả cho thấy sự chú ý cao độ và kích thích cũng tăng lên từ cảm giác nhàm chán.

 

Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu ban đầu khác sử dụng định nghĩa quen thuộc và theo cách nào đó là hoàn toàn trái ngược.

 

Từ năm 1986, "thang đo nhàm chán" thường được sử dụng để đo mức độ chán chường của người tham dự, thông qua việc hỏi họ đánh giá họ đồng ý ra sao với các câu như "Tôi rất dễ tập trung trong hoạt động của mình".

 

Trong trường hợp này, khi một người nói họ thấy dễ tập trung thì có thể là chỉ dấu cho thấy người đó không hay cảm thấy chán chường.

 

Giờ đây các nhà tâm lý biết rằng có ít nhất năm loại hình nhàm chán, gồm có:


image

  

"nhàm chán chuẩn mực", là khi bạn có những suy nghĩ lang thang đâu đó và cảm thấy không biết làm gì;

 

"nhàm chán gây phản ứng", là tình trạng bạn cảm thấy phẫn nộ với người, việc níu chân bạn - như thầy giáo hay nơi làm việc chẳng hạn - và với việc cứ phải làm đi làm lại những thứ bạn cần làm;

 

"nhàm chán tìm kiếm", là khi bạn cảm thấy bồn chồn và tìm cách thoát khỏi tình trạng hiện tại;

 

"nhàm chán hờ hững", là khi bạn cảm thấy thư giãn và không dính dáng gì với thế giới chung quanh; và một kiểu nhàm chán mới vừa được phát hiện, "nhàm chán đờ đẫn", khi bạn chẳng thấy mọi sự là xấu hay tốt, và bạn bất lực không thể thoát ra khỏi tình huống đó.

 

Dù bạn đang trải qua thể loại nhàm chán nào, thì nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức độ nhàm chán đó để lại dấu ấn rõ nét trong não bạn.


image

  

Trong một nghiên cứu do Danckert và nhà tâm lý học Colleen Merrifield đứng đầu, một nhóm tình nguyện viên đã cho phép quét não bộ qua một máy quét cộng hưởng từ chức năng MRI mà không hề nghĩ rằng họ đang bị đưa vào tình trạng nhàm chán cực độ bằng cách được cho xem video hai người đàn ông phơi đồ, và thỉnh thoảng hỏi xin người kia kẹp quần áo.

 

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mối liên hệ giữa sự nhàm chán và hoạt động trong "mạng lưới chế độ mặc định" - là một nhóm các liên kết giữa các vùng vỏ não vốn thường liên quan với tình trạng tâm trí suy nghĩ lan man. "Nó đặc biệt hoạt động khi không có nhiệm vụ nào bên ngoài khiến bạn cần làm và không có gì diễn ra xung quanh bạn," Dancker cho biết.


image

Người ta bắt đầu chẩn đoán chó cũng có thể bị nhàm chán, và khi đó chúng dễ có những hành vi phá hoại

 

Những gì mà sự nhàm chán báo hiệu cho bạn biết, theo Danckert giải thích, đó là bạn không tương tác với thế giới - bạn mất kiểm soát với xung quanh và bạn không hoạt động hiệu quả nữa.

 

Cũng như những cảm xúc tiêu cực khác, như giận dữ và buồn chán, có thể sự nhàm chán tiến hóa để thúc đẩy con người.

 

"Những gì ta thực sự tìm kiếm là được liên kết về mặt nhận thức. Ta muốn sử dụng sức mạnh tâm trí cho điều gì đó mà ta thấy có ý nghĩa."

 

Nếu đây là vấn đề, thì nó có thể giúp giải đáp vì sao một số người có thể sống nhiều năm đơn độc, trong khi một số khác lại sẵn sàng tự sốc điện bản thân dù chỉ ở một mình trong có 15 phút.

 

Một số môi trường khiến người ta dễ trở nên chán chường, nhưng chỉ có một số người cho phép bản thân rơi vào trạng thái chán chường.

 

Những người khác nhận thức được cảm giác giống như tâm trạng bồn chồn, và họ cố gắng tìm cách thay đổi hoàn cảnh - họ đưa thêm cảm giác sống có mục đích, có ý nghĩa vào.

 

Lấy ví dụ trường hợp phi hành gia người Canada Chris Hadfield. Trái ngược hẳn với Lebedev, ông rõ ràng không có khoảnh khắc đờ đẫn nào trong sứ mệnh tạm thời năm 2012 đến Trạm Không gian Quốc tế, dù có ít người đi cùng để giao tiếp cùn, và phải làm các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.

 

Hadfield từng công khai bày tỏ nhiều lần rằng "chỉ có người đáng chán trở nên nhàm chán".


image

  

Để chứng minh cho câu nói đó, ông nổi tiếng vì sử dụng thời gian rảnh để trình diễn ca khúc Space Oddity của David Bowie trong không gian không trọng lực.

 

"Nếu bạn nói chuyện với ông, những gì bạn học được là ông thực sự nhận biết tín hiệu của sự nhàm chán - ông nhanh chóng xử lý nó cực kỳ nhanh và cực kỳ hiệu quả," Danckert, tác giả cuốn sách viết về Hadfield, "Bên ngoài não bộ: Tâm lý của Sự Nhàm Chán" (Out of My Skull: The Psychology of Boredom), nói.

 

Trong không gian, Hadfield tìm thấy ý nghĩa ngay cả với những nhiệm vụ khiến não bộ trở nên đờ đẫn, ví dụ như vận hành máy bơm.

 

Nhưng thậm chí khi còn nhỏ, khi giúp đỡ cha mẹ ở nông trại tại miền Nam Ontario, ông cũng có thể khiến bản thân luôn tích cực hoạt động - ông tự đặt thử thách cho mình là nín thở thật lâu khi đập tơi vụn từng tảng đất lớn.

 

Bắt chước cách làm của Hadfield khi phải đối mặt với khoảnh khắc nhàm chán có thể đem lại những lợi ích đáng kinh ngạc khác. Như từng khám phá ra trong quá khứ, khi làm những việc đáng chán, để tâm trí bạn tha thẩn thay vì với tay lấy điện thoại chẳng hạn, có thể giúp bạn tăng cường sự sáng tạo.

 

Mặt trái của sự đờ đẫn


image

  

Tin xấu với những người nhanh chán, theo Danckert, là tình trạng dễ rơi vào cảm xúc này có liên quan đến một loạt các vấn đề khác, như hành vi bốc đồng, lạm dụng chất kích thích, nghiện cờ bạc, nghiện điện thoại di động, trầm cảm, những chấn thương tâm lý thể hiện thành kích thích thể chất như cơn đau - và còn nhiều tình trạng khác.

 

Đáng chú ý là, sự nhàm chán cũng có thể có liên hệ với nhiều hình thức rối loạn nhân cách.


image

Phi hành gia Chris Hadfield từng tự thách thức bản thân nhịn thở được lâu khi làm các công việc buồn chán ở trang trại của cha mẹ

 

Một trong số đó là chứng ái kỷ - không phải loại thông thường mà người ta thường thổi phồng về sự vĩ đại và quan trọng của bản thân, vốn là tính cách của một số chính trị gia, mà là chứng "ái kỷ ngầm".

 

Chứng này xảy ra với những người cảm thấy bản thân cực kỳ tài hoa, nhưng không được công nhận xứng đáng. "Họ kiểu như sẽ nghĩ 'Giá mà thế giới biết được'," Danckert giải thích.

 

Không ai biết chắc mối liên hệ ở đây là gì, nhưng giả thiết ban đầu cho rằng nếu như có một khoảng cách giữa năng lực sẵn có và mục tiêu của bạn, thì chính là bạn đã tự đào sẵn hố cho sự thất bại của bản thân - và điều này dẫn đến cảm giác bất mãn, chán chường.

 

Một điều khác nữa là khi người "ái kỷ ngầm" không nhận được sự tán thưởng, công nhận từ những người xung quanh - điều mà họ khát khao - thì họ mất hứng thú và trở nên chán chường.

 

Trong thực tế, nhàm chán chỉ là một trong rất nhiều phản ứng phụ không mong muốn khi người ái kỷ cố giữ sự tự ca ngợi bản thân.

 

Chẳng hạn, người bị chứng ái kỷ ngầm thường ít có sự lành mạnh về tâm thần, trong khi một số người ái kỷ công khai lại khá hạnh phúc và tự tin hơn.


image

  

Một xu hướng nhân cách khác có liên quan đến sự nhàm chán là giận dữ - hung hăng dẫn đến khả năng cực kỳ mẫn cảm và gây loạn thần, vốn liên quan đến mức độ lo âu, tội lỗi và ghen tuông dữ dội. Trong tất cả những điều này, trở nên nhàm chán thường là dấu hiệu không hay - và có thể một phần là vì có sự kiểm soát cảm xúc kém.

 

"Ta cần phải cố gắng và hiểu tính chất tự nhiên của nguyên nhân giữa các mối liên hệ này. Và ta vẫn chưa làm được điều đó," Danckert giải thích.

 

"Vì vậy, chẳng hạn như trong mối liên hệ giữa sự nhàm chán và tình trạng trầm cảm, thì liệu sự nhàm chán có đến trước cơn trầm cảm hay không - đây có phải là yếu tố rủi ro gây trầm cảm không? Tôi nghĩ câu trả lời có thể là có."

 

Câu hỏi cuối cùng là liệu có có những chiến lược nào đó mà những người nhạy cảm với sự nhàm chán có thể học hỏi được hay không - hay sự nhàm chán là từ gene mà ra. Đây là điều mà Danckert đang nghiên cứu.

 

"Một lần nữa, chúng tôi vẫn chưa có dữ liệu, nhưng câu trả lời ban đầu theo quan sát của tôi là có thể điều này có liên hệ với điều gì đó trong từng cá nhân."

 

Tuy nhiên, Danckert trông đợi rằng, cũng như với tất cả cảm xúc, thì sự thích nghi với tình trạng nhàm chán có vẻ như xuất hiện từ sự kết hợp giữa các yếu tố do gene và do học hỏi.


image

  

Có vẻ như Hadfield đã trau dồi kỹ năng ứng phó với sự nhàm chán từ thời thơ ấu - và khi sử dụng đúng kỹ thuật, thì ngay cả với sự nhàm chán dai dẳng nhất cũng có thể đem lại trải nghiệm sống phong phú hơn.

 

Vì vậy, lần kế tiếp khi bạn cảm thấy bản thân than thở cuộc sống sao chán đến vậy, hãy nghĩ về trải nghiệm khác nhau của Lebedev và Hadfield trong không gian. Bạn có thể nhận ra rằng đó chỉ là vấn đề quan điểm.

 

 

 

Zaria Gorvett 


Haunting Trick Or Treat GIF by Barbara Pozzi